Huấn thị việc thực hiện điều tra cấp giáo phận trong các vụ án Phong Thánh

1449

Mẹ của các thánh, là Giáo Hội đã luôn luôn giữ gìn ký ‎ức của mình bằng cách đề xuất các mẫu gương trung thành về sự thánh thiện trong “Theo gương Chúa Kitô” sequela Christi (1). Trải qua nhiều thế kỷ Các Đức Giáo hoàng  đã lo việc ban hành các quy tắc phù hợp để giúp đạt tới chân lý trong những vấn đề rất quan trọng đối với Giáo Hội. Trong thời đại chúng ta, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành Tông Hiến Divinus perfectionis Magister, ngày 25 Tháng 01, 1983. Trong đó, Ngài đã thiết lập, trong số những quy định khác, những thủ tục điều tra cấp giáo phận được các Giám Mục tiến hành để hướng tới việc phong chân phước và phong thánh cho các Tôi tớ Chúa (2).

Cũng trong Tông Hiến đó, Đức Thánh Cha đã ban cho Bộ Phong Thánh quyền công bố những quy tắc đặc biệt để thực hiện các cuộc điều tra (3) về đời sống, nhân đức, danh tiếng  thánh thiện và sức mạnh cầu bầu, hoặc về đời sống, sự tử đạo và danh tiếng tử đạo, sức mạnh cầu bầu của Tôi tớ Chúa, và về những dấu lạ nhờ sự cầu bầu của Đấng Thánh, của Tôi tớ Chúa, và trong một số trường hợp, về sự sùng kính lâu đời đối với Tôi tớ Chúa (4) .

Ngài cũng bãi bỏ những quy định các đấng tiền nhiệm ban hành và các quy tắc được ấn định bởi những điều trong Bộ Giáo Luật năm 1917 về các vụ án phong chân phước và phong thánh (5).

Ngày 07 tháng 02 năm 1983, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phê chuẩn Normae servandae in Inquisitionibus ab Episcopis faciendis in causis Sanctorum, thiết lập các quy tắc đặc biệt mà cuộc điều tra cấp giáo phận phải tuân theo trong các vụ án phong chân phước và phong thánh (6). Sau khi ban hành Tông Hiến trên và Tông huấn Normae servandae, Thánh Bộ, theo kinh nghiệm của mình, công bố Huấn thị này (7) để tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Tòa Thánh và các Giám mục.

Huấn thị này nhằm mục đích làm sáng tỏ những quy định của các điều luật hiện hành trong những vụ án phong Thánh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng và hướng dẫn cách thực hiện những quy định đó trong những vụ án xưa kia và gần đây. Vì vậy, nó nhắm đến các Giám Mục giáo phận, hoặc những người có chức vụ tương đương trong  luật, và những người tham gia trong giai đoạn đầu của vụ án. Huấn thị này, một cách trình tự, bàn đến tiến trình thủ tục của cuộc điều tra cấp giáo phận được ấn định bởi Tông huấn Normae servandae, chỉ ra một cách thực tế và có trình tự việc ứng dụng chúng trong khi vẫn bảo toàn mức độ nghiêm chỉnh  các cuộc điều tra.

Trước hết, cuộc điều tra cấp giáo phận liên quan đến các nhân đức anh hùng hoặc sự tử vì đạo của các Tôi tớ Chúa. Trước khi quyết định khởi sự vụ án, Đức Giám mục sẽ phải xác minh một số sự kiện đưa đến quyết định của ngài. Sau khi đã quyết định cho khởi sự vụ án, ngài sẽ bắt đầu điều tra thực tế bằng cách ra lệnh thu thập các chứng cứ tài liệu về vụ án. Nếu thấy không có khó khăn nào không thể vượt qua, ngài sẽ tiến hành nghe các nhân chứng, cuối cùng, kết thúc điều tra và gửi các hồ sơ về cho Thánh Bộ, nơi đó giai đoạn của vụ án tại Rôma sẽ bắt đầu, đó là, giai đoạn nghiên cứu và phán quyết dứt khoát chính vụ án đó.

Về vấn đề điều tra các dấu lạ được loan truyền, Huấn thị chỉ ra một số yếu tố của các thủ tục đó, trong hai mươi năm qua, đã gặp nhiều phiền phức trong việc áp dụng các quy định liên quan đến chính cuộc điều tra các dấu lạ.

Bộ Phong Thánh mong muốn rằng Huấn thị này sẽ là một sự trợ giúp hữu hiệu cho các Giám mục để các Kitô hữu, noi theo một cách chặt chẽ hơn gương Chúa Kitô, Người Thầy tuyệt hảo, có thể làm chứng cho Vương quốc nước trời. Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội của Công Đồng Vatican II Lumen Gentium dạy: “Khi chúng ta nhìn vào đời sống của những người đã trung thành theo Chúa Kitô, chúng ta được đầy cảm hứng để tìm kiếm thành thánh mai sau, đồng thời chúng ta tìm ra con đường an toàn nhất mà theo đó, trong bối cảnh thực tế luôn thay đổi của thế giới này, vẫn duy trì trạng thái và điều kiện sống phù hợp với mỗi người chúng ta, chúng ta có thể đạt đến sự hợp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô, đó là, sự thánh thiện (8).

PHẦN I
VỤ ÁN  PHONG CHÂN PHƯỚC VÀ PHONG THÁNH

Tiêu đề I
Những yếu tố ban đầu

Điều 1 – § 1. Huấn thị này bàn về những vụ án phong chân phước và phong thánh được quy định do bộ luật đặc biệt của giáo hoàng (9).

  • 2. Những vụ án này, tùy theo mức độ, thu thập các chứng cứ để đạt được sự chắc chắn về luân lý các nhân đức anh hùng hoặc sự tử đạo của Tôi tớ Chúa đang được thỉnh cầu phong chân phước và phong thánh.
  • 3. Những chỉ định đặc biệt, cũng như các quy tắc thủ tục của bộ Giáo Luật (Rôma) và Bộ luật của Giáo Hội Đông Phương, liên quan đến thủ tục thu thập các chứng cứ tài liệu phải được tuân theo, đặc biệt là nghe các nhân chứng (10).

Điều 2 – Theo Hướng dẫn này, cuộc điều tra giống như quá trình thực hiện các vụ án phong chân phước và phong thánh phù hợp với giáo luật đã có hiệu lực trước đây (11).

Điều 3 – Trong Huấn thị này, các quy tắc đều giống nhau cho các Giám mục giáo phận (Rôma) và giáo phụ đông phương, cũng như cho những người có cùng quyền hạn tương tự theo quy định ở điều 381 § 2 CIC.

Tiêu đề II
Danh tiếng thánh thiện hoặc tử đạo và sức mạnh cầu bầu

Điều 4 – § 1. Vụ án phong chân phước và phong thánh liên quan đến một người Công giáo mà cuộc sống, cái chết và sau khi chết đã có danh tiếng thánh thiện bằng việc sống các nhân đức Kitô giáo một cách anh hùng, hoặc có danh tiếng tử đạo bởi vì, đã theo sát Chúa Kitô mà phải hy sinh mạng sống mình trong hành vi tử vì đạo.

  • 2. Người Công giáo trong vụ án phong chân phước và phong thánh đó được gọi là Tôi tớ Chúa.

Điều 5 – § 1. Danh tiếng thánh thiện là những ý kiến ​​đã lan truyền nơi các tín hữu về sự khiết tịnh và tính toàn vẹn của đời sống của  Tôi tớ Chúa và thực hành các nhân đức đó một cách anh hùng (12).

  • 2. Danh tiếng tử đạo là những ý kiến ​​ đã lan truyền nơi các tín hữu về cái chết của Tôi tớ Chúa vì Đức Tin, hoặc vì một nhân đức có liên quan đến Đức Tin (13).

Điều 6 – Danh tiếng về sức mạnh cầu bầu là ý kiến ​​đã lan truyền nơi các tín hữu về những ân sủng và ân huệ nhận được từ Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Tôi tớ Chúa (14).

Điều 7 – § 1. Trước khi quyết định khởi sự vụ án, Đức Giám mục giáo phận hay giáo phụ đông phương phải xác minh xem, trong số một phần đáng kể dân Chúa, Tôi tớ Chúa có danh tiếng đích thực và phổ biến rộng rãi về sự thánh thiện hoặc sự tử đạo cũng như danh tiếng xác thực và rộng rãi về sức mạnh cầu bầu không (15).

  • 2. Danh tiếng này phải là tự phát và không do con người tạo ra. Nó phải ổn định, liên tục, phổ biến trong số những người đáng tin cậy và tồn tại trong một phần đáng kể dân Chúa (16).

Điều 8 – § 1. Trước hết, cáo thỉnh viên phải thu thập tài liệu về danh tiếng thánh thiện hoặc tử đạo và danh tiếng về sức mạnh cầu bầu, nhân danh thỉnh nguyện viên, đệ trình việc đó cho Đức Giám mục đương quyền (17).

  • 2. Đức Giám mục phải đánh giá các tài liệu để xác định sự tồn tại về danh tiếng thánh thiện hoặc tử đạo, và danh tiếng về sức mạnh cầu bầu, cũng như tầm quan trọng của vụ án đối với Giáo Hội (18).
  • 3. Tài liệu này phải được kèm vào hồ sơ của cuộc điều tra (19).

Tiêu đề III
Thỉnh nguyện viên của vụ án

Điều 9 – Thỉnh nguyện viên xúc tiến vụ án đã được hướng dẫn về các nhân đức anh hùng hoặc về sự tử đạo của Tôi tớ Chúa, đảm nhận nghĩa vụ đạo đức và tài chính của vụ án (20).

Điều 10 – § 1. Thỉnh nguyện viên của vụ án có thể là Giám mục giáo phận hay giáo phụ đông phương đương quyền (ex officio), các pháp nhân, như là các giáo phận công giáo hay giáo phận đông phương, các tổ chức tương đương có tư cách pháp nhân, các giáo xứ, các Hội dòng tận hiến hay các tu đoàn Tông đồ hoặc các tu hội tín hữu giáo sĩ và/hay giáo dân được giáo quyền thừa nhận.

  • 2. Thỉnh nguyện viên của vụ án cũng có thể là một người, nghĩa là, bất kỳ thành viên nào của Dân Chúa, miễn là người ấy có thể đảm bảo sự tiến triển của vụ án trong giai đoạn cấp giáo phận và giai đoạn ở Rôma (21).

Điều 11 – § 1. Pháp nhân hay thể nhân đều được đứng làm thỉnh nguyện viên của vụ án bằng một tài liệu có công chứng.

  • 2. Đức Giám mục chấp nhận sự việc này sau khi đã xác minh khả năng của pháp nhân hoặc thể nhân đó để đảm nhận các nghĩa vụ gắn liền với vai trò thỉnh nguyện viên.

Tiêu đề IV
Cáo thỉnh viên của vụ án

Điều 12 – § 1. Bằng văn bản bổ nhiệm theo  luật định, thỉnh nguyện viên chọn một biện lý‎, hoặc cáo thỉnh viên, cho giai đoạn cấp giáo phận của vụ án (22).

  • 2. Thay mặt cho thỉnh nguyện viên, cáo thỉnh viên theo dõi tiến trình của vụ án cùng với các cấp thẩm quyền của giáo phận.
  • 3. Chức vụ cáo thỉnh viên có thể được đảm nhiệm bởi một linh mục, một thành viên của một Hội dòng tận hiến, của một tu đoàn Tông đồ, hoặc của một tu hội tín hữu giáo sĩ và/ hay giáo dân, hoặc bởi một giáo dân nam hay nữ.
  • 4. Cáo thỉnh viên phải là một chuyên gia về thần học, về giáo luật và lịch sử, quán triệt các nguyên tắc của Bộ Phong Thánh (23).

Điều 13 – § 1. Cáo thỉnh viên cấp giáo phận, được thỉnh nguyện viên bổ nhiệm hợp lệ, phải được  Đức Giám mục đương quyền phê chuẩn (24).

  • 2. Văn bản bổ nhiệm cáo thỉnh viên và / hoặc phó cáo thỉnh viên phải được kèm vào hồ sơ điều tra (25).

Điều 14 – § 1. Cáo thỉnh viên giáo phận có thể được thay thế bởi những người khác được gọi là Phó Cáo thỉnh viên.

  • 2. Phó Cáo thỉnh viên được chính Cáo thỉnh viên bổ nhiệm bằng văn bản theo luật định, sau khi có sự đồng ý của thỉnh nguyện viên (26).

Điều 15 – § 1. Trong tiến trình điều tra này, cáo thỉnh viên hoặc phó cáo thỉnh viên giáo phận phải là người ở trong giáo phận, nơi diễn ra cuộc điều tra.

  • 2. Trong giai đoạn vụ án ở Rôma, cáo thỉnh viên, được thỉnh nguyện viên bổ nhiệm hợp lệ bằng một văn bản mới theo luật định, phải được Thánh Bộ chấp thuận và phải thường trú tại Rôma (27).
  • 3. Nếu cáo thỉnh viên giai đoạn giáo phận hay giáo phận đông phương trong vụ án là cáo thỉnh viên chung của một Hội dòng tận hiến, một Tu đoàn Tông đồ hoặc một tu hội tín hữu giáo sĩ và/hay giáo dân nơi Tôi Tớ Chúa sống, cáo thỉnh viên đó vẫn giữ chức vụ của mình ngay cả trong giai đoạn ở Rôma mà không cần một thư bổ nhiệm mới.

Điều 16 – Cáo thỉnh viên của giai đoạn ở Rôma trong vụ án không được phép chỉ định một Phó cáo thỉnh viên thay thế  mình để làm việc với Thánh Bộ.

Điều 17 – § 1. Trước hết và trên hết, cáo thỉnh viên phải tiến hành nghiên cứu về đời sống của Tôi tớ Chúa, việc đó hữu ích để biết danh tiếng thánh thiện hoặc tử đạo, danh tiếng về sức mạnh cầu bầu và tầm quan trọng của vụ án đối với Giáo Hội.

  • 2. Cáo thỉnh viên phải thông báo cho Đức Giám mục đương quyền về kết quả nghiên cứu của mình. Cáo thỉnh viên không được che giấu bất cứ phát hiện ngẫu nhiên nào trái với danh tiếng thánh thiện hoặc tử đạo và danh tiếng của sức mạnh cầu bầu của Tôi tớ Chúa (28).
  • 3. Cáo thỉnh viên bắt buộc phải hành động vì lợi ích lớn lao của Giáo Hội, và vì thế phải tìm kiếm sự thật một cách tận tâm và trung thực. Cáo thỉnh viên phải chỉ ra những khó khăn tình cờ để tránh phải điều tra thêm sẽ làm chậm trễ tiến độ của vụ án (29).

Điều 18 – Cáo thỉnh viên phải quản lý các khoản tiền được cung cấp cho vụ án theo quy định của Thánh Bộ (30).

Điều 19 – § 1. Cáo thỉnh viên phải chuyển giao cho các chuyên gia về các vấn đề lịch sử và các vấn đề liên quan đến hồ sơ lưu trữ tất cả tài liệu của vụ án mình sở hữu.

  • 2. Cáo thỉnh viên không thể thu thập theo pháp lý‎ các chứng cứ tài liệu hoặc những lời truyền miệng ngẫu nhiên của các nhân chứng trong vụ án (31).
  • 3. Nhiệm vụ thu thập các bằng chứng, theo luật quy định, chỉ thuộc về Đức Giám mục giáo phận hay giáo phụ đông phương và những người được bổ nhiệm hợp lệ cho nhiệm vụ này theo những điều được quy định bởi Tông huấn Normae servandae.

Tiêu đề V
Đức Giám mục đương quyền

Điều 20 – Đó là quyền của các Giám Mục giáo phận, giáo phụ đông phương và những người có chức vụ tương đương theo giáo luật, để điều tra, trong phạm vi thẩm quyền của mình, đời sống, nhân đức hoặc sự tử đạo, và danh tiếng thánh thiện hay tử đạo, các phép lạ được lan truyền và nếu có, sự sùng kính lâu đời đối với Tôi tớ Chúa đang được thỉnh cầu phong chân phước và phong thánh (32).

Điều 21 – § 1. Đức Giám mục có thẩm quyền  hướng dẫn cuộc điều tra cấp giáo phận về các nhân đức anh hùng hoặc tử vì đạo là người cai quản địa hạt nơi Tôi tớ Chúa đã chết (33).

  • 2 – Đức Giám mục có thẩm quyền hướng dẫn cuộc điều tra cấp giáo phận về một dấu lạ được lan truyền là người cai quản địa hạt nơi dấu lạ đã xảy ra (34).

Điều 22 – § 1. Dựa theo đề nghị của Đức Giám mục định khởi sự vụ án, Bộ Phong Thánh có thể chuyển giao thẩm quyền cho một tổ chức giáo hội khác, nghĩa là, một giáo phận khác, vì những lý do đặc biệt (ví dụ, nơi có nhiều bằng chứng quan trọng hơn hoặc nơi Tôi tớ Chúa đã trải qua phần lớn cuộc đời mình).

  • 2. Đức Giám mục đứng đề nghị phải được sự đồng ý bằng văn bản của Đức Giám mục đương quyền.
  • 3. Trong vụ án của một nhóm các vị tử đạo, cần thiết phải có sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các Giám mục các giáo phận, nơi các Tôi tớ Chúa đã chết.

Điều 23 – § 1. Sau khi có sự đồng ý như vậy, Đức Giám mục được đề cập ở điều 22 § 1 của Huấn thị này phải gửi yêu cầu bằng văn bản cho Thánh Bộ nơi có thẩm quyền thừa nhận các tình huống đặc biệt trong vụ án đó (35).

  • 2. Trong đề nghị đó, ngài phải giải thích lý do về việc chuyển giao quyền hành, đồng thời, đính kèm một bản sao văn bản đồng‎ ý của Đức Giám mục đương quyền.

Điều 24 – § 1. Một khi các hoàn cảnh cụ thể của vụ án đã được xác minh, Thánh Bộ sẽ cấp giấy chuyển giao thẩm quyền hội nghị bằng một chỉ thị sẽ được kèm vào hồ sơ phiên họp đầu tiên của cuộc điều tra (36).

  • 2. Đức Giám mục đứng đề nghị sẽ bắt đầu cuộc điều tra cấp giáo phận chỉ sau khi đã nhận được chỉ thị của Thánh Bộ.

PHẦN II
GIAI ĐOẠN SƠ BỘ CỦA VỤ ÁN

Tiêu đề I
Đệ trình bản kiến nghị

Điều 25 – § 1. Trong những vụ án gần đây, cáo thỉnh viên sẽ đệ trình cho Giám mục giáo phận bản Kiến nghị (supplex libellus), trong đó ông thỉnh cầu khởi sự vụ án (37).

  • 2. Bản kiến nghị có thể được đệ trình cho Đức Giám mục không sớm hơn năm năm sau cái chết của Tôi tớ Chúa (38).
  • 3. Trước khi chấp nhận Bản Kiến nghị, Đức Giám mục phải xác minh xem, trong khoảng thời gian đó, danh tiếng đích thực của sự thánh thiện hoặc của việc tử đạo và sức mạnh cầu bầu có phát triển trong Dân Chúa không .

Điều 26 – § 1. Nếu bản Kiến nghị được đệ trình sau hơn ba mươi năm đã trôi qua kể từ cái chết của Tôi tớ Chúa, cáo thỉnh viên phải nêu rõ lý do gây ra sự chậm trễ như thế.

  • 2. Đức Giám mục phải xác định và quyết đoán liệu có bất kỳ gian lận hoặc lừa dối nào về phía thỉnh nguyện viên trong việc trì hoãn đệ trình bản Kiến nghị hay không (39).

Điều 27 – § 1. Đức Giám mục sẽ chứng minh việc không có gian lận hoặc lừa dối với một tuyên bố bằng văn bản, trong đó ngài làm sáng tỏ những lý do cụ thể cho sự chậm trễ đó.

  • 2. Bản tuyên bố đó phải được kèm vào hồ sơ điều tra (40).

Tiêu đề II
Những vụ án xưa và nay

Điều 28 – § 1. Tiến trình phải theo trong cuộc điều tra cấp giáo phận được xác định do loại  chứng cứ.

  • 2. Một vụ án có thể mới đây hoặc xưa kia.

Điều 29 – § 1. Một vụ án mới là khi các nhân đức, sự tử đạo của Tôi tớ Chúa có thể được chứng minh thông qua lời cung khai của các nhân chứng sống (41).

  • 2. Trong một vụ án mới, cuộc điều tra sẽ chủ yếu tập trung nghe các nhân chứng, trong khi vẫn luôn lưu tâm đến sự cần thiết phải tìm kiếm và thu thập tất cả các chứng cứ tài liệu về vụ án (42).

Điều 30 – § 1. Một vụ án xưa là khi những bằng chứng liên quan đến các nhân đức đặc biệt (in specie) hoặc sự tử vì đạo của Tôi tớ Chúa chỉ có thể được đưa ra ánh sáng từ các nguồn được ghi chép vì không có nhân chứng sống về tính cách anh hùng trong việc tuân giữ các nhân đức hoặc việc tử vì đạo của Tôi tớ Chúa (43 ).

  • 2. Trong một vụ án xưa, cuộc điều tra sẽ ưu tiên coi trọng sự nghiên cứu của các chuyên gia trong các vấn đề lịch sử và các vấn đề có liên quan đến hồ sơ lưu trữ, trong khi vẫn lưu tâm sự cần thiết phải nghe một số nhân chứng về sự tồn tại của danh tiếng thánh thiện hoặc tử đạo và sức mạnh cầu bầu và, nếu có, về sự sùng kính đối với Tôi tớ Chúa, trong thời gian gần đây hơn (44).