Giáo Hội toàn cầuTin tức

Quá trình phục hồi hô hấp của Đức Phanxicô sẽ diễn ra như thế nào?

Quá trình phục hồi hô hấp của Đức Phanxicô sẽ diễn ra như thế nào?

lefigaro.fr, Aude Rambaud, 2025-04-01

Dự kiến quá trình phục hồi chức năng hô hấp và thể lý của Đức Phanxicô / Yara Nardi / REUTERS

Đức Phanxicô rời bệnh viện trong tình trạng rất yếu sau khi ngài bị viêm hai lá phổi. Ngài sẽ tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng hô hấp. Đức Phanxicô 88 tuổi, ngài bị viêm hai lá phổi và phải nằm bệnh viện hơn năm tuần. Ngày 23 tháng 3 ngài xuất viện trong tình trạng yếu và khó thở. Vatican thông báo ngài sẽ không tiếp tục các hoạt động bình thường trong vài tuần. Ngài phải tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng hô hấp và phục hồi sức khỏe.

Quá trình phục hồi gồm những gì? Giáo sư Frederick Costes, bác sĩ chuyên khoa phổi tại Bệnh viện Đại học Clermont-Ferrand, Giám đốc Nhóm phế nang của Hiệp hội Phổi học giải thích: “Nếu không biết hồ sơ bệnh án của ngài thì có thể cho rằng vì viêm phổi nên ngài khó thở. Vì thế ngài phải tập vật lý trị liệu hô hấp trong thời gian ở bệnh viện để làm sạch phế quản. Các kỹ thuật dẫn lưu phế quản gồm các thao tác thủ công và dùng dụng cụ để loại bỏ dịch tiết và làm sạch đường thở.” Ông Gregory Reychler, chuyên gia vật lý trị liệu tại Brussels (Bỉ) cho biết: “Nó không chữa khỏi bệnh nhưng làm giảm cường độ hoặc thời gian kéo dài của các triệu chứng.”

Hơn nữa, có lẽ ngài đã phải nằm liệt giường một thời gian dài khi ở bệnh viện, ông Reychler giải thích tóm tắt: “Các bài tập vận động để chống lại tình trạng yếu chung của cơ thể, có thể thụ động tập trên giường, hoặc chủ động và đi bộ. Các biện pháp can thiệp có thể có nhiều hình thức tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân. Mục đích là lấy lại hơi thở và chống lại tình trạng mất cơ và suy nhược thể chất.”

Nhiều buổi tập mỗi tuần

Với hình ảnh chúng ta thấy ngài rất hốc hác bên cửa sổ, có vẻ như các bài tập này chưa đủ. Rất hiếm khi quá trình phục hồi chức năng dừng lại nhanh chóng sau cơn bệnh nặng và bệnh nhân được bình phục sau chương trình phục hồi chức năng đa chuyên khoa khi xuất viện. Thường thường bệnh nhân suy yếu được chuyển qua dịch vụ chăm sóc y tế và phục hồi chức năng. Nếu bệnh nhân có đủ khả năng tự lập, họ sẽ được các mạng lưới chăm sóc biên toa để phục hồi chức năng ngoại trú. Quá trình phục hồi chức năng sau đó được thực hiện tại nhà hoặc tại phòng khám khu vực.

Khó thở là cảm giác ngạt thở liên tục, tạo nỗi hoảng sợ khi làm những việc rất nhỏ như đi thang cuốn ở tàu điện ngầm.

Vật lý trị liệu vẫn là nền tảng của phương pháp điều trị nhằm giảm tình trạng khó thở và tập luyện lại để vận động. Ông Reychler giải thích: “Vật lý trị liệu hô hấp giúp bệnh nhân khạc đờm và cải thiện hơi thở. Các bài tập và thiết bị tăng cường các cơ hô hấp, tăng biên độ lồng ngực và cải thiện khả năng thể chất.” Phương pháp điều trị đi kèm với các bài tập thể dục để tăng thêm sức mạnh cho đôi chân và rèn luyện lại tim, đặc biệt là đi bộ, đạp xe. Các tập luyện này được điều chỉnh theo tình trạng của bệnh nhân: kể từ năm 2022 vì đau đầu gối, Đức Phanxicô đã đi gậy và ngồi xe lăn.

Các bác sĩ chuyên khoa phổi lên chương trình phục hồi, điều chỉnh chế độ ăn uống để phù hợp với việc tăng cường cơ bắp, hướng dẫn các buổi trị liệu để hiểu cách kiểm soát hậu quả lâu dài của bệnh, kể cả vấn đề tâm lý. Trên thực tế, khó thở là cảm giác ngạt thở liên tục, một cố gắng nhỏ nhất cũng làm bệnh nhân hoảng sợ. 

Một chương trình hiệu quả!

Ông Reychler giải thích: “Đức Phanxicô sẽ có một chương trìnhh tối ưu dành cho ngài. Ở tuổi 88, vẫn còn thời gian. Chúng tôi chăm sóc các bệnh nhân còn lớn tuổi hơn ngài!” Trên thực tế, chương trình phục hồi đã chứng minh được hiệu quả, đặc biệt ở những bệnh nhân mắc bệnh kinh niên hô hấp, ung thư phổi hoặc khí phế thũng (bệnh phổi đặc trưng do sự phá hủy dần dần và không thể phục hồi của các phế nang phổi). Những căn bệnh này dẫn đến việc suy giảm dần các hoạt động hàng ngày và mất khả năng tự chủ. Vì vậy phải phá vỡ vòng xoáy này. Giáo sư Frédéric Costes lưu ý: “Ở những bệnh nhân này, lợi ích của phục hồi chức năng rất đáng kể: một số bệnh nhân có thể đi bộ thêm khoảng 20% quãng đường trong sáu phút trong các lần tập trước và sau. Cảm giác ngạt thở, mệt mỏi và lo lắng giảm đáng kể. Nhưng hiệu quả sẽ biến mất trong vòng ba đến sáu tháng nếu bệnh nhân không tiếp tục cố gắng.”

Các chương trìnhh này được thực hiện tại bệnh viện hoặc trung tâm chuyên khoa nhưng quan trọng là bệnh nhân phải tiếp tục tập tại nhà. Giáo sư Costes khuyên: “Giai đoạn này rất khó khăn, vì thế cần lưu ý đến việc tập luyện để tìm các hoạt động và đặt ra mục tiêu. Ví dụ, không còn sợ đi bộ, đi cầu thang, v.v. Việc tham gia các hoạt động nhóm hoặc các tập luyện thích ứng sẽ rất hữu ích.”

Việc tập luyện cần có nhiều buổi và tư vấn mỗi tuần trong vòng hai đến ba tháng, đôi khi phải đi xa nhà vì thế cần kiên trì cố gắng. Bà Nathalie Simonnot, chuyên gia vật lý trị liệu công nhận: “Việc tập luyện cần rất nhiều cố gắng và phải kiên trì.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài liên quan

Back to top button