Huấn thị việc thực hiện điều tra cấp giáo phận trong các vụ án Phong Thánh

1449

Tiêu đề III
Vụ án về nhân đức anh hùng hoặc tử đạo

Điều 31 – § 1. Nếu muốn chứng minh sự anh hùng trong việc tuân giữ các nhân đức của Tôi tớ Chúa, cuộc điều tra phải tìm hiểu “về đời sống, các nhân đức anh hùng, danh tiếng thánh thiện và sức mạnh cầu bầu”.

  • 2. Nếu muốn chứng minh sự tử đạo của Tôi tớ Chúa, cuộc điều tra phải tìm hiểu “về đời sống, sự tử vì đạo, danh tiếng tử đạo và sức mạnh cầu bầu” (45).

Điều 32 – § 1. Cuộc điều tra có thể được tiến hành với nhiều Tôi tớ Chúa trong trường hợp các Tôi tớ Chúa đã bị giết chết trong cùng  một cuộc bách hại và cùng một địa điểm (46).

  • 2. Trong những vụ án như thế, một Tôi tớ Chúa phải được chọn làm người đứng đầu nhóm và những người khác được kể như đồng bạn và cùng tử đạo.
  • 3. Nếu có thể, Đức Giám mục sẽ gom chung trong một nhóm nam nữ Tôi tớ Chúa, đại diện cho những hoàn cảnh sống khác nhau trong Giáo Hội.

Điều 33 – § 1. Trong trường hợp được gọi là Đấng Thánh lâu đời, nghĩa là, một Tôi tớ Chúa là đối tượng của việc sùng kính từ xa xưa theo Sắc lệnh của Đức Giáo hoàng Urban VIII, khi tìm kiếm sự xác nhận việc sùng kính đó, Đức Giám mục sẽ tiến hành theo Tông huấn Normae servandae được ban hành đối với các vụ án xưa (47).

  • 2. Cáo thỉnh viên đệ trình lên Đức Giám mục bản Kiến nghị (Libellus) cùng với các tài liệu theo yêu cầu đối với các vụ án xưa (48).

Điều 34 – Nếu sắc luật xác nhận việc sùng kính Đấng Thánh lâu đời đã được công bố, như đã xảy ra trong quá khứ, mà không có sự chứng minh trước về nhân đức anh hùng hoặc tử vì đạo, để phong thánh cho Đấng Thánh lâu đời, Đức Giám mục sẽ tiến hành điều tra về đời sống và nhân đức anh hùng hoặc tử vì đạo theo tiến trình được ban hành bởi Tông huấn Normae servandae cho các vụ án xưa.

Điều 35 – Một khi sắc luật xác nhận sự sùng kính và các nhân đức anh hùng hoặc tử đạo của Ðấng Thánh được công bố,  Đấng Thánh xưa có thể được tiến hành phong thánh bằng cách phê chuẩn một phép lạ đã xảy ra sau khi xác nhận sự sùng kính đó.

Tiêu đề IV
Bản Kiến nghị (Libellus)

Điều 36 – § 1. Libellus là yêu cầu bằng văn bản mà cáo thỉnh viên, thay mặt thỉnh nguyện viên, chính thức thỉnh cầu Đức Giám mục có thẩm quyền khởi xướng vụ án về các nhân đức hoặc sự tử đạo của Tôi tớ Chúa (49)

  • 2. Vì cuộc điều tra về các dấu lạ lan truyền được tiến hành riêng biệt khác với điều tra các nhân đức hoặc sự tử đạo của Tôi tớ Chúa, Bản kiến nghị yêu cầu khởi sự điều tra cần phải được đệ trình riêng biệt khác với cuộc điều tra các nhân đức của Tôi tớ Chúa (50).
  • 3. Thỉnh cầu này phải chỉ ra, ít nhất một cách tóm tắt, những sự kiện và chứng cứ nào mà thỉnh nguyện viên dựa vào để minh chứng điều mình khẳng định. Thỉnh nguyện viên và cáo thỉnh viên phải ký tên, ghi rõ ngày tháng và nơi cư trú (51).

Điều 37 – Kèm theo văn bản yêu cầu điều tra về các nhân đức hoặc tử vì đạo, cáo thỉnh viên phải đệ trình cho Giám mục giáo phận hay giáo phụ đông phương những thứ sau đây:

  1. trong cả hai vụ án xưa và nay, bản tiểu sử có giá trị lịch sử nhất định về Tôi tớ Chúa, hay nói cách khác, một bản phúc trình chính xác về đời sống và hoạt động của Tôi tớ Chúa, về các nhân đức hoặc tử vì đạo, về danh tiếng thánh thiện hoặc tử đạo và danh tiếng về sức mạnh cầu bầu, không bỏ qua điều gì có vẻ trái với hoặc kém thuận lợi cho vụ án đó (52);
  2. một bản sao y bản chính của tất cả các bài viết đã công bố của Tôi tớ Chúa (53) ;
  3. một danh sách các nhân chứng cuối cùng, nghĩa là:
  4. trong vụ án gần đây: một danh sách những người có thể góp phần chứng thật về các nhân đức hoặc tử vì đạo của Tôi tớ Chúa, cũng như về danh tiếng thánh thiện hoặc tử đạo, và danh tiếng về sức mạnh cầu bầu, không bỏ sót những người có thể thắc mắc về danh tiếng đó (54);
  5. trong vụ án xưa: danh sách một số nhân chứng có thể làm chứng về danh tiếng thánh thiện hoặc tử đạo và sức mạnh cầu bầu tồn tại cho đến ngày nay trong phần đông dân Chúa (55).

Điều 38 – § 1. Kèm theo văn bản yêu cầu tiến hành cuộc điều tra về một dấu lạ được lan truyền, cáo thỉnh viên phải đệ trình cho Giám mục giáo phận hay giáo phụ đông phương :

  1. một phúc trình ngắn gọn và chính xác về các tình huống đặc biệt của vụ án;
  2. một danh sách các nhân chứng;
  3. tất cả các tài liệu liên quan đến vụ án (56).
  • 2. Trong trường hợp phép lạ chữa lành bệnh, các tài liệu y chứng lâm sàng cũng như kết quả xét nghiệm là cần thiết (ví dụ hồ sơ lâm sàng, hồ sơ y tế, các phiếu xét nghiệm và phân tích lâm sàng).

Điều 39 – Văn bản thỉnh cầu của cáo thỉnh viên và hồ sơ đính kèm, đã đề cập ở điều 37 và 38 của Huấn thị này, phải được kèm vào hồ sơ của phiên họp đầu tiên hoặc phiên khai mạc của cuộc điều tra (57).

Tiêu đề V
Chấp nhận bản Kiến nghị (Libellus)

Điều 40 – § 1. Mặc dù điều 45 § 1 của Huấn thị này vẫn duy trì hiệu lực đầy đủ, Đức Giám mục giáo phận hay giáo phụ đông phương có thể chấp nhận văn bản thỉnh cầu để khởi sự vụ án sau khi đã đánh giá danh tiếng thánh thiện hoặc tử vì đạo và sức mạnh cầu bầu là có thật và phổ biến (58) .

  • 2. Nếu vì những lý do chính đáng, Đức Giám mục có thể quyết định không chấp nhận văn bản thỉnh cầu, nhưng ngài phải thông báo quyết định của mình cho cáo thỉnh viên bằng một sắc chỉ, trong đó ngài giải thích rõ lý do tại sao không chấp nhận.

Tiêu đề VI
Tham khảo ý kiến
​​các Giám Mục khác

Điều 41 – § 1. Khi đã chấp nhận văn bản thỉnh cầu, Đức Giám mục phải tham khảo ý kiến ​​Hội đồng Giám mục xem có nên khởi sự vụ án không (59).

  • 2. Trong trường hợp của Giáo Hội Đông Phương, Giám mục phải tham khảo ý kiến ​​của Thượng Hội Đồng Giám mục của Giáo Hội được lãnh đạo bởi một Thượng Phụ hoặc một đại Tổng Giám mục, hoặc Hội đồng Giáo Hội trung ương tự trị (sui iuris), xem có nên khởi sự vụ án không.

Điều 42 – § 1. Để thể hiện tính cộng đồng hơn, ý kiến ​​này nên được thảo luận trong  cuộc họp của Hội đồng Giám mục .

  • 2. Kết quả cuộc họp được thông báo bằng văn bản cho Giám mục xin ý kiến, tốt nhất do Chủ tịch Hội đồng Giám mục, do Thượng Phụ, do Đại Tổng Giám mục hay Hội đồng Giáo hội trung ương tự trị (sui iuris), và phải có chữ ký của thư ký Hội Đồng tương ứng.
  • 3. Tài liệu này phải được kèm vào hồ sơ điều tra (60).

Tiêu đề VII
Công bố bản Kiến nghị (Libellus)

Điều 43 – § 1. Đức Giám mục phải công bố bản kiến nghị của cáo thỉnh viên để khởi sự vụ án trong giáo phận mình bằng một sắc chỉ  được dán ở Nhà thờ chính tòa hoặc công bố trong tờ báo của giáo phận.

  • 2. Nếu ngài nghĩ là khôn ngoan, ngài cũng thông báo cho các giáo phận khác, với sự đồng ý của các Giám mục giáo phận đó.
  • 3. Trong Sắc chỉ này , ngài phải mời gọi tất cả các tín hữu cung cấp bất cứ thông tin hữu ích nào có liên quan đến vụ án (61).
  • 4. Sắc chỉ này phải kèm vào hồ sơ của cuộc điều tra (62).

Điều 44 – § 1. Nếu có trở ngại nào đó có tầm quan trọng đáng kể chống lại vụ án xuất phát từ những thông tin nhận được, Đức Giám mục phải thông báo cho cáo thỉnh viên để ông có thể khắc phục nó (63).

  • 2. Trong trường hợp trở ngại đó không được khắc phục, Đức Giám mục quyết định cho ngưng tiến hành vụ án, ngài phải thông báo điều này cho cáo thỉnh viên bằng một sắc chỉ trong đó ngài giải thích lý do cho quyết định của mình (64).

Tiêu đề VIII
“Nihil Obstat” của Tòa Thánh

Điều 45 – § 1. Mặc dù điều 40 § 1 của Huấn thị này vẫn duy trì hiệu lực đầy đủ, Đức Giám mục giáo phận hay giáo chủ đông phương, trước khi chấp nhận văn bản yêu cầu của cáo thỉnh viên để khởi sự vụ án, ngài nên tham khảo Bộ Phong Thánh liệu có trở ngại nào về phía Tòa Thánh không (65).

  • 2. Đức Giám mục phải gửi cho Bộ Phong Thánh xin chứng nhận “nihil obstat” (không có gì trở ngại) cùng với một phúc trình ngắn gọn, trong đó ngài ghi rõ tiểu sử của Tôi tớ Chúa (ngày tháng, địa điểm và giáo phận nơi người sinh ra và chết, những hoạt động trong Giáo Hội, v.v.) và tầm quan trọng của vụ án đối với Giáo Hội.

Điều 46 – Thánh Bộ sẽ gửi thư trả lời cho Đức Giám mục, và thư đó phải kèm vào hồ sơ của vụ án (66).

PHẦN III
TIẾN TRÌNH VỤ ÁN

Tiêu đề I
Các điều tra viên nói chung

Điều 47 – § 1. Đức Giám mục và tất cả những người tham gia điều tra phải làm việc thật tích cực và cam kết rằng, trong việc thu thập  chứng cứ, không bỏ sót bất kỳ điều gì có liên quan đến vụ án. Quả thực, kết quả tích cực của vụ án phụ thuộc rất nhiều đến tiến trình tốt đẹp của nó (67).

  • 2. Các điều tra viên gồm : Đại diện Đức Giám mục, Biện lý, Lục sự và, trong trường hợp điều tra phép lạ chữa lành bệnh, phải có chuyên gia y tế, hoặc trong trường hợp điều tra một dấu lạ có tính chất khác, cần có chuyên gia kỹ thuật.

Điều 48 – § 1. Đức Giám mục phải bổ nhiệm tất cả các loại nhân viên cho mỗi cuộc điều tra bằng một sắc chỉ.

  • 2. Các sắc chỉ bổ nhiệm phải có chữ ký của Chưởng ấn giáo phận để đảm bảo giá trị pháp lý‎ (68).
  • 3. Các sắc chỉ đó phải được kèm vào hồ sơ của phiên họp đầu tiên hoặc phiên khai mạc cuộc điều tra (69).

Điều 49 – Không nhân viên nào được phép  làm hai nhiệm vụ trong cuộc điều tra này.

Điều 50 – § 1. Khi cuộc điều tra liên quan đến  một Tôi tớ Chúa thuộc một Hội dòng tận hiến, hay một  tu đoàn Tông đồ hoặc một tu hội tín hữu giáo sĩ và/hay giáo dân, Đức Giám mục không được ủy thác nhiệm vụ nào cho những người thuộc Hội dòng, tu đoàn hay tu hội đó.

  • 2. Nếu cần thiết, Đức Giám mục có thể bổ nhiệm một người của Hội dòng, Tu đoàn hay Tu hội đó làm chuyên gia trong các vấn đề lịch sử hoặc trong các vấn đề liên quan đến hồ sơ lưu trữ về Tôi tớ Chúa (70).

Điều 51 – § 1. Đức Giám mục giáo phận hoặc giáo phụ đông phương, tất cả những người được bổ nhiệm cho mỗi chức vụ và cáo thỉnh viên hoặc, nếu cần, phó cáo thỉnh viên, phải tuyên thệ thi hành nhiệm vụ cách trung thực và giữ bí mật nhiệm vụ của mình (71).

  • 2. Lời tuyên thệ này sẽ được thực hiện trong phiên họp đầu tiên hay phiên khai mạc cuộc điều tra.
  • 3. Tất cả đều phải ký tên ở dưới công thức tuyên thệ, và được kèm vào hồ sơ của phiên họp đầu tiên đó.

Điều 52 – Khi cuộc diều tra kết thúc với phiên họp cuối cùng hoặc phiên họp bế mạc, tất cả những người đã tham gia điều tra đều chấm dứt nhiệm vụ của mình, kể cả cáo thỉnh viên và phó cáo thỉnh viên giáo phận.
Tiêu đề II
Các điều tra viên nói riêng

Chương I
Đại diện của Đức Giám mục

Điều 53 – Đức Giám mục có thể tiến hành vụ án phong chân phước và phong thánh hoặc trực tiếp hoặc thông qua các Đại diện của mình (72).

Điều 54 – Đại diện Đức Giám mục phải là một linh mục am hiểu thần học, giáo luật, và trong trường hợp những vụ án xa xưa, phải  am hiểu các vấn đề lịch sử (73).

Điều 55 – Chỉ một vị Đại diện Giám mục  được đề cử cho mỗi vụ án.

Chương II
Biện lý

Điều 56 – § 1. Biện lý phải thận trọng để tất cả mọi điều giáo luật quy định  phải được tuân theo cách trung thực  trong khi tiến hành điều tra .

  • 2. Biện lý cũng phải lo liệu để tất cả các hồ sơ và tài liệu có liên quan đến đối tượng của cuộc điều tra đã được thu thập đầy đủ.
  • 3. Do đó Biện lý phải cộng tác với Đại diện Đức Giám mục một cách tích cực và có phương pháp (74).

Điều 57 – Biện lý phải là một linh mục am hiểu thần học, giáo luật, và trong trường hợp những vụ án xa xưa, am hiểu các vấn đề lịch sử (75).

Điều 58 – Chỉ một Biện lý được bổ nhiệm cho mỗi vụ án.

Chương III
Lục sự
(« Notary = Lục sự » : theo bản dịch của Bộ giáo luật 1983, có chức năng như thư k‎ý)

Điều 59 – § 1. Lục sự ghi lại các lời cung khai của nhân chứng và thu gom các hồ sơ của cuộc điều tra theo hướng dẫn của Đại diện Đức Giám mục (76).

  • 2. Nếu cần thiết, Đức Giám mục sẽ bổ nhiệm Phụ tá Lục sự .
  • 3. Bất kỳ người Công giáo nào đều có thể thi hành nhiệm vụ này.

Chương IV
Chuyên gia y tế

Điều 60 – § 1. Trong cuộc điều tra về một phép lạ chữa lành bệnh, Đức Giám mục phải bổ nhiệm một chuyên gia y tế.

  • 2. Trong cuộc điều tra về một phép lạ có tính chất khác, Đức Giám mục phải bổ nhiệm một chuyên gia kỹ thuật.
  • 3. Sau khi đã tuyên thệ trung thực thi hành nhiệm vụ của mình và giữ bí mật nhiệm vụ, chuyên gia sẽ hỗ trợ Biện lý trong việc chuẩn bị bản thẩm vấn các nhân chứng (77).
  • 4. Các chuyên gia phải tham gia các phiên họp nghe các nhân chứng, để thẩm vấn, thông qua Đại diện Đức Giám mục, làm sáng tỏ các vấn đề trong lãnh vực quyền hạn của mình, khi cần thiết và tùy hoàn cảnh (78).

Tiêu đề III
Địa điểm các phiên họp

Điều 61 – § 1. Các Phiên họp sẽ được tổ chức ở một nơi cố định của Tòa án giáo phận hoặc ở một nơi thích hợp (79).

  • 2. Các phiên họp không được tiến hành trong nhà của Hội dòng tận hiến, của Tu đoàn Tông đồ hay của Tu hội mà Tôi tớ Chúa là thành viên.

PHẦN IV
THU THẬP CHỨNG CỨ TƯ LIỆU

Tiêu đề I
Kiểm duyệt thần học

Điều 62 – § 1. Bằng những sắc chỉ riêng biệt Đức Giám mục phải bổ nhiệm ít nhất hai người kiểm duyệt thần học để xem xét các bài viết đã công bố của Tôi tớ Chúa được cáo thỉnh viên vụ án chuyển giao cho ngài (80).

  • 2. Các bài viết đã công bố của Tôi tớ Chúa là những tác phẩm được in ra bởi chính Tôi tớ Chúa hoặc bởi những người khác (81).
  • 3. Nếu số lượng các bài viết được công bố quá nhiều thì có thể chia nhỏ cho nhiều người kiểm duyệt khác nhau miễn là mỗi bài viết phải được ít nhất hai người kiểm duyệt.

Điều 63 – § 1. Tên của các người kiểm duyệt thần học phải được giữ kín.

  • 2. Những người kiểm duyệt thần học phải tuyên thệ từng người trước mặt Đức Giám mục và có sự hiện diện của Chưởng ấn để trung thực thi hành nhiệm vụ của mình và giữ bí mật nhiệm vụ (82).
  • 3. Lời tuyên thệ phải được ghi lại và phải kèm vào hồ sơ điều tra cùng với sắc chỉ bổ nhiệm.

Điều 64 – § 1. Những người kiểm duyệt thần học phải xem xét các bài viết được công bố của Tôi tớ Chúa và chứng thực là trong đó không có gì trái với đức tin và luân l‎ý (83).

  • 2. Những người kiểm duyệt thần học cũng nên xem xét các bài viết chưa được công bố của Tôi tớ Chúa và bày tỏ ý kiến ​​ là không có gì trái với đức tin và luân l‎ý (84).
  • 3. Những người kiểm duyệt thần học cũng có ý kiến để khẳng định nhân cách và tâm linh của Tôi tớ Chúa.

Điều 65 – § 1. Mỗi người kiểm duyệt thần học phải bày tỏ ý kiến ​​của mình riêng biệt và bằng văn bản.

  • 2. Khi chuyển giao tờ ý kiến ​​riêng của mình cho Đức Giám mục, mỗi người kiểm duyệt phải thề là đã thi hành nhiệm vụ của mình một cách trung thực.
  • 3. Lời tuyên thệ đó phải được ghi chép lại và kèm vào hồ sơ của cuộc điều tra.

Điều 66 – Theo nguyên tắc chung trong vụ án phong thánh, những người kiểm duyệt thần học sẽ không được gọi ra để chứng nhận ý kiến ​​của họ.

Điều 67 – Đức Giám mục sẽ cho kèm ý kiến ​​bằng văn bản của những người kiểm duyệt thần học vào hồ sơ phiên họp đầu tiên của cuộc điều tra hoặc một bản tuyên bố rằng không có bất kỳ bài viết được công bố nào của Tôi tớ Chúa (85).

 Tiêu đề II
Các chuyên gia về các vấn đề lịch sử và các vấn đề liên quan đến hồ sơ lưu trữ.
(« Ủy ban Lịch sử »)

Chương I
Các chuyên gia

Điều 68 – § 1. Trong tất cả các vụ án, cả xưa  và nay, Đức Giám mục phải bổ nhiệm, bằng sắc chỉ, ít nhất ba chuyên gia trong các vấn đề lịch sử và các vấn đề liên quan đến hồ sơ lưu trữ, gọi là Ủy ban Lịch sử (86).

  • 2. Nhiệm vụ của các chuyên gia là tìm kiếm và thu thập tất cả các bài viết của Tôi tớ Chúa, cả những bài chưa được công bố, cũng như mọi tài liệu lịch sử, hoặc viết tay hoặc in ấn, có liên quan đến vụ án cách này hay cách khác (87).
  • 3. Trong khi các chứng cứ được thu thập chính thức theo quá trình giáo luật, nhiệm vụ của chuyên gia không được chuyển giao cho cáo thỉnh viên, phó cáo thỉnh viên, hay những người cộng tác với họ (88).

Điều 69 – § 1. Đức Giám mục có thể bổ nhiệm một người nào đó thuộc Hội dòng tận hiến hay Tu đoàn Tông đồ hoặc Tu hội tín hữu giáo sĩ và/hoặc giáo dân mà Tôi tớ Chúa là thành viên làm chuyên gia trong các vấn đề lịch sử và các vấn đề có liên quan đến hồ sơ lưu trữ (89).

  • 2. Việc bổ nhiệm đó có thể hữu ích để tham khảo các hồ sơ lưu trữ của Hội dòng, của Tu đoàn hoặc Tu hội mà Tôi tớ Chúa là thành viên.

Điều 70 – § 1. Có sự hiện diện của Đức Giám mục và Chưởng ấn của giáo phận, các chuyên gia phải thề trung thực thi hành nhiệm vụ của mình và giữ bí mật nhiệm vụ  (90).

  • 2. Lời tuyên thệ được ghi chép lại và kèm vào hồ sơ điều tra.
  • 3. Các chuyên gia phải ký tên ở phía dưới mẫu tuyên thệ tương ứng.