Huấn thị việc thực hiện điều tra cấp giáo phận trong các vụ án Phong Thánh

1395

Chương II
Tìm kiếm và thu thập các chứng cứ tài liệu

Điều 71 – Các tài liệu phải được tìm kiếm trong kho lưu trữ ở tất cả những nơi Tôi tớ Chúa đã sống và làm việc (91).

Điều 72 – § 1. Một bản sao có chứng thực của tất cả các bài viết chưa công bố và của tất cả những tài liệu các chuyên gia đã thu thập phải được kèm vào hồ sơ của cuộc điều tra (92).

  • 2. Một danh sách đơn giản các bài viết và các tài liệu được phát hiện trong quá trình tìm kiếm là không đủ.(Phải có bản sao các thứ đó. ND)

Chương III
Bản phúc trình của các chuyên gia

Điều 73 – § 1. Sau khi việc tìm kiếm và thu thập các bài viết và tài liệu chưa công bố kết thúc, các chuyên gia phải chuẩn bị một bản phúc trình chính xác và chi tiết, cùng với các tài liệu thu thập được, sẽ được bàn giao cho Đức Giám mục hoặc Đại diện của ngài.

  • 2. Trong bản phúc trình, các chuyên gia phải:
  1. chỉ rõ và xác nhận rằng họ đã trung thực hoàn thành nhiệm vụ của mình;
  2. đệ trình một danh sách những hồ sơ lưu trữ đã tham khảo;
  3. đệ trình một danh sách các bài viết và các tài liệu được phát hiện ;
  4. đệ trình một bản đánh giá tính xác thực và giá trị của các bài viết và các tài liệu đó;
  5. đệ trình một bản đánh giá về nhân cách và tâm linh của Tôi tớ Chúa thể hiện trong các bài viết và tài liệu đó, không bỏ qua một khía cạnh bất lợi nào (93).
  • 3. Các chuyên gia phải chỉ rõ những trở ngại bất ngờ đối với vụ án cho Đức Giám mục hay Đại diện của ngài để thông báo cho cáo thỉnh viên hầu ông có thể khắc phục chúng (94).
  • 4. Bản phúc trình phải được kèm vào hồ sơ điều tra (95).

Điều 74 – Nếu khó khăn có tính chất thần học hoặc luân lý phát sinh từ các bài viết chưa được công bố của Tôi tớ Chúa, các chuyên gia phải thông báo cho Đức Giám mục hoặc Đại diện của ngài để có thể yêu cầu những người kiểm duyệt thần học thẩm định ​​(96).

Điều 75 – § 1. Bản phúc trình phải được ký bảo đảm cùng liên đới (in solidum), tức là, bởi tất cả các chuyên gia của Ủy ban lịch sử.

  • 2. Điều này không loại trừ khả năng các ý kiến ​​cuối cùng có thể khác nhau giữa các chuyên gia trong bản phúc trình.

Chương IV
Chứng cứ của các chuyên gia

Điều 76 – § 1. Các chuyên gia phải được gọi ra để chứng nhận riêng biệt từng người như là các nhân chứng chiếu theo chức vụ (ex officio) (97).

  • 2. Họ phải tuyên thệ:
  1. rằng họ đã thực hiện tất cả các cuộc điều tra đó;
  2. rằng họ đã thu thập tất cả những gì có liên quan đến vụ án;
  3. rằng họ đã không thay đổi và cũng không hủy bỏ bất kỳ tài liệu hoặc văn bản nào (98).
  • 3. Những vấn đề mặc nhiên (ex officio) khác, liên quan đến nhân cách và công việc của Tôi tớ Chúa, có thể triệu tập các nhân chứng để làm sáng tỏ các yếu tố bất lợi có tầm quan trọng trong vụ án (99).

PHẦN V
THU THẬP CHỨNG CỨ TỪ CÁC NHÂN CHỨNG

Tiêu đề I
Thẩm vấn

Điều 77 – § 1. Các vụ án xưa và nay đều theo cùng một trình tự.

  • 2. Do đó, chỉ được nghe các nhân chứng sau khi đã thu thập các chứng cứ tài liệu, xem phần IV: Thu thập chứng cứ tài liệu của Huấn thị này, trừ khi sợ mất cơ hội nghe chứng cứ miệng của các nhân chứng tận mắt. Trong trường hợp đó, điều khoản “sợ chứng cứ bị thất lạc” (“ne pereant probationes”), đề cập ở các điều 82-84 của Huấn thị này, có thể được viện dẫn.

Điều 78 – § 1. Tất cả tư liệu thu thập được  đến thời điểm này, nghĩa là, tất cả những gì gắn liền với văn bản thỉnh cầu của cáo thỉnh viên, ý kiến ​​của những người kiểm duyệt thần học và tư liệu được các chuyên gia thu thập về các vấn đề lịch sử và những vấn đề liên quan đến hồ sơ lưu trữ, cùng với bản Phúc trình của họ, sẽ được Đức Giám mục giao lại cho Biện lý (100).

  • 2. Biện lý phải soạn ra bản hỏi cung để thẩm vấn các nhân chứng. Nếu cần thiết, ông có thể thực hiện điều này với sự cộng tác của một số chuyên gia (101).
  • 3. Biện lý phải ký tên vào bản hỏi cung và ghi thêm địa điểm và ngày tháng ở cuối bản.

Điều 79 – § 1. Bản hỏi cung phải được chuẩn bị thế nào để có được những câu trả lời làm sáng tỏ sự hiểu biết về những sự kiện cụ thể và nguồn hiểu biết đó về phía nhân chứng.

  • 2. Bản hỏi cung phải bắt đầu với những câu hỏi về nhân thân của người làm chứng và mối quan hệ của nhân chứng với Tôi tớ Chúa (102).
  • 3. Các câu hỏi phải ngắn gọn, không gây nhầm lẫn, không lừa dối, không gợi ra câu trả lời và phù hợp với tầm hiểu biết của nhân chứng. Nó cũng không bao hàm một lúc nhiều vấn đề (103).
  • 4. Trong trường hợp điều tra các nhân đức, bản hỏi cung phải có các câu hỏi yêu cầu nhân chứng nêu những ví dụ chính xác và cụ thể trong việc thực hành mỗi nhân đức.

Điều 80 – § 1. Bản hỏi cung không được tiết lộ cho nhân chứng biết trước khi cung khai (104).

§ 2. Cáo thỉnh viên hoặc Phó Cáo thỉnh viên được phép cho nhân chứng biết tiểu sử có sẵn của Tôi tớ Chúa .

Điều 81 – Nếu cuộc điều tra liên quan đến một dấu lạ được lan truyền, tư liệu Cáo thỉnh viên thu thập được phải giao nộp cho Đức Giám mục đương quyền để ngài chuyển cho chuyên gia trong lĩnh vực đó. Chuyên gia sẽ thiết lập những câu hỏi cụ thể sau này đưa vào bản hỏi cung do Biện lý soạn thảo (105).

Tiêu đề II
«Sợ chứng cứ bị thất lạc» (Ne pereant probationes)

Điều 82 – § 1. Đức Giám mục hoặc Đại diện của ngài có thể áp dụng điều khoản «Sợ chứng cứ bị thất lạc» trong trường hợp chứng cứ là nhân chứng (trực tiếp), tức là những người có quan hệ cách nào đó với vụ án, có nguy cơ sẽ mất đi (nghĩa là phải khẩn trương hỏi cung những nhân chứng cao tuổi hoặc ốm đau) (106).

  • 2. Dựa trên cơ sở điều khoản nói trên, những nhân chứng này phải được hỏi cung ngay cả trước khi việc thu thập chứng cứ tài liệu hoàn tất.
  • 3. Để lấy lời cung khai của những nhân chứng như vậy, Đức Giám mục phải tiến hành theo những gì được ghi ở các điều 47-61 và 86-115 của Huấn thị này.

Điều 83 – § 1. Trong trường hợp một người muốn để lại lời khai về đời sống và cái chết của người trong vụ án đang tiến hành, người đó có thể cung cấp cho Đức Giám mục tờ cung khai bằng văn bản « để sau này ghi nhớ sự việc » « ad futuram rei memoriam ».

  • 2. Người viết bản cung khai đó phải ký‎ tên cùng với Lục sự giáo sĩ hay giáo dân để bản cung khai được chấp nhận là chứng cứ của vụ án.
  • 3. Đức Giám mục phải giữ tờ cung khai ở một nơi an toàn trong văn phòng chưởng ấn của giáo phận.

Điều 84 – Tác giả của tờ cung khai « ad futuram rei memoriam » phải được gọi ra để xác nhận trong cuộc điều tra cấp giáo phận cuối cùng.

Tiêu đề III
Triệu tập các phiên họp

Điều 85 – § 1. Địa điểm và thời gian của các phiên họp phải được thông báo sớm cho Biện lý, Lục sự hay phó Lục sự và những nhân chứng sẽ được gọi đến để làm chứng.

  • 2. Giấy triệu tập phải có chữ ký của Đức Giám mục hay Đại diện của ngài và chuyển vào hồ sơ thủ tục đúng thời điểm. Nó được thực hiện thông qua các giấy triệu tập hoặc bằng một cách nào khác thật an toàn (107).
  • 3. Những người được triệu tập buộc phải có mặt, nếu không thể đến được, phải thông báo cho Đức Giám mục hoặc Đại diện của ngài, nêu rõ lý do vắng mặt (108).

Tiêu đề IV
Phiên họp đầu tiên hoặc phiên khai mạc của cuộc Điều tra

Chương I
Những người tham dự

Điều 86 – § 1. Phiên họp đầu tiên của cuộc điều tra, tiến hành để tất cả các nhân viên điều tra tuyên thệ, được Đức Giám mục giáo phận chủ trì.

  • 2. Vì những lý do chính đáng, ngài được phép đề cử một linh mục thay thế ngài bằng một sắc chỉ.
  • 3. Các tín hữu có thể tham dự lễ khai mạc phiên họp đầu tiên (109).

Điều 87 – § 1. Tất cả các nhân viên, tức là, Đại diện Đức Giám mục, Biện lý, Lục sự, phó Lục sự, và trong trường hợp điều tra một dấu lạ được lan truyền, có chuyên gia được bổ nhiệm hợp lệ bởi Đức Giám mục, phải tham dự phiên họp đầu tiên này (110).

  • 2. Trong phiên họp đầu tiên nêu trên, cùng với Đức Giám mục và Cáo thỉnh viên hay phó Cáo thỉnh viên giáo phận phải thề trung thực thi hành nhiệm vụ của mình và giữ bí mật nhiệm vụ (111).

Điều 88 – Dù là trong hay ngoài các nhà thờ, điều cực kỳ quan trọng là phải luôn tránh mọi hành vi (như mừng trong phụng vụ, hay thuyết giảng tán dương tôn vinh Tôi tớ Chúa, v.v.) làm cho các tín hữu nghĩ sai trái rằng khởi sự điều tra, Tôi tớ Chúa tất yếu phải được phong chân phước hay phong thánh (112).

Chương II
Hồ sơ của phiên họp đầu tiên

Điều 89 – Các hồ sơ của vụ án đã hoàn thành và tất cả những tư liệu thu thập được phải kèm vào hồ sơ của phiên họp đầu tiên:

  1. Sắc chỉ chuyển giao thẩm quyền (nếu có) (113);
  2. Tất cả các tài liệu đệ trình cho Đức Giám mục với mục đích chứng minh danh tiếng thánh thiện hoặc tử đạo và sức mạnh cầu bầu của Tôi tớ Chúa (114);
  3. Văn thư bổ nhiệm Cáo thỉnh viên và/hoặc phó Cáo thỉnh viên (115) ;
  4. Bản Kiến nghị của cáo thỉnh viên cùng với các tư liệu theo quy định ở điều 10 của Tông Huấn “Normae servandae” (116);
  5. Bản kê khai lý do cụ thể về sự chậm trễ trong việc khởi sự vụ án (117);
  6. Ý kiến ​​của các Giám mục khác được tham khảo ​​về việc có nên mở án phong thánh hay không (118);
  7. Sắc chỉ của Đức Giám mục (119);
  8. Thư “Nihil Obstat” của Tòa Thánh (120);
  9. Những sắc chỉ bổ nhiệm các nhân viên điều tra (121);
  10. Ý kiến ​​bằng văn bản của các nhà kiểm duyệt thần học hoặc bản tuyên bố rằng không có các bài viết nào đã xuất bản (122);
  11. Tư liệu được thu thập bởi các chuyên gia về các vấn đề lịch sử và các vấn đề liên quan đến hồ sơ lưu trữ, cùng với bản Phúc trình của họ (123).

Chương III
Lục sự của phiên họp đầu tiên

Điều 90 – § 1. Nhiệm vụ Lục sự trong phiên họp đầu tiên phải biệt lập với  nhiệm vụ của Lục sự và phó Lục sự trong cuộc điều tra.

  • 2. Vì không có ai có thể tự xác nhận hành vi pháp lý của mình, Chưởng ấn của giáo phận nơi tiến hành cuộc điều tra thường được trao nhiệm vụ Lục sự trong phiên họp đầu tiên (124).

Tiêu đề V
Sự tham gia của Biện lý

Điều 91 – § 1. Do chức năng cụ thể là bảo vệ lợi ích chung trong các vụ án quan trọng, Biện lý phải tham gia một cách tích cực và có phương pháp, có mặt liên tục ở tất cả mọi phiên họp trong cuộc điều tra, phối hợp trực tiếp với Đại diện Đức Giám mục.

  • 2. Biện lý có thể gợi‎ ý cho Đại diện Đức Giám mục những vấn đề cụ thể để thẩm vấn các nhân chứng, điều đó cần thiết và hữu ích để nắm bắt vụ án cách sâu xa hơn (125).
  • 3. Biện lý chỉ được phép vắng mặt vì những lý do thật nghiêm trọng và điều này phải được ghi lại trong hồ sơ của phiên họp đó.
  • 4. Biện lý phải đọc các hồ sơ của phiên họp mà ông đã vắng mặt và chỉ ra cho Đức Giám mục hoặc Đại diện của ngài những khó khăn bất ngờ phải được làm sáng tỏ trong quá trình điều tra (126).

Tiêu đề VI
Sự tham gia của chuyên gia y tế

Điều 92 – § 1. Trong tiến trình điều tra một phép lạ chữa lành bệnh, chuyên gia y tế phải tuyên thệ, trong phiên họp đầu tiên của cuộc điều tra, trung thực hoàn thành nhiệm vụ của mình và giữ bí mật nhiệm vụ (127).

  • 2. Ngoài ra, ông phải tham dự tất cả mọi phiên họp, cùng hợp tác trực tiếp với Đại diện Đức Giám mục và, nếu cần thiết, gợi‎ ý cho ngài những vấn đề cụ thể để thẩm vấn các nhân chứng, điều đó cần thiết và hữu ích để nắm bắt vụ án cách sâu xa hơn (128).
  • 3. Nếu chuyên gia xét thấy cần thiết nêu những câu hỏi đặc biệt về phía nhân chứng đã được thẩm vấn rồi, nhân chứng đó cũng nên được triệu tập đến để xác nhận.
  • 4. Chuyên gia chỉ được phép vắng mặt vì những lý do thật nghiêm trọng và điều này phải được ghi lại trong hồ sơ của phiên họp đó.

Điều 93 – § 1. Để Bộ Phong Thánh xác minh một dấu lạ được lan truyền, chuyên gia y tế nên chuẩn bị một bản phúc trình.

  • 2. Trong phúc trình, ông phải đưa ra một đánh giá về phẩm chất của các nhân chứng y tế và kỹ thuật.
  • 3. Bản phúc trình được gửi kèm với bức thư mà Đức Giám mục hay Đại diện của ngài sẽ gửi cho Tổng Trưởng Thánh Bộ (129).

Tiêu đề VII
Sự tham gia của Cáo thỉnh viên và/hoặc Phó cáo thỉnh viên

Điều 94 – Theo quan điểm luật học đã được xác lập của Thánh Bộ, Cáo thỉnh viên và/ hoặc phó cáo thỉnh viên không được tham dự các phiên họp được tổ chức để lấy lời khai các nhân chứng (130).

Điều 95 – § 1. Sau khi công bố các hồ sơ  điều tra, cáo thỉnh viên có quyền xem lời khai của các nhân chứng và các tài liệu liên quan  (131).

  • 2. Nếu cần, Cáo thỉnh viên có thể thỉnh cầu Đức Giám mục hay Đại diện của ngài bổ sung các chứng cứ với những nhân chứng và / hoặc tài liệu mới.

Tiêu đề VIII
Các nhân chứng và lời khai của nhân chứng

Chương I
Ai có thể làm nhân chứng

Điều 96 – Các nhân chứng phải được gọi đến  làm chứng trong cuộc điều tra là :

  1. những nhân chứng được cáo thỉnh viên chỉ định trong bản Kiến nghị (Libellus) (132);
  2. các nhân chứng chiếu theo chức vụ (ex officio), đặc biệt nếu họ chống lại vụ án (133);
  3. Các đồng nhân chứng, tức là, những người được các nhân chứng chỉ ra trong lời khai của họ;
  4. các chuyên gia trong các vấn đề lịch sử và các vấn đề liên quan đến hồ sơ lưu trữ là những nhân chứng chiếu theo chức vụ (ex officio) (134);
  5. Trong cuộc điều tra về một phép lạ chữa lành bệnh , những bác sĩ điều trị người được chữa lành và các chuyên gia y tế là nhân chứng khám nghiệm (ab inspectione) (135).

Điều 97 – Đức Giám mục hoặc Đại diện của ngài có thể giới hạn số lượng tối đa những người làm chứng (136).

Điều 98 – § 1. Để chứng minh nhân đức sống anh hùng hoặc tử đạo của Tôi tớ Chúa trong các vụ án gần đây, bắt buộc phải có những người chứng kiến tận mắt ​​(de visu), đó là, những người trực tiếp biết Tôi tớ Chúa. Trước hết, những người cùng huyết thống và bà con họ hàng đều phải được gọi đến để làm chứng (137).

  • 2. Nếu cần thiết, những người nắm được thông tin về Tôi tớ Chúa từ những người trực tiếp biết (de auditu a videntibus) có thể được gọi đến để làm nhân chứng (138).
  • 3. Lấy lời khai của những nhân chứng, những người đã nắm được thông tin về Tôi tớ Chúa từ những người, lần lượt, chỉ nghe người khác nói về Tôi tớ Chúa chứ không nhìn thấy (de auditu ab audientibus).

Điều 99 – § 1. Tất cả các nhân chứng phải là những người đáng tin cậy (139).

  • 2. Các nhân chứng buộc phải thề nói sự thật và giữ kín nhiệm vụ của mình. Họ phải tuyên thệ trước khi cung khai (140).

Điều 100 – Để chứng minh các nhân đức sống anh hùng hoặc tử vì đạo và danh tiếng thánh thiện hoặc tử đạo và sức mạnh cầu bầu của Tôi tớ Chúa thuộc một Hội dòng tận hiến, một Tu đoàn Tông đồ hay một Tu hội tín hữu giáo sĩ và/hay giáo dân, thì đa số nhân chứng được cáo thỉnh viên đề nghị phải là những người ngoài Hội dòng, Tu đoàn hoặc Tu hội đó trừ khi điều này không thể thực hiện được vì đời sống đặc biệt của Tôi tớ Chúa (ví dụ : sống ẩn cư hay tu dòng kín) (141) .

Chương II
Ai không thể làm nhân chứng

Điều 101 – § 1. Một linh mục không được làm chứng về bất cứ điều gì biết được qua tòa giải tội (142).

  • 2. Cha giải tội hoặc cha linh hướng của Tôi tớ Chúa không được làm chứng liên quan đến bất cứ điều gì các ngài biết về Tôi tớ Chúa khi thổ lộ lương tâm ngoài tòa giải tội (143).

Điều 102 – Cáo thỉnh viên hoặc phó cáo thỉnh viên của vụ án không được gọi ra làm chứng trong khi họ giữ nhiệm vụ đó (144).

Chương III
Khẩu cung

Điều 103 – § 1. Người làm chứng phải đưa ra các sự kiện cụ thể, và trong trường hợp điều tra về các nhân đức, họ phải nêu những ví dụ chính xác về đời sống anh hùng.

  • 2. Người làm chứng phải khai báo nguồn gốc hiểu biết của mình về các sự kiện là đối tượng của lời cung khai. Nếu không, lời cung khai của người đó được coi là vô hiệu (145).
  • 3. Cuối cuộc thẩm vấn, mỗi nhân chứng phải xác nhận lời khai của mình bằng một lời tuyên thệ, và cùng với Đức Giám mục hay Đại diện của ngài, Biện lý và Lục sự, ký tên ở phía dưới các bản cung khai đó (146).

Điều 104 – § 1. Nếu cần thiết hoặc thích đáng, các nhân chứng khác có thể được gọi đến  làm chứng ở bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều tra.

  • 2. Nếu một nhân chứng được chỉ định bởi cáo thỉnh viên hoặc một nhân chứng chiếu theo chức vụ (ex officio) không được thẩm vấn, phải ghi lại lý do bằng văn bản thành một tài liệu sẽ kèm vào hồ sơ của phiên họp tương ứng.

Chương IV
Bản cung khai của các nhân chứng

Điều 105 – § 1. Nếu người làm chứng muốn nộp bản cung khai tại thời điểm lấy khẩu cung hoặc ở một thời điểm khác, Đức Giám mục hay Đại diện của ngài có thể chấp nhận.

  • 2. Nhân chứng này phải ký tên và tuyên thệ rằng ông là tác giả của tờ khai đó và những gì ông viết là đúng sự thật (147).
  • 3. Bản cung khai phải được kèm vào hồ sơ của vụ án.

Điều 106 – Tờ khai không thay thế cho khẩu cung của người viết tờ khai đó.

Chương V
Lời khai của các bác sĩ điều trị

Điều 107 – § 1. Trong cuộc điều tra về một phép lạ chữa lành bệnh, nếu các bác sĩ điều trị cho người được chữa lành từ chối bị thẩm vấn, thì họ có thể chuẩn bị, sau khi tuyên thệ, một bản phúc trình bằng văn bản về căn bệnh và quá trình của  căn bệnh đó (148).

  • 2. Bản phúc trình này phải được kèm vào hồ sơ điều tra.

Điều 108 – § 1. Trong cuộc điều tra về một phép lạ chữa lành bệnh, nếu các bác sĩ điều trị cho người được chữa lành từ chối chuẩn bị một bản phúc trình về căn bệnh và quá trình của nó, Đức Giám mục hay Đại diện của ngài có thể đề cử, bằng một sắc chỉ, bên thứ ba, tốt nhất là một chuyên gia trong lĩnh vực y tế,  người có thể lấy lời khai của những bác sĩ này.

  • 2. Bên thứ ba này phải tuyên thệ trung thực thi hành nhiệm vụ và giữ kín nhiệm vụ của mình.
  • 3. Lời tuyên thệ phải được ghi chép lại và kèm vào hồ sơ điều tra.
  • 4. Sau khi đã thu được lời khai của các bác sĩ điều trị, bên thứ ba sẽ được Đức Giám mục hay Đại diện của ngài hỏi cung, có sự hỗ trợ của Biện lý, Lục sự và chuyên gia y tế (149).

Chương VI
Các chuyên gia y tế ‘khám nghiệm’
(ab inspectione)

Điều 109 – § 1. Nếu vẫn còn sống, người được chữa lành phải được kiểm tra độc lập bởi hai chuyên gia y tế, được gọi là chuyên gia khám nghiệm (ab inspectione) (150).

  • 2. Đức Giám mục hoặc Đại diện của ngài phải bổ nhiệm đúng lúc các chuyên gia này bằng một sắc chỉ.
  • 3. Họ phải thề trung thực hoàn thành nhiệm vụ và giữ bí mật nhiệm vụ của mình (151).
  • 4. Sắc chỉ bổ nhiệm và lời tuyên thệ phải được ghi chép lại và kèm vào hồ sơ điều tra.

Điều 110 – § 1. Với tất cả các phương tiện lâm sàng và kỹ thuật có sẵn, hai chuyên gia khám nghiệm (ab inspectione) phải xác minh hiện trạng sức khỏe của người được chữa lành. Đặc biệt tham chiếu các bệnh án mà người được chữa lành đã trải qua để xác định hiện trạng sức khỏe của người được chữa lành và thời gian điều trị (152).

  • 2. Các ý kiến ​​bằng văn bản, được chuẩn bị riêng biệt, phải bàn giao cho Đức Giám mục hoặc Đại diện của ngài và kèm vào hồ sơ điều tra.
  • 3. Các chuyên gia này phải được gọi đến làm chứng như là nhân chứng chiếu theo chức vụ (ex officio) (153).

Tiêu đề IX
Sử dụng máy ghi âm và máy vi tính

Điều 111 – § 1. Nếu máy ghi âm được sử dụng để thu lời khai của nhân chứng trong phiên họp của cuộc điều tra, tất cả những câu trả lời của các nhân chứng phải được ghi chép lại, và nếu được, có cả chữ ký của chính các nhân chứng (154).

  • 2. Vào cuối phiên thẩm vấn, người làm chứng phải nghe lại lời khai của mình và có thể thêm, bớt, chỉnh sửa và / hoặc thay đổi lời khai của mình (155).
  • 3. Người làm chứng phải tuyên bố rằng ông đã được quyền thay đổi lời khai và ký tên (156).

Điều 112 – Máy vi tính cũng có thể được sử dụng để lấy lời khai của nhân chứng trong các phiên họp của cuộc điều tra.

Điều 113 – Máy vi tính cũng có thể được sử dụng để chuẩn bị các hồ sơ ban đầu của cuộc điều tra, được gọi là nguyên bản (Archetype) (157).