Trí tuệ nhân tạo – Công cụ đầy hấp dẫn và đáng sợ
Trí tuệ nhân tạo – Công cụ đầy hấp dẫn và đáng sợ
cath.ch, I.Media, 2024-06-14
Đức Phanxicô kêu gọi các nhà lãnh đạo nhận ra “không có một đổi mới nào là trung lập” © Vatican Media
Trong một bài phát biểu quan trọng gởi đến các nguyên thủ quốc gia và chính phủ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Bari, nước Ý ngày 14 tháng 6 năm 2024, Đức Phanxicô cảnh báo về các nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo (AI) nếu không được hướng dẫn vì lợi ích chung. Ngài nhấn mạnh đến tính cấp bách các nhà lãnh đạo thế giới phải có chính sách để điều chỉnh công cụ cực kỳ mạnh này.
Dù đã lớn tuổi, ngài đi trực thăng để đến vùng Puglia nói với các nguyên thủ quốc gia về AI. Bà Giorgia Meloni, Thủ tướng Ý mong muốn ngài có thông điệp mạnh mẽ của Vatican về đạo đức trong AI. Ngài đã nói chuyện với Tổng thống Pháp Macron, Tổng thống Ukraine Zelensky, Thủ tướng Canada Trudeau – ngài phân tích cơ chế điều hành AI và thuyết phục các nhà lãnh đạo về sự cần thiết phải hành động chung.
Sau khi lần lượt chào đón khoảng 24 nguyên thủ quốc gia và chính phủ – Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Argentina Javier Milei, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi – ngài ngồi vào bàn giữa bà Giorgia Meloni và Tổng thống Emmanuel Macron.
Công cụ vừa hấp dẫn vừa đáng sợ
Trong bài phát biểu, Đức Phanxicô cảnh báo: “AI là công cụ vừa hấp dẫn vừa đáng sợ, đòi hỏi một sự suy tư chín muồi và tương xứng với tình hình thực tế. Những lợi ích hay tác hại mà AI mang lại hoàn toàn phụ thuộc vào cách chúng ta dùng. Từ thời tiền sử, con người đã biết dùng đá lửa để phục vụ đời sống, nhưng đồng thời cũng dùng nó để giết nhau. Cũng như năng lượng hạt nhân dùng để tạo ra điện, nhưng cũng có thể biến Trái đất thành đống tro tàn. Nhưng AI còn phức tạp hơn thế vì nó có khả năng đưa ra quyết định độc lập với con người dựa trên các dữ liệu thống kê. Vì vậy, chúng ta phải có nguyên tắc: trước những điều kỳ diệu của máy móc tự đưa ra quyết định, chúng ta cần khẳng định rõ ràng quyền quyết định luôn phải là của con người… Chính phẩm giá con người phụ thuộc vào điều này.”
Trong bối cảnh “robot sát thủ” đang dần trở thành hiện thực, ngài kêu gọi cấm các vũ khí sát thương tự động để không một cỗ máy nào có thể tự ý quyết định tước đi mạng sống con người.
Công lý và giáo dục: các lãnh vực bị AI đe dọa
Đề cập đến lãnh vực tư pháp, một lãnh vực mà hệ thống AI có thể chiếm ưu thế bằng cách đưa ra những quyết định dựa trên xác suất và thống kê, ngài lo ngại cho các chương trình đã bắt đầu triển khai để hỗ trợ thẩm phán quyết định việc quản thúc tại gia phạm nhân, ngài giải thích: “Tòa yêu cầu AI dự đoán khả năng tái phạm của một tù nhân… dựa trên các tiêu chuẩn đã được xác định trước: loại tội danh, hành vi cư xử trong tù, đánh giá tâm lý và nhiều yếu tố khác.”
Ngài nhấn mạnh: “Nhưng con người không phải là một tập hợp các con số. Con người luôn thay đổi, luôn có khả năng gây bất ngờ bằng hành động của mình. Các phương pháp tiếp cận dựa trên xác suất có thể trở thành một thực tế phổ biến. Các thuật toán ngày nay đã trở nên quá phức tạp đến mức cả những lập trình viên cũng khó có thể hiểu được cách chúng đưa ra kết quả.” Ngài nhận thấy AI đang làm thay đổi sâu sắc thế giới giáo dục, nhiều sinh viên đang ngày càng phụ thuộc vào các ứng dụng AI để “làm bài hoặc tạo hình ảnh” mà quên mất AI không thực sự “sáng tạo” mà chỉ “tái tổ chức” những nội dung sẵn có, như thế vô tình củng cố cho những định kiến sai lầm và làm gia tăng nguy cơ lan truyền thông tin giả.
“Chính trị là điều cần thiết!”
Trước nguy cơ nhân loại đánh mất “ý nghĩa sâu xa” của phẩm giá con người, ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo nhận thức “không có một đổi mới nào là trung lập.” Ngài nhắc lại tinh thần của “Tuyên bố Rôma về Đạo đức AI” – một văn bản được ký năm 2020 với sự tham gia của các tập đoàn lớn như IBM, Microsoft và Cisco – để kêu gọi các chính phủ xây dựng một mô hình đạo đức vững chắc cho sự phát triển AI.
Ngài nhấn mạnh: “Chính trị là cần thiết vì chỉ có chính trị mới có thể tạo ra những điều kiện để AI được dùng một cách hữu ích và mang lại hoa trái.” Tại buổi họp G7, ngài đọc bài phát biểu ngài đã chuẩn bị sẵn. Nhưng đến một điểm quan trọng, ngài nhìn thẳng vào các nguyên thủ quốc gia và nói dứt khoát: “Chính trị là hình thức cao nhất của đức ái, là biểu hiện cao nhất của tình yêu.”
Terexa Trần Tuyết Hiền dịch