Trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo…
Vatican cảnh báo về nguy cơ “thờ ngẫu tượng”
Trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, Vatican cảnh báo về nguy cơ “thờ ngẫu tượng”
famillechretienne.fr, I.Media, 2025-01-28
“Giáo hội khuyến khích khoa học công nghệ, nghệ thuật và mọi hoạt động của con người” nhưng đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của“việc sử dụng lý trí và năng lực kỹ thuật một cách hợp lý.” Đây là nội dung chính của tài liệu Antiqua et Nova về mối quan hệ giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và trí tuệ con người được công bố vào ngày 28 tháng 1-2025.
Tài liệu dài 35 trang dựa phần lớn vào các bài diễn văn của Đức Phanxicô về chủ đề này, hiện nay chỉ mới có các ngôn ngữ Ý, Tây Ban Nha và Anh. Văn bản tổng hợp quan điểm của Giáo hội liên quan đến các vấn đề quan trọng trên các lãnh vực khác nhau của đời sống công đồng, giáo dục, truyền thông, y tế, quốc phòng và ngoại giao quốc tế.
Trích dẫn nghiên cứu của một số nhà khoa học cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) bằng hoặc vượt qua trí tuệ con người, dẫn đến những tiến bộ “vượt ngoài sức tưởng tượng”. Tài liệu nhấn mạnh AI muốn thay thế Thiên Chúa bằng công trình do chính tay mình tạo ra, nhưng đó là một hình thức thờ ngẫu tượng. Đây là một cám dỗ cổ xưa mà Kinh Thánh đã nhiều lần cảnh báo nhân loại.
Hồng y Víctor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, và Hồng y José Tolentino de Mendonça, Tổng trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục nhấn mạnh: “Chúng ta không nên quên AI chỉ là một phản chiếu mờ nhạt của con người, vì nó được tạo ra bởi trí tuệ con người, huấn luyện bằng dữ liệu do con người sản xuất, chịu ảnh hưởng bởi các kích thích từ con người và vận hành nhờ lao động con người.” Tài liệu này đã được Đức Phanxicô phê chuẩn ngày 14 tháng 1 vừa qua.
Vatican cảnh báo: “AI chỉ nên dùng như một công cụ bổ trợ cho trí tuệ con người, AI không thể thay thế sự phong phú của trí tuệ này.” AI không có những phẩm chất đặc trưng của đời sống con người và cũng không tránh khỏi sai lầm. Vì thế, nếu con người tìm kiếm nơi AI một “Đấng Khác” vĩ đại hơn để đồng hành và gánh vác trách nhiệm với mình thì nhân loại đang đứng trước nguy cơ tạo ra một vị thần thay thế Thiên Chúa.
Một “cuộc khủng hoảng về sự thật”
Trước tình hình hiện nay, AI đặt ra những câu hỏi sâu sắc về căn tính con người và vai trò của con người trong thế giới. Vì vậy, những “hệ lụy nhân học và luân lý” của AI là trọng tâm của tài liệu được viết chủ yếu dành cho các nhà giáo, nhưng cũng hướng đến công chúng rộng rãi, để giúp mọi người có thể đưa ra những suy xét đúng đắn về AI.
Tài liệu của Vatican vạch ra một ranh giới giữa “AI bị hạn chế” đã mang lại nhiều lợi ích trong các lĩnh vực như y tế, dự báo thời tiết hay dịch thuật, và “AI hiện sinh,” một dạng AI có tham vọng vượt qua khả năng trí tuệ con người, từ đó làm cho con người có nguy cơ đánh mất quyền làm chủ đời mình.
Trí tuệ con người không chỉ giới hạn trong việc thực hiện các nhiệm vụ kỹ thuật mà còn liên quan đến cảm xúc và tính tự chủ. AI chỉ hoạt động bằng cách thực hiện các nhiệm vụ, đạt đến mục tiêu hoặc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu định lượng và logic tính toán. Mô hình thuần túy toán học này không thể nắm bắt hết những sắc thái và sự phức tạp của đời sống con người.
Trách nhiệm luân lý và giới hạn của tiến bộ khoa học trong Thông điệp Laudato Si’ (2015) của Đức Phanxicô và trong Thông điệp Chân lý Rạng ngời Veritatis Splendor (2009) của Đức Bênêđíctô XVI cho rằng “không phải mọi đổi mới công nghệ đều thực sự tiến bộ.”
Vatican nhấn mạnh việc “bảo toàn khả năng hành động của con người” là một ưu tiên trong việc dùng AI theo hướng đạo đức. Vì thế, cá nhân và cộng đồng phải thận trọng trong việc phân định cách dùng sao cho có lợi cho nhân loại, đồng thời tránh những ứng dụng có thể làm tổn hại đến phẩm giá con người hoặc gây nguy hại cho môi trường.
Vatican cũng cảnh báo về cách các nhà phát triển thường dùng ngôn ngữ nhân cách hóa khi nói về AI, như thế có thể làm lu mờ ranh giới giữa con người và máy móc, có nguy cơ làm con người tiếp cận các mối quan hệ theo hướng thực dụng, thậm chí làm cho giới trẻ xem giáo viên chỉ là người truyền tải thông tin, không phải là người hướng dẫn, theo dõi các em trong sự phát triển trí tuệ và đạo đức.
Thế giới lao động và nền kinh tế bị tác động
Vatican cũng đang lưu ý một nghịch lý xuất hiện trên thị trường lao động: “AI hứa hẹn thúc đẩy năng suất bằng cách đảm nhận các công việc thường ngày, nhưng người lao động lại buộc phải thích nghi với tốc độ và yêu cầu của máy móc.” AI được dùng để hỗ trợ, chứ không để thay thế sự nhận định của con người. Nó cũng không được phép làm suy giảm khả năng sáng tạo hay biến người lao động thành những “bánh xe trong cỗ máy.”
Trong lĩnh vực y tế, AI có thể giúp mở rộng khả năng chẩn đoán và điều trị, nhưng trách nhiệm và quyết định cuối cùng vẫn ở trong tay các chuyên gia y tế, họ cần sử dụng toàn bộ trí tuệ và khả năng của mình để đưa ra những quyết định có suy xét và đạo đức, luôn tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của bệnh nhân và nguyên tắc đồng thuận sáng suốt.
Nguy cơ làm lung lay nền tảng xã hội
Mối lo ngại về tin giả và deepfake của AI có thể đánh lừa công chúng như đã xảy ra trong các chiến dịch bầu cử gần đây. Vatican lên án “việc cố tình sử dụng AI nhằm mục đích thao túng,” nhất là khi các cá nhân hoặc tổ chức cố tình tạo ra và lan truyền thông tin sai lệch để đánh lừa hoặc gây tổn hại. Vatican kêu gọi cần có một “hệ thống quản lý chặt chẽ AI”, nếu không, các công cụ này “dần dần làm suy yếu nền tảng xã hội, tạo chia rẽ chính trị và bất mãn trong xã hội.”
Trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, sự phản đối kiên quyết của Tòa Thánh với các loại vũ khí tự động cũng được nhắc đến: “Những hành động tàn bạo đã xảy ra trong lịch sử nhân loại đủ để nói lên các lo ngại sâu sắc về các khả năng lạm dụng AI.”
Một chủ đề ưu tiên của Tòa Thánh
Những năm gần đây, Vatican đã tích cực tham gia vào cuộc thảo luận về các thách thức đạo đức do AI đặt ra. Năm 2020, Giáo hoàng Học viện về Sự sống đã khởi xướng “Lời kêu gọi Rôma cho một trí tuệ nhân tạo có đạo đức,” một thỏa thuận được ký kết với các tập đoàn như IBM, Microsoft và Cisco.
Tài liệu mới của Tòa Thánh được công bố chỉ vài ngày sau khi Mỹ công bố kế hoạch “Stargate”, một chương trình đầu tư 500 tỷ đôla vào AI. Nước Pháp cũng sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế ngày 6 tháng 2 để bàn về các quy định đa phương trong lãnh vực này. Tổng thống Emmanuel Macron đã thảo luận với Đức Phanxicô về chủ đề này ngày 15 tháng 12 tại Ajaccio, và có thể thời điểm công bố bản ghi chú này có liên quan đến sự kiện sắp tới.
Terexa Trần Tuyết Hiền dịch