Trí tuệ nhân tạo Kitô giáo, CatéGPT…
Liệu AI có thực sự nuôi dưỡng đức tin Kitô giáo của chúng ta không?
Trí tuệ nhân tạo kitô giáo, CatéGPT… Liệu AI có thực sự nuôi dưỡng đức tin kitô giáo của chúng ta không?
lepelerin.com, Caroline Celle, 2025-03-13
Ngày nay nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo ra đời để giúp người tín hữu kitô học Kinh Thánh và củng cố đức tin nhưng sự có mặt của AI trong lãnh vực tôn giáo đã đặt ra không ít câu hỏi về mặt đạo đức.
Có người dùng AI để tra cứu hay để kiểm tra lỗi chính tả, có người dùng để nhờ “tư vấn về y phục”… Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu trí tuệ nhân tạo có thể trả lời các vấn đề liên quan đến đời sống tâm linh? Một số ứng dụng AI kitô giáo đã ra đời với mục đích này, hoạt động dựa trên các chatbot đối thoại ảo. Nguyên tắc rất đơn giản: người dùng đặt câu hỏi và AI sẽ trả lời trong một thời gian ngắn.
Một số ứng dụng kitô giáo còn trả lời như một bài giáo lý thực thụ, trích dẫn Kinh Thánh làm căn cứ. Nhóm Giới trẻ và Gia đình công giáo Thụy Sĩ đã phát triển ứng dụng CatéGPT. Hệ thống sử dụng công cụ tìm kiếm ChatGPT chỉ tra cứu trong trang web của Vatican, nhờ đó, nó có thể trả lời những câu hỏi đơn giản như: “Bảy bí tích là gì?” hay “Những đoạn nào trong Kinh Thánh nói về tình bạn?” Ngoài ra, một số ứng dụng khác còn phát triển thêm các chức năng nâng cao hơn như Christian AI.
Năm 2023 ứng dụng này xuất hiện trên thị trường Tây Ban Nha không chỉ cung cấp thông tin về giáo huấn của Giáo hội mà còn đóng vai trò như người đồng hành thiêng liêng, giải đáp những thắc mắc một cách bất ngờ. Khi có người hỏi: “Tôi có nên dành thì giờ cho một đồng nghiệp hay ăn cắp đồ trong văn phòng không?”, Christian AI khuyên: “Tốt nhất bạn nên tránh tiếp xúc với họ trong những hoàn cảnh có thể khuyến khích hoặc xác nhận hành vi sai trái.” Lời khuyên này là lời khuyên trong sách Châm ngôn của Cựu Ước nhấn mạnh người tín hữu không nên giao du với những người không tốt.
Một công cụ hỗ trợ, nhưng không thể thay thế đời sống tâm linh
Đối diện với những công cụ hỗ trợ này, các linh mục và người đồng hành thiêng liêng có điều gì phải lo lắng không? Efrain Ortiz Salgado, nhà sáng lập Christian AI trấn an: “Trí tuệ nhân tạo có thể là bước khởi đầu, giúp khơi dậy óc hiếu kỳ và nuôi dưỡng đức tin. Nhưng chắc chắn nó không thể thay thế linh mục vì AI không có chiều kích thiêng liêng của con người! Đây chỉ là một công cụ bổ trợ, đặc biệt hữu ích cho những người sống ở những nơi thiếu linh mục.”
Dự án AI này đang được phát triển, sắp tới có thể cung cấp các bài hát đạo hay các podcast về Kinh Thánh. Nó mang sứ mạng truyền giáo, mong muốn phổ biến các giá trị kitô giáo trong thời kỹ thuật số. Tuy nhiên ông Salgado lưu ý các thuật toán AI phản ánh giá trị của xã hội thế tục, không phải lúc nào cũng phù hợp với giáo huấn của Giáo hội, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến gia đình hay phá thai.
AI và đời sống tâm linh: Cần một tầm nhìn đạo đức
Nhưng liệu AI có đủ khả năng đồng hành trong các vấn đề nhạy cảm như luân lý và đời sống tâm linh không? Một số công nghệ còn vượt quá ranh giới khi tạo tương tác trực tiếp với một “Chúa Giêsu ảo”. Mùa thu năm 2024, nhà nguyện Pierre de Lucerne của Thụy Sĩ đã gây chấn động với một tác phẩm nghệ thuật thử nghiệm: Các du khách tham quan được mời xưng tội trước một mô phỏng Chúa Giêsu dưới dạng hình ảnh ba chiều.
Tiến sĩ Matthieu Guillemin khoa vật lý và đạo đức tại Đại học Công giáo Paris cảnh báo: “AI đã đi vào lãnh vực tôn giáo mà không có một nền tảng đạo đức rõ ràng để định hướng. AI có thể hỗ trợ rất nhiều trong việc tìm hiểu Kinh Thánh, nhưng khi nói đến tôn giáo và tâm linh, chúng ta cần hết sức thận trọng và tỉnh táo. Khi một AI trả lời giống như con người, điều đó không phải lúc nào cũng lành mạnh. Tại sao chúng ta không tìm một linh mục bằng xương bằng thịt mà tìm một cỗ máy vô tri?”
Terexa Trần Tuyết Hiền dịch