Vẫn con sông hồi đó…

866

SL

Như phần lớn những người dân miền Nam sinh ra và lớn lên trong vùng châu thổ bồi đắp bởi phù sa màu mỡ của sông Tiền và sông Hậu, tôi luôn gắn liền tuổi thơ của mình với con sông. Cả những câu hát ru của má cũng luôn có gì gì đó liên quan đến sông.

“Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê”

nghe mà xót lòng, thương cho kiếp thương hồ lênh đênh sông nước…

“Sông sâu nước chảy đôi bờ
Để anh chín dại mười khờ thương em”

thiệt đúng là ông ngố này khờ hết biết…

Và còn biết bao nhiêu câu hát ru khác nữa, trầm buồn, da diết theo dòng trôi…

Sông Cửu Long khi đổ về đến hạ nguồn tách thì thành hai nhánh sông Tiền và sông Hậu. Lòng sông rộng ra, nước chảy chậm lại trước khi đổ ra cửa biển nên phù sa lắng đọng tạo thành vô số những cù lao lớn nhỏ. Đó là sau này lớn lên một chút tôi mới được học, chứ hồi 6 tuổi, nghe nói thôi đã thấy mọi thứ đều thật lạ lẫm, thật bí hiểm mà hấp dẫn ly kỳ.

Vậy đó, lúc còn nhỏ, mọi thứ quanh ta dường như to lớn, huyền ảo, như ẩn như hiện sau một bức màn bí hiểm. Hồi đó, bọn trẻ chúng tôi luôn nhìn ra sông cái với con mắt vừa ngưỡng mộ vừa sợ sệt. Thích thú thì tất nhiên rồi. Sông rộng mênh mông giữa đôi bờ, dòng nước khi thì trong xanh, lúc lại ngầu đỏ phù sa lặng lờ chảy, mang những đám lục bình nở hoa tím ngát, chầm chậm, lênh đênh, nửa trôi, nửa nổi. Phía bờ bên kia là một dãy dài xanh mướt cây lá. Thật tò mò làm sao! Tôi đem thắc mắc đó hỏi má và bà trả lời:

– Cù lao đó con.

À, tôi sực nhớ ngay đến câu hát ru em:

“Chiều chiều quạ nói với diều
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”

Tưởng ở đâu xa tít, xa tận trong miền thơ ca kia chứ…

Má kể cho các con nghe:

– Sông Cửu Long lớn lắm, bắt nguồn từ tuốt bên Tàu, chảy qua Lào, Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt rồi mới về tới nước mình. Lúc này nó tách ra hai nhánh, đó là Sông Tiền và Sông Hậu. Sông cái chỗ mình đây chính là Sông Hậu. Ở trên đầu nguồn nước chảy xiết lắm, cuốn theo nhiều đất cát cây cỏ đỗ về hạ nguồn, đó là phù sa làm nước đục ngầu mùa nước nổi. Tới đây đất đai bằng phẳng, lòng sông cũng rộng hơn nên nước chảy chậm lại, phù sa lắng xuống thành ra nhiều bãi bồi, cồn, cù lao.

– Cồn là sao, mà cù lao là sao vậy má?

– Cồn là phần đất phù sa mới bồi, còn nhỏ lắm, chỉ mới ló lên khỏi mặt sông khi nước ròng, rồi có khi lặn mất khi nước lớn. Phù sa tiếp tục bồi vào, lớn riết lên thì thành cù lao. Cù lao có nhiều cây mọc và người ta tới sinh sống.

Với những đứa trẻ, câu chuyện má kể hay ho làm sao. Tôi nghểnh cổ lắng nghe mà thấy như mình hiểu biết nhiều điều lắm. Sau này già rồi tôi mới thấy mấy ông triết gia nói quá xá đúng, khi không biết gì hết thì biết một đã thấy là biết nhiều, chứ khi đã biết thêm một chút thì biết một trăm, một ngàn điều nữa vẫn thấy là quá ít. Tri thức vô hạn. Vũ trụ mênh mông.

Hồi đó, đối với đám nhỏ tụi tôi, sông cái luôn hấp dẫn không thiếu phần huyền bí, nhất là qua những câu chuyện kể hư hư thực thực, những câu chuyện khiến chúng tôi há hốc miệng ra nuốt lấy từng lời để rồi phát lạnh sống lưng khi nhớ lại.

– Tụi bây hỏng có được lội xuống tắm ngoài sông cái khi không có người lớn coi chừng, nghe chưa. Ma da níu giò là chỉ có nước chết. Đã từng có mấy đứa chết đuối hụt như vậy, tụi nó kể lại là bị cái gì đó nhớt nhớt, trơn tuột quấn vô cẳng chân lôi xuống đáy sông, vùng vẫy cách mấy cũng không thể nào rút ra. May là có mấy ông đi giăng câu nhìn thấy nên lội xuống kéo vô mới còn sống được.

Nghe sợ hết hồn.

Chưa hết, lũ trẻ còn xúm nhau bàn tán, truyền miệng những câu chuyện nghe được từ người lớn. Mà sao càng nghe lại càng thấy … chắc là thiệt.

Một lần, bà nội con Gạo trong xóm kể một cách chắc nịch:

– Tại tụi bây hỏng biết đó thôi, ngoài sông cái nhiều người đi kéo cá tận mắt chứng kiến hà bá nổi lên đen sì sì, ổng từ đáy sông trồi từ từ lên mặt nước, nằm ngoe nguẩy trong nước, thở phì phò phun ra bong bóng bự chảng, rồi từ từ lặn xuống. Ba con Gạo thấy mấy lần luôn, sợ chết trân trên xuồng hỏng nhúc nhích được.

Con Gạo hiền khô, nhỏ nhẹ thêm vô:

– Phải lần đó ba con đi chài ngoài sông lớn lúc chạng vạng, về nhà phát bệnh nằm hết mấy bữa luôn không bà?

Quá xá hồi hộp lẫn sợ hãi, tối đó tôi về kể lại cho cả nhà nghe. Bà ngoại tôi chép miệng:

– Bởi vậy mấy đứa con phải nghe lời người lớn, đừng ra sông cái chơi, mà cũng không được rủ nhau tắm. Ở khúc sông giữa bờ bên này ngó qua cù lao, mấy lúc mặt trời vừa lặn mà thêm trời chuyển mưa, giông gió vần vũ, sóng lớn, người ta còn nhìn thấy cặp ngỗng thần nổi lên nữa đó. Cái cổ ngỗng cong cong, trắng toát, vươn cao lên trời. Ghe xuồng nào vô phước đi gần cặp ngỗng lúc đó khó thế nào cũng chìm, khó mà vô được tới bờ.

Thôi rồi, chắc không thể nào là chuyện bịa đặt, bà ngoại tôi vốn chân chất và rất có uy tín trong xóm, những lời bà nói ra người lớn còn nghe theo. Chắc bà không phải là người đơm đặt chuyện thị phi đâu mà.

Vậy đó, rồi tôi lớn lên, bước vào đời, sống cuộc sống của mình mà luôn mang theo trong tâm trí một miền ký ức tuổi thơ gắn liền với con sông. Con sông đầy ắp thương yêu trong tôi, bất kể những huyễn hoặc thực hư.

Có một triết gia nói rằng sự vật, hiện tượng vẫn xảy ra theo đúng bản chất của nó, nhưng khi người ta nhìn vào sẽ nhận định nó theo góc nhìn, theo trình độ nhận thức của riêng họ. Thật là sâu sắc. Và vài chục năm sau, tôi cũng đã tìm được cơ sở minh chứng bà tôi ngày xưa không hề nói sai.

Một lần nọ, có dịp ngồi nói chuyện phiếm với một anh kỹ sư trong đoàn khảo sát lưu vực Bắc Vàm Nao sông Mekong, tôi nghe anh kể trong lòng sông có rất nhiều lục bình già chết, đang trong quá trình phân hủy, chúng trôi lơ lững (không nổi trên mặt nước, cũng không chìm hẳn xuống đáy sông) bám đầy rong rêu sò ốc nên trơn nhớt và hay quấn vào làm kẹt chân vịt tàu, mấy anh kỹ thuật máy xuống gỡ phải thận trọng không thì vướng chân vào đám bùng nhùng đó không lội được sẽ rất nguy hiểm. Thì ra, “con ma da” là đây, cũng trơn nhớt, cũng quấn, cũng kéo cẳng người ta.

Rồi đến thời ngành xuất khẩu gạo nước nhà đang hồi hưng thịnh, thiên hạ vùng vựa lúa An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp… thi nhau xây nhà máy chế xay xát lúa, lau bóng gạo khắp nơi dọc hai bên bờ sông để thuận tiện vận chuyển hàng hóa theo đường thủy. Có dịp tôi tháp tùng một đoàn khách đi dự lễ động thổ khởi công xây một nhà máy như vậy. Chiều tà, mọi người vui vẻ dự bữa cơm chiêu đãi. Dùng cơm xong, chưa thể về ngay vì còn phải đợi các anh trong đoàn đang chén thù chén tạc với chủ, nên tôi thong thả dạo bước ra bờ sông ngắm hoàng hôn. Vị trí nhà máy tọa lạc thật đắc địa. Đó là một ngã ba sông, về phía bên bồi.  “Sông sâu bên lở bên bồi”, khi xây dựng công trình kiên cố thì yếu tố kết cấu nền cực kỳ quan trọng, khu vực bờ sông bên lở có kết cấu nền rất yếu sẽ dẫn tới sụt lún, sạt nền. Chỗ này đường thủy lại rất nhộn nhịp, ghe thuyền qua lại tấp nập.

Dõi mắt ra xa xa, mặt sông chiều tà lung linh phản chiếu ráng hồng sắp tắt, đẹp và an bình biết bao!

Tôi khoan khoái hít thật sâu… và … chợt nín thở.

Cách chỗ tôi đứng chưa tới 100m, một khối đen sì sì cỡ bộ ván ngựa dưới lòng sông trồi từ từ lên mặt nước, những phiến trông như tai voi ngoe nguẩy trong nước, không biết nó có thở phì phò không mà có vô số bọt khí lớn sủi lên…

Tôi run run dụi mắt…

– Chị sợ sao?

Giọng nói của một anh đi chung đoàn vang lên cạnh tôi.

– Ra kêu chị vô, mình chuẩn bị về.

Rồi anh nói tiếp:

– Trấu đó chị. Ở vùng vựa lúa này, mỗi năm công đoạn xay xát loại ra khối lượng trấu lớn kinh khủng luôn. Bây giờ dân không dùng làm chất đốt nữa, lò nung gạch xài trấu không nhiều, vậy là tuôn hết xuống sông cho mục dần chìm xuống đáy. Năm này qua năm khác, chị hình dung xem nhiều đến mức nào. Trấu tươi màu vàng, chìm xuống đáy sông lâu ngày nên đen sì, bị rong rêu kết dính lại. Cùng những thứ lắng đọng khác, khi phân hủy chúng tạo ra khí mê tan, chính khí này đẩy mảng trấu mục trồi lên mặt nước. Bọt khí nằm bên dưới, lúc thoát ra sẽ làm mảng trấu trông như cử động. Lúc bọt khí đã bể hết, không còn lực đẩy thì “ổng” sẽ chìm trở xuống đáy.

Tôi gật gù, à thì ra đó chính là cách mà “ông hà bá” hoạt động… y chang mô tả mình đã nghe hồi nhỏ.

Biết anh vốn là dân miệt sông xứ này, tôi hỏi luôn:

– Anh có từng nghe kể về cặp ngỗng thần chỉ hiện lên lúc chạng vạng trời giông, nhấn chìm ghe xuồng không?

Anh nhìn tôi, giọng chùng xuống:

– Ba tôi đã chết trong một chiều giông như vậy. Ông là công chức về hưu, sống với bà già tôi trên cù lao. Sông này nhiều cá lắm, ông ham quá nên sắm xuồng đi chài vừa thong dong giải trí vừa kiếm được nhiều cá tươi. Rồi một ngày, chiều tối tới, trời chuyển mưa, giông gió ầm ầm, xuồng ba tôi đi chài chưa về. Má tôi lo sợ nên ra bờ sông đứng chờ. Má tôi kể lúc đó trời xám xịt, sông dậy sóng và như có một lớp sương mù. Và tuốt ngoài xa, ẩn hiện giữa không gian mờ mịt đó là một vật gì trắng và dài, vươn từ mặt nước hướng lên trời. Má điếng hồn nhủ thầm “cổ ngỗng thần” và chỉ còn biết van vái cầu nguyện.

Tối đó ba tôi không về. Giông lớn nên dân trong xóm cũng không dám ra sông tìm.

Sáng bữa sau thì vớt được cả xuồng và người. Vậy đó…

Nghe buồn thiệt… Mãi một lúc sau tôi mới hỏi tiếp:

– Anh tin là có cặp ngỗng thần ở trên sông?

Anh tặc lưỡi:

– Quỷ, thần gì chị ơi… Có ai từng thấy cái đầu con ngỗng thần hay cái mình của nó chưa?

Hiện tượng thiên nhiên đó thôi. Cổ ngỗng chính là trốc xoáy hút nước kéo lên trời. Vì vậy, người ta chỉ có thể thấy “cổ ngỗng” khi trời sắp mưa giông, và chỉ lúc chạng vạng mờ mịt. Đúng là khi có trốc xoáy, ghe xuồng nào gần đó đều bị gió và sóng xô ngã, nhấn chìm.

Bức màn huyễn hoặc mấy mươi năm trong ký ức của tôi đã được vén mở hoàn toàn.

Con sông thân thương của tôi vẫn vậy, dù có lúc trong xanh lặng lờ trôi, có lúc ngầu cuộn phù sa, có lúc gió giông cuồng nộ… Con mắt nhìn của đứa trẻ lên sáu và của một người sáu mươi sao mà giống nhau được.

SL