Một góc nhìn nghệ thuật về cây Thánh Giá

4327

Nhân Phục Sinh, xin gửi đến quý vị bài dưới đây của nhà sưu tầm đồ cổ ở Thụy Sĩ, minh họa bằng những món đồ cổ thuộc Private Collection của ông ta tại Genève.

Một góc nhìn nghệ thuật về tượng bằng ngà, điêu khắc Chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây Thánh Giá.

Trong sách Phúc Âm, không hề ghi rõ những chi tiết quan trọng sau đây:
– Hai chân Chúa bị đóng đinh như thế nào?
– Khi đóng đinh Chúa, lính La Mã đã dùng bao nhiêu cây đinh tất cả?
– Lính La Mã tên Longinus đã lấy giáo nhọn đâm vào hông Chúa, nhưng là bên phía trái hay mặt?

Vì sách Phúc Âm đã không ghi rõ những chi tiết nêu trên, cho nên nhiều nghệ sĩ đã vẽ những bức tranh hay điêu khắc những tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây Thánh Giá với nhiều mẫu khác nhau.

Rồi cũng vì sự thiếu sót này mà đã xảy ra những cuộc tranh cãi khốc liệt giữa những dòng tu trong giáo hội khi xưa … có khi dẫn đến án cao nhất của Vatican là bị DỨT PHÉP THÔNG CÔNG (loại trừ ra khỏi Giáo Hội)…

Trước thế kỷ 16 …
Những tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây Thánh Giá hay được điêu khắc như sau:
– Hai chân Chúa kề cạnh nhau và mỗi chân bị đóng một cây đinh. Vậy là phải dùng tất cả là 4 cây đinh cho 2 tay và 2 chân.
– Chúa bị đâm vào hông bên phía mặt.
Cũng trong thời điểm này, ai mà không chấp nhận lý luận nêu trên là sẽ bị xem là phản động!

Rồi trong thời điểm này, thế kỷ 12-14, đã xuất phát ra một phong trào thần học có tên là Triclavianism (Thuyết về Ba Cây Đinh), những người này tin là chỉ có 3 Cây Đinh Thánh, mà ngày xưa lính La Mã đã dùng để đóng đinh Chúa Giêsu và Chúa bị đâm vào hông bên phía mặt.

Người trong nhóm Triclavianism đã bị Vatican xem là phản động vì họ hay tôn thờ những tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây Thánh Giá như sau:
– Hai chân Chúa chồng lên nhau và bị đóng với 1 cây đinh. Vậy là phải dùng tất cả là 3 cây đinh: 2 cây đinh cho 2 tay và 1 cây đinh cho 2 chân chồng lên nhau.
– Chúa bị đâm vào hông bên phía mặt.

Crucifix, by Michelangelo, made in 1492

Một Tia Sáng được ra đời trong năm 1540 …
Năm 1540, Thánh Ignatius de Loyola thành lập ra Society of Jesus … Dòng Tên (Tên ở đây là tên Chúa Giêsu).
Ai cũng đã biết là những Tu Sĩ Dòng Tên là những bật thầy thông thái, học cao, hiểu rộng … luôn sống trung trực và tôn vinh Sự Thật. Những Tu Sĩ Dòng Tên đã sang Trung Quốc và làm cố vấn cho nhiều vị Hoàng Đế như Khang Hy, Ung Chính, Càn Long … và họ đã chia sẻ văn minh và văn hoá của Phương Tây cho TQ và nhiều nước Á Châu …
Và cho đến ngày nay, những con cháu của những Hoàng Gia, đại gia trên thế giới hay được gửi vào học trong trường của Dòng Tên.
Và cũng vì trình độ học thức cao siêu này, cho nên những Tu Sĩ Dòng Tên hay bị kỳ thị … và phải chờ mãi cho đến thế kỷ 21 mới có một Đức Giáo Hoàng của Dòng Tên được bầu ra … đó là Đức Thánh Cha Francis hiện nay.

Trở về Dòng Tên trong năm 1540 …
Để đi tìm sự thật, Dòng Tên đã nghiên cứu kỹ càng nhiều tài liệu xa xưa của La Mã về cách đóng đinh những tội phạm lên cây thập tự và đã đi đến kết luận như sau:
– Chỉ dùng có 3 cây đinh: 2 cây đinh cho 2 tay và một cây đinh cho 2 chân chồng lên nhau.
– Chúa bị đâm vào hông bên phía trái: vì là phía của trái tim, đâm từ hông lên tận trái tim để cho tù nhân chết thật (nếu chưa chết), dựa theo kiến thức y học của người La Mã.
– Một chi tiết nghệ thuật khác… đó là chân trái chồng lên chân mặt… mang ý nghĩa Tình Yêu (phía trái) trên Quyền Lực (phía mặt).
– Chúa chết, gục đầu về phía mặt (phía của Sự Thật).

Sau đây là tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây Thánh Giá, phiên bản Dòng Tên, được yêu chuộng trong Vatican ngày nay …

Sau khi Dòng Tên đã tuyên bố sự thật kể trên, thì họ đã ghi hình Ba Cây Đinh Thánh vào dấu ấn chánh thức của Dòng Tên.

– Chữ IHS là cách viết tắt với 3 chữ đầu của tên Giêsu trong tiếng Hy Lạp cổ.
– Tên Giêsu bằng tiếng Hy Lạp cổ có 6 chữ: ΙΗΣΟΥΣ
– Ba chữ tắt đầu là: IHS.

Dấu của Đức Giáo Hoàng Francis.

Collection Genève:
Trên Bàn Thờ …

Tượng bằng ngà của Chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây Thánh Giá, theo phiên bản của Dòng Tên, thế kỷ 19, do nhà điêu khắc chuyên chạm tượng ngà ở làng Dieppe (Pháp), Émile Bouasse làm trong năm 1867.
Những tượng ngà này, được điêu khắc ở làng Dieppe trong thế kỷ 19 … nay đã trở thành những bảo vật quý hiếm trong Collection …
Trên đầu Chúa Giêsu có một tấm bảng ghi 4 chữ La Tinh: INRI
INRI (Latin: Iēsus Nazarēnus, Rēx Iūdaeōrum)
Có nghĩa là: Giêsu thành Nazareth, Vua Do Thái.
Thật ra Chúa Giêsu là dòng dõi của Vua Do Thái David.

Mình thì rất thích tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá theo phiên bản Dòng Tên… vì thấy rất lý luận.
Nhưng ai muốn tin sao… hay thích phiên bản nào cũng được.
Phiên bản Triclavianism của Michelangelo cũng tuyệt vời… với Chúa Giêsu trần truồng trên cây Thánh Giá. Theo những tài liệu xa xưa của thời La Mã thì có những tội phạm bị đóng đinh trần truồng như vậy đấy…
Có những nhà nghiên cứu gần đây đã nói rằng cây Thập Tự thời đó không có hình chữ “T” mà là chữ “X”. Ai muốn tin sao cũng được nha… Đừng nên bắt ai phải tin theo mình!

Xin nói thêm là…
Tên lính La Mã mà đã lấy cây giáo nhọn đâm vào hông Chúa Giêsu trên cây Thánh Giá, tên là Longinus. Sau đó Longinus đã theo đạo Thiên Chúa… và đã tử đạo… Và được phong thành Thánh Longinus.
Máu và Nước từ Thánh Tâm Chúa Giêsu chảy theo lưỡi giáo xuống tay người lính này. Anh ta có thị lực yếu, khi anh ta lấy tay dụi mắt thì mắt sáng trở lại. Lòng Thương Xót bao la của Chúa Giêsu đã chảy trào vào anh ta, dù chính anh ta mới vừa đâm vào ngực Chúa Giêsu. Longinus đã được chữa lành và gia nhập đạo. Anh đã rời quân ngũ, rồi tới làng Cappadocia và chịu tử đạo vì đức tin. Ngày nay chúng ta tôn kính lễ Thánh Longinus vào ngày 15 tháng Ba.
Thánh Longinus là Thầy của những người mù.

Nhà điêu khắc tượng lừng danh Gian Lorenzo Bernini (1598-1680), được mệnh danh là Michelangelo Đệ Nhị, đã tạo ra tượng Thánh Longinus bằng đá hoa cương tuyệt vời trong năm 1638 và hiện được tôn thờ trong Thánh Đường Thánh Phêrô ở Vatican.

Còn một trong những Cây Đinh Thánh thì hiện nay được tôn thờ ở Santa Maria della Scala, in Siena, Italy.

Còn Mũ Gai Thánh của Chúa Giêsu thì hiện nay được tôn thờ trong Nhà Thờ Notre Dame ở Paris.

Collection Genève:
Cũng có một cây Thánh Giá quý hiếm, bằng sứ, làm đặc biệt cho những Cha Dòng Tên sống trong Hoàng Cung dưới thời Hoàng Đế Khang Hy (1661-1722).

Cây Thánh Giá này mang dấu ấn của Dòng Tên, với:
– Thập Tự
– Ba chữ IHS
– Ba Cây Đinh Thánh

Collection Genève:
Có một tượng cổ Chúa Giêsu, làm đặc biệt cho những Cha Dòng Tên sống trong Hoàng Cung dưới thời Hoàng Đế Khang Hy (1661-1722), làm bằng gỗ quý Huanghuali, Trung Quốc, thế kỷ 17.

Xin chúc các bạn một Lễ Phục Sinh thật an lành và hạnh phúc.

Joyeuses fêtes de Pâques.
Hữu Hào (Pâques, 2018)