“Đêm tàn cho trăng khuyết ra đi theo người.” | Chuyện phiếm Đạo/Đời

843

Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 19 thường niên năm C 11/8/2019

“Đêm tàn cho trăng khuyết ra đi theo người.”

“Ru mai buồn từng cánh rơi ngoài sân mưa.
“Yêu ngàn lần hơn nữa cũng mất nhau rồi
“Anh trách anh vì sao với hoa không cùng chung đời …”
(Anh Việt – Hoa Có Vàng Nơi Ấy)

(Lc 12: 32-33)

Hoa vàng nơi ấy, hay có ra như thế nào đi nữa, sao cứ khiến… cho trăng khuyết ra đi theo người? Hoa có vàng, chỉ là ý-tứ/tư-tưởng ở ca-từ được cất lên trong đêm “Hát Cho Nhau” ngày 07/7/2019 với chủ-đề “Tình tự Mùa Đông” như sau: 

“Buồn hoài chi ta ơi
Nơi ấy hoa vàng cho đẹp mùa sang
Đường mình qua lúc nào giờ bước âm thầm
Tình cũ dâng trào.
Đường về không gian xưa
Đá rêu xanh đầy đi về mình ta
Chiều về hoang phím đàn
Một phút giây nào mình khóc cho nhau
Mình cùng say trong mưa
Em ánh trăng mờ anh làm trời thơ
Ngày tìm đến cuối trời
Người lãng quên rồi
Đời đã chia trôi
Mai dù ai đưa bước em qua đông dài
Em không đợi anh nữa trong bài ca (lời ru) đêm
Xin đừng mang nước mắt trao cho đời
Khi tiếng ca từng đêm vắng đưa anh về bên người.”
(Mai Việt – bđd)

Buồn hoài chi ta ơi”, hay “Hoa Vàng nơi ấy”, “từng đêm vắng đưa anh về bên người”, mà thôi sao? Nỗi buồn “Hoa Cỏ”, phải chăng là nỗi buồn man mác của nhà Đạo hôm nào, có đấng bậc đã nhận thấy ngang qua sự kiện Đức Phanxicô rày thay đổi lời Kinh Lạy Cha, bằng lời “buồn” ray rứt như đấng bậc lại nói tiếp:

“Nếu bảo rằng: Đức Phanxicô đã thay-đổi lời lẽ trong kinh Lạy Cha, thì điều này thật chẳng đúng chút nào hết, dù ngài có nói đôi điều liên-quan đến sự việc ấy. Sự việc được tỏ bày rất rõ như lời tường-thuật ở dưới: 

Quả là, Đức Giáo Hoàng có nói và viết về vấn đề này, khá nhiều lần. Và, nay là thời-điểm tốt nhất để ta tìm-hiểu cho rõ ngọn ngành lời phát biểu của ngài. Nói đúng hơn, tháng hai 2019 vừa qua, Thánh bộ Giáo dục ở La Mã có đưa ra một văn-kiện quan-trọng về vấn đề nêu trên khiến đem lại nhiều điều lợi cho các trường Công-giáo cũng như nhiều các cơ-chế giáo dục khác. Riêng bản thân tôi sẽ bàn thêm một số điểm có liên-can đến vấn đề này vào số báo kỳ tới. Nay, xin thưa với bà con như sau: 

“Trước hết, nhiều giám mục người Pháp thừa-nhận rằng: bản dịch Kinh Lạy Cha trong Sách Lễ Rôma đã có hiệu-lực từ Chúa nhật Thứ nhất Mùa Vọng năm 2018. Bản dịch này, đã có vài thay đổi ở câu cuối tương-tự như: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ.” 

Ít lâu sau, truyền hình Ý lại đã phát sóng một cuộc phỏng-vấn Đức Phanxicô kéo dài một tiếng đồng hồ trong đó Ngài được hỏi ý-kiến về bản dịch mơi, nói trên. Ngài bình luận rằng: “Chính ta mới là người sa chước cám dỗ, chứ không phải Chúa là Đấng đưa đẩy ta đây vào chước cám dỗ như thể ta đây từng sa ngã. Và, Người Cha của ta lại chẳng bao giờ làm như thế hết. Người Cha, là Đấng luôn giúp quí vị đứng dậy ngay lập tức. Thật ra, thì kẻ chủ mưu dẫn đưa con người rơi vào chước cám dỗ chính là Satan, là tên Ác thần sự dữ.” (X. Lm John Flader, Changing the Lord’s Prayer, The Catholic Weekly 14/7/2019 tr. 19) 

Thay đổi lời lẽ thế nào đi nữa, ở câu kinh hay bài hát, có thể cũng là thay và đổi cho hay/đẹp hầu giúp mọi người. Thay và đổi, như đổi thay cả Lời của Chúa trong kinh kệ. Làm như thế cũng phải dựa vào nhiều chi tiết lịch sử cùng văn phong/thể loại của bản-văn ngõ hầu tạo niềm tin nơi mọi người!

Thay đổi lời lẽ ở đâu đi nữa, cũng nên tìm về lời của Chúa ở Tin Mừng không cần gì đổi thay, vẫn chân thật. Chân và thật như lời bình-luận của đấng bậc ở bài thuyết giảng bên dưới:

“Đức Chúa là LỜI của Cha, Ngài tặng ban cho ta. Vai trò “trung gian hài hoà” của Ngài là LỜI đem ta vào với “tương quan tức thời” với Cha. Dân con Chúa đều hiểu rõ điều này, cách nằm lòng. Và con dân Ngài vẫn đáp lại nhờ vào Ngài, bằng LỜI Ngài, để rồi tất cả sẽ đi vào Tiệc Thánh, tức: đi vào “quan hệ tức thời” về với Cha. Nói ra điều này thật không dễ để nói cho đúng cách.  

Điều cần thiết, là ta nên tránh đường xưa lối tắt dẫn đưa con người mãi đi xa, lạc đường không đến được. Và, cung cách dẫn đi xa, thường khiến ta chối bỏ tương quan tức thời, Chúa đợi chờ. Thế nên, ở trên và ở ngoài ngôn từ ta vẫn có, Lời Ngài đến với ta để kể cho ta nghe sự thật, rất thực. Và, ta được “thánh hoá” bằng sự thật, vượt ngôn ngữ. 

Chuyển giao sự thật cho mọi người, ta sẽ trở thành đấng hiền từ như Kitô-khác. Và nếu ta cùng mọi người làm được điều đó, thì tất cả sẽ là ngôn sứ của Chúa và dân con hiền hoà thực hiện Lời Ngài như điều Chúa hứa vào lễ Ngũ Tuần. Và, Ngài vẫn muốn sự việc xảy ra như thế.

Đó là sự thật tràn đầy từng khiến con dân Chúa ngạc nhiên. Thần Khí Chúa thổi đến nơi nào Ngài muốn thổi và ta có âm thanh điệu thổi của Ngài nhưng lại không biết âm thanh ấy từ đâu đến rồi sẽ đi về đâu. Ta chẳng thể nào đòi Ngài hoạt động theo cách thế của thông tin thời đại hoặc toán pháp, hình học rất chính xác được.  

Thánh Phaolô có lần từng kể: cách Thiên Chúa làm, nhiều lúc rất bộc phát, dị kỳ và khinh xuất. Cả Người Con của Ngài cũng đã làm nhiều điều khiến ta khó đoán. Sách Công Vụ, có kể về sự kiện thánh Phêrô gặp công dân La Mã ngoài Đạo, ở Rôma tên là Cornêlius là người cũng từng cảm nhận được Thần Khí Chúa sống động ở bên trong. Điều này có nghĩa: ông cũng có tương quan tức thời với Chúa, với Cha.  

Và, cả đến thánh Phêrô cũng đã chấp nhận thanh tẩy để ông có tương quan tức thời với Hội thánh nữa. Và, ông là người đầu tiên trong lịch sử tuy không phải là Do thái, nhưng lại gia nhập hàng ngũ các kẻ tin có tương quan với Chúa, rất tức thời.” (X. Lm Kevin O’Shea CSsR, Lời Chúa Sẻ San năm C nxb Hồng Đức 2014, tr. 100-101)

Một khi đã gia nhập hàng ngũ các kẻ tin có tương-quan với Chúa, ngang qua Lời hoặc bằng vào Lời của Ngài, như thế tức: đã đạt chốn thiên-đường hạnh-ngộ. Thiên đường chốn cứu độ ở đây là yến tiệc Chúa mời gọi mọi người đến tham dự.

Thiên đường cứu độ, vẫn là và còn là chốn sống trong đó mọi người sống đời hiện tại trong yêu thương, giùm giúp hết mọi người. Cả những người tứ chiếng, tám hướng bốn phương tìm đến mà hòa trộn trong cuộc sống cụ thể nhiều ưu tư, trăn trở.

Sống trăn trở nhưng thực tế, thực dụng như Lời Đấng thánh hiền từng bảo ban, qua Tin Mừng, mà rằng:

“Hỡi đàn chiên nhỏ bé hãy chớ sợ,
vì Cha anh chị em
đã vui lòng ban nước của Ngài cho anh chị em.
Hãy bán tài sản mình sở hữu
mà bố thí cho những người có nhu-cầu.
Hãy sắm lấy túi tiền không hề cũ/rách,
một kho tàng không hề hao hụt
ở trên trời
nơi kẻ trộm không bén mảng,
mối mọt không đục phá.
Vì kho tàng của anh chị em ở đâu
thì lòng anh chị em
cũng ở đó.”
(Lc 12: 32-33) 

Xem thế thì, người người đã có Lời của Chúa như kho tàng đích-đáng hiện thực trong đời mình. Có kho tàng ấy rồi, thì còn có gì mà phải lo với sợ. Lo sợ chăng, chỉ là những người suốt ngày chỉ lăm le làm giàu bằng tiền của, vật chất, rất bấp bênh.

Nắm chắc sự thực như thế rồi, nay bạn và tôi, ta cứ thế hiên ngang sống đời hiện-thực dù có khó hoặc phi phỏng.

Nắm chắc chân-lý ngàn đời như thế rồi, nay mời bạn, mời tôi và mọi người, ta cứ thế “đần cao mắt sáng” hiên ngang tiến về phía trước mà cất lên ca-từ làm nền ở bên trê, mà rằng:

“Đường về không gian xưa
Đá rêu xanh đầy đi về mình ta
Chiều về hoang phím đàn
Một phút giây nào mình khóc cho nhau
Mình cùng say trong mưa
Em ánh trăng mờ anh làm trời thơ
Ngày tìm đến cuối trời
Người lãng quên rồi
Đời đã chia trôi
Mai dù ai đưa bước em qua đông dài
Em không đợi anh nữa trong bài ca (lời ru) đêm
Xin đừng mang nước mắt trao cho đời
Khi tiếng ca từng đêm vắng đưa anh về bên người.”
(Mai Việt – bđd)

Trong tinh thần cảm kích những Lời vàng đấng thánh phú ban, nay ta lại đi vào vùng trời truyện kể để minh họa cho một lập trường sống khá vững và cũng khá thật, như sau:

“Truyện rằng:

Sống trong cuộc đời, ai ai cũng phải tranh đấu ngược xuôi để có tiền quyền, danh lợi… Nhưng đến khi hai mắt khép lại, bao nhiêu phấn đấu cả cuộc đời cũng chìm vào hư ảo. Của cải ấy, ‘khi sinh không đem đến, khi tử không mang theo’. Vậy thì điều gì mới là ý nghĩa nhất với sinh mệnh đời người? 

Những điều ghi bên dưới là câu trả lời cho câu hỏi này:

Năm 1921, Lewis Lawes trở thành giám đốc nhà tù nổi tiếng khủng khiếp ở Mỹ. Catherine, vợ của Lawes là một phụ nữ đặc biệt. Lúc Lawes tiếp quản nhà tù, Catherine vẫn còn khá trẻ dù họ đã có ba đứa con. Khi đó tình trạng trại giam khá hỗn loạn và nguy hiểm, ai cũng khuyên can, song họ không ngăn được bà thường xuyên đến đó. 

Dường như bà không thấy có bất kì sự nguy hiểm nào khi đối diện với các tù nhân, mặc dù nhà tù nơi chồng bà cai quản nối tiếng về những tù nhân bất trị, đã phạm những tội ác đáng sợ. 

Đây là nơi giam giữ các tù nhân cực kỳ nguy hiểm. Các tù nhân thường thấy bà đến, gương mặt bình thản, thân thiện, bà đẹp và dịu dàng, mỗi căn phòng nơi giam giữ các phạm nhân bà đều ân cần dừng lại, hỏi thăm, chia sẻ với họ đôi câu chuyện. 

Một hôm, nhà tù tổ chức giải đấu bóng rổ, bà đưa 3 con nhỏ của mình đến xem, bà còn không ngần ngại ngồi xem trận đấu chung với các tù nhân. 

Bà nói khi ai đó lo ngại cho bà.

-Vợ chồng tôi đều rất quan tâm đến họ. Và tôi tin họ cũng sẽ quan tâm đến chúng tôi. Tôi không thấy có điều gì cần đáng lo cả. 

Trong số tù nhân có một người mù, từng bị kết tội giết người, Catherine đã đích thân đến thăm anh ta. Bà cầm tay người tù hỏi:

– Anh có được học chữ dành cho người mù không?

– Người mù đọc chữ là sao, tôi không hiểu? – Anh ta trả lời.

Vậy là bà bắt đầu dạy anh ta chữ nổi. Nhiều năm sau, anh vẫn thường khóc mỗi khi nhắc đến bà. Một người tù khác bị câm điếc, Anh không thể giao tiếp với mọi người. Thế là bà lặn lội đi học ngôn ngữ cử chỉ để về dạy cho anh. Trong gần 20 năm, bà thường xuyên lui tới nhà tù để giúp đỡ các tù nhân. 

Nhưng không may, một ngày khi đang trên đường bà bị tai nạn giao thông và qua đời. Lawes phải lo đám tang cho vợ nên vắng mặt và một người khác đã tạm thời quản lý nhà tù thay ông. 

Ngay lập tức, đã có chuyện không ổn xảy ra. Một đám đông tù nhân đã tập trung ở cổng lớn vào buổi sáng hôm mai táng Catherine, nhất định không chịu giải tán, trong đó có cả những tù nhân hung dữ với tội ác tày trời. Nhiều người trong số họ đã rơi nước mắt. 

Hiểu được tình cảm họ dành cho Catherine, người quản trại tạm thời nói:
– Được rồi, các anh có thể đi tiễn Catherine, nhưng nhớ quay về trại trước khi trời tối.
 

Sau đó, ông ra lệnh mở cổng chính để tất cả tù nhân đến nhà Lawes nhìn mặt Catherine lần cuối. Không có bất kỳ giám thị nào đi theo họ cả. Dòng người xếp hàng ngay ngắn, đi bộ suốt gần một dặm đến nhà Lawes. Đêm ấy, họ trở về đông đủ, không thiếu một ai. 

Cổ nhân có câu: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Nghĩa là bản tính nguyên sơ của mỗi người trong chúng ta đều là lương thiện. Thế nên chúng ta thường thấy mỗi đứa trẻ khi mới sinh ra đều đẹp tựa thiên thần.

Mạnh Tử từng nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Nhưng rồi trong dòng xoáy cuộc đời, trải qua bao năm tháng biến động, tranh đấu, bon chen, nhiều người trong họ có thể đã biến đổi thành tàn ác, xấu xa. Người đời cũng không ai muốn tôn trọng hay yêu mến họ nữa.

Vậy tại sao Catherine có thể đối xử với họ như thế? Tại sao bà không thấy sợ, khinh bỉ hay căm ghét những người đã phạm phải lầm lỗi đáng sợ hoặc đáng khinh?

Chẳng phải trong lòng bà không hề nghĩ chi đến những tội ác họ đã từng phạm phải, chẳng phải bà chỉ nhìn thấy ở họ một bản tánh vốn dĩ là lương thiện và bà tin rằng cái cội rễ ấy vẫn ở sâu thẳm trong tâm hồn họ và không bao giờ mất hẳn. 

Chẳng phải bà hiểu rằng, không ai hoàn mỹ, ai cũng có thể mắc sai lầm. Có thể lớn, có thể nhỏ. Nhưng nếu chỉ nhìn vào sai lầm hay cái xấu của người khác thì trong tâm trí ta cũng chỉ tràn ngập bóng tối của những thứ xấu mà thôi. Và điều đó cũng không thể khiến họ tốt hơn hay khác đi. 

Điều quan trọng hơn cả sự trả giá, là sự biết nhìn lại, nhận ra và quay trở về với bản tính thuần thiện trong trẻo mà mỗi chúng ta đều đã từng có và có thể đã đánh mất trong những năm tháng đầy biến động của cuộc đời. 

Nhà tù có thể giam giữ thân thể, nhưng bao dung và từ bi mới cứu chuộc được tâm hồn. Mới có thể thực sự đưa con người từ địa ngục trở về và thấu hiểu đến tận cùng giá trị của tình yêu thương, sự chân thành, tấm lòng lương thiện.

Những điều trao đi, chính là những gì sẽ nhận lại

Tình yêu thương sẽ sưởi ấm trái tim mọi con người.  

Những người tù ấy, vào buổi sáng trên con đường đến tiễn đưa Catherine, trong tâm hồn họ chẳng phải sẽ tràn ngập ánh sáng chiếu rọi từ thiên đường, nơi tình yêu, sự chân thành, nhân hậu mà bà đã dành cho họ. Và chẳng phải cái mầm thiện lành bà đã gieo vào tâm hồn họ trong những năm tháng bà còn sống, bằng những ân cần, trìu mến và bao dung ấy đã nảy nở và đơm hoa trong tâm hồn những con người tội lỗi. 

Và ngay khi chẳng có quản ngục nào đi theo, chẳng có song sắt nào giam giữ thì chính sức mạnh vô hình ấy đã khiến họ không bao giờ làm điều xấu, đã không có tù nhân nào bỏ chạy. Bởi vì họ sẽ sống xứng đáng với sự từ bi, cao thượng mà bà dành cho họ.

Phật gia cho rằng: ‘Điều ý nghĩa nhất của sinh mệnh đời người chính là quay trở về, trở về với bản tính thuần chân nguyên sơ trong mỗi người.‘ Và rằng, Chân – Thiện – Nhẫn là cội nguồn của những điều tốt đẹp…

Có Nhẫn mới có thể tha thứ, bao dung với lỗi lầm của người khác, có Thiện mới có thể đem điều tốt lành trao cho người khác, có Chân mới có thể làm mọi việc từ đáy lòng mà không giả tạo.

Hãy giữ gìn và vun xới hạt mầm tốt đẹp đó trong lòng mỗi con người, bởi vì không phải chính trị, tiền bạc, dầu mỏ, kim cương mà chính cội nguồn sâu thẳm tạo nên sinh mệnh và vũ trụ ấy mới có thể cứu rỗi thế giới này.”

Thế đó, là lời khuyên từ bạn đạo, ở đâu đó. Còn đây, lại là những lời đầy cảm kích sẽ theo chân mọi người đi mọi nơi, đến mọi chỗ, cốt đễ giùm giúp những ai cần đến chúng.

Thế đó, lại cũng là lời cuối xin được gửi đến bạn, đến tôi và hết mọi người, kể cả những người thật thân thiết hoặc chỉ quen sơ, mới gặp mặt. Gì gì đi nữa, ta cũng hãy để lòng mình trùng xuống, rồi sống thực những ngày còn lại trong đời mình

Trần Ngọc Mười Hai
Chẳng dám khuyên ai
Chỉ là tự nhủ
Hoặc tự kỷ ám thị
Bằng những lời nhẹ nhàng như thế
Mà thôi.