Ý nghĩa cuộc đời | James Lập chuyển ngữ

266

James Lập chuyển ngữ

Tranh luận giữa Cô *Lili Sans-Gêne và Lm *Nathanaël Garric

Cuộc đời lắm khổ đau nhiều gian khó! Chúng ta phải công nhận rằng thực sự chúng ta chẳng hiểu gì cả! Tại sao tôi có mặt ở đây? Tôi có ích gì? Công việc của tôi có ý nghĩa gì? Nhiệm vụ của tôi là gì? Lili Sans-Gêne có quá nhiều vấn nạn. Liệu Lm  Nathanaël Garric có thành công trong việc cố gắng đưa cô ấy ra khỏi đám mây mù này không?

Lili Sans-Gêne hỏi: Tại sao con phải đi học, chọn nghề rồi kết hôn? Tóm lại, cuộc đời này có ý nghĩa gì?

Lm Nathanaël Garric đáp: Câu hỏi rất lý thú thậm chí còn cần thiết nữa! Vào cuối cuộc đời, triết gia *Socrates đã thốt lên thế này trong phiên tòa xử ông: “Một cuộc sống không được phép đặt vấn đề thì không đáng sống. Sống phải có ý nghĩa.” Khi ông thốt ra câu này là lúc sắp bị kết án tử hình nên để lại cho dân thành Athen (*Hy Lạp) di chúc triết lý đời ông. Ông ấy đúng quá đi thôi! Điều quan trọng là chúng ta phải tự đặt câu hỏi này cho chính mình! Theo quan điểm của Cha, từ ‘ý nghĩa’ đề cập đến 2 tư tưởng bổ túc lẫn nhau: Tính nhất quán và mục đích. Sống ‘nhất quán’ là thực hiện những hành động không mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn, hôm trước chống bất công rồi hôm sau biển thủ công qũy hay tham nhũng là nghịch lý. Thứ đến, sự nhất quán này phải nhằm mục đích có giá trị nhất quán trong cái nhìn của chúng ta. Nếu không, chúng ta sẽ nhanh chóng cho rằng những nỗ lực của chúng ta là vô ích… hoặc vô nghĩa.

Lili: Tóm lại là tìm mục đích cho đời mình, nhưng mục đích gì? Cuộc sống hàng ngày đã quá phức tạp rồi!

Lm Garric: Cuộc sống có nguy cơ thiếu chút dịu êm nếu chúng ta không tin vào ‘ý nghĩa sâu xa của sự việc’ như triết gia kiêm thi sĩ Đan Mạch *Søren Kierke-gaard đã nói. Một số trong chúng ta chụp bắt mọi thứ khi sự việc xảy đến – ngày này qua ngày khác như con nói – chỉ nắm bắt cơ hội khi chúng xảy đến thôi. Không có gì là cần thiết đối với họ ngoại trừ quyền tự do ứng biến trong cuộc sống của mình. Thế giới của họ không có gì khác ngoài náo loạn, sự kiện xảy đến rồi đổ vỡ. Họ đã dẹp bỏ mọi cố gắng tìm hiểu ý nghĩa trong đó. Khi chỉ có khoảnh khắc hiện tại thì không thể xây dựng được gì. Những điều quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta (như tình bạn chẳng hạn) đều cần thời gian để phát triển…

Lili: Cha yên tâm đi, giữa những cuộc chạy đua, hội nhập và hành trình dài này, cuộc đời con không thiếu sự dịu êm. Con là người luôn tham gia sinh hoạt xã hội mà!

Lm Garric: Thật ra nhiều người trong chúng ta vì rung động trước một đam mê nào đó nên bày ra nhiều dự án (nào thực tập, nào chuyên nghiệp…) rồi bắt đầu dành hết tâm sức để đạt từ thành quả này đến thành quả khác. Nhưng đôi khi điều này ngăn cản chúng ta nghĩ đến những vấn đề quan trọng như đau khổ, sự chết, và số phận con người chẳng hạn.

Lili: Con phải thú nhận rằng sự năng động của con cũng ngăn cản con nghĩ đến tất cả những điều ấy…

Lm Garric: Ảo tưởng về cuộc sống thường được hoàn thành một cách rất sai lầm. Nhưng khi qua rồi, nó để lại một ‘khoảng trống hiện thực’ trong con người chúng ta. Khoảng trống này khiến chúng ta khó chịu đến nỗi chúng ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì để khỏa lấp nó. Như triết gia Blaise Pascal đã nói, “tất cả những bất hạnh của con người đều xuất phát từ một điều duy nhất là không thể ngồi yên một mình trong phòng riêng.” Ngưng hoạt động buộc ta phải nhìn thấy những gì ta không muốn thấy. Vì thế, chúng ta cảm thấy thức tỉnh hơn! Theo Pascal, hoạt động khiến ta phân tâm khỏi điều chính yếu: Chúng ta đều là người phàm, được đánh dấu bằng dấu ấn của sự hữu hạn. Tiêu khiển là điều thường khiến chúng ta đánh lệch hướng đi mà thôi!

Lili: Sống để bảo vệ một chính nghĩa cao quý như môi trường hay tự do báo chí dường như chưa đủ với Cha sao?

Lm Garric: Sống vì chính nghĩa là một bước tiến quan trọng! Thật thế, điều này bao gồm sự thay đổi chính bản thân: cần phải từ bỏ nhiều. Nhưng sẽ có lúc câu hỏi về động lực phía sau cuộc chiến đấu này sẽ nảy sinh là gì? Điều gì thúc đẩy con tham gia vào việc này hay việc khác? Nếu vì cuộc nổi loạn chống đối mà con liều mình thì con không xây dựng gì cả… Nhưng nếu vì tình yêu, nó sẽ trở nên cao quý… với điều kiện con phải hiểu rằng yêu thương’ có nghĩa là ‘cho’ và ‘nhận. Khi chúng ta đấu tranh cho một nguyên nhân trừu tượng về bản chất, thật khó để biết chúng ta có thể nhận được tình yêu thương để lấp đầy trái tim mình từ đâu. Thậm chí, Cha còn nghĩ đó là bí quyết của các thánh: chấp nhận để được yêu thương nhiệt tình!

Lili: Nên thánh đâu phải cho tất cả mọi người!

Lm Garric: Cho phép Cha theo con đường riêng mình để được hạnh phúc. Con có thể cảm thấy rất gò bó chật hẹp ở đấy! Về phần Cha, Lili thân mến, Cha đã có một lựa chọn lý tưởng khác. Cha mời con dành chút thời gian suy nghĩ. Cha tin rằng hạnh phúc là thứ Cha bất lực để mang đến cho chính bản thân mình, vì thế Cha đã chọn một cuộc sống hy sinh cho người khác. Đối với cuộc sống có kỷ luật, có tính toán và lý trí 100%, Cha thích cuộc sống mà tình yêu là mầu nhiệm, nơi Cha không làm chủ được mọi thứ, nơi Cha không hiểu hết mọi sự, vì cuộc sống này quá vĩ đại, quá phức tạp và quá tốt đẹp để Cha phải mất nhiều thời gian và công sức chạy khắp nơi tìm hiểu.

Lili: Con biết Cha sẽ nói gì với con rồi. Tình yêu mầu nhiệm này là tình yêu Chúa chứ gì? Tuy nhiên, cho đến khi chúng ta có thể chứng minh khác đi. Còn hiện nay sự hiện hữu của Ngài không chắc chắn và sẽ là vô lý nếu đặt tất cả mọi thứ vào Ngài!

Lm Garric: Con đúng một phần nhưng sai một phần. Nếu con cảm thấy chật chội khó chịu giữa những thứ hữu hạn của trần thế này (như đồ vật đủ loại, những thành tích khác nhau, v.v.), có thể là do con ước muốn quá nhiều, thậm chí là con khát khao tình yêu vô tận nữa! Nếu thế, thì hãy đánh cuộc an toàn hơn là tình yêu duy nhất mà con có thể nắm bắt được là tình yêu Chúa. Vì thế, có lẽ Ngài là người duy nhất có thể trả lời câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời con. Thượng đế không thể chứng minh được, đó là sự thật. Nhưng đến ngày kết hôn, con đánh đổi mọi thứ cho tình yêu của người kia mà không thể chứng minh được điều gì. Khi con hy sinh tất cả cho đam mê của mình, con có chắc con đang chọn lựa đúng không?! Sự lựa chọn để mở lòng với Chúa cũng thế thôi: chúng ta buộc phải chọn lựa (theo hoặc chống) mà không thể chứng minh là đúng hay sai.

Lili: Cha mưu đồ gì với con đây? Chính xác thì nó bao gồm những gì?

Lm GarricSống cho tình yêu thương vô bờ bến của Chúa bao gồm việc không tìm kiếm điều gì cho bản thân mình, không hướng cái nhìn xa xôi về thế giới này, mà là thay đổi cuộc sống. Đó là việc tìm kiếm điều tốt đẹp cho người khác bằng cách tin rằng Chúa luôn chăm sóc và lo lắng cho chúng ta. Không có niềm tin thì hơi phức tạp khó hiểu, vì cuộc sống đôi khi tàn nhẫn lắm con ạ! Lựa chọn cái tuyệt đối và vô hạn không có nghĩa là từ bỏ những thứ mình yêu thích, mà là dẹp bỏ ảo tưởng dồn tất cả con tim mình vào đấy. Cuối cùng Cha phải tin rằng chỉ có tình yêu Chúa mới thực sự lấp đầy trái tim Cha mà thôi…

TP Paris ngày 06.10.2022

__________________________

* Lm Nathanaël Garric là Lm của cộng đoàn Emmanuel thuộc giáo phận Paris. Gắn bó hơn 10 năm trong việc thi hành mục vụ cho các học sinh trung học và sinh viên đại học, ngài có nhiều cơ hội làm chứng cho ơn gọi Linh mục của mình qua các phương tiện truyền thông audio và video.

Lili Sans-Gêne là tác giả sách báo thường đặt những câu hỏi ‘hóc búa’ về các vấn đề của con người như cuộc đời, khổ đau, sự chết v.v.

* Triết gia Socrates bị án tử hình năm 399 TCN vì bị cáo buộc tội ‘vô đạo đức và làm hại giới trẻ’ (*tức trẻ Plato). Vụ án rất mơ hồ này thiên về chính trị theo ý kiến Plato, đệ tử ruột của Socrates.

* Søren Aabye Kierkegaard (1813–1855) là triết gia và thần học gia Tin Lành Đan Mạch thế kỷ XIX. Các tác phẩm của ông tập trung vào cái chết, mục đích và thân phận con người. Các triết gia Plato, Kant và Schelling đã ảnh hưởng nhiều đến các tác phẩm của ông. Thường được cho là cha đẻ chủ thuyết hiện sinh, Kierkegaard đã ảnh hưởng đến các triết gia hiện sinh thế kỷ XIX và XX như Nietzsche và Jean-Paul Sartre.

* Tác phẩm triết học nổi tiếng nhất của Blaise Pascal là Pensées (*Tư Duy), tuyển tập những suy tư cá nhân về sự đau khổ của con người và niềm tin vào Thiên Chúa mà ông bắt đầu viết từ cuối năm 1656 đến 1657 và 1658. Tác phẩm này chứa đựng ‘Vụ đánh cuộc của Pascal’ nhằm chứng minh niềm tin vào Chúa là hợp lý với lập luận như sau: ‘Nếu Chúa không hiện hữu, ta sẽ không mất nhiều, khi tin vào Người. Nhưng nếu Chúa thực sự hiện hữu, ta sẽ mất tất cả nếu không tin.’ 

(*Tóm lại: Nếu tin Chúa mà Ngài không hiện hữu, ta chỉ mất cuộc đời tạm bợ ngắn ngủi này thôi. Nhưng nếu Chúa có thật, ta sẽ được hưởng đời sau muôn kiếp.)