Thượng Hội Đồng Giám Mục cho vùng Pan-Amazon | Kiến thức Công giáo | Lm Peter Tuyên

1189

Thượng Hội đồng Giám mục cho vùng Pan-Amazon
Synod of Bishops for the Pan-Amazon

Bài viết về Thượng Hội đồng Giám mục cho vùng Pan-Amazon được trình bày qua những điểm chính sau đây:

1. Thượng Hội đồng Giám mục

Công Đồng Vatican đệ II, cụ thể qua hiến chế Lumen Gentium, ánh sáng muôn dân, đã triễn khai sự cộng tác của Giám Mục “với và dưới” sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng – cum et sub Petro – được Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI,  qua tự sắc Apostolica Sollicitudo – Tông Toà quan tâm – đã thành lập Thượng Hội đồng Giám mục ngày 15 tháng 9 năm 1965.

Giáo luật khoản 342 định nghĩa: Thượng Hội đồng Giám mục là một đại hội gồm các Giám mục được tuyển chọn từ nhiều miền khác nhau trên thế giới, tụ họp lại vào những thời kỳ được ấn định, để cổ võ sự hiệp nhất chặt chẽ giữa Ðức Thánh Cha với các Giám mục, và để giúp ý kiến cho Ðức Thánh Cha trong việc bảo vệ và tăng tiến Ðức Tin và phong hóa, và trong việc duy trì và củng cố kỷ luật Giáo hội; ngoài ra, còn để nghiên cứu các vấn đề liên quan tới hoạt động của Giáo hội trong thế giới.

Theo định nghĩa nầy, chúng ta có thể nói:  Giám mục không còn chỉ là chủ chăn của địa phận mình, nhưng có trách nhiệm hỗ trợ cho Đức Giáo hoàng trong vai trò mục tử tối cao cho toàn Giáo hội.

Thượng Hội đồng Giám mục được Đức Giáo hoàng triệu tập cho những đại hội khác nhau tùy theo vấn đề cần giải quyết. Có 3 loại đại hội như sau:

Đại Hội chung thường lệ: Thành viên bao gồm các Giám mục do Hội đồng Giám mục địa phương đặc cử; những thành viên do Đức Giáo hoàng chỉ định và một số thành viên của Hội Dòng Giáo Sĩ. Thí dụ: Thượng Hội đồng Giám mục Thường lệ Khóa XIV (còn được gọi là Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình) được diễn ra từ ngày 4 tháng 10 đến 25 tháng 10 năm 2015 mang chủ đề “ơn gọi và sứ mệnh của các gia đình trong Giáo hội và trong thế giới đương đại”.

Đại Hội chung ngoại lệ: Gồm những thành viên do Thượng Hội đồng Giám mục chỉ định, những thành viên do Đức Giáo hoàng chỉ định và một số thành viên của Hội Dòng Giáo Sĩ. Thí dụ Đại hội đồng bất thường lần II của Thượng Hội đồng Giám mục, được tổ chức tại Vatican từ ngày 24 tháng 11 đến ngày 8 tháng 12 năm 1985 về chủ đề Lễ kỷ niệm lần thứ hai mươi kết thúc Công đồng Vatican II. Thượng hội đồng đã qui tụ 165 Giám mục và những người tham gia khác.

Đại Hội chung đặc biệt: Thượng Hội Đồng gồm các phần tử được lựa chọn từ những miền mà vì đó Thượng Hội Đồng được triệu tập, chiếu theo quy tắc của luật riêng điều hành Thượng Hội Nghị. Cho tới nay đã có có 10 Đại Hội chung đặc biệt. Thượng Hội đồng Giám mục cho vùng Pan-Amazon được xếp loại Đại Hội chung đặc biệt nầy.

Thượng Hội đồng Giám mục cho vùng Pan-Amazon do Đức Giáo hoàng Phanxicô công bố ngày 15.10.2017 và được nhóm họp tại Rôma từ ngày 6-27 tháng 10 năm 2019. Vấn đề chính được khai thác và bàn thảo là:  Canh tân cách thức loan báo tin mừng cho thành phần dân Chúa, đặc  biệt cho những sắc dân địa phương mà họ thường xuyên bị quên lãng và không kỳ vọng một tương lai tốt đẹp. Đó là nguyên nhân khủng hoảng vùng Amazon, được coi như lá phổi có tầm quan trọng cơ bản trên hành tinh nầy.

2. Vùng Pan-Amazon

Vùng Pan-Amazon cũng thường được gọi là Panamazonia bao gồm 9 quốc gia: Brazil (210 triệu), Bolivia (12 triệu ), Columbia, (50 triệu ) Ecuador (17 triệu), Peru (33 triệu), Venezuela (29 triệu), Suriname (600 ngàn), Guina (13 triệu) and French Guina (300 ngàn). Vùng nầy là nguồn cung cấp khí thở, tức khí oxy cho toàn thế giới và cũng là vùng có diện tích rừng rậm lớn nhất hành tinh và nước mát không bị đông đặc chiếm 20% trên thế giới. Tuy nhiên, Thượng Hội đồng Giám mục cho vùng Pan-Amazon chú trọng đến Amazon Basin, lưu vực Amazon, có 34 triệu dân cư trên vùng đất rộng 6 triệu cây số vuông nầy, đặc biệt trong số nầy có 3 triệu thổ dân chia thành 400 bộ lạc và nói 240 thổ ngữ khác nhau.

3. Thượng Hội đồng Giám mục cho vùng Pan -Amazon

Khai mạc: Ngày 6 tháng 10, 2019. Thánh lễ khai mạc do Đức Giáo hoàng Phanxicô chủ sự ttrong Đại Vương Cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Rôma. Thành phần được tuyển chọn tham dự Đại Đại Hội chung đặc biệt nầy gồm có: 185 nghị phụ bao gồm Giám mục, linh mục và nam tu sĩ dòng. Thành phần nầy được bỏ phiếu. Ngoài ra còn có 34 phụ nữ, trong số nầy 20 là nữ tu các dòng. Ghi chú đặc biệt: Có hơn 145 thành viên của Hội Nghị là những người làm việc ở vùng Trung Nam Mỹ Châu. Giáo hội Công giáo vùng Pan-Amazon có 79 địa phận, 26 đại diện Tông tòa và ba Phủ doãn Tông tòa. Đại diện Tông tòa hay Phủ doãn Tông tòa là những lãnh thổ Công giáo có đại diện của Toà Thánh và trực thuộc tông tòa. Ngay sau Thánh lễ khai mạc, Đại hội viên bao gồm các Giám mục và những người được phép hiện diện như những chuyên viên, những quan sát viên và những cố vấn đã bắt đầu đại hội kéo dài trong suốt 22 ngày ở bên trong Hội trường Thượng Hội Đồng của Vatican dưới sự điều hành của 18 Hồng Y, Giám mục,… do Đức Giáo hoàng bổ nhiệm. Như vậy phải hiều là không có sự hiện diện của ĐGH trong suốt thời gian đại hội. Instrumentum laboris – Công Cụ hoạt động – bao gồm 147 đoạn đuợc dùng như tài liệu chính để trình bày và thảo luật trong suốt thời gian nầy.

Những tiểu đề trong Instrumentum laboris – công cụ hoạt động – được đề cập như sau:

Thảm trạng vùng Amazone: Đây là một vùng trù phú có thiên nhiên rất trù phú như khí oxy, nước ngọt, rừng rậm bác ngàn, lâm sản, hải sản … nhưng bị khái thác một cách bất công nhằm trục lợi bởi chính quyền và những tố chức trục lợi bất chính như buôn bạch phiến, buôn người, du lịch mãi dâm… Nhân quyền của thổ dân hoàn toàn bị quên lãng hay chà đạp. Họ bị khai thác cạn kiệt quyền làm người. Giáo hội Công giáo vẫn rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô một cách yếu ớt trước những thế lực vô luân lý, bất công và giàu có nầy. Người dân chưa thấy sức mạnh của Tin Mừng so với thực trạng nhân phẩm con người bị chà đạp.

Sứ mạng truyền giáo của Giáo hội phải làm sao cho dân vùng Amazon thấy: Chúa là tình yêu; Giáo hội phải là một người Samaria nhân hậu, đồng hành với dân nghèo, nhất là người bị bóc lột,  cởi mở với giới trẻ, giúp nâng cao dân trí, hoà nhập văn hoá và có tinh thần đại kết.

Để thực hiện sứ mệnh rao giảng Tin mừng nầy, Giáo hội phải có hướng đi mới cho hoàn cảnh đặc thù của vùng Amazon như sau: “AMAZONIA: NEW PATHS FOR THE CHURCH AND FOR INTEGRAL ECOLOGY”.

Phải cho phụ nữ đảm nhận vai trò quan trọng và chính đáng trong sinh hoạt của Giáo hội. Cần đào sâu hơn về việc phong chức phó tế vĩnh viễn cho phụ nữ như những thế kỷ đầu trong Giáo hội và như Đức Giáo hoàng Phanxicô đề cập hồi năm 2016.

Cổ động việc đào tạo và phong chức Phó tế Vĩnh viễn cho nam giới. Vai trò phục vụ của các phó tế đã hiện hữu trong Giáo hội sơ khai và được tái lập sau Công Đồng Vatican đệ II, qua các Hiến chế Lumen Gentium số 29 và Ad gentes số 16. Phó tế Vĩnh viễn là giáo sĩ nhưng sống giữa đời, dễ hoà nhập với người nghèo và người yếu đuối bệnh hoạn.

Có quá nhiều cộng đoàn Công giáo chỉ có thánh lễ hiếm hoi từng tháng hay từng đôi ba tháng một lần. Hội nghị đề nghị: Vẫn duy trì luật độc thân linh mục như ân huệ Chúa ban được minh định trong Constitutio Sacrosanctum concilium 1967 – hiến chế của Thánh Công đồng 1967. Nhưng cần phong chức linh mục cho những đàn ông xứng đáng và được kính trọng trong cộng đồng dân Chúa, đặc biệt cho những Phó tế Vĩnh viễn, những người đã được đào tạo cho chức thánh. Hơn nữa việc phong chức Linh mục cho những đàn ông có gia đình trong bản địa họ sống là cách giải quyết kinh tế cho việc di chuyển xa xôi và tốn kém của số ít linh mục nhưng phải trách nhiệm nhiều cộng đoàn trong khu vực rộng lớn.

Hội nhập văn hoá địa phương: Hiện tại Giáo hội Công giáo có 23 nghi lễ khác nhau nơi 23 Giáo hội mang tên Công giáo. Xin cho dân chúng miền Amazon áp dụng văn hoá của họ vào nghi thức phụng vụ hay nghi thức phụng vụ cần thích ứng với văn hoá đa dạng của thổ dân. Miễn sao vẫn duy trì được phần cốt lỏi của nghi thức phụng vụ.

4. Đúc kết ngày 26.10. 2019

Đề nghị phong chức linh mục cho những phó tế vĩnh viễn, tức những đàn ông đang có gia đình. Có 128 phiếu thuận và 41 phiếu chống. Đề nghị phong chức Phó tế Vĩnh viễn cho phụ nữ. Có 137 phiếu thuận và 30 phiếu chống.

Bên cạnh đó có những nhận định đáng ghi nhận như sau:

Hồng Y Camillo Ruini, nguyên Tổng Đại Diện giáo phận Rôma (ghi chú: Đức Giáo hoàng là Giám mục Rôma và nhà thờ chánh toà của ngài là Laterano, nhưng với cương vị Giáo Hoàng, Ngài dường như không bao giờ ở đây mà ở điện Giáo Hoàng ở Vatican… Vì thế Ngài trao quyền điều hành giáo phận cho vị Hồng y Tổng Đại Diện… Nên chức Tổng Đại Diện địa phận Roma rất lớn so với tổng đại diện của 3.000 giáo phận Công giáo trên thế giới. Hồng Y Camillo Ruini nguyên là Tổng Đại Diện giáo phận Rôma từ 1991-2008) phê bình rằng: Không tốt chút nào để phong chức linh mục cho những đàn ông có vợ ở Amazon. Điều đó trở thành kiểu văn minh thời đại cho những linh mục không giữ được luật độc thân nghĩa là những linh mục đang không sống độc thân thí dụ đang lén lút vụng trộm với phụ nữ thì an tâm với hành động xấu của họ. Hơn thế nữa, phong chức linh mục cho đàn ông có vợ là cách hủy bỏ cơ chế hôn nhân trong Giáo hội. Vì hôn nhân thành sự chỉ cho những ai không có chức thánh hay không khấn trọn trong các dòng tu. Đó là chưa nói đến đời sống thiêng liêng và mục vụ, Linh mục, tu sĩ cần phải gần gủi với Chúa hơn qua đời sống hy sinh giữ luật độc thân. Việc bận bịu với đời sống gia đình gây trở ngại cho công tác mục vụ và không là con người của mọi người như Chúa muốn.

5. Đức Giáo hoàng Phanxicô và những đề nghị từ Đại Hội Amazon

Dù đã nhận những đề nghị từ Hội nghị Pan-Amazon, nhưng Đức Giáo hoàng Phanxicô đã để cho mọi người chờ đợi lâu và gây ngạc nhiên cho thế giới bằng tông huấn “Querida Amazonia” tức Amazonia yêu quí –  ban bố ngày 2 tháng 2 năm 2020. Trong tông huấn nầy, Ngài không đề cập đến việc phong chức linh mục cho những đàn ông có gia đình, hay nói khác đi, Ngài nhấn mạnh đến việc cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Ngài không chối bỏ đề nghị việc phong chức Phó tế cho phụ nữ, tuy nhiên Ngài nhấn mạnh đến vai trò phụ nữ trong nhiều công tác mục vụ khác quan trọng hơn như dạy giáo lý, như các đoàn hội Công giáo tiến hành… hơn là việc phải có chức thánh Phó tế. Tông huấn Amazone yêu quí nhấn mạnh đến những yêu cầu khẩn thiết cho vùng Amazon: Công lý phải được thiết lập cho hơn 33 triệu dân cư sống ở vùng Amazon. Thế giới phải tôn trọng đất đai, văn hoá tập tục của thổ dân. Cần chấm dứt ngay những tội ác chà đạp phụ nữ như nạn buôn người, mãi dâm hay mua bán bạch phiến trong vùng. Ngài cho rằng đây là mơ ước của Ngài cho vùng Amazon yêu quí. Đó cũng là đường hướng mới của Giáo hội Công giáo vùng Amazon phải theo để rao giảng Tin Mừng.

6. Suy tư cá nhân: Giá trị thiêng liêng và sức mạnh của việc linh mục Công giáo giữ luật độc thân

Thượng Hội đồng Giám mục vùng Pan-Amazon đã đề nghị đến việc phong chức Phó tế cho phụ nữ cũng như phong chức Linh mục cho những đàn ông đang có gia đình. Chúng ta thấy rõ những bước tiếp nối sau khi những đề nghị nầy được chấp thuận. Đó là sẽ phong chức linh mục cho phụ nữ và vất bỏ luật độc thân linh mục.

Không ai chối cải là có phụ nữ làm Phó tế ở Giáo hội sơ khai như trong thư Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Rôma 16,1 khi ngài nói “Tôi khen ngợi người chị em của chúng ta, Phoebe, làm phó tế cho Giáo hội Cenchreae” (Cenchreae hoặc Kechries, một làng ở thành phố Corintô ngày xưa, Hy Lạp). Tuy nhiên, không ai hiểu là phó tế phụ nữ được phong chức thánh như phó tế nam giới? Công đồng Nicea năm 325 xác quyết “Chúng tôi muốn nói đến deaconesses, những người đã có vai trò phục vụ trong Giáo hội, nhưng không được đặt tay truyền chức thánh bởi Giám mục thì chỉ được xếp chung với hạng giáo dân thôi”. Từ diakonos trong nguyên ngữ Hy Lạp mà chúng ta dịch là phó tế, chỉ có nghĩa là người giúp đỡ, người phục vụ… Nên các nam phó tế là để phục vụ bàn thánh hay làm việc từ thiện bác ái. Nữ phó tế, giống như quí bà đạo đức trong giáo xứ lo thăm viếng bệnh nhân hay giúp đỡ người nghèo khó… Nếu trong một thánh lễ long trọng do Giám mục chủ sự với đôi ba Giám mục đồng tế thì người ta xếp danh sách Phó tế Vĩnh viễn phục vụ cho Giám mục chủ tế và cả phó tế phục vụ cho Giám mục đồng tế. Nên thay vì nói Mr. Deacon James serves Giám mục John Smith thì họ nói Mr. Deacon James deacons for Giám mục James Smith. Nên Phó tế có vai trò phục vụ hàng đầu.

Ngày 7 tháng 5, 2019 khi trả lời cho phóng viên báo chí về việc phong chức nữ phó tế trong tương lai, Đức Thánh Cha Phanxicô nói “Chắc chắn có nữ phó tế trong Giáo hội sơ khai, nhưng không chắc họ được đặt tay phong chức thánh!” Vấn đề nữa: Tại sao phó tế vĩnh viễn có từ thời Giáo hội sơ khai cho đến thế kỷ IV… sau đó bị gián đoạn cho đến khi được tái tạo sau công đồng Vatican II, năm 1967? Chúng ta có thể trả lời ngay rằng: Giáo hội không có nhu cầu cần phó tế vĩnh viễn vì số đông linh mục giống như Việt Nam bây giờ vậy… cho đến mãi sau Công Đồng Vatican II, Giáo hội và qua Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI thấy Giáo hội cần phó tế vĩnh viễn, vì số linh mục suy giảm mà nhu cầu mục vụ như truyền giảng Phúc Âm, cử hành những bí tích rửa tội trẻ em hay chứng hôn, thăm viếng bệnh nhân… mà phó tế vĩnh viễn có thể đáp ứng dễ dàng hơn nên đã ban hành tông huấn SACRUM DIACONATUS ORDINEM 18.6.1967 để tái thiết lập chức phó tế vĩnh viễn cho nam giới thôi.

Giáo hội Công giáo không hề có ý thiết lập hay theo yêu cầu của một số người là “tái thiết lập” chức phó tế vĩnh viễn cho phụ nữ. Lý do: Chúa Giêsu và các tông đồ không hề thiết lập chức linh mục hay chức phó tế vĩnh viễn cho phụ nữ. Nhiều phụ nữ theo giúp đỡ Chúa, nhưng không ai được chọn làm tông đồ, làm linh mục hay phó tế theo nghĩa được đặt tay truyền chức cả. Hơn nữa như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định qua tuyên bố tháng 6.1994: Không là lý do kỳ thị hay khinh thường nữ giới nhưng Chúa tạo dựng phụ nữ cho những công việc khác chứ không cho việc nhận lãnh và thi hành chức thánh linh mục. Trích luận án tiến sĩ “Penal sanctions regarding the delict of attemted scared ordination of women” của Tran the Tuyen trang 145. Vả lại, nếu theo yêu cầu của Thượng Hội Đồng cho vùng Pan-Amazon cho phép truyền chức phó tế vĩnh viễn cho phụ nữ thì chắc chắn bước tiếp theo sẽ là việc chấp nhận truyền chức linh mục cho nữ giới như các Giáo phái Tin Lành. Vì nếu phó tế là chức thánh mà đã được ban thì những chức thánh kế tiếp cũng sẽ được ban dễ dàng giống như bên Anh giáo, có nữ phó tế vĩnh viễn, có nữ linh mục và có cả nữ Giám mục. Từ 17.12.2014 tức từ ngày phong chức nữ Giám mục Anh Giáo đầu tiên cho đến nay, Anh giáo ở Anh Quốc đã có 8 Giám mục phụ nữ, chiếm gần phân nữa số Giám mục Anh Giáo ở Anh Quốc. Đi xa hơn một chút, chúng ta sẽ thấy nếu việc phong chức phó tế hay linh mục cho phụ nữ sẽ là khí giới hữu hiệu nhất phá vở đời sống độc thân linh mục. Thực tế là: Nếu tôi là Cha sở, tôi có quyền xin một nữ linh mục có nhan sắc làm cha phó…. và chuyện giữ luật độc thân linh mục sẽ không còn ai tin khi một đàn ông và một đàn bà sống chung trong nhà xứ?

Sau nhiều năm trong chức vụ linh mục, tôi phải nhìn nhận một điều: Luật độc thân linh mục là hồng ân Chúa ban và đó là sức mạnh của Giáo hội Công giáo Rôma. Thật vậy không có ơn Chúa không sao giữ nỗi luật độc thân. Cái nghiệt ngã nhất là sự cô đơn trống vắng. Sau giờ thánh lễ, còn mấy ai lai vảng? Khi đau ốm bệnh hoạn, có ai buồn hỏi thăm. Nhiều khi gặp khó khăn thất vọng, có ai quanh mình để chia sẻ hay thông cảm. Tuy nhiên, linh mục một thân một mình nhưng lại được tín nhiệm và lắng nghe. Chúng ta biết tại sao bên các giáo phái Tin Lành không có nhiều bí tích và tuyệt đối không có Bí tích Giải tội? Rất dễ hiểu: Hỏi rằng ai đến xưng tội với ông linh mục có vợ? Không ai xưng tội với linh mục có vợ, chắc gì ông ta không chia sẻ tội mình xưng với vợ ông ta? Và vợ ông linh mục cũng không chịu cho chồng mình rù rì trong toà Giải tội với người khác, nhất là với phụ nữ đẹp. Bà ghen, bà lồng lộn, bà nổi tanh bành là chắc!

Xa xôi hơn một chút, nhưng thực tế rất cận thân: Độc thân linh mục là dấu chỉ của nước thiên đàng hoàn hảo và hạnh phúc trọn vẹn: Trên thiên đàng không ai còn dựng vợ gã chồng. Tại sao? Chồng vợ chỉ là chuyện nón che khi trời nắng. Thiên đàng có Chúa hoàn hảo và viên mãn, có sự sống vĩnh hằng thì còn cần chi “chiếc nón vợ chồng” tạm bợ nữa. Luật độc thân linh mục cho tôi tự do và sẵn sàng phục vụ dân Chúa. Có vợ bên cạnh dòm ngó, tôi sẽ không sao đi xức dầu bệnh nhân đêm hôm hay đi làm lễ, giải tội hay giảng dạy mà không có phép bà xã. Độc thân linh mục, không bận chuyện “vợ đẻ, con đau”, linh mục có giờ để giảng dạy và đào sâu giáo huấn Công giáo. Độc thân, làm linh mục thành quà tặng cho muôn người, linh mục không là sở hữu của tiêng ai mà của mọi người. Luật độc thân làm linh mục không thành gánh nặng cho ai cả: Không vợ con, không nhà cửa, không sản nghiệp phân chia… nhắm mắt chết trong nhẹ nhàng thanh thoát.

Để kết thúc, tôi xin mượn lời của Đức Hồng Y Thuận trong Đường Hy Vọng… Nếu Chúa cho chọn lại… con không chọn đường nào khác ngoài việc làm linh mục và giữ luật độc thân linh mục. Cám ơn Chúa cho quà tăng cao quí nầy!

Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên J.C.D.
(Juris Canonici Doctor – Doctor of Canon Law)