Bài viết của Cha Stêphanô Huỳnh Trụ có sự đóng góp ý kiến và sửa lỗi của anh Tâm Thành và bà Bernadette Pauline Ngọc Tuyết.
______________
PHỤNG TRIỆU, MÔNG TRIỆU
1.
Có người hỏi tôi: Trong Công giáo, có danh từ “Đức Mẹ Mông Triệu” có ý nghĩa là Đức Mẹ được lên trời. Vậy hai chữ mông triệu có ý nghĩa thật sự là gì? Triệu thì có thể hiểu là mời, như chữ triệu trong triệu tập, hiệu triệu. Còn chữ mông có nghĩa gì? Tra trong từ điển thì thấy mông là bao trùm. Vậy chữ mông ở đây có phải ám chỉ là trời không?
Nhiều năm trước, tôi có đọc một cuốn sách nói về Đức Mẹ do một linh mục viết, khi nói đến lễ Mông Triệu, cha viết: “Mông là được, triệu là trời, được gọi về trời là mông triệu”. Giải thích như vậy có đúng không?
Việc lên trời của Chúa Giêsu khác với việc lên trời của Đức Mẹ. Một đàng là Thiên Chúa, Đức Chúa Giêsu trở về thiên đàng sau khi đã hoàn tất việc cứu chuộc nhân loại; một đàng là thụ tạo, Đức Mẹ được Thiên Chúa đưa vào thiên đàng sau khi đã mãn phần lữ khách[1]. Vì thế, Hội Thánh gọi việc lên trời của hai đấng bằng hai từ ngữ khác nhau: ascensio[2] (thăng thiên) và assumptio[3] (mông triệu), trong phụng vụ có hai lễ: Ascensio Domini (Lễ Đức Chúa Thăng Thiên) và Assumptio Beatae Virginis Mariae (Lễ Đức Maria Trinh Nữ Diễm Phúc Mông Triệu). Đức Mẹ được mời, được rước lên trời, chớ không phải tự mình lên trời, cho nên Lễ Assumptio Beatae Virginis Mariae dịch là Lễ Đức Mẹ Lên Trời[4] thì không đúng về mặt nội dung, lễ này thời xưa được gọi là Lễ Mông Triệu.
2. Nghĩa hai từ mông, triệu.
2.1 Mông.
Mông trong tiếng Hán Việt, có những từ này:
1) 蒙 (đt.) (1) Đội, chịu nhận (mông ơn); (2) Vâng chịu; (3) Gặp; (4) Bọc; (5) Lừa gạt; (6) Mạo phạm; (7) Che, trùm (mông đầu); (8) Hôn mê, xây xẩm. (đt.) (9) Bị, được (mông nạn). (dt.) (10) Tên thảo dược; (11) Trẻ con, trẻ thơ (huấn mông là dạy trẻ con học); (12) Vật để che, phủ; (13) Một trong 64 quẻ của Kinh Dịch; (14) Địa danh; (15) (Họ) Mông; (16) (Tên nước) Mông Cổ. (đdt.) (17) Tiếng tự xưng cách khiêm tốn. (tt.) (18) Tối tăm; (19) Ngu dại.
2) 夢 (dt.) (1) Giấc mơ, giấc chiêm bao. (đt.) (2) Nằm mơ, chiêm bao.
3) 甍 (dt.) Nóc nhà.
4) 檬 (dt.) (tên cây) trái chanh.
5) 鸏 (dt.) Chim mòng.
6) 礞 (dt.) Mông thạch (một loại khoáng sản, có thể làm thuốc).
7) 艨 (dt.) Chiến thuyền (thời cổ).
8) 蠓 (dt.) Muỗi mắt (rận cắn người).
9) 獴 (dt.) Cầy man-gút (chồn mongoose).
10) 幪 (đt.) Che phủ.
11) 瞢 (tt.) Mắt mờ.
12) 矇 (tt.) Mắt mù.
13) 曚 (tt.) (Ánh mặt trời) lờ mờ, mờ mịt.
14) 朦 (tt.) (1) (Ánh trăng) mờ; (2) Lờ mờ, u ám, mông lung.
15) 懜 (tt.) Lờ mờ, hồ đồ, ngờ nghệch.
16) 濛 (pt.) (Cảnh sắc) mang mang
Mông tiếng Nôm, có những từ này:
1) 濛, ? (tt.) Mênh mông.
2) 曚, 矇, 朦, ? (tt.) Mông lung.
3) 朦, ? (dt.) Mông đít (bàn toạ, khối thịt dày và chắc ở hai bên hậu môn).
4) ? (dt.) Mông (cây chanh).
5) 檬 (dt.) Ninh mông (cây tranh).
6) 獴 (dt.) Mông (chồn Mongoose).
7) 蠓, ? (dt.) Mông trùng (rận cắn người).
8) 虻, 蝱 (dt.) Ngưu mông (con mòng, chuyên đốt trâu bò).
9) 艨 (dt.) Mông đồng (tàu chiến).
10) 蒙, ? (dt.) Mông Cổ.
2.2 Triệu.
Triệu cũng có nhiều chữ (兆, 旐, 趙, 召, 肇) nhiều nghĩa[5], ở đây liên quan đến mông triệu, là chữ triệu (召) có nghĩa: Ra lệnh gọi, vời đến, gọi lại, gọi về.
2.3 Mông triệu.
“Mông triệu 蒙 召”, rút gọn từ 4 chữ “Mông Chủ sủng triệu 蒙 主 寵 召” (mông 蒙: được, chịu; Chủ 主: Chúa; sủng 寵: yêu mến; triệu 召: gọi). Nghĩa là “Được Chúa yêu mến gọi về (trời)”, nghĩa này rất đúng với từ assumptio trong tiếng Latinh. Nhưng vì người Việt quen hiểu chữ mông trong tiếng Nôm (với nghĩa là bàn toạ!), nên mông triệu trở thành từ khó nghe và rất khó hiểu đối với đại đa số người ít biết chữ Hán nữa. Có lẽ vì thế, lễ Assumptio Beatae Virginis Mariae không còn được gọi là lễ Mông Triệu nữa. Vậy thì phải dịch từ assumptio thế nào cho đúng và dễ hiểu ?
Theo chúng tôi, Hán Việt có nhiều chữ có thể diễn đạt cho assumptio (thay cho chữ mông) như những chữ: Phụng, thừa, thụ. Xin thử giải nghĩa những chữ này.
3. Nghĩa của những từ: Phụng, thừa, thụ.
3.1 Phụng.
Phụng có những chữ Hán như sau:
1) 奉 (đt.) còn đọc là “phượng” (phượng thờ) (1) Vâng, kính vâng mệnh ý của người trên gọi là phụng; (2) Dâng, đem vật gì dâng biếu người trên gọi là phụng; (3) Hầu hạ cung phụng, tôn sùng; (4) Suy tôn; (5) Thờ cúng; (6) Một âm là “bổng[6]”, đời xưa dùng như chữ “bổng” (俸).
2) 甮 (đt.) Đừng, không cần.
3) 鳳 (dt.) Chim phụng (còn đọc là “phượng”).
4) 葑 (dt.) Củ niễng.
5) 唪 (đt.) (1) Đọc to; (2) Tụng, niệm (hoà thượng, đạo sĩ tụng kinh).
Trong tiếng Nôm, phụng có nghĩa là: (1) Củ lạc (đậu phụng); (2) Dáng con nít (phụng phịu).
3.2 Thừa.
Thừa có những chữ Hán như sau:
1) 承 (đt.) (1) Vâng nhận, vâng chịu; (2) Chịu ơn, đội ơn, (được người trên ban cho, kẻ dưới nhận lấy gọi là thừa), như thừa ân); (3) Tiếp nhận, đương lấy, hứng lấy; (4) Phần kém; (5) Kế tục, nối dõi; (6) Tiếp theo (như tiếp theo đoạn văn trên mà nói); (7) Gánh vác, đảm nhận, nhận làm, thầu công trình; (8) Được (tiếng lễ phép); (9) (dt.) (Họ) Thừa.
2) 乘 (đt.) (1) Đi (bằng phương tiện giao thông hoặc gia súc), ngồi, cưỡi, đáp; (2) Nhân lúc, nhằm lúc, lợi dụng lúc; (3) Trong Phật giáo (Đại thừa, Tiểu thừa); (4) (Họ) Thừa; (5) Phép nhân, một trong bốn phép tính.
3) 丞 (dt.) : (1) Phụ tá cho nhà quan (huyện thừa); (2) Quan giúp vua (thừa tướng); (đt.): (2) Phụ giúp; (3) Thừa nhận; (4) Cứu giúp.
Trong tiếng Nôm, thừa có những chữ: 丞, 乘, 承, 餘 với những nghĩa: 丞 (1) Giúp (Thừa tướng: Quan giúp vua); (2) Phụ tá cho nhà quan (Huyện thừa). 乘 (3) Đi xe (thừa hoả xa: Đi xe lửa); (4) Ngành Phật giáo (Đại thừa; Tiểu thừa); (5) Lợi dụng dịp tiện (thừa cơ; thừa hư: Gặp lúc người ta vô ý); (6) Nhân (tam thừa tam đẳng vu cửu: 3×3=9). 承 (7) Chịu sức nặng (thừa tải, thừa thụ); (8) Thầu công trình (thừa bao); (9) Chịu ơn (thừa ân); (10) Tiếp nhận (thừa nhận). 丞, 餘 (11) Dư (thừa thãi); (12) Bỏ vạ (đỗ thừa).
3.3 Thụ.
Thụ có những chữ Hán như sau:
1) 受 còn đọc “thọ” (đt.) (1) Nhận lấy; (2) Chịu; (3) Hưởng dùng; (4) Chứa đựng; (5) Bị, mắc, phải, được.
2) 授 (dt.) (1) Nội thụ (內竪: Hoạn quan). (đt.) (2) Ban, ban cho, giao cho, tặng; (3) Dạy học, truyền bảo (truyền thụ); (4) Dựng lên.
3) 竪 (dt.) (1) Đầy tớ trẻ. (tt.) (2) Dọc, thẳng đứng (đối nghĩa với ngang).
4) 售 (đt.) (1) Bán; (2) Thi hành, thi thố (gian kế).
5) 樹 còn đọc “thọ” (dt.) (1) Cây; (2) (Họ) Thụ. (đt.) (3) Trồng, vun trồng; (4) Xây dựng, dựng lên.
6) 綬 (dt.) Dây lụa, dải lụa.
4.
Kết hợp với chữ triệu, nhằm tạo ra những từ mới để thay cho từ mông triệu, chúng ta có những từ này:
1) Phụng triệu (奉召): Chữ phụng lấy nghĩa là kính vâng mệnh ý của người trên[7]. Phụng triệu có nghĩa là kính vâng theo lệnh mời của Chúa. Lễ Assumptio Beatae Virginis Mariae dịch là Lễ Đức Mẹ Phụng Triệu Lên Trời, gọi tắt là Lễ Phụng Triệu. Từ phụng triệu vừa nói lên ân ban của Chúa cao cả và nhân từ thưởng cho Đức Mẹ, vừa nói lên vinh dự Đức Mẹ được hưởng và lòng vâng phục của Đức Mẹ đối với Thiên Chúa.
2) Thừa triệu (承召): Chữ thừa lấy nghĩa là vâng nhận, đội ơn. Thừa triệu có nghĩa là hân hạnh được cấp trên mời gọi. Nếu dịch Lễ Assumptio Beatae Virginis Mariae là Lễ Đức Mẹ Thừa Triệu[8] Lên Trời, nghĩa là Đức Mẹ được ơn gọi lên trời, viết tắt là Lễ Thừa Triệu, Đức Mẹ thừa lệnh Chúa mà được lên trời.
3) Thụ triệu (受召): Chữ thụ lấy nghĩa là vâng theo, tiếp nhận. Thụ triệu có nghĩa là vâng theo, tiếp nhận lời mời gọi. Lễ Đức Mẹ Thụ[9] Triệu Lên Trời hay Lễ Thụ Triệu, nghĩa là Đức Mẹ được ơn lên trời.
Ba từ phụng triệu, thừa triệu, thụ triệu đều có thể thay cho từ mông triệu. Tuy nhiên, thừa triệu có tính cách thụ động hơn (tiếp nhận lệnh trên), còn thụ triệu thì hơi có tính tiêu cực (chịu cái dở)[10] trong khi đó phụng triệu có tính cách trang trọng, hân hạnh và tôn trọng hơn… cho nên, theo thiển nghĩ, phụng triệu là thích hợp hơn cả.
_____________________
[1] Trong công thức tuyên tín, Đức Piô XII đã tránh kiểu nói “lên trời, xuống đất” nhưng chỉ nói “nhận vào vinh quang thiên đàng”: We pronounce, declare, and define it to be a divinely revealed dogma: that the Immaculate Mother of God, the ever Virgin Mary, having completed the course of her earthly life, was assumed body and soul into heavenly glory: Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Trọn Đời Đồng Trinh – sau khi hoàn tất cuộc sống thế trần, cả xác lẫn hồn đã được nhận vào (hưởng) vinh quang thiên đàng” (Đức Piô XII, Tông hiến Munificentissimus Deus 01/11/1950. Số 44).
[2] Ascensio do hai chữ ad nghĩa là hướng tới, và scandere nghĩa là lên, thăng trèo, vượt qua; ascensio chỉ sự lên cao, lên trên, tự tiến bộ.
[3] Assumptio do hai chữ ad và chữ sumere nghĩa là nhận lấy, đoạt lấy; assumptio như vậy có nghĩa là được tiếp nhận, được đề bạt, được tiếp nhận sứ mạng của Thiên Chúa.
[4] “NHỮNG NGÀY LỄ CÔNG GIÁO 2005-2006” trang 121.
[5] x. chữ triệu ở trang 434.
[6] Bổng 捧: đọc theo cổ Hán Việt là bưng.
[7] Như nói: Phụng Thiên thừa vận (奉天承運) vâng theo mệnh Trời và vâng theo thời vận. Là bốn chữ khởi đầu trong các tờ chiếu của vua nhà Thanh, Trung Quốc. Các vua của nước ta, khi ra chiếu thường dùng bốn chữ: Thừa Thiên hưng vận.
[8] Như nói: Thừa ân, thừa hành công vụ, thừa tác vụ.
[9] Như nói: Thụ ân, thụ mệnh, thụ phong linh mục.
[10] Thường gặp việc xấu thì dùng chữ thụ, như nói: Thụ hình, thụ nạn.