Độc thân linh mục | Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh

816

Tác động thành sự của việc truyền chức linh mục là Giám Mục đặt tay trên ứng viên linh mục. Trước khi đặt tay, Giám Mục sát hạch ứng viên thường bằng năm câu hỏi sau đây: Con có quyết tâm lãnh nhận và xả thân hoàn toàn cho chức linh mục dưới sự lãnh đạo của Đức Giám Mục địa phận vì phúc lợi cho đoàn chiên Chúa không?  Ứng viên thưa: CÓ. Con có quyết tâm rao truyền lời Chúa và dạy dỗ đức tin Công Giáo không? Ứng viên thưa: CÓ. Hai câu hỏi kế tiếp về quyết tâm giữ luật đọc kinh thần vụ, dâng thánh lễ và cử hành bí tích… Ứng viên đều thưa ngắn gọn: CÓ. Riêng câu hỏi thứ năm: Con có hứa quyết tâm thánh hoá đời sống mình bằng việc trung thành giữ luật độc thân linh mục từ nay cho đến suốt đời không? Ứng viên không chỉ thưa CÓ, nhưng thưa: NHỜ ƠN CHÚA CON XIN HỨA – I do with the help of God.

Sát hạch ứng viên linh mục trước khi đặt tay truyền chức.

Cách nay 27 năm khi trả lời câu hỏi thứ năm nầy: Nhờ ơn Chúa, con xin hứa – I do with the help of God… Tôi thắc mắc: tại sao bốn câu hỏi trước chỉ cần trả lời đơn giản: Thưa có là đủ. Câu thứ năm về luật độc linh mục lại phải thưa là: Nhờ ơn Chúa, con xin hứa. Sự thật, giữ luật độc thân linh mục rất khó. Nếu không có ơn trợ giúp của Chúa, không linh mục nào có thể sống đời độc thân được. Qua muôn vàn thử thách trong việc giữ luật độc thân linh mục, tôi nhớ và cảm nghiệm câu nói dí dõm nhưng rất chính xác của Cha Piô Ngô Phúc Hậu nhiều năm trước: “Tao nói cho mà biết nghe: Cái thứ quỉ đó, chết năm phút rồi nó vẫn còn quậy chứ đừng có giỡn mặt, chết à con!”

Cái khó trong việc giữ luật độc thân linh mục là cuộc sống đơn độc và cảm giác cô đơn canh cánh như hình với bóng. Bà con giáo dân thường nói: Cha có Chúa, nào sợ cô đơn! Những an ủi nầy đến từ một quan niệm đạo đức siêu thực. Nếu sống đơn độc một mình mà không có cảm giác cô đơn thì không là người linh mục thật. Nếu linh mục độc hành mà nghĩ “có Chúa đồng hành bên con!” thì chỉ là thứ cảm nghĩ xoa dịu nỗi cô đơn trống vắng cuộc đời. Tôi không chối việc Chúa đồng hành trong đời linh mục, nhưng tôi hiểu Chúa đồng hành là việc nhờ ơn Chúa, linh mục được nâng đỡ để sống và phục vụ người khác, tức linh mục thắng vượt sự cô đơn nhờ ơn trợ lực của Chúa.

Cô đơn

Tôi nhớ tâm sự chân thành về cô đơn trong đời linh mục của Cha Michel Quoist người Pháp được viết trong quyển The prayer of a priest… on a Sunday Night… Tonight, Lord, I am alone. Little by little the sounds died down in the church, The people went away, And I came home, Alone. Here I am Lord, Alone. The silence troubles me, the solitude oppresses me. Lạy Chúa! Con một mình! Tiếng người trong nhà thờ tắt dần, giáo dân sau lễ Chúa Nhật đã về nhà. Con trở về nhà xứ. Con còn lại một mình! Sự im lặng dằn vật trong con!  Sự cô tịch nặng trĩu trong con. … Không là linh mục, không ai có thể cảm nghiệm được một cách như sờ chạm được của lời kinh cô đơn nầy. Tôi cảm nghiệm thật sự cái nghiệt ngã, cái dằn vật của cô đơn trong đời linh mục:

… sau đó là im lặng và cô tịch hoàn toàn.

Tôi đang làm cha sở ở một giáo xứ người Mỹ, địa phận Scranton, miền Bắc tiểu bang Pennsylvania. Giáo xứ Our Lady of Perpetual Help, có 2 nhà thờ, có 3 thánh lễ cuối tuần với số người tham dự tất cả chỉ độ chừng 220 người. Phần nhiều là người lớn tuổi, già nua bệnh tật, sống nhờ an sinh xã hội. Đất rộng người thưa… chung quanh là núi đá và rừng rậm… Nếu cần di chuyển sớm trên highway, thế nào cũng thấy ít là vài ba chú nai to đùng bị xe tải cán chết nằm bên vệ đường. Sau thánh lễ thứ ba của ngày Chúa nhật thì đúng y chang cảnh tượng Cha Michel Quoist mô tả: Tiếng người trong nhà thờ tắt dần, giáo dân sau lễ Chúa Nhật đã về nhà hết. Con trờ về nhà xứ. Con còn lại một mình! Sự im lặng dằn vật trong con! Sự cô đơn nặng trĩu nơi con… Mỗi ngày tôi đều dâng thánh lễ lúc 12 giờ trưa, chỉ độ chứng từ 5 tới 10 người lớn tuổi tham dự… kinh sách đầy đủ, hát xướng linh động và sau đó là im lặng và cô tịch hoàn toàn.

Một thân, một nhà.

Tôi một mình trong văn phòng giáo xứ với người thư ký. Mỗi người im lặng làm việc nơi chỗ riêng của mình. Sau 4 giờ chiều, thư ký về nhà… tôi vẫn một mình… Nhiều lần tôi nhìn qua cửa sổ văn phòng giáo xứ cố tìm một chiếc xe hay một ai đó qua lại… Không một ai và cô tịch bao trùm! Năm giờ chiều, tôi về lại nhà xứ, một ngôi nhà khang trang rộng rãi 2 tầng lầu có sức dung chứa cho một gia đình có hai con. Tôi một mình, xếp đặt, thu dọn, chuẩn bị cơm tối cho mình mình. Thường tứ 5 tới 7 giờ chiều tối, tôi chạy bộ cho đói bụng để ăn cơm một mình cho ngon. Ăn cơm một mình với chiếc TV trước mặt, với những youtube mình ưa chuộng. Kinh tối một mình, làm việc riêng một mình và đi ngủ. Tiếng động thật quá khan hiếm thành thèm muốn trong tôi! Ngày qua ngày, cô đơn và vắng lặng…

Khi một linh mục hoàn tục để lập gia đình. Bà con thường nghĩ: Ông này tình dục quá mạnh, hám gái và không thắng vượt được đòi hỏi sinh lý… Từ kinh nghiệm bản thân, tôi không nghĩ vậy… nhưng một trong những lý do chính khiến linh mục hoàn tục là không kham nỗi cuộc sống cô đơn và như bị bỏ rơi trong sinh hoạt xã hội. Thử hỏi xem: Đòi hỏi tình dục mạnh đến cỡ nào mà bỏ thánh chức linh mục để đi theo một đàn bà có chồng và ba con?  Chị bếp nhan sắc đến cỡ nào mà Cha xứ bỏ nhiệm sở để xây tổ uyên ương? Những phụ nữ vùng quê dễ thương và hấp dẫn đến cỡ nào mà linh mục vụng trộm đến mang thai và phải bỏ chức linh mục… Hậu quả: Có những linh mục hoàn tục đã giữ lại chén thánh và áo lễ và nhiều lần bà vợ đã chứng kiến cảnh chồng mình ôm những báu vật nầy khóc sướt mướt với đầy nuối tiếc và hối hận. Những bà vợ của những linh mục xuất nầy đều thú nhận: Không có hạnh phúc chút nào, ông ấy vẫn nuối tiếc công việc linh mục thuở trước, vẫn thích nghe tiếng gọi “cha!” chứ không phải “anh!”… Ông ấy chỉ coi tôi như là giáo dân, không có bàn thảo hay trao đổi giữa vợ chồng mà chỉ ra lệnh… tôi thật buồn vì mình đã lấy chồng đã từng làm linh mục….”

Người ta cho rằng: Xuất tu, ra đời làm ăn không khá được, vì Chúa phạt!” Chúa không phạt chút nào cả! Nhưng không biết làm ăn thì làm sao khá? Không biết nịnh vợ thì làm sao có hạnh phúc được? Phụ nữ nào chả thích khen là đẹp, là duyên dáng, là trẻ… Đây hoàn toàn là lời hoa mỹ, xã giao, nịnh đầm… Ông chồng linh mục xuất không nói được những chuyện không có thật nầy… nên mất điểm và đôi khi mất cả vợ. Nếu là lý do giải quyết sinh lý hay vì tình dục thì những linh mục xuất nầy sau khi đã có vợ ắt phải thoả mãn và hạnh phúc lắm chứ! Nhưng hoàn toàn không! Vậy chuyện hám gái hay ham muốn nhục dục chỉ là “lúc đầu gặp em, tinh tú quay cuồng!” Nhưng thâm sâu là nỗi cô đơn và cảm giác độc hành, thiếu người tâm sự, chia sẻ và chăm sóc khi ốm đau bệnh hoạn. Còn gì cô đơn cho bằng một mình lủi thủi làm việc bổn phận và không ai hiểu hay thông cảm. Còn gì cô đơn và tủi thân cho bằng một mình gắng gượng lái xe đến bệnh viện vô khoa hồi sức cấp cứu.

Nhưng “Nhờ ơn Chúa, con xin hứa!” Thú thật đây là đòn bẩy đẩy tôi vươn cao, vượt thắng nổi cô đơn thật đáng sợ trong đời linh mục. Nhờ ơn Chúa, tôi biết so đo tính toán. Một phụ nữ dù đẹp và hấp dẫn hay khêu gợi cách mấy… cũng chỉ là một đoá hoa khoe hương sắc trong một thời gian ngắn. Để yên, nhìn ngắm thì đẹp nhưng chiếm đoạt, ngắt vô nhà chưng thì rất mau tàn phai héo úa. Một phụ nữ cực kỳ lý tưởng cũng không sao bằng với chức linh mục cao cả. Linh mục nói, ai cũng nghe. Ông thị trưởng đứng bên cô vợ đẹp đọc diễn văn thật hay… Không chắc có ai nghe. Không có vợ, linh mục mới giảng dạy hiệu quả. Nhớ có lần hội thảo về sự cao quí của độc thân linh mục, tôi mạnh dạn phát biểu: Nếu linh mục không độc thân, xin hãy bỏ việc cử hành bí tích, nhất là bí tích giải tội. Hỏi rằng ai đến xưng tội với ông linh mục có vợ? Đó là lý do tại sao các giáo phái Tin Lành không có bí tích giải tội. Không ai xưng tội với linh mục có vợ, chắc gì ông ta không chia sẻ tội mình xưng với vợ ông ta? Và vợ ông linh mục cũng không chịu cho chồng mình rù rì trong toà giải tội với người khác, nhất là với phụ nữ đẹp. Bà ghen, bà lồng lộn, bà nổi cơn tam bành là chắc!

Tôi nói thật, xin những linh mục xuất hay những Thầy Sáu Vĩnh Viễn Việt Nam đừng buồn và cho rằng tôi như “trâu cột ghét trâu ăn”. Tôi đã có dịp học hành và tiếp xúc với những linh mục xuất và dạy học ở Đại Học Văn Khoa Sàigòn ngày xưa. Tất cả đều thú nhận: “Tôi xuất tu đi lấy vợ là một mất mát không có gì bủ đắp được. Người vợ không là gì so với thánh chức linh mục”. Một giáo sư Giáo luật ở Ottawa, Canada nguyên là một linh mục tốt nghiệp ở Roma, đã chia sẻ với tôi: “I made a big mistake when I decided to leave my priesthood to get married. She is a good woman but not a treasure and much less than my priesthood!” Hiện tại, theo thống kê của Hội đồng Giám mục Mỹ, có tới 15 ngàn Thầy Sáu Vĩnh Viễn, phân nửa số nầy đang tuổi làm việc cho trên 298 giáo phận ở Mỹ. Trong số nầy có khoàng 115 Phó Tế Vĩnh Viễn người Việt Nam. Một điểm đáng quan tâm và thành vấn đề là 90% những Phó tế Vĩnh Viễn người Việt Nam nầy nguyên là những chủng sinh xuất tu.

Chúng ta không bình phẩm hay chỉ trích vì họ xuất tu. Nhưng chúng ta biết chắc một điều là dù đường đi đến chức linh mục đổ vở và dù họ đã có vợ con và gia đình tốt… nhưng họ vẫn còn nuối tiếc việc làm linh mục. Bà Sáu dù luôn tò tò bên Thầy Sáu, vẫn không lắp đầy hay thoả đáp cho khát vọng hay sự cao trọng của chức linh mục. Chức Sáu cũng là chức thánh, cho thầy Sáu cơ hội để phục vụ hay nói hoạch toẹt là một thứ bù trừ phần nào đó. Quí Thầy Sáu tôi quen thì chối phăng việc gỡ gạc nầy, nhưng thâm tâm vẫn phải nhìn nhận sự thật nầy. Ở Việt Nam hoàn toàn không có Thầy Sáu Vĩnh Viễn… vì có nhiều ơn gọi linh mục, không cần Thầy Sáu Vĩnh Viễn. Hơn thế nữa, tâm lý người giáo dân Việt Nam không thích những ai có gia đình mà phục vụ bàn thánh. Nên có anh em linh mục có gia đình, vợ chết và đi tu làm linh mục ở Mỹ rồi về Việt Nam dâng lễ long trọng. Không có mấy người ngưỡng mộ vì bàn tay không còn trong sạch. Số chủng sinh tu xuất ở Việt Nam rất nhiều… nếu mở ra cho chức Sáu vĩnh viễn tôi nghĩ là không ít người sẽ tìm con đường gỡ gạc và bù đắp nầy.

Nhờ ơn Chúa, tôi mở mắt khi nhìn thấy những thảm cảnh chồng vợ ở những xứ sở văn minh bậc nhất thế giới nầy: Một ông chồng hiền lành và khờ khạo chỉ biết đầy xe theo vợ mua sắm… Ông lầm lủi, im lặng và ngoan ngoãn làm theo lệnh bà. Tôi nhớ ngay câu mình trả lời: Nhờ ơn Chúa, con xin hứa giữ luật độc thân suốt đời. Có buồn thật nhưng còn đỡ hơn làm kiếp lừa như ông kia. Nhờ ơn Chúa, con xin hứa giữ luật độc thân linh mục suốt đời để tránh nghe những cằn nhằn dai dẵng, những hung hăng chống nạnh quai nồi, những cảnh cầm dao múa trong nhà bếp và hò hét như thể điều binh khiền tướng ở trận địa. Độc thân, sống trong im lặng và êm ả quen rồi Chúa ơi! Nhờ ơn Chúa, con xin hứa giữ độc thân linh mục suốt đời, vì không sao làm có đủ tiền thoả đáp nhu cầu mua sắm chưng diện của bà xã. Bà ấy mua nhiều đồ mặc đến độ bả quên để nằm yên ở góc tủ suốt mấy năm. Ông chồng gần như bất tĩnh khi nghe bả lên phương án mua xách tay đồ hiệu giá 5 ngàn dô la Mỹ, bằng 2 tháng luơng của chồng… Nhờ ơn Chúa, con xin hứa giữ độc thân linh mục suốt đời vì con thích sống cuộc sống đơn giản và cố gắng chịu đựng để gọi là hy sinh hãm mình. Con thật sự thất bại trong việc chìu đàn bà nhõng nhẽo: Ai thời, chỉ đau nhẹ thôi thì bả cũng cần phải quan tâm chăm sóc hỏi han, xoa bóp, hầu hạ đủ điều… Vừa hết bệnh thì bà nhảy lên xe đi làm móng tay, vẽ chân mày, sửa sắc đẹp… Bà thích người ta nhìn ngắm và khen là “đẹp tuyệt vời… trẻ như gái 18”… Nhiều thảm cảnh lắm! Tôi hoàn toàn tán thành với câu nói: Quí ông có vợ sau khi chết khỏi phải phán xét, lên thiên đàng cái rẹt, vì đã đền tội quá đủ rồi!

Không có cách nào sống đời độc thân linh mục mà không nhờ ơn Chúa. Nhờ ơn Chúa, tôi biết giá trị cao quí của chức linh mục không gì sánh bằng. Nhờ ơn Chùa, tôi biết: Độc thân linh mục là dấu chỉ của nước thiên đàng hoàn hảo và hạnh phúc trọn vẹn: Trên thiên đàng không ai còn dựng vợ gã chồng. Tại sao? Chồng vợ chỉ là chuyện nón che khi trời nắng. Thiên đàng có Chúa hoàn hảo và viên mãn, có sự sống vĩnh hằng thì còn cần chi “chiếc nón vợ chồng” tạm bợ nữa.  Nhờ ơn Chúa, tôi biết người Công giáo chỉ đến nhận bí tích qua bàn tay được thánh hiến và trong sạch.  Nhờ ơn Chúa, tôi biết luật độc thân linh mục cho tôi tự do và sẵn sàng phục vụ dân Chúa. Có vợ bên cạnh dòm ngó, tôi sẽ không sao đi xức dầu bệnh nhân đêm hôm hay đi làm lễ, giải tội hay giảng dạy mà không có phép bà xã. Nhờ ơn Chúa, tôi sống độc thân linh mục, tôi không bận chuyện “vợ đẻ, con đau”, tôi có giờ để giảng dạy và đào sâu giáo huấn Công giáo. Nhờ ơn Chúa, tôi giữ luật độc thân linh mục, tôi dễ dàng ban phát, tôi không là sở hữu của tiêng ai mà của mọi người. Nhờ ơn Chúa, tôi giữ luật độc thân linh mục, tôi không là gánh nặng cho ai cả: không vợ con, không nhà cửa, không sản nghiệp phân chia…nhắm mắt chết trong nhẹ nhàng thanh thoát.

Độc thân linh mục: Ơn Chúa gia tăng sức sống cho Giáo hội

Để được ơn Chúa giữ luật độc thân linh mục, tôi theo lời Đức Hồng Y Thuận dạy: “Khi sa ngã phạm tội là con đã bỏ cầu nguyện rồi!”. Bỏ cầu nguyện là bỏ mạng! Cầu nguyện là chuyện  xin Chúa đồng hành, nâng đỡ. Ngồi máy bay hay lái xe đường dài là lúc cầu nguyện và lần chuỗi rất thuận lợi. Để được ơn Chúa giữ luật độc thân linh mục, tôi không quên lời khuyên xác thực của Cha Piô Hậu: “Đừng có giỡn mặt à nghe! Già trẻ, lớn bé hay xồn xồn… đều có thể quật mi ngã dễ ợt! Buồn ngủ gặp chiếu manh là chuyện thường!” Để được ơn Chúa giữ luật độc thân linh mục, tôi nhớ lời Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền: “Hãy xếp phụ nữ vô hàng bà con mình: Lớn tuổi thì là mẹ mình, trẻ hơn thì là chị, trẻ nữa thì là em gái, còn nhỏ thì là con cháu mình… Không lẽ mình ham muốn mẹ mình, chị gái, em gái hay con cháu mình?”  Để được ơn Chúa giữ luật độc thân linh mục, tôi xin Chúa cho tôi nhìn nhận mình yếu hèn, kém tài, yếu sức… và dễ sa ngã. Chúa đang chờ tôi chừa chỗ cho Ngài nhúng tay giúp sức. Nếu tôi cho mình tài giỏi, dư khả năng quán xuyến mọi chuyện… thì Chúa bó tay để tôi một mình tung hoành, nổ tứ lung tung và sau cùng thì chết ngủm trong thất bại nuối tiếc vì quên câu: Nhờ ơn Chúa, con xin hứa! Amen.

Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên J.C.D.