Tôn Vinh Chúa Giêsu Thật Là Vua | Chúa Nhật 34 Thường niên, A | Vô Hạ

812

vo ha

Chúa Nhật 34 Thường Niên A, ngày 22.11.2020 dẫn vào tuần lễ cuối cùng của năm Phụng Vụ Công Giáo. Thời điểm nầy, Giáo Hội Mẹ muốn con cái mình gồm mọi thành phần dân Chúa, hướng về ý nghĩa ngày cánh chung, ngày thế mạt, ngày tận thế, ngày cuối cùng của thế giới và thực tế hơn, là ngày sau hết của mỗi một người. Lúc đó ai cũng phải đem sổ kế toán của cuộc đời lành dữ của mình ra  mà ra trình diện Chúa. Ngài được xem là Vị Vua cao cả, chính trực, liêm khiết, nhân ái, công bằng và yêu thương.

https://cutewallpaper.org/21/king-of-kings-images/King-of-Kings-Lord-of-Lords-Mosaic-Church.jpg

Trong Do Thái và Kitô giáo, Thiên Chúa được tôn vinh lên hàng Vua, là theo văn hóa nhân ảnh, vì ngôn ngữ con người chỉ vươn lên tới đó. Thực ra, Thiên Chúa thì vô cùng, nên không có ngôn từ có cùng, hữu hạn nào mô tả nỗi. Từ ngữ cao sang nhất của con người tìm được, để tôn vinh Ngài là “Vua” Vua  Vũ Trụ với mọi phẩm hạnh mà con người có thể suy đoán và đưa vào.

Ba bài đọc Thánh Kinh bên dưới, không thấy ghi lại những nét uy nghi, hoành tráng, oai dũng, giàu sang, phú quí của Vị Vua Vũ Trụ thật sự, mà chỉ nói lên những việc làm khiêm tốn, quan tâm lo lắng cho đàn chiên là con dân của Ngài, đồng thời cũng dạy mọi người  phải biết chăm lo cho nhau.

BÀI ĐỌC I. Ed 34, 11-12. 15-17
“Phần các ngươi là những đoàn chiên của Ta, Ta xét xử giữa chiên với chiên”.

Bài trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: “Này chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán, và trong ngày mây mù đen tối. “Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính. 

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 15, 20-26. 28
“Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự”.

https://henrytrocino.files.wordpress.com/2018/03/king-of-kings.jpg

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực. Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết. Khi mọi sự đã suy phục Người, bấy giờ chính Con cũng sẽ suy phục Ðấng đã bắt mọi sự suy phục mình, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự.

PHÚC ÂM: Mt 25, 31-46
“Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người, và sẽ phân chia họ ra”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. “Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”. “Khi ấy người lành đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?” Vua đáp lại: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta”. “Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống;

Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!” “Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: “Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?” Khi ấy Người đáp lại: “Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”.

Vài hàng ghi chú và tâm tình.

Trước hết, văn hóa Á Đông gọi Ông Trời, hình ảnh Thiên Chúa của Kitô Giáo, là Hoàng Thiên, tức là tôn Trời lên như Vị Hoàng Đế. Và Hoàng Đế là quốc hiệu của vì Vua tại những nước rộng lớn với binh hùng tướng mạnh.

Ngày nay, thế hệ hậu sinh có dùng mọi hình thức văn chương để tôn vinh những vì VUA của quá khứ hay hiện tại, dài dòng thế nào cũng không thể vượt qua tài năng của tổ tiên, khi viết lên ý nghĩa thâm thuý nội tại trong  từ “Vua”.

Đó là truy tầm nguồn gốc của từ ngữ nầy, mà Việt Nho đọc là “Vương” qua sáng kiến của Tổ Tiên Bách Việt, bằng cách viết Hội Ý, mà nhiều nhà nghiên cứu Tây Phương coi như phát minh lớn lao cho nền văn minh của nhân loại hơn 4000 năm trước. Phương pháp ký âm bằng mẩu tự Latin, có  học mau, viết lẹ, nhưng không gói ghép được hết  ý nghĩa của từ ngữ trên.

Vậy Tổ Tiên Bách Việt viết từ  “Vương” bằng cách nào? Trước hết dùng chữ  三  “Tam” với ba nét ngang, tượng trưng cho “Tam Tài”: Ba tài sản cao quí trong vũ trụ là Thiên Địa Nhân. Rồi kéo thêm một nét thống nhất ba nét ngang từ trên tới dưới, thành 王 “Vương” là vị có toàn quyền trên ba cõi trời, đất và người. Mà Chúa của mình mới xứng đáng là Vương trên hết các vua trần thế.

Vua chúa trần gian có khôn lanh, mưu mô và dùng binh khí để qui tụ rồi chinh phục mà lên làm vua; rồi cha truyền con nối. Dù có uy quyền trên ba cõi, nhưng chỉ trong thời gian nào đó rồi qua đi. Triều đại hùng cường như Nhà Đường (618-907) hay Nhà Nguyên (1271-1368) của Thành Cát Tư Hãn bá chủ từ Thái Bình Dương tới Đại tây Dương cũng đã chấm dứt.

Nhưng Vua Giêsu thì lại khác, dựa vào câu hỏi của Philatô “Ông có phải là vua không?”  được Chúa Giêsu trả lời “Đúng như lời quan nói” ( Gn 18:33-38). Nhưng nước Ngài không thuộc thế gian nầy, vì là nước của sự thật. Mà chân lý là gia tài  siêu cấp của nhân loại, vượt trên không gian và thời gian.

Trở lại Bài Đọc I. Ngôn Sứ Edêkiên theo dân lưu đày sang Babylon (586-538 TCN) để giúp dân ôn cố canh tân. Chúa dùng miệng Ông lên án những giáo sĩ và cả vua chúa Do Thái thời trước, ăn ở như sa hoa, nhưng bê tha chỉ biết lo cho mình, còn ăn thịt chiên được trao cho chăm sóc (Ed 34:1-10).

Nên làm cho đàn chiên Chúa mới ra nông nỗi bị xâm lăng, phân tán và lưu đày. Nhưng “Ta” Thiên Chúa Cựu Ước, cũng hình ảnh của Vua Mục Tử Giêsu Tân Ước, gom chiên tản mác lai, băng bó thương tích, chữa trị chiên đau ốm, phân xử trong đường công chính, sống trong thể chế mới để dân tộc phục hưng tinh thần, làm nền cho đất nước độc lập tự do với tương lai sáng lạng khi hồi hương.

“Con nào mập, Ta sẽ chăm sóc” câu 16b bài đọc Iđược một Vị Thầy lưu ý, bảy chử trên, dễ làm cho có người nghĩ rằng chiên nào béo tốt thì chăm sóc. Mấy chữ nầy có thể mang ý nghĩa như nhiều cha mẹ, hay có sẳn trong mình cái thói đời là thương riêng đứa con nào khôn lanh xinh đẹp; còn đứa khuyết tật thì bỏ bê. Ông Giacóp xưa cũng vướng vào cái tật thương riêng Giuse và Bengiamin.

Còn bản dịch của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ: ” … con nào béo mập, con nào khỏe mạnh, ta canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng”.

Bản dịch trên đây cũng tương tự như bản Pháp Ngữ La Bible de Jérusalem: Celle qui est grasse et bien portante, je veillerai (trông chừng, giám sát) sur elle. Je les ferai paître avec justice.

Canh chừng coi chúng ăn ở ra sao. Chúng mập béo, mạnh khoẻ nhờ lấn lướt tranh dành phần ngon nhất?.

Nhưng Bản Thánh kinh  Bible  ESV: “… and the fat and the strong I will destroy. I will feed them in justice” Con nào mập con nào mạnh Ta sẽ tiêu diệt. Ta sẽ nuôi dưỡng chúng (những con còn lại) trong sự công chính.

Cũng vậy, Thánh Kinh Bible/Catholic Bishops’ Committee: ” …but the sleek and the strong I will destroy, shepherding them rightly”.

Cả hai Bản Thánh Kinh tiếng Anh dùng từ ngữ “destroy” rất mạnh trên 2 loại chiên mập và mạnh nầy. Tại sao? Xin đọc thêm câu 17-23 thì rõ. Con mập và mạnh do ăn no rồi thì đạp bỏ phần cỏ còn lại. Ăn không nổi nữa, thì quậy cho hôi. Uống nước xong thì lại quậy đục cả ao, lại còn thúc vào vai vào sườn, dùng sừng húc những con đau yếu làm cho tan tác tản mác.

Mấy từ khóa của câu 16b trên đây dạy mọi người mọi thời khắp nơi rằng khi có chức có quyền – mà quyền nào cũng từ Chúa mà xuống – nếu không thương nhau được phần nào như lệnh của Chúa, thì cũng đừng dùng thế lực phần đời có khi cả phần đạo, như Thầy cả Do Thái xưa, hãm hại người cô đơn yếu  thế. Chúa như vị Vua, cũng phân xử giữa chiên với chiên. Ngài sẽ tận diệt loại chiên tốt xác xấu lòng  và bảo vệ con chiên bị cướp phá.

Trong Bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra câu chuyên có tính cách như dụ ngôn, với những tình tiết của Vị Vua ngồi trên  toà phán xét muôn dân theo ba tiêu chuẩn chính là ăn ở mặc. Chúa tuyên án trên kẻ dữ vì họ khép lòng trước  những anh em đau khổ mà họ có thể ra tay xoa dịu nếu chưa nói là giúp đỡ. Chúa đã tạo dựng ra con người, ban cho dư thừa khả năng để sinh tồn và tiến thân, rồi sau đó thì muốn con người phải làm cho nhau nữa.

https://giaophanphucuong.org/Image/Picture/LoiChua/ChuGiai/Chu-giai-Loi-Chua-Mt-25%2C31-46.jpg

Hiện giờ, còn rất nhiều nhà thờ của người Việt khắp nơi, ngày Chúa Nhật, trước thánh lễ, giáo dân thường đọc kinh thương người có 14 mối, gồm thương xác bảy mối và thương linh hồn cũng bảy mối. Những kinh nầy rút ra từ giáo lý của Chúa, giúp con dân Chúa khắc cốt ghi tâm rằng mỗi lần làm cho một kẻ bé mọn một điều gì ích lợi, chính là làm cho Chúa. Trở lên là ý chính của Bài Phúc Âm và Bài Đọc I hôm nay.

Quay lại bài đọc II. Thánh Phaolô mở mắt thêm cho tín hữu Côrintô và cho mọi người nữa, thấy rõ hơn. Tội của Nguyên Tổ Adam đưa tới cái chết. Nếu Chúa Giêsu chết luôn, thì tội và hậu quả của tội là cái chết, vẫn còn đó. Nhưng nhờ  Chúa Giêsu chết để xóa bỏ tội, và sống lại, nên kẻ chết mà tin Người, sẽ được sống lại cùng cách “ăn theo” nhờ Người.

Kế đến, khi mọi sự sẽ qui phục Chúa Giêsu, tất cả sẽ được trình diện lên Cha, để Thiên Chúa được vinh hiển trong mọi sự. Nên khi kết thúc kinh nguyện, tất cả đều qui chiếu về Ngài: Chúng con cầu xin (những điều trên) nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Tóm lại. Khi Chúa Giêsu mới chào đời, 3 Nhà Bác Học đã tìm đến Vua mới sinh (Mt. 2:2) mà hơn 6 thế kỷ trước đó, Ngôn Sứ Isaia đã tiên báo Ngài là Hoàng Tử của hòa bình (Is 9: 5).

Nhưng nước của Người không thuộc về thế gian nầy mà ở giữa anh em Lc 17: 20-21) trong lòng con dân tin Ngài và cả trong lòng những người thiện tâm mọi nơi mọi thời nữa.

https://giaophanphucuong.org/Image/Picture/LoiChua/SuyNiemChuaNhat/Suy-niem-Tin-Mung-Mt-25%2C31-46.jpgNgài đầy quyên năng trên it là ba cõi trời, đất và loài người. Nhưng  là Vị Vua vô sản thật sự vì “con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu” (Mt 8: 18-22). Chúng con ráng noi gương Chúa từng bước, nhưng chưa lên được bậc thang nào.

Còn cung vàng điện ngọc sân chầu là là cây thánh giá: Khi nào được giương cao lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12: 32) để nhờ đó làm phát sinh một nước Trời mới của thời Tân Ước, hầu đem lại ích lợi cho loài người chúng con.

Trong hai ngàn năm qua, nước Chúa là Giáo Hội, có thăng, có trầm, nhưng vẫn trường tồn, trong khi bao triều đại vua chúa hùng cường đều tan biến với thời gian. Nên con vững tin vào lời Chúa hứa “sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28: 20).

Lời Tâm Nguyện

Xin cho những vị lảnh đạo tinh thần trong Hội Thánh, trở thành dấu chỉ tình yêu bao la của Chúa cho mọi người

Xin cho bình an của Chúa là Vua vũ trụ, triển nở trong thời đại nầy.

Xin cho mọi người trong Họ Đạo chúng con biết yêu thương và đối xử tử tế với nhau như Chúa mong ước.

Xin cho chúng con biết đem tình bác ái yêu thương vào trong đời sống xã hội hàng ngày.

Xin cho mọi người biết lấy lòng thành thật mà cư xử với nhau và cộng tác trong việc xây dựng xã hội và nước Chúa tại thế trần. 

Chúng con cùng vinh danh và cầu xin Chúa là Vua vũ trụ hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.