Tờ chi phiếu một triệu Bảng Anh [Phần 2] | Mark Twain | Truyện dịch

595

Nguyên tác: THE MILLION POUND BANK NOTE
Tác giả: MARK TWAIN
Chuyển ngữ: Scarlett Le

CHƯƠNG 3: LÁ THƯ

Rời tiệm ăn, tôi vội vã đi ngay tới nhà hai ông già. Tôi muốn báo điều họ đã nhầm lẫn. Lúc đó tôi rất căng thẳng. Khi tôi đến, vẫn người giúp việc cũ ra mở cửa. Tôi xin được gặp hai quý ông.

Người giúp việc nói:

– “Các ông ấy đã đi vắng cả rồi.”

– “Đi vắng sao? Đi đâu?”

– “Các ngài ấy đang có một chuyến hành trình xa.”

– “Nhưng mà họ đi đâu chứ?”

– “Tới lục địa. Tôi nghĩ là vậy.”

– “Đi tới lục địa ư?”

– “Vâng, thưa ông.”

– “Thế thì khi nào họ quay về?”

– “Một tháng nữa.”

– “Một tháng! Ôi, thật là kỳ quặc! Làm sao tôi có thể nói chuyện với họ được bây giờ? Có một chuyện vô cùng quan trọng.”

– “Tôi không thể giúp gì cho ông được. Tôi không biết quý ông ấy hiện đang ở đâu cả.”

– “Thế thì tôi phải gặp một thành viên nào đó trong gia đình của các ông ấy chứ.”

– “Cả gia đình đều đi vắng ạ. Tôi nghĩ là họ đến Ai Cập hay Ấn Độ.”

– “Trước khi đi, hai quý ông đã có một nhầm lẫn cực kỳ lớn. Chắc chắn họ sẽ quay về nhà tối nay thôi. Hãy kể với họ rằng tôi đã đến đây để khắc phục nhầm lẫn đó. Mai tôi sẽ quay lại.”

– “Vâng, tôi sẽ nói với họ nếu tôi gặp được họ. Nhưng chắc tôi sẽ không gặp họ đâu.Thưa ông, ông không phải lo lắng chi cả, vì mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp. Họ sẽ quay về đây đúng lúc. Khi đó, họ sẽ gặp ông. Chào tạm biệt.”

Tôi quá bối rối. Đầu óc tôi mờ mịt như trong một đám sương mù. Tôi không hiểu điều mà người giúp việc nói. À, lá thư. Phải rồi, tôi chợt nhớ tới lá thư. Đây là những gì được viết trong lá thư:

“Anh là một người thông minh và trung thực. Anh còn là một người nghèo và là một người lạ. Trong chiếc phong bì này, anh sẽ tìm thấy một món tiền. Nó là của anh chỉ trong vòng 30 ngày thôi. Khi kết thúc 30 ngày, hãy quay lại căn nhà này. Tôi đã có một cuộc đánh cược về anh. Nếu tôi thắng, anh sẽ có bất cứ công việc nào, với bất cứ mức lương nào mà anh muốn.”

Lá thư không có chữ ký, không địa chỉ, không ngày tháng. Thật lạ lùng làm sao!

Tôi không biết nghĩ như thế nào. Tôi đi đến một công viên, ngồi xuống và suy nghĩ mình nên làm gì. Một giờ sau, tôi đi đến quyết định. Hai ông già đang chơi một trò chơi mà tôi không hiểu. Họ đang đánh cược trên chính tôi (nhưng ngay lúc đó, tôi không biết bất cứ điều gì về chi tiết của cuộc cá cược). Nếu tôi đi đến ngân hàng quốc gia Anh để đổi tờ ngân phiếu, ngân hàng sẽ hỏi tôi nhiều câu hỏi. Nếu tôi kể cho họ nghe sự thật, sẽ chẳng ai tin tôi cả. Người ta sẽ đưa tôi đến một nhà thương điên. Nếu tôi nói dối, cảnh sát sẽ bắt tôi tống giam. Tôi không thể đưa tờ ngân phiếu này cho bất kỳ ai, bởi vì không một người nào đủ lương thiện. Điều duy nhất tôi phải làm là giữ tờ ngân phiếu trong suốt 1 tháng, và không được làm mất nó. Nếu tôi giúp cho ông già thắng cược, ông ấy sẽ cho tôi một công việc làm mà tôi mong muốn. Ý nghĩ về một công việc làm quan trọng, với một mức lương hậu hĩnh làm cho tôi thấy vui Iên. Với ý nghĩ hào hứng đó trong đầu, tôi bắt đầu đi dọc theo đường phố London.

CHƯƠNG 4:  Ở TIỆM MAY

Mỗi lần đi ngang qua tiệm may, tôi đều muốn bước vào mua một ít quần áo mới. Nhưng tôi lại không có tiền để trả cho họ. Tờ ngân phiếu 1 một triệu bảng Anh trong túi tôi thật vô dụng. Tôi đi ngang qua cửa tiệm may 6 lần, cuối cùng tôi quyết định bước vào.

Tôi nhỏ nhẹ hỏi xem họ có quần áo cũ không, loại không được đẹp lắm mà người ta chẳng muốn mua. Người đàn ông đứng nghe tôi hỏi gật gật đầu, nhưng không nói chi cả. Rồi một người đàn ông khác nhìn tôi và  ra hiệu cho tôi đi theo ông ấy. Ông ấy bảo tôi đợi một chút rồi sau đó đưa tôi vào một căn phòng phía sau, nhìn vào mấy bộ đồ xấu xí mà không ai muốn mua và chon ra bộ xấu nhất cho tôi. Tôi thật sự cần một bộ y phục, nhưng tôi không nói lời nào cả.

Đến lúc trả tiền, tôi nói:

– “Các ông có thể đợi tôi thanh toán trong vài hôm nữa không? Tôi không mang theo tiền nhỏ.”

Người đàn ông  bèn nói:

– “Ồ, ông không có tiền nhỏ à? Tôi nghĩ những quý ông như ông đây hẳn vác theo cả đống tiền lẻ ấy chứ?”

Tôi đáp:

– “Ông bạn ạ, ông không thể đánh giá một người lạ qua trang phục. Tôi có thể trả tiền cho bộ y phục này đấy. Nhưng ông có thể đổi cho tôi một tờ ngân phiếu trị giá lớn không?”

– “Ồ, dĩ nhiên chúng tôi có thể đổi một tờ ngân phiếu trị giá lớn chứ.” Ông ta lạnh lùng nói.

Tôi đưa ra tờ ngân phiếu. Ông ta nhận lấy nó với một nụ cười nhếch mép. Nhưng khi ông ta đọc tờ ngân phiếu, nụ cười ấy biến mất.

Ông chủ tiệm may tiến lại hỏi tôi:

– “Có vấn đề gì à?”

– “Không có vấn đề chi cả. Tôi đang đợi thối lại tiền.”

– “Nào, nào, thối tiền cho ông ấy đi. Tod, nhanh lên!”

Tod trả lời:

– “Nói thì dễ lắm, nhưng hãy thử nhìn tờ ngân phiếu này xem.”

Người chủ tiệm nhìn vào tờ ngân phiếu. Rồi ông quay sang nhìn chiếc túi đựng bộ y phục xấu xí của tôi.

Ông hét lên:

– “Tod. Anh quả là ngu xuẩn! Sao anh có thể bán bộ y phục kém hấp dẫn này cho một nhà triệu phú chứ. Anh không thể phân biệt sự khác nhau giữa một triệu phú và một người nghèo ư?”

Quay sang tôi, ông nói tiếp:

– “Tôi thành thật xin lỗi, thưa ngài. Hãy cởi bỏ những thứ ngài đang mặc và ném chúng vào lửa đi nhé. Hãy mặc vào chiếc áo sơ mi đẹp đẽ cùng bộ vest sang trọng này. Thật hoàn hảo, giản dị mà tao nhã.”

Tôi nói với ông ấy rằng tôi rất hài lòng với cái bộ trang phục mới đó.

– “Ồ, xin hãy đợi đến khi chúng tôi may cho ngài những trang phục theo đúng số đo nhé.

Tod, hãy đem tới đây một cây bút và quyển sổ. Để tôi lấy số đo của ngài đây…”

Tôi không có một giây để kịp nói điều gì.

Ông chủ tiệm may nhanh chóng lấy số đo của tôi rồi ra lệnh cho những người thợ của mình may cho tôi những bộ trang phục mặc vào buổi sáng, những bộ trang phục mặc vào buổi tối, áo sơ mi, áo khoác dài cùng nhiều thứ khác nữa.

Tôi nói:

– “Nhưng ông ạ, đúng là tôi có thể đặt may tất cả những thứ này, nếu như ông có thể đổi tờ ngân phiếu của tôi. Bằng không, ông có thể đợi ít lâu trước khi tôi thanh toán cho ông, được chứ?”

– “Đợi ít lâu ấy à? Tôi sẽ đợi, mãi mãi cũng được. Nói một từ thôi nhé, tôi có thể đợi mãi mãi. Tod, hãy gửi tất cả trang phục này đến địa chỉ quý ông đây nhé. Để những người khách khác ít quan trọng hơn được phục vụ sau đi. Thưa ngài, xin vui lòng cho biết địa chỉ của ngài ạ.”

– “Thưa ông, tôi đang chuyển nhà. Tôi sẽ quay lại và cho ông địa chỉ mới nhé.”

– “Dạ, vâng thưa ngài. Mời ngài ra lối này. Chào ngài, Chào ngài. Chúc một ngày tốt lành.”

(Còn tiếp)

Xem lại: Phần 1