Lễ Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa 01.01.2022 | James Lập

426

James Lập chuyển ngữ

Ngày 01.01 DL là ngày đầy ý nghĩa đối với người Công giáo vì 3 lý do.

1. Giáo hội mừng Lễ trọng kính “Đức Maria Mẹ Thiên Chúa”

Chúng ta đang ở trong tuần Bát nhật lễ Giáng Sinh nên sự chú ý được chuyển từ Hài nhi, Đấng sinh ra trong lễ Giáng Sinh, sang “Mẹ Người.” Phúc âm thời thơ ấu gọi Mẹ là “Hài nhi và Mẹ Người.” Đến năm 431 Giáo hội với Công đồng Êphêsô mới chính thức công bố tín điều Đức Maria đã thụ thai và hạ sinh Con Thiên Chúa làm người được tôn kính với danh hiệu “Theotókos” tiếng Hy Lạp cổ đại Θεοτόκος có nghĩa là “Đấng Mang Chúa tức là Mẹ Thiên Chúa.”

Vì chúng ta cử hành Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa ngày đầu năm DL, nên xin Chúa Giêsu và Mẹ Người là Maria làm cho cuộc sống chúng ta trong Năm Mới dồi dào phúc lành Chúa. Lễ  “Đức Maria Mẹ Thiên Chúa” hôm nay rất thích hợp để bắt đầu năm mới nhắc chúng ta rằng Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ chúng ta trên trời. Do đó, phương châm lý tưởng cho Năm Mới 2022 là “Nhờ Mẹ đến với Chúa Giêsu!” Nếu không biết nói với Mẹ cách nào hay không biết nói gì với Mẹ thì hãy lần chuỗi Mân côi. Mỗi chuỗi chúng ta kêu cầu Mẹ ít nhất 53 lần. Hãy vững tin Mẹ sẽ nghe lời cầu.

Nguồn gốc:

Sự thật tuyệt vời Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa do Phúc âm Thánh Luca qua thông điệp thiên sứ truyền tin cho Mẹ: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1:31-32*). Khi Đức Maria đến thăm Bà Isave thì Bà ấy thốt lên: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1:43). Kinh Thánh dạy rằng Chúa Giêsu vừa là Chúa vừa là con người. Thánh Gioan viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga. 1:14). Thánh Phaolô đề cập đến sự kiện này cho dân Galata: “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà” (Gl 4: 4*).

Mẹ Maria sẽ cùng đi với chúng ta. Có mẹ đồng hành trong năm mới là điều tuyệt vời. Ngày 01.01 DL luôn là ngày lễ của Mẹ. Danh hiệu ‘Mẹ Thiên Chúa’ khẳng định một cách chính xác nhân tính và thần tính Chúa Giêsu.

Khi một đứa bé được sinh ra thì một người mẹ cũng được khai sinh. Khi một đứa bé được sinh ra, mẹ nó cũng bắt đầu làm mẹ. Ngay cả khi bà đã là mẹ của nhiều đứa trẻ khác thì đứa bé mới sinh này cũng khiến bà trở thành người mẹ lần nữa. Một chương mới trong việc làm mẹ của bà bắt đầu lại. Khi Con Thiên Chúa sinh ra, Đức Maria cũng bắt đầu làm Mẹ Thiên Chúa.

Giáo lý Giáo hội:

Dựa trên những tham chiếu trong Tân Ước và Truyền thống Giáo hội sơ khai, Công đồng Êphêsô đã khẳng định năm 431 SCN rằng Đức Maria thực sự là Mẹ Chúa Trời vì “theo xác phàm” Bà đã sinh hạ Chúa Giêsu, Đấng thực sự là Chúa Trời từ giây phút đầu thai trong lòng Bà. 20 năm sau, năm 451 SCN, Công đồng Chalcedon khẳng định Thiên chức làm Mẹ của Đức Maria là một tín điều, một học thuyết chính thức của Giáo hội Công giáo. Vì Chúa Giêsu là Chúa Trời và Maria là Mẹ Người, nên Bà là Mẹ Chúa Trời, Mẹ của Đấng Mêsi và Mẹ của Đấng Kitô là Đấng Cứu Thế. Chúng ta cũng học được từ Kinh thánh và Truyền thống rằng Chúa Trời đã ban cho Mẹ của Con Một Người mọi ân sủng thiên thượng, giải thoát Bà ngay từ lúc thụ thai khỏi tội nguyên tổ, cho Bà đóng vai trò tích cực trong công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu, và cuối cùng đưa Mẹ lên thiên đường cả hồn lẫn xác sau khi Mẹ qua đời. Khi hấp hối trên thập tự giá, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta món quà quý giá nhất là chính Mẹ Người, Mẹ trên trời của chúng ta.

Thông điệp cho cuộc sống:

Chúng ta hãy cố gắng trở nên trong sạch và thánh khiết như Mẹ trên trời của chúng ta. Tất cả các bà mẹ đều mong muốn con mình được thừa hưởng những phẩm chất tốt đẹp của mình. Mẹ trên trời của chúng ta càng muốn điều đó hơn nữa. Mẹ đã thành công trong việc dạy dỗ Hài Nhi Giêsu để Người lớn lên trong sự thánh thiện để “được ơn phúc trước mặt Thiên Chúa và loài người.” Do đó, cách tốt nhất chúng ta cử hành ngày lễ này để vinh danh Mẹ trên trời là hứa với Mẹ rằng chúng ta sẽ thực hành các nhân đức trung tín, vâng phục, trong sạch và khiêm nhường phục vụ như Mẹ.

2. Năm mới: Tuyệt vời và đầy ý nghĩa

Hôm nay là Ngày đầu Năm mới DL cũng gọi là Tết Tây. Năm 2022 này được mọi người chờ đợi nhất là trong cơn đại dịch COVID với các biến thể Delta rồi bây giờ omicron.

Có 3 cách khiến năm mới có ý nghĩa là:
a) Hãy chọn một điều để ước mơ,
b) Hãy chọn một việc để làm, và
c) Hãy chọn một người để yêu thương.

Tất cả chúng ta nên có một kế hoạch hành động hay ước mơ mỗi ngày trong năm mới. Có câu tục ngữ “Hãy trân trọng ngày hôm nay, mơ ước cho ngày mai, nhưng hãy sống ngày hôm nay thật trọn vẹn.” Người ta nói ‘tâm trí nhàn rỗi là nơi ma quỷ hoạt động’ như câu nói Việt Nam: “Nhàn cư vi bất thiện.” Hãy luôn dấn thân, làm điều tốt cho người khác và yêu thương đồng loại là anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô. Điều này trở nên dễ dàng khi ta đặt Chúa làm trung tâm cuộc sống và nhận ra sự hiện diện của Người trong tất cả những ai xung quanh ta. Ta hãy thắp một ngọn nến thay vì đổ lỗi cho bóng tối xung quanh ta. Ta hãy làm như mặt trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời để soi sáng vũ trụ.

Quyết định cho Năm Mới:

Ta có thể quyết tâm bắt đầu mỗi sáng bằng lời nguyện: “Con xin chào Chúa. Con xin cảm ơn
Chúa đã kéo dài cuộc sống con thêm một ngày nữa. Xin ban cho con dấu ấn đặc biệt của Chúa Thánh Thần để con có thể làm theo thánh ý Người hôm nay và tránh mọi điều xấu xa.” Cũng nên quyết tâm đọc lời nguyện ngắn mỗi tối trước khi đi ngủ: “Con cảm tạ Chúa đã giúp con làm theo ý Chúa hôm nay. Xin Chúa thứ tha những lỗi lầm của con.” Trước khi nhắm mắt ngủ hãy cầu: “Xin Chúa cho con ngủ ngon. Con xin phú thác linh hồn con trong tay Chúa.”

Chào mừng năm mới! Xin cảm ơn Chúa, chúng ta còn đây để chào đón năm mới! Mỗi ngày trong năm mới chúng ta đọc Phúc âm như 2 môn đệ trên đường Emmaus. Họ không biết điều gì sẽ xảy đến. Tâm trí họ tập trung vào quá khứ đau buồn và tương lai ảm đạm. Nhưng Chúa Giêsu đi bên cạnh họ, nói chuyện với họ trong lúc họ sợ hãi: Ngài ở gần họ hơn họ tưởng: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24: 32). Còn chúng ta bây giờ biết chắc một điều về tương lai là Chúa Giêsu sẽ đồng hành với chúng ta bất kể điều gì xảy ra.

Tên tháng “January/Janvier” xuất phát từ thần La Mã ‘Janus’ có 2 mặt: Mặt nhìn về quá khứ phía sau và mặt kia nhìn về tương lai phía trước. Đây thực là thời điểm thuận tiện để nhìn lại năm qua và chào đón năm mới. Năm qua như thế nào? Có hơn năm trước như ta mong đợi không? Ta đã đạt được những gì trong năm qua và những gì không đạt được? Đây là lúc kiểm điểm năm cũ để thiết lập mục tiêu và quyết tâm cho năm mới.

Phúc âm hôm nay trình bày Đức Maria cho chúng ta như mẫu gương của cuộc sống mới trong Đấng Kitô mà tất cả chúng ta mong ước cho chính mình trong năm mới. Chúng ta thấy Đức Maria đã chuẩn bị làm điều gì đó để thực hiện mục tiêu này. Mẹ đã làm gì? Chúng ta đọc Phúc âm thấy những người chăn cừu đến chiêm bái Chúa Hài Đồng trong máng cỏ, họ kể lại tất cả những gì các thiên thần đã bảo họ. “Còn Bà Maria thì hằng ghi nhớ những kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Rồi một lần nữa khi cậu bé Giêsu được tìm thấy trong đền thờ: “Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng(Lc 2:51).

3. Ngày hòa bình thế giới

Hơn 50 năm qua từ 1968, Đức Thánh GH Phaolô VI (14.10.2018) đã chỉ định Giáo hội dành ngày đầu năm cho mục đích toàn cầu: Ngày Hòa bình Thế giới.

Tiếng ‘Hòa bình’ hay ‘Bình an’ trong Kinh Thánh từ Cựu ước đến Tân ước là tiếng Do Thái Shalom. Cầu chúc Shalom (שלום bình an) trong năm mới đến với tất cả mọi người suốt năm 2022 này. Lời chúc Do Thái Shalom mang nhiều ý nghĩa hơn bình an gồm có: An lành, sức khỏe, tình yêu, tình bạn, sự quan tâm.

Là những người tin Chúa, chúng ta có đặc ân biết được tìm đâu để thấy bình an mà mọi người
đang tìm kiếm. Sự bình an đích thực chỉ có nơi Chúa Giêsu được tìm gặp khi chúng ta chấp nhận Hài Nhi chúng ta vừa mừng đón đêm Giáng Sinh một Bát nhật trước. Trong Kinh thánh, Thánh Phaolô nói về Chúa Giêsu: “Ngài là bình an của chúng ta” (Ep 2:14). Nơi khác ngài cầu nguyện: “Hãy để sự bình an của Đức Kitô ngự trị trong lòng anh em” (Cl 3:15). Lời được trích dẫn nhiều nhất của triều đại Đức Thánh (27.04.2014) GH Gioan XXIII là phân biệt rõ ràng giữa những người chấp nhận Chúa Giêsu thì được bình an, với những người khước từ Người thì không có bình an. Đầu năm mới này, còn giải pháp nào tốt hơn là quyết định cố đào sâu mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu, Hoàng Tử Hòa Bình, để tiến gần hơn đến việc đạt được bình an mà con tim chúng ta hằng khao khát?

ĐTC Danh dự Bênêđíctô XVI đã nói cách đây vài năm khi giảng lễ trọng này: “Đức Maria liên tục hiến dâng sự trung gian của Người cho Dân Chúa, trong suốt cuộc hành trình lịch sử hướng về cõi vĩnh hằng, như Mẹ đã từng dâng hiến cho các mục đồng ở Bétlêhem. Mẹ là Đấng đã đem Con Thiên Chúa đến cho trần gian, và vẫn tiếp tục ban cho loài người sự sống thần linh, đó là chính Chúa Giêsu và Thánh Thần Người.”

Đầu năm 2022 này, chúng ta được mời đến trường học của Mẹ Maria để học nơi Mẹ cách trở thành môn đệ trung thành của Chúa Giêsu Con Mẹ và mở lòng đón nhận sự bình an mà Người sẵn sàng ban cho chúng ta.

___________________________________

Theo tài liệu:
– GM Antonio Di Donna GP Acerra, Ý
– LM Munachi Ezheogu, cssp (Dòng Thánh Linh)
– LM Tony Kadavil