Toàn văn bài giảng của Đức Hồng y Parolin trong Thánh Lễ cầu nguyện cho hòa bình ở Triều Tiên

1027

Cầu xin để Bán đảo Triều Tiên có thể tìm lại được hòa bình sau những năm chia rẽ

18 tháng Mười, 2018 18:25

Ngày 17 tháng Mười, 2018, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Tòa Thánh, chủ tế “Thánh Lễ cầu cho hòa bình” cho Bán đảo Triều Tiên trong Vương cung Thánh đường ở Vatican. Trong số những người tham dự Thánh Lễ có Tổng thống Cộng hòa Hàn quốc, ông Jae-in Moon, và phu nhân của ông, và nhiều tính hữu, linh mục, và các nhà thừa sai Triều Tiên.
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài giảng của Đức Hồng y Parolin trong Thánh Lễ.
* * *
Bài giảng của Đức Hồng y Quốc Vụ khanh
Thưa ngài Tổng thống,
Thưa các huynh đệ Giám mục và Linh mục,
Thưa quý vị Giới chức và Thành viên Ngoại giao đoàn đáng kính,
Thưa anh chị em trong Chúa Kitô,
Thánh sử Gioan kể lại rằng lần đầu tiên Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ của Người sau Phục sinh, đã gửi đến các ông lời chào: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19). Trước đó các môn đệ đã nghe những lời tương tự trong đêm Tiệc Ly, trước khi Chúa nộp mình vào tay những kẻ tìm bắt Người, chấp nhận đi tới bước cuối cùng là hy sinh trên Thập giá vì ơn cứu độ cho trần gian. Quả thật, đây chính là lời của Chúa Giêsu nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.”
Sự bình an mà Chúa ban tặng cho tâm hồn con người, trên hành trình đi tìm sự sống thật và đầy tràn niềm vui, chính là mầu nhiệm thiêng liêng kết hiệp hy tế trên Thập giá với quyền năng canh tân của Phục sinh. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.”
Tối nay chúng ta cùng hướng ánh mắt đầy khiêm nhường về Thiên Chúa, là Đấng thống trị lịch sử và vận mệnh của nhân loại, và một lần nữa khẩn xin cho toàn thế giới ơn bình an. Chúng ta cùng cầu nguyện, và đặc biệt xin cho lời bình an có thể vang lên trọn vẹn trên Bán đảo Triều Tiên, sau quá nhiều năm căng thẳng và chia rẽ.
Trong Bài đọc Một hôm nay, chúng ta đã nghe tác giả Sách Đệ Nhị Luật kể lại kinh nghiệm hai chiều của dân tộc Israel, đó là kinh nghiệm của “lời chúc phúc” và kinh nghiệm của “lời chúc dữ.” “Vậy khi tất cả những điều ấy xảy đến cho anh em, tức là lời chúc phúc và lời nguyền rủa tôi đã đưa ra cho anh em chọn, anh em sẽ để tâm suy niệm những điều ấy, giữa các dân tộc, nơi mà Đức Chúa đã phân tán anh em […] Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ đổi vận mạng anh em, sẽ chạnh lòng thương và sẽ lại tập trung anh em về từ mọi dân, từ nơi mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã phân tán anh em […].”
Sự khôn ngoan của Sách Thánh làm cho chúng ta hiểu rằng chỉ những người đã từng có kinh nghiệm về mầu nhiệm linh thiêng của sự hiện hữu của Thiên Chúa, khi đứng trước những đau khổ, áp bức và thù hận, thì mới hiểu được trọn vẹn ý nghĩa khi nghe thấy lời hòa bình vang lên.
Là những con người thiện chí, tất cả chúng ta chắc chắn đều hiểu rằng hòa bình được xây dựng bằng những lựa chọn mỗi ngày, bằng một cam kết dứt khoát phục vụ cho công bằng và đoàn kết, bằng sự thúc đẩy các quyền và phẩm giá của nhân vị, đặc biệt qua việc chăm sóc người hèn mọn nhất. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng, hòa bình trước hết là một quà tặng từ trên cao, từ chính Thiên Chúa. Vì đó là sự tỏ lộ trọn vẹn sự hiện hữu của Thiên Chúa, của Đấng mà các ngôn sứ đã công bố là vị Hoàng tử Hòa bình.
Ngoài ra, chúng ta đều hiểu rất rõ rằng hòa bình đến từ Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng và xa vời, nhưng là một kinh nghiệm thể hiện cụ thể trong hành trình sống mỗi ngày. Như Đức Thánh Cha Phanxico đã nhắc lại nhiều lần, đó là “hòa bình giữa những nỗi đau khổ.” Vì vậy, khi Chúa Giêsu hứa ban bình an cho các môn đệ của Người, Người cũng nói thêm: “Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.”
Thật vậy, như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng thế gian thường “làm chúng ta tê liệt để chúng ta không nhìn thấy thực tại khác của cuộc sống: Đó là thập giá.” Chúng ta nhìn thấy con đường mà sự bình an của Chúa ban cho chúng ta vượt ngoài những gì thế gian mong chờ; nó không phải là kết quả của một thỏa hiệp đơn thuần, nhưng là một thực tại mới, một thực tại bao gồm tất cả mọi chiều kích của sự sống, bao gồm cả những chiều kích huyền nhiệm của thập giá và những đau khổ không thể tránh khỏi của cuộc lữ hành trên dương thế của chúng ta. Vì thế, đức tin Ki-tô giáo dạy chúng ta rằng “sự bình an mà không có thập giá thì không phải là sự bình an của Chúa Giêsu.”
Đức Giáo hoàng Phaolô VI, là vị giáo hoàng chúng ta đã hân hoan nhìn thấy ngài được tuyên phong Thánh vào Chúa nhật vừa rồi trong một nghi lễ long trọng, ngài lần đầu tiên công bố “Ngày Hòa bình Thế giới” vào 1 tháng Một năm 1968, tiếp nối một số những sự truyền đạt đã được Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII thân yêu công bố, ngài gửi đến toàn thể tín hữu Công giáo và những người thiện chí rằng: “Luôn cần phải nói về hòa bình! Cần phải giáo dục cho thế giới biết yêu hòa bình, biết xây dựng nó, và biết bảo vệ nó; và chống lại những lập luận có thể tái diễn chiến tranh […]. Cần phải khơi dậy nơi con người của thời đại chúng ta và các thế hệ tiếp nối ý nghĩa và lòng yêu hòa bình đặt nền tảng trên sự thật, công bình, tự do và tình yêu.”[1]
Anh chị em thân mến,
Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn biết chọn hòa bình là một sứ mạng đích thực của chúng ta trong thế giới hôm nay, tin tưởng vào sức mạnh huyền nhiệm của thập giá Đức Ki-tô và Sự Phục sinh của Người. Với ơn của Thiên Chúa, con đường tha thứ là có thể, tình huynh đệ giữa các dân tộc trở thành một biến cố cụ thể, nền hòa bình là một chân trời chung trong sự đa dạng của các chủ thể trao tặng sự sống cho Cộng đồng Quốc tế.
“Từ đó những lời nguyện xin hòa bình và hòa giải của chúng ta sẽ được dâng lên Thiên Chúa từ những tâm hồn tinh tuyền hơn và nhờ món quà ơn sủng của Người, những lời cầu nguyện đó sẽ đạt được sự tốt lành quý báu mà tất cả chúng ta khát khao.”[2] Amen.
 
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
[1] Đức Phaolo VI, Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới thứ Nhất, 8 tháng Mười Hai, 1967.
[2] Đức Phanxicô, bài giảng trong Nhà thờ Chính tòa Myeong-dong (Seoul), 18 tháng Tám, 2014.
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/10/2018]