cath.ch, Bernard Hallet, 2018-06-20
Trang hoàng cho thánh lễ của Đức Phanxicô
ngày 21 tháng 6 tại Trung tâm Palexpo đã sẵn sàng. © Berrnard Hallet
Thiết kế dụng cụ và trang hoàng cho thánh lễ tại Trung tâm Palexpo mang nét thanh lịch màu trang nhã. Một mong ước bà Felicita Marockinaite mong thực hiện được, bà là người được giao nhiệm vụ trang hoàng cho nhà thờ “chớp nhoáng” của chiều ngày 21 tháng 6.
Bà Felicita Marockinaite, trưởng ban kiến trúc tổ chức thánh lễ ngày 21 tháng 6 mong qua cách trang hoàng này làm nổi bật nghi thức công giáo và nhân cách của Đức Phanxicô. Quyết định cho chuyến đi Geneva của Đức Giáo hoàng là vào tháng 2, nhưng cuối tháng 3 mới chính thức hóa, đến đầu tháng 4 vẫn còn mơ hồ. Chương trình cụ thể chỉ bắt đầu vào ngày 15 tháng 4 qua lần gặp gỡ đầu tiên với ê-kíp của Tòa Thánh. Như thế ban tổ chức chỉ có 2 tháng để lên chương trình với tất cả phần kỹ thuật đi kèm. Không có thì giờ để tưởng tượng các trang hoàng cầu kỳ cho bàn thờ và “nhà thờ” của một buổi chiều!
Các đòi hỏi từng milimét
Bà Felicita Marockinaite cho biết: “Vatican cung cấp thiết kế cơ bản với các mệnh lệnh chính xác từng milimét: kích thước bàn thờ, bục giảng, ghế của giáo hoàng, khoảng cách giữa các ghế-bàn với nhau và hai bên bàn thờ”. Mỗi dụng cụ có một chỗ chính xác ở trọng tâm của một diện tích rộng 960 mét vuông. “Vấn đề mỹ thuật nhưng cũng là thuận tiện: các khoảng cách phải đủ rộng để dễ dàng di chuyển trong thánh lễ”.
Bàn thờ dài 3 mét, cao 1 mét và ngang cũng 1 mét. Ghế của giáo hoàng theo tiêu chuẩn của Tòa Thánh, có phần tựa cao 1 mét 50, bục giảng cao 1 mét 40 và bề ngang chỉ được 60cm. Kích thước hợp lý để đáp ứng tiêu chuẩn thấy rõ, nhất là khi thánh lễ được truyền hình để chiếu trên các màn hình khổng lồ.
Bà Felicita Marockinaite, trưởng ban kiến trúc tổ chức thánh lễ
ngày 21 tháng 6 tại Trung tâm Palexpo (GE) | © B. Hallet
Các dụng cụ bàn ghế làm bằng gỗ sơn mài trắng. Các vật dụng trang hoàng cũng mang màu sắc trang nhã. Cây thánh giá trên bục giảng giống cây thánh giá của Đức Phanxicô và bàn thờ mang dấu hiệu Dòng Tên “IHS“ (Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc), dấu hiệu quen thuộc chúng ta thấy trên huy hiệu giáo hoàng. Tất cả đều làm bằng sơn mài màu vàng.
Tự do thiết kế
Phần còn lại, bà Felicita Marockinaite được tự do thiết kế. Bà lấy cảm hứng từ sách Sáng thế để các màu sắc mang biểu tượng tự nhiên. Một tấm thảm lót màu xanh da trời là biểu tượng của nước. Bên mặt bàn thờ là cây ô-liu biểu tượng của vườn Giết-sê-ma-ni và của thiên đàng bị đánh mất. Các cây ô-liu thật ở hai bên bục. “Đất được tượng trưng qua núi non, với cảnh trí tuyết phủ trên núi và người xem thấy núi Mont Blanc. Dự án… chạy qua chạy về Geneva và Tòa Thánh: “Chỉ một vài sắp xếp, tất cả các đề nghị của chúng tôi được Vatican chấp nhận ngay. Tòa Thánh rất yêu thích công việc của chúng tôi”.
Màu trắng và các màu trang nhã nổi bật trong phần trang trí. Chọn lựa này tránh cảnh trí nặng nề. Bà Felicita cho biết, trung tâm triển lãm Palexpo là một trung tâm rất lớn và như thế việc trang hoàng cũng phải rất lớn: 170 mét chiều rộng, 18 mét chiều cao, bà cho biết: “Tôi không muốn có một cái gì mang tính cách cá nhân quá, cũng không muốn quá sặc sỡ. Giáo dân sẽ cảm thấy một cái gì nhẹ nhàng với màu trắng và màu trang nhã”. Bà mong phần trang hoàng này giúp giáo dân dễ sâu lắng, đây không phải là buổi trình diễn.
Tuy bà chịu trách nhiệm chính nhưng bà luôn lắng nghe các lời đề nghị, bà không ngần ngại hỏi ý kiến của các bạn đồng nghiệp ở văn phòng kiến trúc nơi bà làm việc.
Một bàn thờ vô giá
Ông Pierre-Vincent Erbeia, thợ mộc làm bàn thờ, bục giảng và ghế giáo hoàng cho biết: “Khi mình muốn giúp thì mình phải làm!” Ông tình nguyện giúp. Không thể nào nói được giá cả của bàn thờ, càng làm thì càng biết bàn thờ là vô giá, có người tặng vật dụng, có người bớt giá.
Sau thánh lễ, ông sẽ tặng bàn thờ cho cộng đoàn Huynh đệ Thánh Thể. Về phần mình, cộng đoàn tặng khăn bàn thờ. Cộng đoàn sẽ dùng bàn thờ này cho nhà nguyện các người trẻ của trường công giáo ở Chablais đang được dự trù.
Cây thánh giá bằng ánh sáng
Còn cây thánh giá? Cây thánh giá sẽ không ở bên cạnh bàn thờ nhưng khéo léo treo che giấu trong ánh sáng trên tường, tượng trưng cho lễ Phục Sinh và ánh sáng của sống lại. Một khái niệm tinh tuyền của tạo dựng, ánh sáng che phủ mọi bóng tối.
Ánh sáng tỏa từ cây thánh giá bao phủ cả sảnh Palexpo
cho thánh lễ của giáo hoàng. | © Bernard Hallet
Ngoài phần an ninh là bà Felicita… không phụ trách, ngoài ra bà đảm nhiệm hết tất cả phần kỹ thuật của thánh lễ. Bà cho biết: “Tôi lo phần âm thanh, ánh sáng, kiến trúc cho buổi lễ. Công việc bao gồm việc phân phối 27 khu vực làm sao để mọi người di chuyển được dễ dàng”. Ngoài ra còn phải có phòng thánh, có văn phòng cho các ký giả đến làm việc trong dịp này, phải phối hợp với các nhóm truyền hình để họ làm việc trong các điều kiện tốt nhất.
Chương trình làm việc được bổ túc dần dần theo tiến trình, phải có nơi dành cho người bệnh, người khuyết tật, họ được ở đàng trước. “Chúng tôi ráp như ráp lego!”
Bà Felicita hãnh diện được làm công việc này dù rất mệt mỏi, đêm ngủ thì rất ngắn và điện thoại reo thì không ngừng: “Hai tháng cho các công việc này thì quá ngắn! Đôi khi tôi ngừng lại để suy nghĩ, tôi cố hình dung làm sao chúng tôi thực hiện được dự án này với các nhóm làm việc của hội đồng! Tổ chức thánh lễ cho giáo hoàng… một đời chỉ một lần!” Bà muốn giữ bình tĩnh để làm việc: công việc là trên hết! “Tôi sẽ thưởng thức thành quả này vào cuối ngày 21 tháng 6”.
Cảnh bên bờ hồ Léman cho thánh lễ ở Palexpo | © Bernard Hallet
Cây thánh giá bao phủ sãnh Palexpo cho thánh lễ của giáo hoàng | © Bernard Hallet
Bức khảm sẽ được Đức Phanxicô làm phép | © Bernard Hallet
Cảnh núi Mont Blanc cho thánh lễ ở Palexpo. | © Bernard Hallet
Marta An Nguyễn dịch