Đức Phanxicô ở Địa Trung Hải, cái nôi của Giáo Hội

192

fr.aleteia.org, Jean-Baptiste Noé, 2023-09-10

Vương cung thánh đường Notre Dame de la Garde ở Marseille.

Khi tham dự Cuộc gặp Địa Trung Hải ở Marseille ngày 22 và 23 tháng 9, Đức Phanxicô chứng tỏ tầm quan trọng của Địa Trung Hải với Giáo hội. Nhà địa chính trị Jean-Baptiste Noé nhắc lại, vùng Địa Trung Hải đã trở thành cái nôi như thế nào và ngày nay nó là nơi của mọi nguy hiểm.

Khi Đức Phanxicô nói ngài sẽ đến Marseille chứ không phải Pháp, ngài đã làm mọi người ngạc nhiên. Không phải vì ngài xem thường nước Pháp, nhưng vì lý do chuyến đi của ngài là Marseille trong khuôn khổ Hội nghị Địa Trung Hải. Chính xác hơn, ngài không đến Marseille mà đến Địa Trung Hải, một không gian thiết thân với ngài và là không gian quan trọng trong lịch sử của Giáo hội.

Đức Phanxicô tại Marseille: vì sao không phải là chuyến đi thăm “nước Pháp”?

Kể từ năm 2013, ngài đã đi mười lăm lần các quốc gia trong khu vực Địa Trung Hải: Lesbos, Chypre, Malta, Ai Cập, Albania, Bosnia, Thổ Nhĩ Kỳ, Thánh địa và vì thế Marseille là một trong số những nơi ngài đi thăm. Đây là không gian địa lý ngài đi thăm nhiều nhất. Điều này có thể hiểu được vì tầm quan trọng của Địa Trung Hải ngày nay: giữa Maghreb và Trung Đông, Balkan và châu Âu, Tiểu Á và thế giới hồi giáo. Tất cả chủ đề ngài nhấn mạnh trong triều của ngài, trước hết vẫn là vấn đề di cư, tất cả đều là một phần của khu vực Địa Trung Hải.

Cái nôi của Kitô giáo

Nhưng Địa Trung Hải trước hết là cái nôi của kitô giáo. Tất nhiên, Thánh địa, với Giêrusalem là trọng tâm, nhưng cũng có Athène và Rôma, cái nôi của triết học và pháp lý cho Kitô giáo. Trong đó có thêm các thành phố lớn như Antioch, Alexandria, Carthage, Constantinople. Địa Trung Hải là bối cảnh và lò nung, nơi kitô giáo đã được rèn giũa, từ thời các tông đồ đầu tiên cho đến các giáo phụ của Giáo hội. Việc liệt kê danh sách sẽ quá dài, nhưng vẫn khó để không kể đến Tertullian, Origen, Thánh Phaolô đã đi thuyền dọc biển này, Thánh Augutinô, Thánh Cyprian và rất nhiều vị khác.

Gặp hồng y Jean-Marc Aveline, người đưa Đức Phanxicô đến Marseille

Tuy nhiên, không gian thống nhất và chặt chẽ này đã bị phá vỡ do sự phân chia của Đế chế la-mã giữa Đông và Tây và sau đó là hồi giáo tràn vào. Trong tác phẩm nổi tiếng Mahomet và Charlemagne, nhà sử học Henri Pirenne (1862-1935) đã cho thấy việc hồi giáo tràn vào đã phá hủy sự thống nhất văn minh và văn hóa của Địa Trung Hải, ngăn chặn sự trao đổi giữa Đông và Tây, tước đoạt châu Âu khỏi bờ biển phía nam của nó như thế nào. Một vết nứt vẫn chưa được hàn gắn sau 1300 năm. Kitô giáo đã biến mất khỏi Maghreb mặc dù đã phát triển mạnh ở  đó; ở Ai Cập, người theo kitô giáo rất đông (từ 15 đến 20% dân số), nhưng thuộc nhóm thiểu số và thường bị chính phủ và các hiệp hội hồi giáo quấy rối. Từ Đức Gioan Phaolô II đến Đức Phanxicô, các ngài liên tục bảo vệ kitô hữu Đông phương, những người có quê hương ở phương Đông và có nguồn gốc phần lớn là Văn hóa phương Đông.

Thách thức di cư

Ở Algeria, Tipaza đã nhìn thấy người Phoenicia và người La-mã đi qua; tàn tích của thành phố cổ vẫn thống trị bờ Địa Trung Hải. Chưa có giáo hoàng nào có thể đến thăm Algeria, nơi chính phủ vẫn đóng cửa và ký ức về vụ thảm sát các tu sĩ ở Tibhirine vẫn còn sống mãi. Cái nôi của kitô giáo, khu vực Địa Trung Hải ở một số quốc gia bị đóng cửa với người theo kitô giáo, linh mục hoặc những người theo tôn giáo không thể tự do di chuyển.

Địa Trung Hải cũng là một trong những nơi phải đối diện với thách thức di cư. Đức Phanxicô ở Marseille cũng như ngài đã ở Lampedusa và Lesbos. Tuy nhiên, đó là một thử thách có bề ngoài đánh lừa. Các tuyến đường di cư rõ ràng rất quan trọng đối với châu Âu, với những hậu quả của nó, cho dù chúng băng qua Địa Trung Hải hay qua vùng Balkan và Tây Ban Nha. Nhưng các khu vực khác trên thế giới cũng có những vấn đề di cư nhưng không có phương tiện truyền thông nào đề cập đến. Những người di cư bị bắn chết ở biên giới với Ả Rập Saudi ít được chú ý. Các vấn đề di cư trong nước ở châu Phi cũng ít được đề cập dù chúng quan trọng hơn việc di cư từ châu Phi sang châu Âu. Biên giới giữa Rwanda và Congo, Namibia và Nam Phi là một số ví dụ về những nơi mà bi kịch nhân loại đã xảy ra rất lớn và thường xuyên.

Khả năng hòa bình

Là nơi căng thẳng, Địa Trung Hải cũng là nơi có thể có hòa bình. Bốn năm trước, căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp rất cao; bây giờ căng thẳng đã hết. Hợp tác đang được thiết lập để khai thác các mỏ khí đốt ở Đông Địa Trung Hải, vốn có trữ lượng lớn và sẽ làm rung chuyển thị trường năng lượng quốc tế. Ở vùng Balkan, hòa bình cuối cùng đã được thiết lập và ở Trung Đông, cuộc chiến trực diện cuối cùng giữa các quốc gia là năm 1973. Do đó, hòa bình là có thể và con người có khả năng làm vũ khí im lặng. Đó là thông điệp hy vọng sẽ làm Đức Phanxicô hài lòng khi ngài đến, không phải ở Pháp, mà là ở Marseille, nghĩa là ở Địa Trung Hải.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch