Kỷ niệm 75 năm những vụ ném bom, Đức Thánh Cha gửi thông điệp đến Hiroshima (Phần 1)

639

Người đăng: Giáo hội Công giáo News vào tháng 8 12, 2020

https://lh5.googleusercontent.com/Qv02GsLUrtOtFO5Fj2zkye1fi4sa0StEdHk8ndlTQFBvhzToB33P01M1opDb80UU9rg4wkSa7e2ZHvXd8xL-vgYnDw2F-Izr_U0RoQtc52S_6cIxdUOR9ol2t-oNw2AUhBHGYhQq=w640-h426
© Vatican Media

‘Vấn đề trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết rằng để hòa bình phát triển thì con người cần phải hạ vũ khí chiến tranh’

06 tháng Tám, 2020 17:17
DEBORAH CASTELLANO LUBOV

Kỷ niệm 75 năm hai vụ đánh bom, Đức Thánh Cha Phanxico đã gửi một thông điệp đặc biệt tới Hiroshima.

Trong thông điệp ngày 15 tháng Bảy được công bố trên trang web Hiroshima vì Hòa bình, Đức Thánh Cha gửi lời chào thân ái tới các nhà tổ chức và những người tham dự lễ kỷ niệm trọng thể lần thứ bảy mươi lăm vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima năm 1945, và một cách đặc biệt gửi tới những người sống sót sau thảm kịch.

Đức Phanxico tự nhận là ‘được đặc ân’ khi có thể đích thân đến thăm các thành phố Hiroshima và Nagasaki trong chuyến Tông du vào tháng Mười Một năm ngoái, ngài nói, “chuyến đi đã cho phép tôi suy tư tại Đài tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima và tại Công viên Hypocenter ở Nagasaki về sự tàn phá nhân mạng và tài sản ở hai thành phố này trong những ngày chiến tranh khủng khiếp cách đây ba phần tư thế kỷ.”

Đức Thánh Cha viết: “Cũng như tôi đã đến nước Nhật năm ngoái với tư cách là một người hành hương vì hòa bình, tôi luôn ghi khắc trong lòng niềm khao khát của các dân tộc trong thời đại chúng ta, đặc biệt là những người trẻ khao khát hòa bình và cống hiến những hy sinh cho hòa bình. Tôi cũng mang theo tiếng khóc của người nghèo, họ luôn là những nạn nhân đầu tiên của bạo lực và xung đột.”

Đức Thánh Cha Phanxico kêu gọi: “Vấn đề trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết rằng để hòa bình phát triển thì con người cần phải hạ vũ khí chiến tranh, và đặc biệt là vũ khí có sức công phá mạnh nhất: những loại vũ khí nguyên tử có thể phá hủy toàn bộ các thành phố, các quốc gia. Tôi xin nhắc lại những gì tôi đã nói ở Hiroshima năm ngoái: ‘Việc sử dụng sức mạnh nguyên tử cho mục đích chiến tranh là phi đạo đức, và sự sở hữu vũ khí nguyên tử cũng là phi đạo đức’ (Diễn từ tại Đài tưởng niệm Hòa bình, ngày 24 tháng Mười Một năm 2019).

Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng ngày nay “tiếng nói tiên tri của những người sống sót sau hai vụ ném bom của Hiroshima và Nagasaki tiếp tục là lời cảnh báo cho chúng ta và cho các thế hệ mai sau! Với họ, và với tất cả những người làm việc để hòa giải, chúng ta hãy lấy những lời của tác giả Thánh vịnh làm của riêng chúng ta: “Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu, tôi nói rằng: “Chúc thành đô an lạc!” (Tv 122:8).”

Với tất cả những người tưởng niệm ngày kỷ niệm trọng thể này, Đức Giáo Hoàng “khẩn xin muôn ơn phúc trên trời đổ xuống trên họ.”

Phóng viên của ZENIT English tại Vatican đã có mặt trên chuyến bay của Giáo hoàng đến Nhật Bản và Thái Lan vào tháng Mười Một năm 2019, và có mặt tại sự kiện cầu nguyện long trọng ở Hiroshima. Sáng Chủ nhật hôm đó, các nhà báo bay từ Tokyo đến Nagasaki dưới cơn mưa tầm tã, rồi bay đến Hiroshima, và sau đó bay về Tokyo trước nửa đêm.

Năm ngoái, vào ngày Chủ nhật hôm đó, Đức Giáo hoàng Phanxico đã kết thúc ngày đầu tiên với lịch trình dày đặc của mình ở Nhật Bản tại Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, nơi đó ngài đã chỉ trích việc sử dụng vũ khí nguyên tử tại cuộc Gặp gỡ vì Hòa bình.

Ngài nói, “Lạy Thiên Chúa của lòng thương xót và Thiên Chúa của lịch sử, từ nơi đây chúng con xin hướng ánh mắt lên Người, từ nơi sự chết và sự sống gặp nhau, mất mát và tái sinh, đau khổ và lòng trắc ẩn.”

Lúc 8 giờ 15 phút sáng ngày 6 tháng Tám năm 1945, quả bom nguyên tử đầu tiên trong thời chiến được thả xuống thành phố Hiroshima, phá hủy hoàn toàn thành phố này. Hơn 70.000 người chết ngay tức thì. 70.000 người khác chết sau đó vì bỏng phóng xạ. Tòa nhà duy nhất còn lại sau vụ nổ là Genbaku Dome. Ngày nay, tàn tích mang tính biểu tượng nằm ở chính giữa Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima như một lời nhắc nhở.

Cuộc Gặp gỡ vì Hòa bình diễn ra tại Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima với sự tham dự của khoảng một nghìn tín hữu, 20 nhà lãnh đạo tôn giáo và, 20 nạn nhân. Đức Thánh Cha Phanxico đã được quận trưởng, thị trưởng, chủ tịch hội đồng quận và chủ tịch hội đồng thành phố Hiroshima chào đón gần Đài tưởng niệm Hòa bình.

Đức Giáo hoàng Dòng Tên nói tại Đài tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima: “Tôi cảm thấy có trách nhiệm phải đến đây như một người hành hương vì hòa bình, đứng cầu nguyện trong thinh lặng, tưởng nhớ những nạn nhân vô tội của sự tàn bạo đó, và khắc ghi trong lòng tôi những lời cầu nguyện và những khao khát của con người trong thời đại chúng ta, đặc biệt giới trẻ là những người khát khao hòa bình, là những người làm việc cho hòa bình và hy sinh bản thân vì hòa bình,” Đức Thánh Cha Phanxico nói. “Tôi đã đến được nơi của sự tưởng nhớ và của hy vọng cho tương lai, mang theo tiếng khóc của những người nghèo, họ luôn là nạn nhân cô thế nhất của hận thù và xung đột.

Ngài tiếp tục: “Ước mong nhỏ bé của tôi là trở thành tiếng nói cho người không có tiếng nói, họ chứng kiến những căng thẳng ngày một lớn hơn của thời đại chúng ta với sự lo lắng và buồn phiền: những bất bình đẳng và bất công không thể chấp nhận được đe dọa sự chung sống của con người, sự thất bại nặng nề trong việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta, và sự bùng nổ liên tục của xung đột vũ trang, như thể những điều này sẽ bảo đảm cho tương lai hòa bình.”

Đức Phanxico kết luận: “Quả thật, nếu chúng ta thực sự muốn xây dựng một xã hội công bằng và an toàn hơn, chúng ta phải bỏ vũ khí xuống khỏi tay chúng ta.”

Dưới đây là toàn văn thông điệp gần đây của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 75 năm:

***

Tôi gửi lời chào thân ái tới các nhà tổ chức và những người tham dự lễ kỷ niệm trọng thể lần thứ bảy mươi lăm vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima năm 1945, và một cách đặc biệt gửi tới những người sống sót sau thảm kịch.

Tôi được đặc ân khi có thể đích thân đến thăm các thành phố Hiroshima và Nagasaki trong chuyến Tông du vào tháng Mười Một năm ngoái, chuyến đi đã cho phép tôi suy tư tại Đài tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima và tại Công viên Hypocenter ở Nagasaki về sự tàn phá nhân mạng và tài sản ở hai thành phố này trong những ngày chiến tranh khủng khiếp cách đây ba phần tư thế kỷ.

Cũng như tôi đã đến nước Nhật năm ngoái với tư cách là một người hành hương vì hòa bình, tôi luôn ghi khắc trong lòng niềm khao khát của các dân tộc trong thời đại chúng ta, đặc biệt là những người trẻ là những người khao khát hòa bình và cống hiến những hy sinh cho hòa bình. Tôi cũng mang theo tiếng khóc của người nghèo, họ luôn là những nạn nhân đầu tiên của bạo lực và xung đột.

Vấn đề trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết rằng để hòa bình phát triển thì con người cần phải hạ vũ khí chiến tranh, và đặc biệt là vũ khí có sức công phá mạnh nhất: những loại vũ khí nguyên tử có thể phá hủy toàn bộ các thành phố, các quốc gia. Tôi xin nhắc lại những lời tôi đã nói ở Hiroshima năm ngoái: ‘Việc sử dụng sức mạnh nguyên tử cho mục đích chiến tranh là phi đạo đức, và sự sở hữu vũ khí nguyên tử cũng là phi đạo đức’ (Diễn từ tại Đài tưởng niệm Hòa bình, ngày 24 tháng Mười Một năm 2019).

Ước mong rằng tiếng nói tiên tri của những người sống sót sau hai vụ ném bom của Hiroshima và Nagasaki tiếp tục là lời cảnh báo cho chúng ta và cho các thế hệ mai sau! Với họ, và với tất cả những người làm việc để hòa giải, chúng ta hãy lấy những lời của tác giả Thánh vịnh làm của riêng chúng ta: “Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu, tôi nói rằng: Chúc thành đô an lạc!” (Tv 122:8).”

Tôi khẩn xin muôn ơn phúc trên trời đổ xuống trên tất cả những người tưởng niệm ngày kỷ niệm trọng thể này.

Viết từ Vatican, 15 tháng Bảy, 2020

 

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/8/2020]