Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser
Mùa xuân năm ấy thật ảm đạm, không phải vì thời tiết nhưng vì có nhiều vụ tự tử. Những cơn gió ấm, không ngừng khuấy động thiên nhiên, tinh thần con người và với một số người, nó còn là một cái gì đó không thể chịu đựng được.
Hầu hết chúng ta đều lớn lên với suy nghĩ tự tử là nỗi tuyệt vọng cuối cùng, một tội lỗi cuối cùng và không thể tha thứ. Một cuộc tự tử nào đó có thể là như vậy, song thực tế phần lớn những cuộc tự tử rất ít liên hệ đến tội lỗi và nỗi tuyệt vọng.
Nhiều người cho rằng, tự tử là hành động khước từ hy vọng, một sự đóng kín không cách gì thay đổi của một ai đó với sự tha thứ và sự sống mới. Như G.K.Chesterton có nói, tự tử là hành động khước từ quan tâm đến hiện hữu, đến lời thề ước trung thành với cuộc đời. Chesterton cho rằng, người tự tử, là người làm hỏng một bông hoa từ việc khước từ sống vì nó.
Chesterton đúng nếu thực sự người ta tự tử vì tuyệt vọng. Thường thì, không phải như vậy. Trong hầu hết trường hợp, tự tử xuất phát từ một chứng bệnh tâm lý, một căn bệnh cuối cùng không mang tính cách tội lỗi và biểu lộ sự tuyệt vọng hơn là chứng ung thư, cao huyết áp và nhồi máu cơ tim.
Chúng ta là những tạo vật của thể xác và linh hồn – có thể bị gãy đổ cả hai. Một số người chết vì chứng ung thư thể lý, cao huyết áp hay nhồi máu cơ tim. Một số khác chết vì chứng ung thư tâm lý, cao huyết áp và nhồi máu cơ tim. Trong cả hai trường hợp cái chết đều không đến từ sự tự do lựa chọn. Cả hai trường hợp đều không do tuyệt vọng.
Thường thường chúng ta cũng chỉ nhìn thấy cái chết của ông Giu-đa như hình mẫu của nỗi tuyệt vọng. Giu-đa tội nghiệp! Ông phản bội Đức Giê-su và rồi không thể chấp nhận sự tha thứ và vì thế đã thắt cổ tự vẫn – và Đức Giê-su đã nói, sẽ là tốt hơn cho Giu-đa nếu như ông chưa từng sinh ra.
Trường hợp của Giu-đa khác với Phê-rô, ông Phê-rô cũng phản bội Đức Giê-su. Tuy nhiên, ông Phê-rô có khả năng chấp nhận sự tha thứ. Không tuyệt vọng giống như Giu-đa, Phê-rô đi ra ngoài, bật khóc thảm thiết, chấp nhận sự tha thứ của Đức Ki-tô và ông đã trở thành nền đá tảng của Hội Thánh.
Nhưng một sự giải thích như thế, dù nó được trân trọng sâu xa đến mấy trong đạo đức và truyền thống của người Ki-tô hữu thì, vẫn còn đơn giản và, cuối cùng, tự bản thân nó sẽ thất vọng về tình yêu của Thiên Chúa. Những động lực để chấp nhận sự tha thứ và tình yêu liên hệ nhiều hơn với việc chúng ta có được bao nhiêu tình yêu không điều kiện hơn là với đạo đức và đức tin.
Nếu, khi còn nhỏ, những người xung quanh yêu chúng ta, làm cho chúng ta ý thức được rằng chúng ta đáng yêu ngay cả khi chúng ta mắc lỗi và nếu những người xung quanh làm chúng ta ý thức được rằng tình yêu không cần phải tìm kiếm hay phải xứng đáng mới có được thì khi đó, chúng ta sẽ lớn lên, trở thành những người có khả năng chấp nhận sự tha thứ, như Phê-rô.
Có lẽ sự khác nhau giữa Phê-rô và Giu-đa không phải Phê-rô yêu mến Đức Giê-su hơn, nhưng ông có nhiều tình yêu vô điều kiện hơn (như một quà tặng miễn phí). Vì thế ông có khả năng chấp nhận tha thứ.
Với nhãn quan của con người thì Giu-đa tuyệt vọng, Phê-rô thì không. Tôi không chắc một sự nhận định thế này có đúng hay không. Nếu đúng như vậy thì, tình yêu và sự sống đời đời sẽ chỉ dành cho người may mắn và mạnh mẽ. Nhưng tình yêu và sự thấu hiểu của Thiên Chúa thì không giới hạn chúng ta là ai như tình yêu con người.
Sau khi phục sinh chúng ta thấy Đức Ki-tô, nhiều lần, đi qua “các cánh cửa đóng kín” để thở ra thần khí bình an và yêu thương trên các tông đồ đang xáo trộn, sợ hãi và đáng thương. Người vẫn đi vào hỏa ngục, đi vào những cõi lòng đóng kín, để thở ra bình an và yêu thương cho những chốn đang xáo trộn vì sợ hãi và tổn thương.
Khả năng từ tâm, đồng cảm, yêu thương vô điều kiện của chúng ta là hữu hạn. Có những chướng ngại nào đó khiến chúng ta bất lực và không thể đi xa hơn được nữa. Nhưng lòng lân tuất của Thiên Chúa có thể vượt qua những cánh cửa đóng kín và những cõi lòng đóng chặt. Tình yêu của Thiên Chúa đi vào hỏa ngục.
Hầu hết những nạn nhân tự tử là những người bị mắc kẹt, trong một hỏa ngục cảm xúc của chính họ, là một chứng bệnh chứ không phải một tội. Hành động tự tử là một nỗ lực liều lĩnh của họ để chấm dứt nỗi đau không thể chịu đựng, giống như một người đang bị thiêu cháy ném mình qua một cánh cửa sổ vậy.
Vì thế, chúng ta không thể đến với họ bằng xét đoán, nhưng bằng quả tim, từ tâm, tình yêu thương và một Người Mẹ có sự thấu hiểu và dịu dàng cách xa trí tưởng tượng của chúng ta. Bà đi vào hỏa ngục, ôm họ vào lòng và thở ra thần khí bình an và yêu thương lên nỗi sợ hãi và tổn thương của họ.
Khi đó cuối cùng họ trải nghiệm được tình yêu thương vô điều kiện và sự bình an thanh thản mà họ đã không trải nghiệm được lúc còn sống trên mặt đất này.
Nguyễn Kim An dịch