“Khói mây chiều buồn vương theo gió” | Chuyện Phiếm Đạo/Đời

1557

Chuyện Phiếm đọc trong tuần 29 Thường niên năm B 21-10-2018

“Khói mây chiều buồn vương theo gió”

Sáo êm ru hiu hắt lời thơ
Lòng lắng trôi theo nguồn say mơ
Khúc mơ hồ vương vương lưu luyến
Mơ đến ngày đầy ánh huy hoàng
Lòng ơi dứt đi đường tơ.”
(Văn Thủy – Dứt Đường Tơ)

(Sách Giảng Viên 5: 5-6)

“Dứt đường tơ”, là dứt những gì đây? Dứt tình? Dứt bạn? Hoặc dứt “mối hoài mong” với “đàn lẻ cung”, “máu anh hùng” cùng nỗi buồn trước gió và theo gió, có cả tôi, không?

Thôi thì, có dứt gì thì dứt xin cũng đừng dứt mối bang giao thân tình của bạn Đạo ở khắp nơi. Vâng. Dứt gì thì dứt, cũng xin đừng dứt tâm tình thân thương, “rung chí tơ lòng” như câu hát tiếp tục ở bên dưới:

“Rung chi tơ lòng
Ðầy vơi cung oán mơ mộng
Buồn theo tiếng gió vấn vương qua cành lá
Duyên tơ lỡ làng
Sầu vương theo khúc bẽ bàng
Ðìu hiu lướt êm trên hàng tơ liễu xanh.”
(Văn Thủy – bđd)

Và cứ thế, giòng chảy “u huyền” của con suối cùng với ánh vàng “lấp lánh” trong không gian, như sau đây:

“Suối u huyền trầm lan trong gió
Quyến trăng thanh lấp lánh vàng tơ
Hờn chiến chinh vang lừng không gian
Nhớ chăng lòng quê hương nguy biến
Mau đứng lên chào đón thanh bình
Lòng ơi dứt đi đường tơ …”
(Văn Thủy – bđd)

Và, tất cả vẫn cứ êm đềm một giòng chảy đầy những truyện để kể, như sau:

“Ngày xưa, các cố Đạo người phương Tây sang Việt Nam để truyền giảng bằng tiếng Việt mình. Vì thế nên, tiếng Việt của các ngài không trơn tru thông thạo như ta tưởng, nên nhiều lúc gây hiểu lầm thật không ít. Chuyện hiểu lầm dẫy đầy những điều buồn, vui lẫn lộn khiến có người cười ra nước mắt. 

Đặc biệt là câu chuyện mà mọi người đều nghe kể nhiều nhất như câu chuyện dưới đây: 

Có chàng thanh niên nọ, vẫn quen lui tới tòa giải tội để xin cố Tây ban phép lành cho mình được yên ổn. Có lần vào tòa cáo giải, anh xưng thú cùng vị cố Đạo những câu đại loại như: 

– Thưa cha, con đã có và được hai con nhỏ dễ thương đề huề, thế mà con vẫn còn bê tha phạm cái tội tày trời ghê lắm cơ cha ạ! 

Cha đạo nghe thế cũng có hiểu nhưng chẳng đoán ra tội của anh lớn lao đến cỡ nào, bèn nói:

– Chúa Trời lòng lành vô cùng, con cứ thẳng thắn xưng các tội con mắc phải dù lớn đến đâu cũng được tha.

Thanh niên bèn nhanh nhẹn thưa:

– Dạ thưa cha, con có vợ rồi nhưng chứng nào tật ấy vẫn không chừa được cái tội có mèo nữa đó, thưa cha.

Cha Đạo bèn nói:

– Gì chứ mèo thì cha đây cũng có, nào đã sao!” (Truyện kể để cho vui mà thôi).

Nói về tội và lỗi hoặc các sai phạm lớn/nhỏ, nhiều vị lại cứ liên-tưởng đến những “quấy quả” mà người đời thường vướng mắc. Có thứ nặng, có thứ cũng chả ra làm sao. Đôi khi còn là  cớ sự để người đời làm nên chuyện này chuyện nọ khá tốt đẹp.

Đó là trường hợp của nhạc sĩ tên tuổi thật nổi cộm là danh-nhạc Beethoven vì mắc phải sự cố, lỗi phạm này/nọ nhưng lỗi ấy lại đã trở thành đặc-trưng quí hiếm, như tác giả Scott Dave kể như sau:

“Không có gì phải chối cãi hết. Nhất định, phần cuối bản Giao-Hưởng-Khúc số 9 của Beethoven từng chứa-đựng một trong các giai-điệu tuyệt vời xưa nay chưa ai viết được như thế. Bởi, lần trình-diễn đầu năm 1824, đoản khúc “Ode to Joy” (tức: Bản Tụng Ca Vui Mừng) lâu nay được hát theo cung-cách khiến ta không tài nào kết thúc trọn-vẹn vừa bày tỏ sự tôn-kính, vừa khai-thác hiện-tượng rất thực chí ít là khi “Bức Tường Ô Nhục” ở Bá Linh” được người Đức sử-dụng để quảng-bá một cách hoành-tráng, rất se sua…

Phần cuối Giao Hưởng Khúc này, lại đã phối-hợp hài-hòa cả chất giọng lẫn âm-nhạc thượng-thừa dựa trên bài thơ rất hay của thi sĩ Friedrich Schiller viết hồi 1786 để ca tụng chủ-đề nhân-vị. Nhạc-sĩ Beethoven lúc đầu chỉ muốn khai thác ý-tưởng làm nền cho lối hòa-âm soạn hồi cuối thế kỷ thứ 20. Và nhờ khi ấy, Hoàng Đế Napolêon lại thích nghe các loại nhạc như thế, nên ông bị cuốn hút bởi sắc-thái cách-mạng ẩn-tàng dưới bài thơ này.

Thật ra thì, Giao Hưởng Khúc số 9 vẫn không là công-trình do ông thực-hiện vào thời trẻ; đúng hơn, đó là công-trình ông thực hiện 12 năm sau khi cho ra Giao-hưởng khúc 7 và 8, tức: ba năm trước khi ông mất. Đó, là lúc ông phải phấn-đấu cho sự sống còn của chính ông. Nói khác đi, một số nhạc-phẩm do ông soạn tuyệt-vời như thế, mà cũng có người ngờ-vực công-trạng của riêng ông, nhất là lúc ông phải trải qua một cãi-tranh luật-pháp rất khổ sở để được quyền giám hộ đứa cháu của ông. Tóm lại, có lúc ông cũng ngờ-vực cả giai-đoạn được coi là nổi đình đám của chính ông đã đến hồi tận-tuyệt.

Vậy thì, tại sao nhạc sĩ Beethoven lại chọn viết lên nhạc bản này cơ chứ? Phải chăng đây là cách giúp ông có quyết-định đúng đắn, tức: đưa ra dấu-hiệu hòa-giải đậm sâu? Hoặc, ông có toan tính chuyển-tải thông-điệp nào đó chăng nếu không muốn để nó rơi vào một thứ thất-bại âm-nhạc?…” (X. Scott Dave, How Beethoven’s ‘mistake’ became one of our most famous tunes?)

Từ một nhận-định về một sai-chậy của Beethoven, nay ta thử xem nhà Đạo mình có mắc phải sai sót, lầm lỡ gì không? Có hay không, thiết tưởng nhà Đạo mình chẳng bao giờ huỵch-toẹt nói cho rõ. Gì cũng vậy, chuyện đúng/sai – sai/đúng là tuỳ người đứng từ góc cạnh nào đó mà nhìn. Đúng/sai – Sai hay đúng, cũng còn tùy lập-trường của đấng bậc chủ quản cộng-đoàn minh sống, như câu chuyện về “ghi nhận” ở bên dưới:

Ghi nhận, là ghi chép và tiếp-nhận mỗi thế này:

“Tháng 8 năm 2018 vừa qua, Đức TGm Carlo Maria Vigano, một nhà ngoại-giao cao-cấp của Tòa thánh đã đưa ra một bức thư ngỏ bảo rằng: Trong thư tố-cáo là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã toa rập trong việc bảo-vệ cựu Hồng y McCarrick, là nghi-phạm đã sử dụng chức-năng và uy-quyền của mình để xâm-phạm tình-dục với chủng-sinh/linh-mục ở dưới trướng.

Các bí-mật mà vị Hồng y này từng giấu-diếm bị đưa ra trước công-luận sau khi cụ bị cáo-buộc là từng xâm-phạm tiết-dục đám trẻ ở New York cách nay chừng 40 năm. Khi  đã làm thế, vị này còn kết luận bảo rằng: “Đức Phanxicô chắc hẳn là người đầu tiên tạo gương sáng cho Hồng y, Giám mục nào từng bao che hành-động phạm-pháp của ngài McCarrick rồi từ-nhiệm, và khi ấy lại mang các bí-ẩn đi theo mình.

Cho đến nay, Tòa thánh La Mã vẫn chưa có đáp-từ nào gửi Tổng Giám mục Vigano, dù các lời cáo-buộc được trưng-dẫn cho mọi người trong ngoài Giáo-hội thấy rõ. Cuối cùng thì, vị trưởng lão Thánh Bộ Giám-mục là Hồng y Marc Ouellet, lại cũng đưa ra lời cáo-buộc khác cũng ghê rợn như sau:

Đức Hồng y Marc Ouellet còn viết thêm: “Vị-thế của ngài hiện xem ra cũng khó hiểu và tệ hại không kém. Tôi xét thấy chuyện ấy cũng sai sót khiến ngài mới lợi-dụng tai tiếng ghê rợn này ở Hoa Kỳ để giáng một đòn vô tiền khoáng hậu lại không xứng-hợp ngõ hầu chối bỏ quyền-uy luân-lý của cấp trên của ngài, là Đức Giáo Tông.

Đức Hồng y Marc Ouellet còn nói ngài đã tái xét tài-liệu tại thánh-bộ của ông. Đồng thời, được trang-bị bằng các hồ sơ cũng như bộ nhớ tư riêng của mình, ông đã đáp-trả một số cáo buộc của Hồng y Viganô bằng cách bảo rằng: ông đã có buổi hội-kiến ngắn với Đức Giáo Hoàng vào ngày 23 tháng Sáu 2013, không lâu sau khi ngài đắc cử ngôi vị Giáo hoàng. Ông cũng đã báo trước với ngài về quá-khứ khá tồi-tệ của cựu Hồng y McCarrick, nhưng Đức Thánh Cha chẳng nói năng gì…

Đức Hồng y Marc Ouellet lại cũng quả quyết: Hồng y McCarick chưa bao giờ bị Đức Bênêđíchtô 16 cấm-vận bao giờ hết. Thành thử, điều trớ trêu là ở chỗ: lời lẽ mâu-thuẫn đây, lại là giả-thuyết do Hồng y Viganô đưa ra, bởi lẽ theo như Hồng y Viganô thì Đức Phanxicô đã thực sự gỡ bỏ lệnh cấm-đoán trên do vị tiền-nhiệm của ngài là Đức Bênêđíchtô 16 đề-xướng…

Đức Hồng y Marc Ouelett lại cứ bảo: thay vào đó, sau khi xem xét hồ sơ sự việc, Đức McCarrick chỉ được bảo là ngài phải “tuân theo một số điều kiện và giới hạn do có sự đồn đoán về các hành-xử của ông ta, trong quá khứ mà thôi. Và, vào lúc ấy, không có bằng chứng nào cho thấy ngài có đời sống song đôi nào hết…

Nói cho cùng, Đức Hồng y Viganô cũng đã tô vẽ vài lớp sơn từng phết lên người Hồng y McCarrick như một vị cố-vấn đáng tin cậy đối với Đức Phanxicô tức: ngài có ảnh-hưởng rất lớn trên Đức Giáo Hoàng trong việc bổ-nhiểm các Giám mục người Mỹ…” (Michael Cook, Canadian Cardinal defends Pope against cover-up claims, MercatornNet 08/10/2018)

Thế đấy, sai phạm và lầm lỡ trong Giáo hội Công giáo, là như thế. Trích-dẫn những lời nặng/nhẹ ở đây, không để chỉ trích hoặc dẫn-nhập lập-trường lành thánh của Tòa thánh cũng rất lành và rất thánh, một cơ-quan Giáo-hội luôn coi mình bao giờ đúng, vì “vô ngộ”.

Có trích dẫn ở đây đó hoặc đâu đó, cũng chỉ để nói lên có mỗi điều, rằng: là con người, thế nào cũng có lúc ta vướng phải những sai lầm, sai sót hoặc sai phạm, dù không lớn.

Trích dẫn đây, còn để nhắc nhớ lời thánh hiền từng bảo ban như sau:

Chớ để cho miệng lưỡi bạn làm bạn mắc tội,
đừng nói trước mặt vị sứ giả:
Đó là tội phạm vì nhẹ dạ thôi!
Tại sao Thiên Chúa lại phẫn nộ
vì lời bạn nói mà phá huỷ công việc do tay bạn làm ra?
Quả thật, mơ mộng lắm thì nói nhiều, và nói toàn chuyện phù phiếm.”
(Sách Giảng viên 5: 5-6)

Cuối cùng thì, có trích dẫn hoặc viết cho nhiều những điều như thế, cũng chỉ để nói lên một hay nhiều điều khá lôi cuốn, hầu giúp nhau sống mạnh, sống vững trong tình Chúa thương mọi người. Đó, cũng là đôi điểu để bạn và tôi, ta cứ phiếm hoài, phiếm mãi rất khôn nguôi rồi thôi.

Và sau hết, để làm nhẹ tình-tiết của bài phiếm, tưởng cũng nên mời bạn và mời tôi, ta đi vào vùng trời truyện kể mà “tìm cho ra” đôi ba giòng chảy cũng rất kể khá “hư cấu” hầu tiếp chuyện mọi người cho vui, như sau:

“Truyện rằng:

Có vị linh mục già ở giáo xứ nọ chết đã lâu nhưng chưa được vào cửa thiên-đường vì thánh Phêrô bắt đợi ở cửa, chờ đến lượt. Một ngày nọ, có ‘ma sơ’ khi trước từng giúp việc cho linh mục cũng chết đi và khi đến cửa thiên đường, ‘ma sơ’ gặp lại vị linh-mục bèn hỏi:

– Ủa Cha chết lâu rồi sao ngài còn đứng ở đây làm gì?

Linh mục nọ bèn trả lời:

– Ấy, thánh Phêrô bảo: tôi phải đợi ở đây!

‘Ma sơ’ liền dẫn vị linh-mục ra ngoài và đưa cho ngài một cái bao, rồi bảo:

– Sao Cha dở thế, hễ gặp chuyện rắc rối là phải gặp các sơ để các chị chỉ cách cho mà xử thế. Thôi bây giờ, Cha cứ cầm cái bao này mà vào cửa thiên đường. Và giả như thánh Phêrô có chặn lại, thì Cha cứ việc biếu tặng ngài cái bao này, là xong.

Nghe lời ‘ma sơ’, vị linh-mục bèn dõng dạc bước thẳng vào cửa thiên đường, thánh Phêrô thấy vậy bèn chặn lại, hỏi:

– Này Cha, sao Cha lại đi thẳng vào cửa như thế đâu có được!

Vị linh mục già bèn theo lời ‘ma sơ’ liền mở bao đưa cho thánh Phêrô xem. Ngay tức thì, thánh Phêrô bèn niềm nở cầm tay vị linh mục già kéo vào trong rồi nói:

– Thôi được. Cha vào nhanh đi cho, đừng đứng đây hoài thật phiền phức cho tôi đấy. 

Vào trong, vị linh mục già mới hỏi ‘ma sơ’ một câu khác:

– Này ma sơ, cái gì ở trong bao mà sao linh-thiêng hiệu nghiệm thế?

Ma sơ cười nhẹ và nói nhỏ vào tai vị linh-mục già:

– Chẳng có gì đâu thưa Cha, chỉ là con gà cồ thôi!?!” (Truyện kể nhẹ không ai nhận là tác giả)

Thế nghĩa là, có sai sót hay sai lầm, là có cách chỉnh-sửa dù lớn nhỏ. Và, sai lầm ở chuyện phiếm Đạo đời hôm nay chỉ là sai sót rất không lớn. Sai lầm hay sai sót ở đời, vẫn là chuyện “nhỏ như con thỏ”, mà thôi.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn muốn phiếm rất nhiều điều
để mua vui cũng được một vài phút giây
mà thôi.