Tân niên, minh niên | Từ vựng Công giáo | Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

162

TÂN NIÊN, MINH NIÊN

1.

Tết nguyên đán còn gọi là Tết ta, Tết âm lịch hay chỉ đơn giản gọi là Tết. Người Trung Hoa ngày nay gọi là xuân tiết, nông lịch tân niên (農 曆 新 年) hay tân niên (新 年). Bản văn phụng vụ thánh lễ ngày Mồng Một Tết gọi là “Thánh lễ Tân Niên”, có thời gọi là “Thánh lễ Minh Niên” và ngày nay vẫn còn nhiều người gọi là “Thánh lễ Minh Niên”. Chúng ta thử tìm hiểu hai từ tân niên (新 年) và minh niên (明 年) này.

2. Tân niên, minh niên.

2.1. Tân niên 新 年.

Chữ tân có những chữ Hán này: 新, 檳, 濱, 津, 獱, 繽, 莘, 薪, 蠙, 賓, 辛, 鋅, 儐. Từ tân niên là chữ 新, có nghĩa: (tt.) (1) Mới: tân nhân tân sự (người mới việc mới); (2) Vừa, vừa mới: ngã thị tân lai đích nhân (tôi là người vừa mới đến); (3) Mới bắt đầu (chỉ thời gian); (4) Khác với trước. (dt.) (5) Sản phẩm mới; (6) Khác lạ; (7) Thóc mới; (8) Thức ăn mới; (9) Năm mới: tân niên; (10) Quan chức mới; (11) Tỉnh Tân Cương (Trung Quốc); (12) Họ Tân; (13) Tin tức: tân văn; (14) Nước Tân Gia Ba (Singapore). (đt.) (15) Đổi mới: canh tân. (pt.) (16) Mới (chỉ thời gian); (17) Lần nữa (chỉ tính chất).

Chữ niên có những chữ Hán này: 年 (秊), 撚. Từ tân niên là chữ 年, nghĩa là (dt.) (1) Năm: khứ niên (năm ngoái); (2) Hằng năm; (3) Tuổi: tri mệnh chi niên (tuổi biết mệnh trời); (4) Triều đại: Minh triều mạt niên (cuối đời nhà Minh); (5) Thời kỳ: đồng niên (thời thơ ấu); (6) Mùa màng (trong năm): phong niên (được mùa); (7) Tết: quá niên (ăn Tết); (8) Thứ bậc (trong khoa cử): đồng niên (người đỗ cùng khoa); (9) Họ Niên. (tt.) (10) Từng năm; (11) Thuộc về Tết.

Như vậy, tân niên có nghĩa là năm mới.

2.2. Minh niên 明 年.

Chữ minh có những chữ này: 盟, 明, 冥, 暝, 溟, 瞑, 蓂, 螟, 鳴, 銘, 洺, 茗. Từ minh niên là chữ 明: có nghĩa: (tt.) (1) Thứ hai, sang, sau (Từ thời gian này đến thời gian sau, phần thứ hai của thứ tự thời gian), như: minh dạ (đêm hôm sau), minh niên (năm sau, sang năm), minh xuân (mùa xuân năm sau), minh triêu (sáng mai), minh nhật (ngày hôm sau); (2) Sáng: Minh nguyệt (trăng sáng); (3) Sạch; (4) Rõ: bất minh chân tướng (không rõ chân tướng); (5) Hiền: minh quân (vua hiền); (6) Trí tuệ: cao minh (sáng suốt); (7) Phán đoán; (8) Công khai; (9) Trắng; (10) Sáng sủa; (11) Sáng, rõ, rõ ràng. (dt.) (12) Ngày; (13) Sáng sớm, trời mới sáng: bình minh (vừa sáng, khởi đầu của một ngày); (14) Dương thế; (15) Hiền tài; (16) Triều đại nhà Minh; (17) Họ Minh; (18) Một trong 64 quẻ; (19) Tài tử màn bạc; (20) Mắt sáng: táng minh (mù mắt); (21) Thần minh. (đt.) (22) Thông hiểu; (23) Làm sáng ngời; (24) Xét đoán: minh sát (xét rõ); (25) Công bố; (26) Cáo thị; (27) Làm sáng ra; (28) Phát minh: phát minh tân lý (phát minh ra lẽ mới). (pt.) (29) Rõ ràng (chỉ tính chất); (30) Công khai (chỉ tính chất).

Như vậy, theo mặt chữ minh niên có nghĩa là năm sau, sang năm.

3.

Có người cho rằng không nên dùng chữ minh niên để chỉ về thời khắc đầu năm hay buổi sáng đầu năm, nhất là minh niên không đồng nghĩa với tân niên (năm mới). Do đó, họ chủ trương thánh lễ đầu năm nên gọi là Lễ Tân Niên chứ không gọi là Lễ Minh Niên.

Thực ra, trong cổ văn và Hán văn hiện tại, minh niên chỉ có nghĩa là sang năm, năm sau, năm tới, năm đến, năm kế tiếp… như chúng ta thấy trong bài thơ “Mộng đắc thái liên” của Nguyễn Du:

“Thái chi vật thương ngẫu,
Minh niên bất phục sinh”.

Khắc Khoan và Lê Thước dịch: (Mộng thấy hái sen):

“Hái sen chớ đụng ngó,
Năm sau hoa chẳng sinh”.

Hoặc trong bài: “Bạch đầu ông vịnh”:

“Kim niên hoa lạc nhan sắc cải
Minh niên hoa khai phục thuỳ tại?”

Nhất Chi Mai dịch: (Vịnh lão đầu bạc):

“Năm nay hoa rụng dung nhan đổi
Năm sau hoa nở còn ai đợi?”

Tuy nhiên, nếu chúng ta nhớ rằng có những từ tuy nghĩa đen không giống nhau nhưng nghĩa rộng thì có thể giống nhau, ví dụ: Tân lịch  dương lịch, Tuần Thánh  Tuần Đại Phúc… Vì có lẽ có người hiểu minh niên là một năm sắp đến, cũng có nghĩa là năm mới, do đó minh niên có người cũng dùng hiểu theo nghĩa rộng là đầu xuân, đầu năm như tân niên vậy… Ví dụ như những câu đối hay lời chúc xuân thường gặp:

Minh niên khai bút, bút khai hoa,
Vạn sự giai thành, phúc lợi đa.
Đa tử, đa tôn, đa phú quý,
Đắc tài, đắc lộc, đắc vinh hoa.

hoặc:

Minh niên khang thái, trú dạ cát tường.
Thời thời được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng.

hay:

Minh niên tăng vạn lộc.
Xuân nhật tập thiên tường.

(Năm mới tăng vạn lộc.
Ngày Xuân góp nghìn may).

hay:

Minh niên khai bút suốt năm hay,
Bút viết vào đâu gặp sự may…

Việc cúng bái hay tế lễ đầu năm thường được gọi là lễ minh niên. Ví dụ: Một trong hai lễ trọng tế xuân thu nhị kỳ trong đời sống làng xã ở Thừa Thiên – Huế là Lễ Minh Niên (Lễ Tế Xuân). Và “Tại Chùa Ba Đồn (Huế), từ đời Thành Thái – Duy Tân mỗi năm chỉ tế lễ vào ngày thất thủ Kinh đô 23/5 âm lịch. Nhưng đối với dân chúng, hằng năm các phố tổ chức cúng tế vào ngày 16 tháng Giêng (gọi là lễ minh niên) và ngày 16 tháng Chạp (gọi là lễ tất niên).[1]

“Lễ nhạc hương hoa xin hiến cúng,
Nguyện cầu giáng phước lễ minh niên”.[2]

Chúng ta có thể thấy nghĩa mở rộng của từ minh niên này trong Dictionnaire Vietnamien Chinois Français (trang 820) của E. Gouin: minh niên 明年: année nouvelle (năm mới), commencement de l’année (đầu năm), l’année prochaine (năm sau).

“Minh” không có nghĩa là “mới” (như tân niên). Thánh lễ ngày đầu năm lẽ ra nên gọi là “Thánh lễ Nguyên Đán”, nhưng vẫn thường được gọi là lễ Tân Niên hay lễ Minh Niên chính vì nghĩa rộng của hai từ tân niên, minh niên đều bao hàm cái ý của nguyên đán.

Nhưng trên thực tế, ngoài cuốn từ điển của E. Gouin, hầu như không có từ điển nào giải thích minh niên là năm mới cả, vậy để chữ nghĩa được rõ ràng và không bị hiểu lầm về chữ minh, nhất là các bài thơ chúng tôi vừa trích dẫn, minh niên khi thì có nghĩa là năm sau, lúc thì có nghĩa là năm mới, nếu không biết bối cảnh của bài thơ thì chúng ta không tài nào biết được minh niên muốn chỉ là “năm sau” hay “năm mới”. Vả lại, ngày nay ngoài nhà đạo ra, ít người dùng minh niên để chỉ năm mới, người ta chỉ chúc ‘tân niên phát tài’ hay ‘năm mới phát tài’, không ai chúc ‘minh niên phát tài’ cả. Vì vậy, tốt nhất chúng ta nên dùng đúng nghĩa của từng chữ. Thực chất, chữ minh không thể diễn tả được cái mới hay đầu. Do đó, chúng tôi đề nghị dùng tân niên hay nguyên đán để chỉ “năm mới”.

4.

Tết nguyên đán hay tân niên là lễ quan trọng nhất của người Việt Nam và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc, như Triều Tiên, Mông Cổ, Tây Tạng, Nepal, Bhutan. Theo lịch sử Trung Quốc, tân niên có nguồn gốc từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế (2697 TCN) và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời nhà Hán (206 TCN), tân niên đặt vào tháng Dần, tức tháng Giêng. Từ đó về sau không có nhà vua nào thay đổi về tháng tân niên nữa.

Có hai truyền thuyết về tân niên:

  • Truyền thuyết 1: Chữ niên 年 cổ viết là 秊 do bởi bộ 禾 (hoà) và chữ 千 (thiên). 禾 (hoà) nghĩa là thóc, 千 (thiên) dùng cho phát âm. Từ cấu tạo của chữ, chúng ta có thể đoán được “niên” liên quan đến nhà nông. Sau một năm làm việc mà được mùa thì cùng nhau chúc mừng, dần dần trở thành ngày lễ, và là ngày lễ lớn nhất trong năm. Tân niên chính là một mùa mới.
  • Truyền thuyết 2: Ngày xưa có truyền thuyết rằng có một con thú dữ gọi là “niên”, nó lớn như con trâu, có một cái sừng, đuôi dài, miệng to, đi nhanh như gió, rất hung bạo, thường làm hại đến người và súc vật. Thiên thần nhốt nó vào rừng sâu, mỗi năm chỉ cho ra ngoài rừng một lần. Năm nọ, vào ngày 30 Tết, nó lại đến hại người. Có một nông dân đang phơi áo đỏ, nó đến và thấy áo đỏ, liền bỏ chạy. Đến một nhà khác, mấy em nhỏ đập ống tre phát ra tiếng nổ, nó cũng bỏ chạy. Đến một nhà khác nữa, nhà này đang đốt lửa, thấy ánh sáng nó lại bỏ chạy… Người ta nắm bắt được nhược điểm của con niên là sợ màu đỏ, tiếng nổ và ánh sáng. Cho nên khi đến cuối năm cũ (giao thừa) và đầu năm mới người ta dán giấy đỏ hay câu đối đỏ, đốt pháo, treo lồng đèn… những việc này dần dần trở thành một tập tục của tân niên.

Hình: Con niên, quái vật đêm giao thừa

Mồng Một tân niên, người ta chúc mừng nhau, chúc nhau được bình an, không bị con niên làm hại, và việc chúc bình an, chúc mừng trở thành tập tục thăm viếng dịp tân niên.

____________________

[1] x. Nguyễn Đắc Xuân: Chùa Ba Đồn ở Huế, nơi có những Cồn mồ liệt sĩ chống Pháp lớn nhất nước: http://chimviet.free.fr/lichsu/ndxuan/ndxs051.htm, truy cập ngày 05/08/2020.

[2] Nghi thức cúng giao thừa, do HT Thích Huyền Quang soạn dịch, trích từ https://hoavouu.com/a16890/1-nghi-cung-le-giao-thua, truy cập ngày 05/08/2020.