Nhật: Truyền giáo và nhớ lại lịch sử của các vị tử đạo

1487

by phanxicovn

Các nữ tín hữu cầu nguyện ở nhà thờ chính tòa Nagasaki ngày 9 tháng 8-2017

cath.ch, 2017-09-17

Ngày 17 tháng 9, Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, Đức Phanxicô đã gởi một bức thư cho các Giám mục Nhật nhân chuyến đi Nhật từ ngày 17 đến 26 tháng 9 -2017 của Hồng y Bộ trưởng Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc Fernando Filoni. Trong bức thư này, Đức Phanxicô lưu ý, “khẩn cấp cho Giáo hội Nhật là phải luôn làm mới lại chọn lựa sứ vụ truyền giáo cho Chúa Giêsu”.

Bức thư cũng nhấn mạnh đến di sản của các vị tử đạo Nhật và “gia sản thiêng liêng” của Nhật. Từ các thế kỷ 17 đến 19, tín hữu kitô Nhật phải “giữ đạo chui”, họ không từ bỏ đức tin của mình. Các Giám mục của đất nước này đã gìn giữ gia sản nhưng gia sản này sẽ mai một nếu chúng ta đánh mất nhiệt huyết truyền giáo.

Việc thiếu ơn gọi, thiếu phương tiện, thiếu sự tham dự của tín hữu “không thể làm giảm đi bổn phận rao giảng Phúc Âm, các thực tế hiện tại không thể làm chúng ta cam chịu một “đối thoại tê cứng và tránh tranh luận”, Đức Phanxicô nhấn mạnh.

Đã đến lúc cấp bách, “Giáo hội Nhật phải luôn làm mới lại chọn lựa sứ vụ truyền giáo cho Chúa Giêsu, luôn là muối và ánh sáng”, vì thế Giám mục giáo phận Rôma kêu gọi đến, “lòng trung thành và xác thực: muối phải cho đúng hương vị muối và ánh sáng phải thắng bóng tối”.

Đào tạo chức thánh và các phong trào thuộc Giáo hội

Để làm được điều này, Đức Phanxicô đề nghị hai hướng.

Hướng thứ nhất là “đào tạo chức thánh và tu sĩ một cách vững chắc và toàn diện”, cần phải làm nhiều hơn trong việc này, và làm sao để họ “hiểu và chứng nghiệm các đặc nét của tình yêu Chúa Giêsu, một tình yêu không điều kiện và quên mình”.

Hướng thứ nhì: hội nhập vào mục vụ các “phong trào thuộc của Giáo hội đã được Tòa Thánh chứng nhận”. Là giám mục, “chúng ta được gọi để nhận biết và tháp tùng các đặc sủng” của các phong trào này. Thêm nữa, các phong trào này cọng tác vào việc rao giảng Phúc Âm của Giáo hội.

Đức Phanxicô cũng nhắc đến “tỷ số tự tử và ly dị cao ở Nhật, ngay cả với người trẻ”, hiện tượng các “hikkimori”, những người sống hoàn toàn tách rởi khỏi xã hội, “dửng dưng với mọi hình thức, với tôn giáo, xem mọi giá trị ngang nhau, chỉ chú tâm đến công việc và tiết kiệm”.

Trong phần kết thúc, Đức Phanxicô nhắc lại, sức mạnh của Giáo hội Nhật là sức mạnh của một Giáo hội của các vị tử đạo, của các hiển tu đức tin và đó là “điểm chủ yếu phải gìn giữ và phát triển”.

Tín hữu công giáo tại Nhật chỉ có 450.000 người, chiếm 0,36% tổng số dân. Các trường hợp trở lại rất hiếm và cộng đoàn công giáo có nguy cơ xuống dốc: năm 2016, chỉ có một thanh niên vào đại chủng viện Nhật. Từ năm 1940, các giám mục là người Nhật, nhưng 519 linh mục trên tổng số 1800 linh mục tại Nhật là người nước ngoài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch