Giáo Hoàng và chiến tranh, ngoại giao tay không.

199

Không kết quả. Giống như các nhà lãnh đạo khác, nhiều người ở Tòa thánh nghĩ rằng Vladimir Putin sẽ không biến lời đe dọa thành hành động. Một nhà ngoại giao của Giáo hoàng tâm sự: “Tôi tin chắc ông sẽ không đi đến cùng. Thêm nữa, ông sẽ đi đến đâu? Không ai biết.” Người nói chuyện với chúng tôi hôm đó vô cùng bi quan. Đứng trước tình hình như vậy, Vatican có quyền lực gì? Không có quân đội, không có sức mạnh kinh tế. Sau đó, làm thế nào để ảnh hưởng đến các vấn đề của thế giới? Thái độ vô liêm sỉ của Putin không thấm gì với Stalin thời của ông (Giáo hoàng có bao nhiêu quân đoàn?). Tổng thống Nga không ngần ngại đem các cơ quan quyền lực cao nhất của chính thống giáo vào hỗ trợ cuộc phiêu lưu quân sự của ông.

Trong những điều kiện này, Tòa thánh phải tự giới hạn vai trò trung gian, vai trò mà Tòa thánh thường thực hiện trong các thập kỷ vừa qua, đặc biệt là ở Châu Mỹ La-tinh. Năng động, kín đáo, có uy tín, các nhà ngoại giao của Vatican đã can thiệp vào Bolivia, Colombia và Nicaragua. Nhưng thực chất đây chỉ là những mâu thuẫn nội bộ. Trường hợp Ukraine thì khác. Trong những tuần đầu sau cuộc xâm lược, người ta gợi ý “bộ phận thứ hai” của Vatican có thể hòa giải. Nhưng thực sự không có một ảo tưởng nào. Một nguồn tin Vatican bình luận: “Về cơ bản, không ai tin điều đó, nhưng cung cấp dịch vụ của chúng tôi là điều hợp lý”.

Một yếu tố làm phức tạp thêm tình hình trong giai đoạn khó khăn này. Chúng ta phải tính đến sự khó đoán của Đức Phanxicô. Xu hướng đi một mình của ngài làm ban quản trị cũng như tất cả ngoại giao đoàn chung quanh ngài bối rối. Các đại sứ vắt óc cố gắng giải thích với chính phủ của họ quan điểm của giáo hoàng. Bài phát biểu của ngài, lên án chiến tranh nhưng không bao giờ nêu tên người khai chiến, tạo bối rối cho người phương Tây. Chưa kể cử chỉ này mang một ý nghĩa biểu tượng rất mạnh mẽ nhưng khó diễn giải đã ghi dấu ấn trong những giờ đầu cuộc chiến. Ngày thứ sáu, 25 tháng Hai, một ngày sau khi Nga xâm lược Ukraine, Đức Phanxicô một mình đến tòa đại sứ Nga mà không thông báo cho đại sứ biết trước. Chuyến thăm bộc phát này làm cho các nhà ngoại giao ở Rôma có phản ứng gay gắt. Một trong số họ thở dài: “Thật, ngài muốn làm gì thì làm”, khi họ thấy giáo hoàng từ tòa đại sứ Nga đi ra trong chiếc xe thường không xa Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Phanxicô đến sứ quán Nga để “bày tỏ mối quan tâm” trước chiến tranh ở Ukraina

Sự khó hiểu càng lớn khi đa số các nhân viên làm việc ở đây đều coi trọng ngoại giao Vatican. Nhóm nhỏ của Dinh Tông Tòa nhỏ hơn nhiều so với đội quân ngoại giao của Pháp, Mỹ hay Anh. Vatican duy trì thế mạnh bằng cách dùng các điểm mạnh của mình. Bắt đầu với mạng lưới đặc biệt này, Vatican được sự ngưỡng mộ của các nhà lãnh đạo thế giới.

Ngoại giao Phanxicô: “Việc làm từng bước nhỏ”

Tại 183 quốc gia trên thế giới, các sứ thần Tòa thánh thu thập thông tin từ các cộng đồng tôn giáo. Các đại sứ của giáo hoàng không bao giờ rời khỏi chức vụ của họ, cả trong trường hợp xảy ra xung đột. Đó là trường hợp các nước Iraq hoặc Syria. Và tất nhiên là ở Ukraine. Giám mục sứ thần Tòa Thánh Visvaldas Kulbokas, là một trong hai nhà ngoại giao phương Tây duy nhất – cùng với người đồng cấp Ba Lan – đã ở lại Kyiv trong những tuần đầu tiên cuộc chiến. Các vấn đề bất an nội bộ, thay đổi chính trị, thiên tai: không có gì thoát khỏi ăng-ten của “bộ phận thứ hai”. Trước nguy cơ bão hòa. Trong một sứ quán ở Rôma, người ta làm dịu bớt: “Họ có rất nhiều thông tin nhưng không phải lúc nào họ cũng biết diễn giải. Để phân tích, họ cần chúng tôi”.

Trong nội bộ cũng vậy, ngoại giao Vatican có một vị thế và danh tiếng đặc biệt. Trong những tháng gần đây, giáo hoàng không ngớt lời khen ngợi các đức tính của giám mục Gallagher và hồng y  Quốc vụ khanh Pietro Parolin. Một nguồn tin thân thuộc ở Nhà Thánh Marta tóm tắt: “Ngài tin tưởng ở họ.” Hơn nữa, “bộ phận thứ hai” là một trong những dịch vụ duy nhất tránh được cải cách lớn của Giáo triều, có hiệu lực từ tháng 6 năm 2022.

Một nguồn tin nội bộ cười nói: “Có lẽ vì chúng tôi không có tiền, như thế không có nhiều quyền lực. Điều này bảo đảm cho chúng tôi tương đối được yên tĩnh.” Trên thực tế, chi phí của mạng lưới đặc biệt này khá khiêm tốn. Tòa thánh chi 40 triệu âu kim mỗi năm để điều hành các tòa sứ thần Tòa thánh. Nhưng phần còn lại, ngoại giao Vatican hoạt động tiết kiệm. Ngoài các chuyến tông du của giáo hoàng và công du của hồng y Pietro Parolin và giám mục Paul Gallagher, những người đứng đầu các văn phòng ngoại giao rất ít đi du lịch.

Đó là chính sách tránh mọi tai tiếng của ngoại giao Tòa Thánh. Đặc thù của ngành ngoại giao này được ghi nhận qua thời gian lâu dài. Quan hệ với Trung Quốc là một ví dụ thú vị về điểm này. Khi hai năm trước, thỏa thuận giữa Rôma và Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục cần được gia hạn, các cuộc thảo luận kéo dài, đến mức tưởng như họ bị sa lầy. Với những ai ngạc nhiên, một nhà đàm phán vặn lại: “Chúng ta chưa ở thời điểm năm mươi năm sau.” Chính mối liên hệ với thời gian này đã giải thích hành động cân bằng của Tòa thánh trong cuộc xung đột Ukraine. Nói chuyện với mọi người, trong khi chờ đợi phần còn lại. Hãy mở rộng cánh cửa, hy vọng một ngày nào đó ngừng bắn và quay trở lại bàn thương thuyết. Khi đến thời điểm, các chính trị gia sẽ ra tay. Chính sách ngoại giao của Giáo hoàng sẽ luôn ở đó.

Marta An Nguyễn dịch