Các lý do để mừng lễ Giáng Sinh

1233

Ronald Rolheiser, 2009-12-20

Với nhiều người, nghĩ về lễ Giáng Sinh làm cho họ mệt mỏi. Không phải khía cạnh tôn giáo gây nên mệt mỏi, nhưng do các hình thức thái quá xung quanh lễ: cửa hàng trang trí quá mức, việc mua sắm bắt buộc, đèn lấp lánh muôn màu, ông già Noel, cây thông Noel, và các bài thánh ca vang vọng khắp cửa hàng ngay từ đầu tháng 11.

Và chúng ta có một câu hỏi: Tất cả những chuyện này hay một cái gì trong các chuyện này có nghĩa gì với việc Chúa Giêsu sinh ra? Mùa Vọng, là mùa chuẩn bị cho ngày lễ, có trở nên thử thách mệt mỏi đẩy chúng ta đến với lễ Giáng Sinh lúc đã bão hòa với những gì chúng ta cần phải làm không? Liệu chúng ta có tôn vinh Chúa Giêsu hơn nếu thay vì tiêu phí trong dịp lễ, chúng ta dùng tiền đó để cho người nghèo không? Việc mừng lễ Giáng Sinh của chúng ta liệu có phá đi hay tô đậm ý thức về việc Chúa Giêsu sinh ra không? Đó là những câu hỏi thích đáng.

Phải thừa nhận rằng, việc mừng lễ Giáng Sinh bắt đầu quá sớm, bị tiền bạc chi phối nhiều, không chú trọng gì nhiều đến khía cạnh tôn giáo, và không quan tâm đủ đến người nghèo. Người ta thường xuyên đi phá hơn là tô đậm ý nghĩa ngày lễ. Và cũng không khó khi muốn dèm pha lễ Giáng Sinh. Nó có quá nhiều cái quá độ.

Tuy nhiên, để được thừa nhận, chúng ta phải cẩn thận để khi loại đi những gì không cần thiết, chúng ta không bỏ phí các điều thiết yếu. Bởi vì cái gì bị làm cho xấu không có nghĩa là phải bỏ nó đi. Tôi nghĩ, không phải bỏ nét hào nhoáng, ánh đèn muôn màu, tiệc tùng chung quanh lễ Giáng Sinh, mà cần làm cho tốt hơn. Có nhiều lý do tốt để xóa bỏ các lễ nghi chúng ta tạo ra quanh lễ Giáng Sinh, nhưng cũng có những lý do còn tốt hơn nữa để giữ lại chúng.

Đó là những lý do nào? Tại sao lại tiếp tục các nghi thức này, khi chúng gần như luôn thoái trào đi đến quá độ và mệt mỏi?

Thuần đơn giản vì chúng ta có nhu cầu bẩm sinh là ăn mừng. Là người, chúng ta có nhu cầu lành mạnh, thiên phú, bản năng để đôi khi tổ chức tiệc tùng, lễ hội, mừng lễ nghỉ, để qua một bên tính cẩn trọng trong chốc lát, và để sống những giây phút hào phóng, không có lý do gì để giữ tiền bo bo hay để lạnh lùng với láng giềng. Giáng Sinh là ngày lễ nghỉ, ngày lễ nghỉ vô cùng quan trọng.

Có những thời kỳ trong cuộc đời, và vòng xoay cuộc đời thường là vậy, được định liệu cho vui thú, gia đình, bạn bè, sắc màu, hào nhoáng, tiệc tùng xa hoa. Cũng có những thời kỳ lo toan cẩn trọng. Đức Giêsu đã nói với các môn đệ về điều này khi họ chướng mắt nhìn một phụ nữ xức quá nhiều nước hoa lên chân Chúa và hôn chân Chúa.

Mọi nền văn hóa, kể cả những nơi nghèo nhất, đều có thời gian cho lễ hội, rõ ràng họ áp dụng nghiêm túc các lời này: Người nghèo thì anh em luôn có bên mình, nhưng hôm nay là lúc vui mừng. Như vậy, Giáng Sinh là một thời gian của lễ hội.

John Shea, trong cuốn sách nay đã trở thành cổ điển về Giáng Sinh, Ánh sao (Starlight), kể câu chuyện của một gia đình quyết định năm đó mừng lễ Giáng Sinh theo cách khác. Họ không dựng cây Giáng Sinh, không treo đèn, không hát thánh ca, không tặng quà. Họ chỉ gặp nhau trong một bữa ăn đơn sơ, yên tĩnh vào ngày Giáng Sinh. Khi các bạn hỏi ngày hôm đó ra sao, một thành viên gia đình đó trả lời “dễ chịu”. Một người khác trong nhà, có lẽ chân thành hơn, cho đó là “vực thẳm đời người.”

Có một thúc bách bẩm sinh trong chúng ta, thúc đẩy chúng ta ăn mừng, và len trong lòng chúng ta một ý thức không kìm nén được là chúng ta được sinh ra không phải để nghèo đói, buồn rầu, có những quan hệ cẩn thận quá mức, nhưng xét đến cùng, chúng ta được sinh ra cho yến tiệc, khiêu vũ, nơi có ánh đèn và âm nhạc, nơi chúng ta không phải dè sẻn tiền bạc, tâm trí không lo toan chuyện mưu sinh, trả nợ nhà cửa. Các việc ăn mừng lễ hội và hội hè, dù với những quá độ của nó, đã giúp dạy cho chúng ta những chuyện này.

Giáng Sinh là một lễ hội. Và xét cho cùng thì việc ăn mừng lễ là một bài học về niềm tin và hy vọng, dù cho không hẳn là một bài học vững mạnh về khôn ngoan.

Để tạo nên lễ hội Giáng Sinh, mừng Chúa Giêsu giáng sinh với trọn niềm vui, ánh đèn, âm nhạc, tặng quà, sức sống, nồng nhiệt mà chúng ta có thể tập trung được, nói một cách hơi lạ lẫm, là một hành động ngôn sứ. Nó là, hay ít nhất có thể là, một sự biểu lộ niềm tin và hy vọng. Người mang hy vọng không phải là người nói: “Nó mục nát rồi, phải bỏ nó đi”. Nói như vậy đúng là tuyệt vọng đội lốt niềm tin. Không. Người mang niềm tin là người, cho dù thế giới có lạm dụng và gièm pha, vẫn treo đèn Giáng Sinh, trang trí cây thông, chuẩn bị món ngon cho ngày lễ, hát các bài thánh ca, tặng quà cho nhau, ngồi bên cạnh gia đình bạn bè, rực lên nụ cười cho cuộc đời, rạng lên lòng tin, là người nói lên rằng người ta được tạo nên cho điều gì đó vượt trên các nỗi buồn, và là người mừng Chúa Giáng Sinh.

J.B. Thái Hòa dịch