Tại sao một số nhà thờ thời trung cổ để một lỗ thông trên mái | Tri Khoan

713

Tri Khoan chuyển ngữ

Wolfgang Sauber | CC BY-SA 3.0

Philip Kosloski | 22/05/21

“Chúa Thánh Thần” được kết hợp vào trong kiến trúc nhà thờ để nhắc nhở các tín hữu về việc Chúa Thánh Thần ngự đến.

Một chi tiết thú vị trong kiến trúc nhà thờ được biết đến là “Cửa Chúa Thánh Thần.” Nó là một lỗ mở lớn được chủ đích để lại trên trần nhà thờ.

Chi tiết này được thực hiện phổ biến nhất trong các nhà thờ thời trung cổ trên khắp Châu Âu, nhưng rồi nó được lặp lại ở những nơi khác trên khắp thế giới.

Truyền thống này có ngụ ý nhắc nhở các tín hữu về việc Chúa Thánh Thần ngự đến trong ngày Lễ Ngũ Tuần và là một sự nhắc nhở hữu hình rằng Chúa Thánh Thần tiếp tục ngự xuống trên các môn đệ của Chúa Kitô.

Tính biểu tượng thiêng liêng được mở rộng thêm vào ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, khi đó một người leo lên mái và thả các biểu tượng khác nhau của Chúa Thánh Thần xuống.

Cha Francis Weiser giải thích trong quyển sách Holyday Book (Sách ngày thánh) rằng đôi khi chim bồ câu được sử dụng, cũng như những mẩu rơm đang cháy.

Tại một số thị trấn vùng Trung Âu, người ta thậm chí còn đi xa đến mức thả những mẩu bấc hoặc rơm đang cháy xuống từ Cửa Chúa Thánh Thần, để tượng trưng cho những chiếc lưỡi lửa của Lễ Ngũ Tuần. Tuy nhiên, các thực hành này cuối cùng đã bị dừng lại vì nó có thể làm người ta bị bén lửa bên ngoài, thay vì thắp lửa trong lòng như Chúa Thánh Thần đã làm tại Giêrusalem. Vào thế kỷ thứ mười ba, ở nhiều nhà thờ chính tòa của Pháp, những con chim bồ câu trắng đã được thả khi hát ca tiếp liên xung quanh nhà thờ, trong khi hoa hồng được thả xuống từ cửa Chúa Thánh Thần.

“Cửa Chúa Thánh Thần” là một truyền thống rất thú vị thời trung cổ, và những biểu tượng được thả xuống qua cửa đó giữ cho con người ý thức rằng niềm tin của chúng ta là một sự kết hiệp giữa phạm vi thể lý và thiêng liêng.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/5/2021]