Lễ Dầu: Đức Phanxicô muốn có các “linh mục đường phố”

1347

by phanxicovn

Các linh mục gần gũi, các linh mục có mặt, các linh mục nói chuyện với mọi người”

fr.zenit.org, Anne Kurian, 2018-03-29

“Các linh mục gần gũi, các linh mục có mặt, các linh mục nói chuyện với mọi người… Các linh mục đường phố”. Đó là điều Đức Phanxicô mong muốn trong Lễ Dầu ngài cử hành ngày Thứ Năm Tuần Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô sáng thứ năm 29 tháng 3 – 2018.

Trong bài giảng thánh lễ, ngài nhấn mạnh: “Linh mục gần với giáo dân, đi giữa bổn đạo mình với tình gần gũi, tình dịu dàng của một mục tử… giáo dân không những yêu mến linh mục hơn, nhưng còn hơn thế nữa: họ cảm thấy nơi linh mục này có một cái gì đặc biệt, một cái gì chỉ có thể cảm nhận nếu có sự hiện diện của Chúa Giêsu”.

Ngài nói thêm: “Sự gần gũi không phải là một cái gì có thêm, nhưng thật sự là một cái gì như Chúa Giêsu có mặt trong đời sống của nhân loại, chứ không phải chỉ vẫn ở trong ý tưởng, khép kín trong sách vở, nhiều nhất là có một vài thói quen tốt dần dần trở thành thường lệ”.

Đức Phanxicô làm rõ: “Sự gần gũi còn hơn là tên của một đức hạnh đặc biệt, sự gần gũi là thái độ liên quan đến toàn diện con người, theo cách người đó xây dựng các mối liên hệ, cùng một lúc mình vẫn là mình, nhưng chú tâm đến người khác”.

Đức Phanxicô khẳng định, “các linh mục gần với giáo dân, có mặt với giáo dân, nói chuyện với mọi người… Đó là các linh mục đường phố. Khi giáo dân nói linh mục này ‘gần’, chung chung họ nhấn mạnh đến hai điểm: điểm đầu tiên, ‘cha luôn ở đó’ (khác với linh mục ‘cha chẳng bao giờ ở đó’ và giáo dân hay nói ‘thưa cha, con biết, cha rất bận’). Và điểm thứ nhì, linh mục đó có lời để nói với từng người. Giáo dân nói: ‘Cha nói với tất cả mọi người; với người lớn cũng như với trẻ con, với người nghèo cũng như với người không tin…’”

Các linh mục gần gũi với giáo dân này theo gương Chúa Giêsu, họ “có thể là một nhà kinh viện hay luật sĩ, nhưng họ muốn họ là người rao giảng phúc âm, người rao giảng đường phố, là sứ giả Tin Mừng cho giáo dân”. 

Sự gần gũi là chìa khóa của sự thật

Sự gần gũi là “chìa khóa của lòng thương xót” nhưng cũng là “chìa khóa của sự thật”, Đức Phanxicô khẳng định một lần nữa: “Sự thật không phải chỉ là định nghĩa dùng để đặt tên các trường hợp, các sự việc, phân biệt các khái niệm, các lý lẽ hợp lý… Sự thật cũng là trung tín (emeth), đức tính cho phép mình chỉ định đúng người qua đúng tên của họ, như Chúa Giêsu đã đặt tên, trước khi phân loại hay định nghĩa theo “tình trạng” của họ”.

Đức Phanxicô cũng đả kích thói xấu của loại “văn hóa dùng tính từ”, xem người khác là “như thế này, như thế kia”… không, họ là con của Chúa. Họ có những đức tính, những khiếm khuyết, nhưng là sự thật trung thực của con người, chứ không phải các tính từ trở thành bản chất của họ.

Ngài cũng cảnh báo chống “cám dỗ thần tượng hóa một vài sự thật trừu tượng. Đó là loại thần tượng thuận tiện, vừa tầm tay, mang lại một ít uy thế và quyền lực, nhưng lại khó nhận ra. Bởi vì “sự thật-thần tượng” tự ngụy trang, dùng những lời lẽ phúc âm như mặc áo bên ngoài, nhưng không cho phép đụng vào tâm hồn. Và còn tệ hơn nữa, điều này làm cho giáo dân không gần được với Lời Chúa, với các Bí tích của Chúa Giêsu, Đấng chữa lành”.

Trong thánh lễ này, Đức Phanxicô đã làm phép dầu, dầu này sẽ được dùng trong các bí tích rửa tội, thêm sức và chịu chức. Ngài cũng làm phép dầu để dùng cho các tân tòng và khi xức dầu.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch