“Đại” Vương cung Thánh đường là gì?

599

Tri Khoan chuyển ngữ

https://lh4.googleusercontent.com/aRBV0NVr7DQ_KSEhDUZ1ZAmMLczH8s0iLbOBm_E95gQcCGP5Y98vAVrn9QF3zDlzCJDO5uIuVSYf-OL85vbs4YiYg1ngXX6ZsGhL_jO1Zk3VGly8J_3lg7-XlKwE9GXbH38C2dsL=w640-h320
TravelSH | Shutterstock

Philip Kosloski | 05/08/21

Chữ “đại” không hàm ý chỉ về quy mô, nhưng về tầm quan trọng lịch sử của nhà thờ trong thành Rôma.

Trong lịch phụng vụ, có một số lễ cung hiến các “đại” vương cung thánh đường khác nhau.

Những vương cung thánh đường này ở trong Rôma và được Giáo hội cử hành trong nhiều thế kỷ.

Chữ “đại” không hàm ý phân biệt về quy mô diện tích hay nét đẹp kiến trúc, nhưng về tầm quan trọng lịch sử của nó.

Bách khoa toàn thư Công giáo đưa ra giải thích ngắn:

Đối với nhóm trước chủ yếu thuộc về bốn đại thánh đường của Rôma (Đền thờ Thánh Phêrô, Đền thờ Thánh Gioan Lateran, Đền thờ Đức Bà Cả, và Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành), một trong các đặc điểm phân biệt của những đại thánh đường này là có một “cửa thánh” đặc biệt, và việc đến viếng những nhà thờ này luôn được coi là một trong những điều kiện để được hưởng Năm Thánh Rôma. Những nhà thờ này còn được gọi là các vương cung thánh đường thượng phụ, như là đại diện cho các đại giáo tỉnh trên thế giới, tượng trưng cho sự hiệp nhất ở trung tâm của thế giới Kitô giáo.

  • Đền thờ Thánh Gioan Lateran là vương cung thánh đường của giáo hoàng, Thượng phụ của phương Tây.
  • Đền thờ Thánh Phêrô thuộc về Thượng phụ Constantinople,
  • Đền thờ Thánh Phaolô thuộc về Thượng phụ Alexandria,
  • Đền thờ Đức Bà Cả thuộc về Thượng phụ Antioch.

Đền thờ Thánh Laurensô Ngoại thành cũng được xem là đại vương cung thánh đường vì nhà thờ thuộc về Thượng phụ Giêrusalem.

Ngoài ra, vì những đại thánh đường này liên quan chặt chẽ với giáo hoàng, nên “các đại thánh đường đều có ngai tòa của giáo hoàng và một bàn thờ mà không ai được phép dâng Lễ ở đó trừ khi được sự cho phép của giáo hoàng”.

Những đại vương cung thánh đường này cũng nằm trong số những nhà thờ lâu đời nhất ở Rôma, có niên đại từ thế kỷ thứ 4 và thứ 5.

Không có đại vương cung thánh đường nào khác bên ngoài Rôma, nhưng có nhiều “tiểu” vương cung thánh đường nằm rải rác trên hầu khắp mọi lục địa.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/8/2021]