Kỷ niệm 75 năm những vụ ném bom, Đức Thánh Cha gửi thông điệp đến Hiroshima (Phần 2)

621

https://lh5.googleusercontent.com/Qv02GsLUrtOtFO5Fj2zkye1fi4sa0StEdHk8ndlTQFBvhzToB33P01M1opDb80UU9rg4wkSa7e2ZHvXd8xL-vgYnDw2F-Izr_U0RoQtc52S_6cIxdUOR9ol2t-oNw2AUhBHGYhQq=w640-h426

‘Vấn đề trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết rằng để hòa bình phát triển thì con người cần phải hạ vũ khí chiến tranh’

06 tháng Tám, 2020 17:17
DEBORAH CASTELLANO LUBOV

Cuộc Gặp gỡ vì Hòa bình diễn ra tại Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima với sự tham dự của khoảng một nghìn tín hữu, 20 nhà lãnh đạo tôn giáo và, 20 nạn nhân. Đức Thánh Cha Phanxico đã được quận trưởng, thị trưởng, chủ tịch hội đồng quận và chủ tịch hội đồng thành phố Hiroshima chào đón gần Đài tưởng niệm Hòa bình.

Dưới đây là văn bản diễn từ của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp (ND: bản tiếng Anh) tại cuộc Gặp gỡ vì Hòa bình:

“Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu, tôi nói rằng: Chúc thành đô an lạc!” (Tv 122:8).

Kỷ niệm 75 năm những vụ ném bom, Đức Thánh Cha gửi thông điệp đến Hiroshima (Phần 2)

Lạy Thiên Chúa của lòng thương xót và Thiên Chúa của lịch sử, từ nơi đây chúng con xin hướng ánh mắt lên Người, từ nơi sự chết và sự sống gặp nhau, mất mát và tái sinh, đau khổ và lòng trắc ẩn.

Ở nơi đây, trong tiếng bom nổ bùng lên cột lửa sáng lóa như sét, quá nhiều con người, quá nhiều giấc mơ và hy vọng, đã biến mất, để lại phía sau chỉ là những bóng đen và im lặng. Chỉ trong một giây đồng hồ, mọi sự bị nuốt chửng bởi một hố đen của phá hủy và cái chết. Từ vực sâu im lặng đó, chúng ta tiếp tục nghe thấy tiếng khóc, thậm chí cho đến hôm nay, của những người không còn nữa. Họ đến từ những nơi khác nhau, có những tên khác nhau, và một số người nói ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên tất cả đều cùng chịu chung số phận, trong giờ kinh hoàng đó đã để lại dấu vết mãi mãi không chỉ trong lịch sử của đất nước nhưng trên khuôn mặt của toàn nhân loại.

Ở đây tôi xin tỏ lòng kính trọng đến tất cả các nạn nhân, và tôi xin nghiêng mình trước sức mạnh và phẩm giá của những người đã sống sót sau những thời khắc đầu tiên đó, trong nhiều năm sau đã mang trên da thịt sự đau khổ tột cùng, và trong tinh thần của họ những hạt giống của cái chết đã hút cạn sinh lực của họ.

Tôi cảm thấy có trách nhiệm vụ phải đến đây như một người hành hương vì hòa bình, đứng cầu nguyện trong thinh lặng, tưởng nhớ những nạn nhân vô tội của sự tàn bạo đó, và khắc ghi trong lòng tôi những lời cầu nguyện và những khao khát của con người trong thời đại chúng ta, đặc biệt giới trẻ là những người khát khao hòa bình, là những người làm việc cho hòa bình và hy sinh bản thân vì hòa bình. Tôi đã đến được nơi của sự tưởng nhớ và của hy vọng cho tương lai, mang theo tiếng khóc của những người nghèo, họ luôn là nạn nhân cô thế nhất của hận thù và xung đột.

Ước mong nhỏ bé của tôi là trở thành tiếng nói cho người không có tiếng nói, họ chứng kiến những căng thẳng ngày một lớn hơn của thời đại chúng ta với sự lo lắng và đau buồn: những bất bình đẳng và bất công không thể chấp nhận được đe dọa sự chung sống của con người, sự thất bại nặng nề trong việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta, và sự bùng nổ liên tục của xung đột vũ trang, như thể những điều này sẽ bảo đảm cho tương lai hòa bình.

Kỷ niệm 75 năm những vụ ném bom, Đức Thánh Cha gửi thông điệp đến Hiroshima (Phần 2)

Với niềm tin sâu sắc, một lần nữa tôi xin tuyên bố rằng hơn bao giờ hết ngày nay việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh là một tội ác không những chống lại nhân phẩm mà còn chống lại tất cả tương lai có thể xảy đến cho ngôi nhà chung của chúng ta. Như tôi đã nói hai năm trước việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho các mục đích chiến tranh là phi đạo đức, cũng như việc sở hữu vũ khí nguyên tử là phi đạo đức. Chúng ta sẽ bị phán xét về điều này. Các thế hệ tương lai sẽ lên án sự thất bại của chúng ta nếu chúng ta nói về hòa bình nhưng không hành động để mang lại hòa bình cho các dân tộc trên trái đất. Làm sao chúng ta có thể nói về hòa bình trong khi chúng ta chế tạo những loại vũ khí chiến tranh hiện đại gây kinh hoàng? Làm sao chúng ta có thể nói về hòa bình trong khi chúng ta biện minh cho những hành động phi pháp bằng các bài phát biểu đầy sự kỳ thị và căm thù?

Tôi vững tin rằng hòa bình chỉ là một lời nói sáo rỗng nếu nó không được đặt nền tảng trên sự thật, không được xây dựng trong công lý, không được tạo sinh khí và hoàn thiện bởi lòng bác ái, và đạt được trong sự tự do (x. THÁNH GIOAN XXIII, Pacem in Terris, 37).

Xây dựng hòa bình trong sự thật và công bằng đòi hỏi phải thừa nhận rằng “con người khác nhau nhiều về kiến thức, đức hạnh, trí thông minh và sự giàu có” (nt., 87), và rằng không bao giờ có thể biện minh cho điều này bằng những cố gắng áp đặt lợi ích riêng của chúng ta lên người khác. Thật vậy, những khác biệt đó đòi hỏi tính trách nhiệm và sự tôn trọng lớn hơn. Các cộng đồng chính trị có thể khác nhau về mặt văn hóa hoặc phát triển kinh tế, nhưng tất cả đều được kêu gọi phải cam kết làm việc “cho mục tiêu chung”, cho lợi ích của tất cả mọi người (nt., 88).

Thật vậy, nếu chúng ta thực sự muốn xây dựng một xã hội công bằng và an toàn hơn, chúng ta phải bỏ vũ khí xuống khỏi tay chúng ta. “Không ai có thể yêu thương với những vũ khí tấn công sẵn trên tay” (THÁNH PHAOLÔ VI, Diễn văn tại Liên Hợp Quốc, ngày 4 tháng Mười năm 1965, 10). Khi chúng ta đầu hàng trước luận lý của vũ trang và tự tách mình ra khỏi việc đối thoại, chúng ta quên đi điều gây phương hại cho mình rằng, ngay cả trước khi gây ra những nạn nhân và sự tàn phá, vũ khí đã có thể tạo ra những cơn ác mộng; “Chúng đòi phải có những khoản chi tiêu khổng lồ, làm gián đoạn các công cuộc đoàn kết và sức lao động hữu ích, và làm hư hỏng triển vọng của các quốc gia” (nt.). Làm sao chúng ta có thể đề xuất hòa bình nếu chúng ta liên tục viện dẫn mối đe dọa của chiến tranh nguyên tử như một biện pháp chính đáng để giải quyết các xung đột? Cầu mong rằng vực thẳm của nỗi đau đớn ở đây nhắc nhở chúng ta về những ranh giới chúng ta không bao giờ được vượt qua. Một nền hòa bình thực sự chỉ có thể là một nền hòa bình phi vũ trang. Vì “hòa bình không đơn thuần là không có chiến tranh… mà phải được xây dựng không ngừng nghỉ” (Tông huấn Gaudium et Spes, 78). Nó là hoa trái của công bình, phát triển, đoàn kết, chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta và thúc đẩy thiện ích, như chúng ta đã học được từ những bài học của lịch sử.

Hãy ghi nhớ, hãy cùng nhau bước đi trên hành trình, hãy bảo vệ. Đây là ba mệnh lệnh đạo đức mà ở Hiroshima này thậm chí còn mang tầm quan trọng mạnh mẽ và phổ quát hơn, và có thể mở ra một con đường dẫn đến hòa bình. Vì lý do này, chúng ta không thể cho phép các thế hệ hiện tại và tương lai mất đi sự ghi nhớ về những gì đã xảy ra ở đây. Nó là một sự ghi nhớ để bảo đảm và thúc đẩy việc xây dựng một tương lai công bằng và huynh đệ hơn; một sự ghi nhớ rộng lớn, có khả năng đánh thức lương tri của tất cả mọi người, đặc biệt là những người hôm nay đóng một vai trò quan trọng trong vận mệnh của các quốc gia; một sự ghi nhớ sống động giúp chúng ta cất lên tiếng nói ở mọi thế hệ: không bao giờ lặp lại nữa!

Đó là lý do tại sao chúng ta được kêu gọi cùng nhau bước đi trên hành trình với cái nhìn của sự thấu hiểu và tha thứ, để mở ra chân trời hy vọng và mang đến một tia sáng giữa nhiều đám mây làm bầu trời tối đen ngày nay. Chúng ta hãy mở lòng để đón nhận hy vọng, và trở thành những khí cụ của hòa giải và hòa bình. Điều này sẽ luôn có thể thực hiện được nếu chúng ta có khả năng bảo vệ lẫn nhau, và nhận ra rằng chúng ta đều có chung một vận mệnh. Thế giới của chúng ta, được kết nối với nhau không những bởi sự toàn cầu hóa mà còn bởi trái đất mà chúng ta chung sống, ngày nay hơn bao giờ hết đòi hỏi rằng những lợi ích đặc quyền của các nhóm hoặc khu vực nào đó phải được gạt sang một bên, hầu đạt đến sự cao cả của những người cùng gánh lấy trách nhiệm đấu tranh để bảo đảm một tương lai chung.

Bằng một lời khẩn cầu chung dâng lên Thiên Chúa và gửi đến tất cả những người thiện chí, thay mặt cho tất cả các nạn nhân của các vụ đánh bom và thí nghiệm nguyên tử, và của tất cả các cuộc xung đột, chúng ta hãy cùng nhau cất lên tiếng kêu từ tận cõi lòng: Không bao giờ xảy ra chiến tranh nữa, không bao giờ xảy ra những cuộc đụng độ vũ trang nữa, không bao giờ gây ra quá nhiều đau khổ như vậy nữa! Nguyện xin hòa bình đến trong thời đại chúng ta và cho thế giới của chúng ta. Lạy Chúa, Chúa đã hứa với chúng con rằng “tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên; tín nghĩa mọc lên từ đất thấp” (Tv 84: 11-12).

Lạy Chúa, xin hãy đến, vì đã muộn, và nơi nào mà sự tàn phá đã lan tràn, ước mong rằng hôm nay chúng ta có thể viết lên và đạt được một tương lai khác. Lạy Chúa, xin hãy đến, Hoàng tử của Hòa bình! Xin hãy biến chúng con thành những khí cụ và sự phản ánh bình an của Người!

“Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu, tôi nói rằng: Chúc thành đô an lạc!” (Tv 122:8).

[Văn bản chính: tiếng Tây Ban nha]

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/8/2020]