Đức Phanxicô có thể là hy vọng cuối cùng của chúng ta để chận chiến tranh ở Ukraina

304

by Phanxicovn

americamagazine.org, Jackie Turvey Tait, Tobias Winright, 2022-02-15

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/02/duc-phanxico-co-the-la-hy-vong-cuoi-cung-cua-chung-ta-de-chan-chien-tranh-o-ukraina.jpg

Một lính bắn tỉa Ukraina trên chiến tuyến ở vùng Luhansk, miền đông Ukraina vào ngày 28 tháng 1 năm 2022. (Ảnh AP / Vadim Ghirda)

Một cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraina dường như sắp xảy ra, nhưng không ai thực sự thắng nếu chiến tranh xảy ra. Các tác động kinh tế toàn cầu và an toàn lương thực sẽ tác động không tương xứng với những người dễ bị tổn thương nhất. Mối quan tâm của người công giáo đối với lợi ích chung và các nguyên tắc chiến tranh chính nghĩa đòi hỏi chúng ta phải tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để có thể ngăn chặn những tai ương mà một cuộc xung đột sẽ gây ra. Đặc biệt, một sự can thiệp cá nhân của Đức Phanxicô có thể là hy vọng cuối cùng của chúng ta cho các cuộc đàm phán có được thành công để gìn giữ hòa bình.

Nhất là Đức Phanxicô đã viết trong Thông điệp Tất cả anh em Fratelli Tutti, rằng, “ngày nay rất khó viện dẫn các tiêu chuẩn hợp lý đã được xây dựng trong các thế kỷ trước, để nói về một cuộc ‘chiến tranh chính nghĩa’ (số 258)”, một phần vì sự tàn phá khủng khiếp của vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đạo đức Công giáo đương thời kêu gọi chủ nghĩa hòa bình tuyệt đối; khuôn khổ chiến tranh chính nghĩa cho phép các nhà lãnh đạo đánh giá liệu hành động quân sự có hợp lý hay không dựa trên các nguyên tắc truyền thống và những cân nhắc thực dụng.

Một can thiệp cá nhân của Đức Phanxicô có thể là hy vọng cuối cùng của chúng ta cho các cuộc đàm phán để gìn giữ hòa bình.

Giáo lý của Giáo hội Công giáo tóm tắt các tiêu chuẩn truyền thống về việc sử dụng vũ lực: Để lập luận một cuộc chiến là chính nghĩa, nó phải đáp ứng các tiêu chuẩn vừa: “quyền chiến đấu” và nghĩa vụ “chiến đấu đúng” (jus ad bellum, jus in bello). Trong bối cảnh các cuộc chiến tranh gần đây dẫn đến việc thất bại khi xây dựng một quốc gia và chiến tranh du kích liên miên, các học giả đã tranh luận về việc bổ sung một loại thứ ba: Một phân tích rõ ràng về môi trường hậu-chiến tranh sẽ đảm bảo một kế hoạch rút lui đúng và đánh giá thực tế về các rủi ro và chi phí trong trường hợp xấu nhất.

Trong một bài viết ngắn gần đây trên trang America, giáo sư Triết John Davenport thuộc Đại học Fordham lập luận đúng đắn, truyền thống chiến tranh chính nghĩa không cho phép chiến tranh xâm lược, nhưng cho phép sử dụng vũ lực để đảo ngược hành động xâm lược bất chính, giống như các động thái của Nga chống lại Ukraina hiện nay. Giáo sư lập luận tiếp, Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R. Biden Jr. nên thực hiện ba bước để đối phó với cuộc khủng hoảng. Trước tiên, ông Biden nên nói rõ việc cấm Ukraina gia nhập khối NATO là điều không tưởng. Thứ hai, ông nên tạo áp lực buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải rút lực lượng bằng cách đe dọa xúc tiến việc để Ukraina trở thành thành viên NATO (một chuyện có phần hoang đường, vì Ukraina còn lâu mới đạt được tiêu chuẩn gia nhập và mọi thành viên hiện tại của liên minh đều có quyền phủ quyết), cũng như bằng cách gởi viện trợ gây chết người. Cuối cùng, ông Biden nên báo hiệu rằng Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu của họ đã sẵn sàng tiến hành chiến tranh để đẩy lùi bất kỳ cuộc xâm lược nào nữa vào Ukraina.

Tổng thống Biden đã nói rõ, ông không có ý định biến cuộc cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina thành cuộc xung đột toàn cầu. Ông tính toán, một hành động như vậy sẽ có thể tạo ra những hậu quả tiêu cực không tương xứng với những hậu quả mà nó muốn loại bỏ. Tuy nhiên, rất khó để răn đe một cường quốc chỉ với đe dọa trừng phạt và rút mọi phản ứng quân sự nào, như thế có nguy cơ bị hiểu lầm là yếu, đặc biệt là sau khi Mỹ từ bỏ đồng minh của họ ở Afghanistan.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã lập luận rằng các mục tiêu của ông Putin dường như bao gồm việc áp đặt một phạm vi ảnh hưởng trong khu vực. Đây sẽ là mối đe dọa rõ ràng đối với các nguyên tắc của kiến trúc an ninh châu Âu được phát triển sau Chiến tranh Lạnh, theo đó không quốc gia nào có thể thay đổi biên giới của quốc gia nào bằng vũ lực, ra lệnh cho quốc gia nào liên kết với ai hoặc khuất phục quốc gia khác theo ý muốn của mình. Như ông Blinken ghi nhận, có những rủi ro toàn cầu nghiêm trọng khi để cho Nga bất chấp các nguyên tắc này mà không bị trừng phạt. Tuy nhiên, thông điệp trung thực xung quanh triển vọng yếu về việc chấp nhận Ukraina gia nhập NATO có thể hữu ích nếu nó làm giảm nhận thức về mối đe dọa của Nga. Điều này không có nghĩa là từ bỏ các nguyên tắc cốt lõi.

Điều mà tác giả Thomas Wright tại The Atlantic gọi là “cách tiếp cận của những cánh cửa trượt” – cố gắng tăng chi phí cho cuộc xâm lược của Nga, đồng thời tăng phần thưởng dành cho việc xuống thang – có thể có triển vọng thành công tốt hơn là phô trương vũ lực. Thật vậy, đây dường như là suy nghĩ đằng sau chiến lược của NATO. Việc tích lũy tài sản trong khu vực và cung cấp vũ khí cho Ukraina báo hiệu quyết tâm chống lại sự xâm lược hơn nữa của Nga và ngăn cản những tham vọng rộng lớn hơn của Putin. Đồng thời,  có những nỗ lực ngoại giao nhằm xác định các khả năng can dự mang tính xây dựng, tôn trọng “ranh giới đỏ” nhưng tạo cơ hội để giảm leo thang.

Khuôn khổ chiến tranh chính nghĩa cho phép các nhà lãnh đạo đánh giá liệu hành động quân sự có hợp lý hay không dựa trên các nguyên tắc truyền thống và những cân nhắc thực dụng.

Triển vọng về một giải pháp ngoại giao không có vẻ hứa hẹn vào thời điểm này, mặc dù ngày thứ sáu tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã đưa ra những gợi ý về việc ông Putin quyết định xâm lược. Hoa Kỳ và các đồng minh đang khuyến cáo công dân của họ rời Ukraina ngay lập tức và đang chuẩn bị đóng đại sứ quán của họ ở thủ đô Kyiv của Ukraina trong vài ngày sắp tới.

Tổ chức Pax Christi International đã xin Đức Phanxicô can thiệp, họ ví tình hình hiện nay với Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 60 năm trước, đã đưa thế giới đến bờ vực của chiến tranh hạt nhân. Vào thời điểm đó, Đức Gioan XXIII đã cử các sứ giả đến trao đổi riêng với cả hai bên và ngài đã đưa ra lời kêu gọi công khai về trách nhiệm đạo đức. Đức Phanxicô đã thể hiện vai trò lãnh đạo đối với cuộc khủng hoảng Ukraina, ngài đã kêu gọi một giải pháp bất bạo động và thiết lập một ngày thế giới cầu nguyện cho Ukraina; ngài ở một vị trí duy nhất để tiếp tục đối thoại và xây dựng lòng tin giữa tất cả các bên.

Phần lớn người Ukraina theo Chính thống giáo, nhưng nước này cũng có một thiểu số người Công giáo, họ theo nghi thức phương Đông và trung thành với giáo hoàng. Tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp-Ukraina cho biết, chuyến tông du của Đức Phanxicô sẽ mang lại hy vọng cho một giải pháp hòa bình, vì “có sự đồng thuận ở Ukraina, không những chỉ với người công giáo mà còn với người Chính thống giáo, thậm chí cả những người không theo đạo, rằng ngày nay, Đức Phanxicô là người có thẩm quyền đạo đức quan trọng nhất thế giới”. Ngài cũng đã cải thiện quan hệ giữa Vatican và Giáo hội Chính thống Nga, vốn có quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin. Cuộc gặp của ngài với Thượng phụ Kirill của Nga tại Cuba năm 2016 là cuộc gặp đầu tiên giữa một giáo hoàng và một giáo chủ Nga, kể từ khi kitô giáo tách thành hai nhánh Đông và Tây năm 1054.

Hơn nữa, khái niệm Công giáo về “chiến tranh chính nghĩa” có thể là một hệ thống giá trị quan trọng được chia sẻ, như một phần của sự can thiệp mang tính xây dựng của giáo hoàng. Các chính trị gia khéo léo trong việc lên khung các ý chỉ của họ, để tạo hiệu ứng hùng biện, và ngôn ngữ của truyền thống chiến tranh chính nghĩa, như Đức Phanxicô đã cảnh báo đúng trong Thông điệp Tất cả anh em Fratelli Tutti, đôi khi có thể bị cho là ngụy tạo động cơ của kẻ xâm lược. Nhưng bất kỳ lời kêu gọi từ bỏ hoàn toàn truyền thống nào (có lẽ vì sức mạnh hủy diệt của chiến tranh hiện đại) đều bỏ qua vai trò của nó như một cơ chế để nắm giữ quyền lực – và để chèn vào một tiến trình suy ngẫm nghiêm túc giữa sự thúc đẩy hành động của một nhà lãnh đạo và việc biến thúc đẩy này vào một quyết định sẽ dẫn đến hậu quả, trong nước và quốc tế, không thể quay trở lại được.

Sự hung hăng là dấu hiệu của sự yếu đuối, không phải là dấu hiệu của sức mạnh. Những nhà lãnh đạo mạnh mẽ không nô lệ cho sự sợ hãi, giận dữ hay cái tôi. Họ dấn thân và được thúc đẩy bởi các giá trị được chia sẻ trong văn hóa của họ. Họ dành thời gian để suy ngẫm trước khi hy sinh máu và của cải của họ cho bất kỳ nỗ lực quân sự nào. Và họ luôn ý thức về trách nhiệm lịch sử mà họ gánh chịu khi đưa ra những phán quyết thận trọng vì lợi ích của những người mà họ lãnh đạo và đại diện, cũng như theo đuổi lợi ích chung toàn cầu.

Điều quan trọng là phải tiếp tục tìm kiếm một giải pháp bất bạo động cho cuộc khủng hoảng ở Ukraina và đồng thời nỗ lực ngăn chặn hành vi xâm lược. Một can thiệp vào phút cuối của Đức Phanxicô có thể chận những đau khổ thêm cho người dân Ukraina và những hậu quả toàn cầu có thể xảy ra. Chúng tôi tin đạo đức của chiến tranh chính nghĩa và quy trình truyền thống phản ánh các tiêu chuẩn của nó trước khi hành động quân sự, vẫn có giá trị như một khuôn khổ cho trách nhiệm và cho các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ, sáng tạo nhằm theo đuổi hòa bình.

Jackie Turvey Tait: Trợ giảng về Khóa học CRES tại Ripon College, Cuddesdon và là cộng tác viên nghiên cứu tại Đại học Liverpool John Moores.

Tobias Winright: Phó giáo sư thần học và đạo đức chăm sóc sức khỏe tại Đại học Saint Louis, ở St. Louis, Mo., và là thành viên của Viện Công bằng Xã hội Las Casas, Blackfriars Hall, tại Đại học Oxford.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch