Người đăng: Giáo hội Công giáo News vào tháng 12 11, 2020
Bret Thoman, OFS
02/12/20
Chuyến hành hương kéo dài bốn ngày này bắt đầu từ quê hương của Chúa Giêsu và kết thúc tại nơi ngài đã trải qua ba năm hoạt động thừa tác vụ của mình.
Quý vị xem loạt ảnh theo đường dẫn này
Đường mòn Chúa Giêsu là một đường hành hương Camino ở Israel đi từ Nadarét đến Caphácnaum. Mặc dù ít được biết đến hơn những đường hành hương Camino ở Châu Âu dõi theo con đường của các tông đồ, nhưng bước theo những dấu chân của chính Chúa Giêsu Kitô là một trải nghiệm đầy cảm xúc.
Đường mòn dài 69 km (43 dặm) băng qua vùng Galilê phía bắc Israel trong bốn ngày. Với đoạn đường khoảng 15 km (9 dặm) mỗi ngày và không có leo núi dốc đứng, với hầu hết mọi người có thể trạng bình thường đều có thể thực hiện được.
Ngày 1: Nadarét đến Cana
Lộ trình bắt đầu từ nơi Chúa Giêsu được sinh ra và lớn lên – ở Nadarét – tại Vương cung Thánh đường Truyền tin hiện đại, nhà thờ lớn nhất ở Trung Đông. Một số khách hành hương chọn ở lại thêm một đêm tại Nadarét để thăm viếng các địa điểm khác của Kitô giáo trong Thành phố Cổ bao gồm Nhà thờ Thánh Giuse và Giếng Mẹ Maria. Ngoài ra còn có Làng Nadarét, một công trình tái tạo thực tế quê hương của Chúa Giêsu vào thế kỷ 1.
Ngày Một đi từ Nadarét đến Cana. Sau sự khởi hành không mấy hấp dẫn băng qua các vùng ngoại ô đầy rác của Nadarét (một thực tế đáng tiếc tại một số nơi trong vùng), Đường mòn đi qua địa điểm khảo cổ của Công viên Quốc gia Zippori. Còn được gọi là Sepphoris, đây là thủ đô hành chính của Galilê trong thế kỷ đầu tiên. Mặc dù không được nhắc đến trong Tân Ước, nhưng chắc chắn Đức Kitô đã đến đây vì nó rất nổi bật và gần với Nadarét.
Sau đó, con đường uốn lượn qua các khu rừng và nhiều ngôi làng khác trước khi đến Cana. Cana ngày nay là một thị trấn Ả Rập (địa phương được gọi là Kafr Kanna), và điểm nổi bật là nhà thờ tiệc cưới của dòng Phanxicô nhắc lại phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu thực hiện khi biến nước thành rượu. (xem Ga 2:1–12).
Ngày 2: Via Maris
Ngày tiếp theo không có nhiều tầm quan trọng trên con đường các địa điểm lịch sử Kitô giáo. Tuy nhiên, những điểm nổi bật về văn hóa và tự nhiên khác bao gồm các khu rừng đẹp, trang trại nuôi dê, hệ động thực vật độc đáo, và dấu tích của con đường La Mã cổ đại được gọi là Via Maris.
Nhiều đồn bốt quân sự – một số bị bỏ hoang, một số vẫn còn hoạt động – là những sự nhắc nhở bất ngờ về các xung đột lịch sử hiện tại trong khu vực.
Cuối cùng, sau khi vượt qua một giao lộ chính, tiếp theo là McDonald’s và một bảo tàng kỷ niệm Lữ đoàn Golani, chặng đường kết thúc tại Kibbutz Lavi, nổi tiếng về sản xuất đồ nội thất cho hội đường Do Thái và khách sạn hiện đại.
Ngày 3: Pháo đài Thập tự chinh
Ngày thứ ba thật thú vị. Sau khi rời kibbutz và lang thang qua những con đường đất và đường mòn, tuyến đường lên dốc và vượt qua ngọn núi Horns of Hattin. Tại đây, một pháo đài quan trọng của quân thập tự chinh đã bị xóa sổ bởi quân Hồi giáo dưới sự chỉ huy của Hồi vương Saladin vào cuối thế kỷ 12.
Sau khi đi xuống sườn núi đá do sự hình thành núi lửa, tuyến đường đi qua đền thờ Druze của Nebi Shu’eib, nơi có mộ của Jethro, là nhạc phụ của ông Môisê.
Đường mòn sau đó uốn lượn nhẹ nhàng giữa những lùm cây ôliu. Những người hành hương chú ý có thể nhận thấy một tháp Hồi giáo nhô lên trên các ngọn cây ở bên trái Đường mòn. Đây là tất cả những gì còn lại của “Thị trấn đã mất” của Hittin, nó đã “biến mất” sau Chiến tranh năm 1967.
Cuối cùng, sau một ngày leo núi mệt mỏi, ngày kết thúc tại Vách đá Arbel ngoạn mục với cảnh nhìn ra Biển Galilê đầy mê hoặc.
Ngày 4: Biển Galilê và Caphácnaum
Ngày cuối cùng là ngày nhiều cảm xúc nhất đối với người hành hương Kitô giáo. Đi dọc theo Biển Galilê là một trải nghiệm không gì sánh bằng, vì nó là bối cảnh cho rất nhiều câu chuyện trong các Tin mừng. Ngày cuối cùng cũng giới thiệu các di tích văn hóa, lịch sử và thiên nhiên.
Khi đi xuống con đường dốc xuôi vách đá Arbel, những lữ khách có thể nhìn cận cảnh các hang động được dùng làm nơi ẩn náu của những phiến quân Do Thái thế kỷ thứ Nhất trong cuộc Đại khởi nghĩa chống lại người La Mã. Nhà sử học La Mã Josephus đã ghi chép lại cách thức những người lính La Mã được hạ xuống vách đá trong các chiếc giỏ lớn mà từ nơi đó họ ném những kẻ phiến loạn xuống cho chết. Dưới thung lũng là Wadi Hamam, một khu định cư hiện đại do người Bedouins xây dựng vào đầu thế kỷ 20 – và là một nơi tuyệt vời để dừng chân thưởng thức món falafel.
Tiếp theo, Đường mòn đi qua gần thị trấn cảng Magdala, quê hương của Mary Magdalene trong Kinh thánh. Vài năm trước, Dòng Đạo binh Chúa Kitô đã mua khu đất gần bờ biển để xây dựng một nhà khách cho người hành hương (magdala.org). Trong quá trình xây dựng, họ đã khai quật được một hội đường Do Thái quan trọng có từ thế kỷ 1 và các phần khác của thành phố cổ Magdala.
Gần đó là Kibbutz Ginosar, với một bảo tàng bảo tồn một chiếc thuyền đánh cá của người Galilê thế kỷ thứ Nhất tương tự như những chiếc thuyền được sử dụng bởi Chúa Kitô và các môn đệ.
Tiếp theo là một chuyến đi bộ thú vị, mặc dù khá dài, gần bờ phía tây bắc Biển Galilee (ở độ cao 210 mét/ 130 feet dưới mực nước biển). Những người nuôi chim sẽ rất ấn tượng với các loài chim kỳ lạ phát triển mạnh ở đây do khí hậu ôn hòa và nguồn nước ngọt dồi dào. Tương tự như vậy, những người say mê nông nghiệp sẽ kinh ngạc trước loại đất đen màu mỡ, được cấu tạo từ đá bazan núi lửa phì nhiêu và việc trồng trọt các loại chuối, chà là, xoài, nho và ôliu vô cùng đa dạng.
Sau cả ngày đi bộ, cuối cùng Đường mòn Chúa Giêsu cũng đến đỉnh cao của chuyến hành hương: ba nhà thờ cổ kính sau Caphácnaum. Ở đây – lần đầu tiên tính từ Nadarét – người hành hương sẽ phải làm quen với những đám đông “người hành hương xe buýt” thuộc mọi quốc tịch.
Nhà thờ đầu tiên là Taghba, nơi diễn ra phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều và cho dân chúng ăn. Ở phía bên kia con đường, trên đỉnh một sườn núi nhỏ là tàn tích được cho là của ngôi nhà thờ cổ xây dựng trên vị trí Chúa Kitô đã giảng Bài giảng Trên Núi (một nhà thờ hiện đại kỷ niệm biến cố này nằm xa hơn trên đồi). Dọc theo bờ biển là Nhà thờ Quyền Tối thượng của Phêrô, nơi kỷ niệm giây phút Chúa Giêsu đặt Phêrô làm người đứng đầu trong các Tông đồ.
Cuối cùng, sau 30 phút đi bộ bên bờ biển dọc theo bờ phía bắc, Đường mòn Chúa Giêsu kết thúc tại vị trí khảo cổ Caphácnaum. Được biết đến như là “thị trấn của Chúa Giêsu”, Đức Kitô đã đến đây sau khi ra khỏi Nadarét và sống ở đây với các môn đệ trong thời gian ba năm thi hành thừa tác vụ.
Thánh Giêrônimô (347-420) nói, “Năm sách phúc âm ghi lại cuộc đời của Chúa Giêsu; bạn sẽ tìm thấy bốn trong sách và một bạn sẽ tìm thấy tại Đất Thánh.” Chắc chắn, do các vấn đề về văn hóa và những căng thẳng chính trị và an ninh thường xuyên, đến thăm Israel đòi hỏi một mức độ chú ý và lưu tâm mà có lẽ là không cần thiết đối với các đường hành hương Camino ở Châu Âu. Tuy nhiên, bước đi trên Đường mòn Chúa Giêsu là một cách hiển nhiên và vô sánh để “đọc tin mừng thứ năm”.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/12/2020]