Ngày thứ hai 19 và thứ ba 20 tháng 6, mạng nghiên cứu Relicom tổ chức các ngày học “Tôn giáo và truyền thông” ở Đại học Tours, nước Pháp. Cơ hội để Colas Zibaut, nghiên cứu sinh tiến sĩ và là thành viên của ủy ban khoa học và tổ chức, phân tích mối liên hệ giữa các tôn giáo và công nghệ kỹ thuật số.
la-croix.com, Cécile Merieux, 2023-06-30
Hình minh họa – Norma Cornes/Clivia – stock.adobe.com
Xin ông cho biết, ai là những nhà nghiên cứu trẻ tham gia những ngày nghiên cứu về truyền thông tôn giáo?
Colas Zibaut: Mục tiêu của những ngày này là tập hợp các nhà nghiên cứu trẻ, những người đã đưa ra câu hỏi về tôn giáo thông qua lăng kính của khoa học thông tin và truyền thông. Họ từ các truyền thống tôn giáo khác nhau, đa số là người công giáo, phật giáo, hồi giáo… Tất cả đều quan tâm đến vấn đề tôn giáo trên cơ sở cá nhân.
Từ mối quan tâm này, họ thực hiện các công việc trong môi trường đại học giúp họ chia sẻ trong cuộc họp này. Mỗi chủ đề được xử lý theo phương pháp của nhà nghiên cứu, không phải của thần học gia. Họ làm công việc phân tích, thường rất quan trọng về chủ đề này. Các bài thuyết trình của họ phát sinh tranh luận về một chủ đề liên tục được cấu hình lại.
Đâu là bối cảnh nghiên cứu xuất hiện từ những công việc khác nhau này?
Có đủ loại công việc liên quan đến truyền thông hoặc thông tin kỹ thuật số. Một số nhà nghiên cứu trẻ tập trung vào tư tưởng giao tiếp của Giáo hội – cách Giáo hội giao tiếp –, một số tập trung vào mối liên hệ giữa trí tuệ nhân tạo và tôn giáo, một số khác tập trung vào sự biến đổi của tín ngưỡng và tâm linh dưới ảnh hưởng của các game điện tử. Kỹ thuật số là một hỗ trợ thực sự cho sự phát triển của quan niệm và thực hành tôn giáo.
Mạng Relicom – Không gian truyền thông và tôn giáo, tổ chức sự kiện này, được thành lập năm 2012. Nhưng quan tâm của các nhà nghiên cứu trong lãnh vực này đã có từ sớm hơn nhiều. Công việc đầu tiên về tôn giáo và kỹ thuật số đã bắt đầu từ những năm 1990. Từ những ngày đầu cho đến nay, đã có một sự phát triển đáng kể về sự hiện diện của tôn giáo trên Web. Chúng tôi đã thấy các cộng đồng tôn giáo tổ chức mạng lưới trực tuyến và sự thích ứng của các tổ chức tôn giáo với kỹ thuật số. Kể từ khi bị cách ly, các buổi lễ tôn giáo trên YouTube đã tăng lên gấp bội.
Những đổi mới công nghệ là mối đe dọa hay đồng minh của tôn giáo?
Sự phát triển của truyền thông tôn giáo tương quan với sự đổi mới công nghiệp. Các nhà nghiên cứu trẻ đặt câu hỏi về các đối tượng tôn giáo được kết nối và sự thể hiện của các tôn giáo trong không gian hư cấu, như trong các game điện tử.
Có một cuộc tranh cãi thực sự chung quanh cương vị của tôn giáo khi đối diện với công nghệ. Công nghệ có thể thay thế tôn giáo ở mức độ nào? Các nhà nghiên cứu không đồng ý về chủ đề này, đặc biệt vì hiện nay chúng ta lại thấy một hiện tượng ngược lại: chính công nghệ làm nổi bật tôn giáo.
Câu hỏi này liên quan đến thuyết siêu việt hóa con người. Từ 20 năm nay, nhất là ở Hoa Kỳ, một số tổ chức tôn giáo đã ủng hộ trí tuệ nhân tạo. Chúa là một thuật toán, qua đó, họ tạo ra một nghi thức. Đây là những mối quan tâm cũ, bắt nguồn từ khoa học viễn tưởng từ nửa sau của thế kỷ 20 nhưng hiện nay đang được tái hiện thực.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch