Coronavirus: Chứng từ của linh mục Nicolas de Francqueville ở Hồng Kông

812

fr.aleteia.org Bérengère Dommaigné, 2020-02-12

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2020/02/coronavirus-chung-tu-cua-linh-muc-nicolas-de-francqueville.jpg
Linh mục Nicolas de Francqueville không thể dâng thánh lễ mà không có khẩu trang

Tại Trung quốc đã có 44.653 người nhiễm coronavirus, bây giờ coronavirus có tên chính thức là Covid-19. Nạn dịch đã làm ít nhất có 1.113 chết. Một tình trạng đáng lo mà các tín hữu công giáo phải thích nghi theo. Hiện nay họ phải tuân theo các quy tắc ngày càng khắt khe. Trang Aleteia liên lạc được với linh mục Nicolas de Francqueville của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris hiện đang sống ở Hồng Kông.

Theo các lời chứng hiếm hoi tại chỗ cho biết, người dân rất hoang mang, chính quyền Trung quốc có các biện pháp nghiêm nhặt để chống nạn dịch như cấm hội họp, ra lệnh giới nghiêm.

Tuần vừa qua, giáo phận Hồng Kông đưa ra các quy tắc rất nhặt cho tín hữu. Để tránh tụ tập đông người trong một nơi khép kín, giáo phận Hồng Kông cho phép giáo dân không bắt buộc phải đi lễ chúa nhật, họ có thể ở nhà xem lễ trực tuyến. Giáo phận cũng khuyên những ai đến từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh không nên đi nhà thờ và ở nhà cách ly 14 ngày. Và những ai đi lễ thì bắt buộc phải mang khẩu trang và giữ một khoảng cách xa với người chung quanh.

Linh mục Nicolas de Francqueville chịu chức năm 2013, cha thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại Paris truyền giáo ở Hồng Kông, nơi có 8% người dân theo đạo công giáo. Ngài nói tiếng Quảng Đông trôi chảy và đã ở đây 5 năm. Mỗi chúa nhật có 7 thánh lễ ở giáo xứ Holy Redeemer Church của cha và có khoảng 2.500 tham dự. Sinh hoạt giáo xứ rất sinh động, mỗi năm có hàng trăm tân tòng và có gần 3.000 người rửa tội đêm lễ Phục Sinh.

Aleteia: Xin cha cho biết tinh thần người Hồng Kông trước nạn lây lan siêu vi Covid-19?

Linh mục Nicolas de Francqueville: Rõ rệt có một tình trạng hoang mang sợ hãi cực độ chưa từng có, xảy ra sau sáu tháng biểu tình và bạo lực đã làm cho xã hội và gia đình chia rẽ sâu đậm. Phải nói tinh thần của người Hồng Kông bị xuống thấp! Trong một thành phố đông dân và cạnh tranh, mọi người tìm cách tránh người khác để bảo vệ mình, vệ sinh và an toàn là hàng đầu, siêu vi chỉ làm tăng nỗi sợ này lên mười lần, đặc biệt là chấn thương của nạn dịch viêm phổi cấp tính SRAS năm 2003 vẫn còn ở trong tâm trí họ. 

Xin cha cho biết đời sống hàng ngày ở Hồng Kông?

Nghỉ Tết kéo dài hơn một tháng trong tất cả các trường trung học cũng như đại học (đến đầu tháng 3, trong khi chờ đợi có thể kéo dài thêm). Các tụ họp đông đều bị hủy bỏ hoặc ngưng cho đến khi có lệnh mới. Mọi người ở nhà và khi ra đường tất cả đều phải mang khẩu trang. Không mang khẩu trang nhất là trên các phương tiện chuyên chở công cộng được xem là khiêu khích và làm mọi người tránh xa. Khẩu trang trở nên hiếm, người dân phải sắp hàng hàng giờ để chen lấn mua!

Cha có gặp người bệnh không?

Thân nhân không được vào bệnh viện thăm, nhưng vì tôi là tuyên úy và với sự đồng ý của bác sĩ nên tùy từng trường hợp tôi có thể thăm vài người bệnh, nếu họ xin nhận bí tích hay xưng tội. Tuần này tôi rửa tội cho một tân tòng mà bác sĩ cho biết đang ở giai đoạn cuối. 

“Cấm hát, trừ hát “Alleluia” và câu “Đây là mầu nhiệm đức tin.”

Giáo phận Hồng Kông có biện pháp nghiêm nhặt nào không?

Có, giáo phận luôn công bố các biện pháp hạn chế hơn bao giờ hết để tránh mọi nguy cơ lây nhiễm như phải mang khẩu trang, cấm không dùng sách lễ, sách hát. Cấm hát, ngoại trừ hát “Alleluia” và “Đây là mầu nhiệm đức tin”. Linh mục và các thừa tác viên rước lễ cuối cùng và phải khử trùng tay trước và sau khi cho rước lễ. Rước lễ chỉ trao bằng tay, khi rước lễ, giáo dân đọc thầm “Amen” trong lòng để tránh kéo khẩu trang quá lâu khi rước lễ… Ngoài ra còn phải thêm các biện pháp mà chúng tôi chưa có phương tiện như đo nhiệt độ bằng tia hồng ngoại khi giáo dân vào nhà thờ. Làm sao làm với 2500 giáo dân trong bảy thánh lễ ngày chúa nhật! 

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2020/02/pretre-hong-kong-2-528x480.jpg

Linh mục Nicolas de Francqueville

Cha có quyền đi đây đi đó không?

Nhiều ít tôi được quyền đi. Biện pháp cuối cùng của giáo phận là buộc tất cả mọi người, giáo dân, linh mục… từ nước ngoài về (bất hoặc từ đâu) phải cách ly trong vòng 15 ngày không được gặp ai. Trong khi chính quyền chỉ nói những người nào từ Trung quốc về mới cách ly vì có nguy cơ cao. Ngày mai theo lẽ tôi sẽ đi Thái Lan để tổ chức một khóa đào tạo của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris đã lên lịch từ lâu, nhưng tôi phải hủy giờ chót vì khi về lại đây, tôi phải cách ly 15 ngày, như thế là không thể được với nhiệm vụ cha xứ của tôi!

Là người công giáo, cha thấy như thế nào?

Bầu khí sợ hãi thì nhiều hơn, nhưng tạ ơn Chúa chúng tôi vẫn tiếp tục dâng thánh lễ. Tôi cũng tạ ơn vì đức tin giáo dân mạnh, họ vẫn đi lễ đông trong khi các nơi tụ tập đông đều bị xem như có nguy cơ và nhà nước khuyên không nên đến. Ở Trung quốc và ở Macao, chính quyền bắt tất cả nhà thờ phải đóng cửa. Siêu vi tạo dịp để thắt chặt kiểm soát các sinh hoạt tôn giáo hơn.

Đâu là thông điệp của cha bây giờ?

Tiếng trung hoa, “khủng hoảng” có hai từ: 危 機. Từ đầu 危 có nghĩa là nguy hiểm, từ thứ nhì 機 có nghĩa là cơ hội. Như thế nạn dịch trở nên toàn cầu bây giờ lại là dịp để thắt chặt thêm tình tương trợ, để lớn lên trong khiêm tốn, để làm chậm nhịp sống hối hả, để tập trung vào điều thiết yếu: tình yêu không điều kiện của Chúa cho mỗi người, Đấng muốn kitô hữu chúng ta là “Muối cho đời, là ánh sáng cho thế gian.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Linh mục Nicolas de Francqueville ở Hồng Kông