Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha ở Madagascar

849
Thánh Lễ của Đức Thánh Cha tại Madagascar/Vatican Media Screenshot

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha ở Madagascar

‘Những đòi hỏi Chúa Giê-su đặt ra trước chúng ta không còn là gánh nặng khi chúng ta bắt đầu nếm trải niềm vui của sự sống mới mà Người giới thiệu trước mắt chúng ta’

08 tháng Chín, 2019 10:26

ZENIT STAFF

Hôm nay ngày 8 tháng Chín, Đức Thánh Cha Phanxico đã dâng Lễ trong sân giáo phận Soa Mandrakizay tại thủ đô Antananarivo, Madagascar, trong ngày thứ hai ngài đến thăm đất nước này, trong chuyến Tông du thứ 31 của ngài. Đức Phanxico đến thăm các quốc gia Châu Phi gồm Mozambique, Madagascar và đảo Mauritius, từ ngày 4 đến 10 tháng Chín năm 2019.

Dưới đây là toàn văn bài giảng do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):

* * *

Tin mừng cho chúng ta biết rằng “có rất đông người cùng đi đường với Chúa Giê-su” (Lc 14:25). Cũng giống như rất đông người cùng đi với Ngài, anh chị em hôm nay cũng đến với những con số đông đảo để đón nhận thông điệp của Ngài và đi theo những bước chân của Ngài. Nhưng anh chị em cũng biết rằng theo chân Chúa Giê-su không dễ dàng. Hôm nay, Tin mừng Lu-ca nhắc nhở chúng ta rằng sự cam kết này có thể là khó khăn.

Chúng ta cũng cần phải nhớ rằng Lu-ca trình bày những đòi hỏi này trong trình thuật kể việc Chúa Giê-su trên đường lên Giê-ru-sa-lem. Ngài bắt đầu bằng dụ ngôn kể về bữa tiệc mà mọi người đều được mời đến dự, đặc biệt là những người bị bỏ rơi sống trên các con đường, trong các quảng trường và tại các ngã tư đường. Và Ngài kết luận với ba “dụ ngôn về lòng thương xót,” kể về một bữa tiệc được ăn mừng, khi một thứ gì đó bị mất và lại được tìm thấy, khi một người dường như đã chết lại được chào đón với niềm hân hoan và trở về với cuộc sống để có thể làm lại một khởi đầu mới. Với chúng ta là người Ki-tô hữu, những hy sinh của chúng ta chỉ có ý nghĩa dưới ánh sáng của niềm vui mừng được gặp gỡ với Chúa Giê-su Ki-tô.

Đòi hỏi thứ nhất của Chúa Giê-su liên quan đến những mối quan hệ trong gia đình. Sự sống mới mà Chúa dành cho chúng ta dường như nặng nề và vô cùng bất công đối với những ai nghĩ rằng cánh cửa đi vào nước Trời có thể rất giới hạn hoặc chỉ dành cho những người có quan hệ ruột thịt hoặc thành viên của một nhóm đặc biệt nào đó, một phe nhóm hay văn hóa nào đó. Khi “gia đình” trở thành tiêu chuẩn quyết định cho những gì chúng ta coi là đúng và tốt đẹp thì cuối cùng có thể chúng ta biện minh và thậm chí “dốc sức” cho những cách thực hành dẫn đến một văn hóa ưu tiên và loại trừ: tính thiên vị, sự đỡ đầu, và cuối cùng dẫn đến sự tha hóa. Chúa yêu cầu chúng ta phải có cái nhìn vượt ra ngoài vấn đề này. Ngài nói rất rõ: ai không thể nhìn thấy tha nhân như là anh chị em của mình, không có khả năng thể hiện sự nhạy cảm trước đời sống và hoàn cảnh của họ bất kể họ thuộc gia đình nào, nền tảng văn hóa hoặc xã hội gì đều “không thể làm môn đệ của tôi được” (Lc 14:26). Tình yêu hiến dâng của Người là một món quà nhưng không được trao tặng cho mọi người và dành cho mọi người.

Đòi hỏi thứ hai của Chúa Giê-su cho chúng ta thấy việc đi theo Ngài quả là khó khăn nếu chúng ta tìm kiếm cách đồng hóa nước Thiên Đàng với chương trình hành động của riêng chúng ta hoặc sự gắn bó của chúng ta với một hệ tư tưởng để rồi lạm dụng Danh Thiên Chúa hoặc tôn giáo nhằm biện minh cho những hành động bạo lực, chia rẽ và thậm chí là sát hại, lưu đày, khủng bố và gạt bỏ. Đòi hỏi này không khuyến khích chúng ta làm phai mờ và thu hẹp thông điệp của Tin mừng, nhưng hơn thế để xây dựng lịch sử trong tình huynh đệ và đoàn kết, trong sự tôn trọng trọn vẹn dành cho trái đất và những món quà của nó, đối nghịch lại với bất kỳ hình thức bóc lột nào. Nó khuyến khích chúng ta thực hành việc “đối thoại như là con đường; cùng hợp tác như là bộ quy tắc ứng xử; sự hiểu biết lẫn nhau như là phương pháp và tiêu chuẩn” (Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân loại, Abu Dhabi, 4 tháng Hai, 2019). Và không bị lôi cuốn bởi những cách giảng giải không nhìn thấy rằng lúa mì và cỏ lùng phải cùng phát triển với nhau cho đến khi Ông Chủ trở lại trong mùa gặt (x. Mt 13:24-30).

Cuối cùng, thật khó để chia sẻ sự sống mới mà Thiên Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta tiếp tục bị dẫn dắt bởi sự tự biện hộ, vì chúng ta nghĩ rằng mọi thứ đều tùy thuộc vào những cố gắng và những nguồn lực của chúng ta! Hoặc như chúng ta đã nghe trong bài đọc một, khi tốc độ tích lũy chất đống của cải trở nên quá mức và lấn át, nó chỉ làm gia tăng tính ích kỷ của chúng ta và sẵn sàng sử dụng những phương tiện trái luân lý. Đòi hỏi của Chúa Giê-su là chúng ta biết tái khám phá lòng biết ơn và nhận biết rằng đời sống và những tài năng của chúng ta là hoa trái của ơn sủng, chứ không phải thành tựu của cá nhân (x. Tông huấn Gaudete et Exsultate, 55), một ơn sủng được Thiên Chúa tác tạo qua sự tác động âm thầm của quá nhiều người mà chúng ta chỉ biết tên của họ trong nước Thiên Đàng.

Với ba đòi hỏi này, Chúa muốn chuẩn bị cho các môn đệ của Người việc đón mừng ngày Nước Thiên Chúa đến, và để giải thoát cho họ khỏi sự cản trở nặng nề, mà cuối cùng nó trở thành những hình thức nô lệ xấu xa nhất: chỉ sống cho bản thân. Đó là cám dỗ thu mình trong vũ trụ nhỏ bé của chúng ta, và cuối cùng chỉ dành một ít không gian nhỏ bé cho người khác. Người nghèo không còn bước vào được, chúng ta không còn nghe được tiếng Chúa, chúng ta không còn thưởng thức được niềm vui thầm kín của tình yêu của Người, chúng ta không còn háo hức làm điều thiện … Nhiều người, qua cách thu mình theo con đường này, cảm thấy “vô cùng” an toàn, nhưng rồi cuối cùng họ trở nên cay đắng, cáu kỉnh và không còn sức sống. Đây hoàn toàn không phải là cách để sống đời sống viên mãn và đầy phẩm giá; nó không phải là ý định của Thiên Chúa dành cho chúng ta, và cũng không phải sự sống trong Thần Khí tuôn trào từ trái tim của Đức Ki-tô Phục sinh (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 2).

Với những đòi hỏi này, khi Chúa trên đường tiến lên Giê-ru-sa-lem, Người yêu cầu chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên, để điều chỉnh lại những sự ưu tiên của mình, và trên hết, hãy dành không gian cho Thiên Chúa trở thành trung tâm và là trục chính của đời sống chúng ta.

Khi chúng ta quan sát quanh mình, không biết bao nhiêu người nam và nữ, người trẻ tuổi và trẻ em đang chịu sự đau khổ trong sự thiếu thốn tột cùng! Đây không phải là phần trong chương trình của Thiên Chúa. Chúa Giê-su khẩn thiết kêu gọi chúng ta hãy diệt trừ tính ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa và sự tự cao của chúng ta! Bằng cách này, chúng ta có thể cho phép tinh thần huynh đệ được chiến thắng – một tinh thần được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giê-su Ki-tô, trong đó chúng ta được sinh ra như một gia đình của Chúa – và trong đó mọi người đều có thể cảm nhận được yêu thương vì được thấu hiểu, được chấp nhận và trân trọng theo đúng phẩm giá của mình. “Đứng trước sự khinh rẻ nhân phẩm, chúng ta thường đứng khoanh tay hoặc buông xuôi hai tay như một cử chỉ của tâm trạng sụp đổ của chúng ta trước sức mạnh tàn bạo của cái ác. Nhưng người Ki-tô hữu chúng ta không thể khoanh tay đứng im trong sự thờ ơ, hoặc với đôi tay buông xuôi trong sự tuyệt vọng. Không. Là người tín hữu, chúng ta phải giang rộng đôi tay, như Chúa Giê-su làm với chúng ta” (Bài giảng Ngày Người nghèo Thế giới, 18 tháng Mười Một, 2018).

Lời Chúa mà chúng ta vừa lắng nghe một lần nữa mời gọi chúng ta phải khởi hành, dám đón lấy bước đi quả quyết này và đón nhận sự khôn ngoan của việc từ bỏ những sự lệ thuộc cá nhân như là nền tảng cho sự công bằng xã hội và cho đời sống cá nhân của chúng ta. Cùng chung sức chúng ta có thể chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa sùng bái ngẫu thần khiến chúng ta chỉ nghĩ đến những sự an toàn lừa bịp của quyền lực, sự nghiệp, tiền của và việc tìm kiếm vinh quang của con người.

Những đòi hỏi Chúa Giê-su đặt ra trước chúng ta không còn là gánh nặng khi chúng ta bắt đầu nếm trải niềm vui của sự sống mới mà Người giới thiệu trước mắt chúng ta. Nó là niềm vui xuất phát từ việc biết rằng Ngài là người đầu tiên chúng ta phải tìm kiếm tại ngã tư đường, ngay cả khi chúng ta bị lạc lối như con chiên lạc hay người con hoang đàng. Ước mong rằng sự hiện thực khiêm nhường này tạo động lực cho chúng ta đón nhận những thách đố lớn và tặng ban cho anh chị em khao khát làm cho đất nước xinh đẹp của anh chị em trở thành nơi Tin mừng là sự sống, và là nơi sự sống hướng đến vinh quang lớn lao của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy cam kết với bản thân mình và chúng ta hãy lấy những chương trình của Thiên Chúa là của riêng mình.

[Văn bản chính: tiếng Pháp; Văn bản dịch (tiếng Anh) do Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/9/2019]