Ta sẽ xây Giáo hội Ta trên Đá nầy | Chúa Nhật 21 TN A | Vô Hạ

768

vô hạ

Theo lịch sử, trên 4.000 trước (có nguồn tin 5.000 năm) Quốc Tổ Hùng vuơng, Triều Đại Hồng Bàng, đã khai sáng Đất Nước Việt Nam với tuyên ngôn và nghi lễ thành lập. Tại Tân Thế Giới ngày 4 tháng 7 năm 1776 Bản Tuyên Bố Độc Lập Declaration of Independence đã bắt đầu Quốc Gia mới Hoa Kỳ có ảnh hưởng trên hầu hết mọi mặt cả thế giới trong hơn 200 năm qua.

Về phương diện tôn giáo, Nước Trời Mới, vượt trên biên giới, lãnh thổ, quốc gia hữu hình, đã được Chúa Giêsu chính thức thành lập và trao quyền cho Vị Đại Diện là Tông Đồ Phêrô hơn 2000 năm như trong Phúc Âm Thánh Matthêu 16: 13-20, theo lịch Phụng Vụ Công Giáo, Chúa Nhật 21 Thường Niên A, ngày 23.08.2020 nầy.

Riêng Bài Đọc I mở đường dẫn lối 8 thế kỷ trước, và bài đọc II thế kỷ I bổ nghĩa cho lý lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa trong quyết định trọng đại, là thành lập Nước Trời Mới. Xin xem từng chữ từng dòng 3 Bài Đọc bên dưới, vì Chúa là Tác Giả Thánh Kinh và là vị Thầy chân chính sẽ nói và dạy cho mỗi người biết những gì phải hiểu để làm cho có lợi cả đôi đường.

BÀI ĐỌC I: Trích sách Tiên tri Isaia 22, 19-23

Đây Chúa phán cùng Sobna, quan cai đền thờ rằng: “Ta sẽ trục xuất ngươi ra khỏi địa vị ngươi, và Ta sẽ cách chức ngươi; trong ngày đó, Ta sẽ gọi đầy tớ Ta là Êliaqim, con trai Helcia. Ta sẽ lấy áo choàng của ngươi mà mặc cho nó, lấy đai lưng của ngươi mà thắt cho nó, sẽ trao quyền ngươi vào tay nó, nó sẽ nên như cha các người cư ngụ ở Giêrusalem và nhà Giuđa, nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở ra được. Ta sẽ đóng nó vào nơi kiên cố như đóng đinh, và nó sẽ trở nên ngai vinh quang nhà cha nó”.

BÀI ĐỌC II. Trích Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Rôma  11: 33-36.

Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa: Sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được! Vì chưng, nào ai biết được ý Chúa? Hoặc ai đã làm cố vấn cho Người? Hay ai đã cho Người trước để Người sẽ trả lại sau? Vì mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người: Nguyện Người được vinh quang đến muôn đời. Amen.

PHÚC ÂM Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu 16:13-20

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Đức Kitô.

Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.

Đôi dòng ghi chú và tâm tình.

  • Suốt thời gian 4000 năm Cựu Ước, có nhiều vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị được chính Chúa đặt lên. Rồi có người đã bị Chúa thay thế vì sai phạm hay bất chính, như Tiên Tri Samuel thế chổ của Thầy Cả Êli (1 Sam. Chương 1-3). Vua Davit lên ngai của Vua Saolê (1 Samuel 9:15-16; 16:1).  Eliaqim thay thế cho Sobna như trong bài đọc I. Chính Chúa thấy từ bên trong và khôn ngoan lựa người lảnh đạo cho những đại cuộc của nước Chúa, mà hầu hết người phàm không biết tại sao. Về phương diện nầy, vâng phục Chúa là thượng sách. Nên khi được chức vụ đạo đời nào rồi, thì phải khiêm tốn phục vụ Chúa qua việc  phục vụ dân một cách công bằng hợp lý.
  • Qua tới bài Phúc Âm, tuần trước Chúa Giêsu đến hai thành Tirô và Sidon lãnh thổ của lương dân Canaan (Mt. 15:21-28). Và bài Phúc Âm tuần nầy cũng vậy, Chúa đổi vùng đến địa hạt Xêsarê Philippê, 40 km phía bắc biển Hồ Galilê, là thành phố thuộc Roma, chủ yếu là dân ngoại lai Syria và Hi lạp cư ngụ; cũng là trung tâm văn hóa Hi Lạp và Roma mà dân tứ xứ tuôn về. Nơi nầy trước kia là trung tâm thờ thần Baal, rồi thần Pan của Hi Lạp. Thời Chúa Giêsu vua Philip Tetrarch (một người con của  Hêrôđê Đại Đế) xây dựng và đổi tên từ vùng Paneas thành ra  Xêsarê Philippê, để vinh danh Hoàng Đế Roma là  Augustus Caesar (63 BC – 14 AD) và cũng mang danh dự cho chính nhà vua Philippê nữa.
  • Chúa không tới thủ đô chính trị và tôn giáo Giêrusalem hay thành phố nào quan trọng tại Samaria hoặc Galilêa nước nhà Do Thái, mà đến vùng trên để chính thức chọn Phêrô lãnh đạo và thành lập Giáo Hội là ý gì?  Mọi người đều biết trời cao đất rộng là của Chúa; Ngài ban công sản nầy cho con cái loài người hưởng dùng chung, không phân biệt nơi chốn hay sắc tộc nào sang hèn cao thấp. Theo Phúc Âm, Chúa tới đây, có thể hiểu là vì cố ý hướng tới và mời gọi mọi người không là Do Thái, theo chú giải, gia nhập Ekklésia, tiếng Hi Lạp, trước tiên là những người được Chúa kiêu gọi. Chúa Giêsu cũng báo trước Ngài sẽ xây dựng cộng đồng của những người tin đi theo Ngài (12:48-50). Đây là Cộng Đồng của những người được gọi, dần dần trở thành Giáo Hội như được diễn tả trong Sách Tông Đồ Công Vụ.
  • Trước khi tuyên bố sự kiện rất quan trọng trên, Chúa Giêsu đã đặt câu hỏi “Các con bảo Thầy là ai?” để cho các môn đệ dứt khoát xác tín lập trường đức tin vào Chúa ngay lúc đó. Và cũng để một mai, trong cơn nguy sau nầy thì nhớ lại những giây phút bên Thầy, là các ông đã từng chấp nhận Chúa Giêsu và theo Thầy rồi, nên phải vui lòng mà chịu qua đau khổ để vào vinh quang, mà không kiêu ca than trách như phàm nhân con đây.
  • Tông Đồ Phêrô, như phát ngôn viên của nhóm 12, đại diện trả lời “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

“Kitô” cũng là tên gọi của Messia: Sứ giả được gởi tới, Special Envoy Đặc Ủy của Thiên Chúa.

“Kitô” còn có nghĩa là “Anointed One” Đấng được sức dầu để thi hành sứ vụ làm vua, tiên tri và tư tế (2 Sam. 7:14). Không mấy Tiên Tri nào không bị ám hại vì canh tân giới lảnh đạo tôn giáo, chính trị và dân chúng theo lệnh của Chúa. Chúa Giêsu Kitô đến để kiên toàn luật cũ, khó khăn muôn điều, đã gặp biết bao chống đối và số phận cuối cùng nặng nề hơn tất cả các Tiên tri trước kia.

  • “Con Thiên Chúa hằng sống được”: Được công bố tại trung tâm văn hóa, văn minh Cêsarê Philiphê nầy, cố ý nói lên Thiên Chúa quyền năng của mình sống mãi, không như thần thánh “ngoại lai” chỉ còn dư âm lúc đó tại vùng Cêsarê Philippê.

Chính Chúa Giêsu xác nhận Cha trên trời đã mạc khải cho Phêrô khi tuyên bố điều trên, cũng có nghĩa là Ông đã xác tín phần lớn, nhưng vẫn còn ít nhiều bị ảnh hưởng theo quan niệm cũ xưa, nên cản ngăn Chúa đi Giêrusalem chịu đau khổ. Quan niệm cũ là đa số quần chúng và cả các Tông Đồ nữa,  tin tưởng và mơ ước Đức Kitô đến như  vua chúa trần tục khuất phục cả thế giới làm tôi mọi, làm bệ, cho người Do Thái đứng ngồi bên trên.

Theo Thánh Kinh và riêng nghĩa của từ ngữ bên trên, khi tuyên xưng và theo “Thầy Kitô” tức là chịu đi vào quỹ đạo sẳn sàng vui lòng chấp nhận thân phận của mình, đồng mệnh có khi cả đồng dạng với Ngài như tiên báo trong Isaiah 52:13-53:12 “Người đã mang lấy tật bệnh của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ chúng ta. Còn chúng ta,  tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ nhục nhã ê chề… chính người bị đâm vì tội chúng ta … Người bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu … bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh …”

Cũng nhờ đó mà mà giáo sử cho thấy sức mạnh của Giáo Hội vượng lên trong thời kỳ khó khăn cấm cách, chớ không phải thời kỳ vàng son được quyền lực thế gian cung phụng nuông chiều.

“Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Người Á Châu hầu hết đặt tên cho con cháu sơ sinh, mang ý nghĩa hay và đẹp, đồng thời cũng gởi gấm niềm tin, hi vọng và cả sứ mệnh lớn nhỏ vào chính tên trong cả cuộc đời đứa bé.

Cùng trên nền tảng văn hóa đó, khi Thiên Chúa đặt tên hay sửa tên cho ai trong Thánh Kinh, là cố ý giao cho một sứ mệnh đặc biệt. Chúa Giêsu đã đặt tên mới cho Ông Simon là Cephas hay Kepha trong tiếng Aram là “Đá” Peter, Phêrô và dùng hình ảnh sinh động thực tế nầy để xây dựng Giáo Hội trên đó, mà không xây trên đất hay cát.

Cũng xin một chút nhìn qua tiếng Pháp, tên của Ngài là Ông Pierre: Đá, hay Thạch, chuyên chở được hầu hết ý nghĩa mà Chúa muốn từ tên Vị lãnh đạo đầu tiên của Giáo hội, hơn là Phêrô tiếng Việt, chỉ ghi phần âm Petros của Hi Lạp hay Pedro Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha. Cũng từ đó mà tại nước Con Đầu Lòng của Giáo Hội Mẹ, có nhiều Monsieurs Pierres lừng danh trong suốt dòng lịch sử nước Pháp, nhờ bắt chước tên mà Chúa đổi cho, của Vị Giáo Hoàng tiên khởi.

Theo ghi chú, qua các Vị Tiên Hiền Cựu Ước, rồi Phêrô và các Tông Đồ, Chúa đã lập Giáo Hội bên trên và mở rộng cho mọi người. Chúa cũng đã trao trách nhiệm và quyền hạn cho Thẩm Quyền Giáo Hội từ ngày đó và tiếp theo đến tận thế, nhiệm vụ cai quản, thánh hóa và giảng dạy về đức tin và luân lý, qua biểu tượng chiếc chìa khóa.

Nhưng vì còn trong thân phận con người bất toàn, nên ở đâu, thời nào, cấp nào cũng có con cái ánh sáng và bóng tối lẩn lộn. Do đó, xin Chúa giúp mọi người kiên trì cùng nhau sống và chấp nhận sao cho hợp lẽ phải, công bằng và sự thật dưới sự hướng dẩn của Thánh Linh.

Việc đóng góp ý kiến tích cực xây dựng Gia Đình Giáo Hội mọi mặt, luôn được mời gọi, như Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân của Công Đồng Vatican 2 chỉ dẫn.

Đôi dòng tâm nguyện.

Cám ơn Chúa Trời, vì con là dân Á Châu, ngoài  sổ tông chi của Do Thái, mà được Chúa chấp nhận vào Cộng Đồng đức tin của con cháu Abraham. Thật là duyên lành đáng quí từ Ơn Trên ban xuống.  

Kế đến, con tin Giáo Hội Chúa luôn vững bền và không quyền lực đen nào của con cái bóng tối có thể tiêu diệt, dù Đạo Chúa có bị có lấn lướt đôi thời như cỏ dại trong ruộng lúa xưa nay. 

Xin cho mỗi thành viên biết vâng phục vị đại diện của Chúa, đồng thời Thẩm Quyền Giáo Hội cũng biết quan tâm, chú ý,  lắng nghe và giúp đỡ những nhu cầu của Dân Chúa.

Xin cho Giáo Hội gồm mọi thành phần dân Chúa biết hợp tác xây dựng cho tòa nhà Giáo Hội từ địa phương lên trung ương, mỗi ngày một cao đẹp hơn nhờ ơn trợ giúp của Chúa cộng với sức cố gắng hoàn thiện của mỗi người.