Đại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan ở Latêranô

4708

Lễ kính hằng năm 9.11

Lm Phêrô Trần Thế Tuyên

… … Những điều trông thấy … …

Theo lịch phụng vụ Công Giáo, nếu lễ kính Đại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan ở Latêranô ngày 9.11 rơi vào ngày Chúa Nhật thì đó là Chúa Nhật, lễ kính Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan ở Latêranô, có bài đọc riêng khác với bài đọc của ngày Chúa Nhật tuần đó. Cách nay không lâu, một giáo dân đã bảo: “Giáo Hội sai, vì ngày Chúa Nhật là ngày mừng Chúa Phục Sinh, sao lại làm lễ long trọng để kính việc cung hiến thánh đường Gioan Latrêanô ở Rôma!” Khi ai đó nói người khác sai một cách dứt khoát, có nghĩa là họ đúng dứt khoát. Tìm cách giải thích hay chống chế dễ thành tranh cãi mang bất hoà. Nên cách tốt hơn là để họ có thời gian, có cơ hội học hỏi thêm, tự nhận ra và tự sửa sai.

Tôi nói: Đại Vương Cung Thánh đường Thánh Gioan ở Latêranô chứ không nói Đại Vương Cung Thánh đường Thánh Gioan Latêranô như người ta quen miệng. Vì thực sự không có vị thánh mang tên Gioan Latêranô, mà chỉ có vương cung thánh đường được lúc đầu mang tên Nhà Thờ Chúa Cứu Thế sau đổi thành nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Gioan Thánh sử ở khu vực Latêranô. Điều nầy được xác nhận qua câu tiếng Ý: Basilica di San Giovanni in Laterano hay câu tiếng La-tinh: Archibasilica Sanctissimi Salvatoris et Sancti Iohannes Baptista et Evangelista in Laterano – Xin tạm dịch: Đại Vương Cung Thánh Đường Chúa Cứu Thế và Thánh Gioan Baotixita và Thánh Gioan, Thánh Sử ở Latêranô. Tên gọi đền thờ thể hiện rõ ràng ngay trên mặt tiền đường cao của đền thờ: Ở đó có 15 tượng tất cả, mỗi tượng cao chừng 7 thước. Có tượng Chúa Giêsu ở giữa, hai bên có 2 Thánh Gioan: Gioan Tẩy Giả cầm Thánh giá và Gioan thánh sử, cầm chén lễ. Mười hai tượng còn lại là 12 Thánh tiến sĩ của hai Giáo Hội Tây phương và Đông phương.

Tất cả những điều liên quan đến Thánh Gioan Tẩy Giả, và việc rửa tội cho hoàng đế Constantino được phô bày rõ nét ở đây để nói rằng: Nhà thờ nầy, nhà thờ Mẹ, sinh ra con cái Chúa qua bí tích rửa tội. Hoàng đế Constantinô đã đượcc sinh ra nơi đây qua bí tích rửa tội và ông đã xây dựng đền thờ nầy, là Giáo Hội Mẹ, để sinh ra con cái của mình qua giếng nước rửa tội. Đi vào bên trong nhà thờ, ngay trước bàn thờ chánh dành cho Giám Mục Rôma, chúng ta thấy khu vực tầng thấp có thang đi xuống nơi có giếng rửa tội và tượng Thánh Gioan Tẩy Giả.

Sách sử sách kể rằng: Năm 312 tướng Constantino nằm mơ thấy hình thánh giá với dòng chữ “in hoc signo vinces” (cứ đấu nầy sẽ chiến thắng). Ông cho vẽ hình thánh giá trên tất cả cờ trận và khiêng thuẩn. Quả thật ông chiến thắng vẻ vang, đánh bại hoàng đế Massenzio và lên ngôi hoàng đế. Đề đền ơn đáp nghĩa, cũng như để tạ ơn chúa, ông đã làm 3 chuyện rất cụ thể:

– Năm sau 313, Ông ra chiếu chỉ Milano truyền cho Công Giáo tự do hành đạo và hoàn trả tất cả tài sản của Giáo Hội mà các hoàng đế trước chiếm đoạt.

– Khoảng năm 315-318 Ông cho xây đền thờ Chúa Cứu Thế trên lãnh thổ của dòng họ Latêranô, đã bị hoàng đế Nêrô chiếm cứ. Nên Latêranô là tên của dòng họ Latêranô. Khi bước vào đền thờ, bên tay trái ở gian tiền đường có tượng hoàng đế Constantino. Nên khởi đầu, đền thờ có tên: Chúa Cứu Thế… vì nhờ hình Thánh Giá mà Constantinô chiến thắng. Đến thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả tức từ năm 590-601, Ngài cho đổi tên là đền thờ 2 thánh Gioan: Gioan Tẩy Giả và Gioan tông đồ. Gioan Tẩy Giả để ghi nhớ Constantinô rửa tội ở đây. Còn Gioan thánh sử thì tương truyền là Ngài bị ném vào vạc dầu sôi và đã thoát chết, nên cũng được mang tên chung trong thánh đường đầu tiên ở Roma nầy.

Theo tương truyền, năm 314 hay 315, hoàng đế Constantino được đức Giáo Hoàng Silvestro cả (314-335) rửa tội. Ngày này còn toà nhà khá lớn có giếng rửa tội đặt sau Toà Hồng Y Giám Quản nói là: Giếng rửa tội nầy có từ thời hoàng đế Constantino được rửa tội bởi Đức Giáo Hoàng Silvestro cả. Nó thành mô hình giếng rửa tội mà chúng ta thấy ở các nhà thờ. Tuy nhiên, tôi nghĩ là nhà thờ đã trùng tu hàng chục lần, trải qua 1700 năm rồi, di tích ngày xưa chắc đã được xây sửa nhiều.

– Thêm một chứng tích về việc rửa tội cho hoàng đế Constantinô là tháp cao sừng sửng 47 mét nằm bên cánh phải của đền thờ. Tương truyền là tháp cao nầy có từ 400 năm trước công nguyên bên Ai Cập và được hoàng đế La Mã cho lấy mang về Rôma vào khoảng thế kỷ thứ 4. Đức Giáo Hoàng Sixto V năm 1588 cho trùng tu đền thờ và mang tháp nầy về Latêranô. Chung quanh bệ chân tháp, thiết kế như hình giếng rửa tội, có vòi nước chảy quanh năm. Phần hạ tầng của tháp có ghi: Nơi đây, hoàng đế Constantinô đã được rửa tội, Ông rao truyền vinh quang thánh giá, vì nhớ thánh giá ông chiến thắng.

Đại Vương cung Thánh đường Gioan ở Latêranô hiện tại là kết quả của một dòng lịch sử dài, có cả hơn 10 lần trùng tu, sửa chửa dưới thời hơn 20 Giáo Hoàng. Mặt tiền đền thờ hiện nay được trùng tu năm 1735 và được xây dựng toàn bằng cẩm thạch. Phần phía sau đền thờ đại tu năm 1885.  Đã nhiều thế kỷ, đền thờ vẫn kiên cố, nguy nga, hùng vĩ đáng ngưỡng mộ.

Ngay cửa chính vào bên trong đền thờ, thấy có ghi hàng chữ bằng tiếng Latinh: “Sacrosancta Lateranensis ecclesia omnium urbis et orbis ecclesiarum mater et caput” Thánh Đường Latêranô, Mẹ và Đầu của mọi thánh đường trong Rôma và ngoài Rôma (cả thế giới).

>Đền thờ dài 140 mét và rộng cũng 140 mét. Gian chính đền thờ nằm lọt trong hai hàng với 30 cột to, làm bằng cẩm thạch. Có tất cả 12 tượng thánh tồng đồ nằm ở các cột nơi gian chính, mỗi tượng cao chừng 6 mét. Nơi gian chính, thấy có bàn thờ chính dành cho các Giám Mục Rôma, tức các Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên ngày nay, có Hồng Y Giám quản, thay thế cho Đức Giáo Hoàng điều hành Giáo phận Rôma dâng lễ đại trào ở bàn thờ nầy. Nhưng ngai toà Giám Mục, dành cho Giám Mục chánh toà vẫn để trống trên gian cung thánh. Hồng Y Giám Quản đương nhiệm: Agostino Vallini.

Ảnh trái: Bàn thờ – Ảnh phải: Ngai Giám Mục Rôma

Tầm quan trọng của Đại Vương Cung Thánh đường Laterano:

Suốt 10 thế kỷ tức sau khi lệnh cấm đạo bãi bỏ và Công Giáo phát triển cho đến thế kỷ XIV, Latêranô là trung tâm của Giáo Hội: Nơi các Đức Giáo Hoàng lưu ngụ và hành chính quản trị Rôma ở đây cho đến năm 1309, thời Đức Giáo Hoàng Clêmentê V, người Pháp, di chuyển về Avignon cho đến năm 1377, Laterano lại trở thành nơi cư trú cho các Giáo Hoàng – Nơi xuất quân của thập tự chinh để chống Hồi Giáo – Nơi cử hành năm thánh đầu tiên năm 1300.

Ngày 11.2. 1929 Hiệp định Laterano được ký kết giữa toà thánh và chính phủ Ý để thiết lập nước Vatican, độc lập chính trị và lãnh thổ với quốc gia Ý. Nên Vatican gọi là: Stato della Città del Vaticano (tiếng Ý); hay Status Civitatis Vaticanae (tiếng Latinh). Dù nhỏ bé nhất thế giới, diện tích chỉ có 440.000 mét vuông và dân số chỉ chừng 850 người, nhưng Vatican là quốc gia độc lập. Áp dụng thực tế: Gửi thư cho toà thánh, chỉ cần đề Vatican State là đủ, không cần đề Italy. Trong vòng thành nước Vatican có bưu điện, ngân hàng, cảnh sát của quốc gia Vatican riêng. Đặc quyền của Latêranô là thuộc Vatican chứ không thuộc chính phủ Ý.

Chúng ta hay dùng từ Giám Mục Rôma để chỉ Giáo Hoàng Roma (Roman Pontiff). Bên cạnh đó Giáo Hội Công Giáo có gần 3000 Giám Mục chính toà. Tương quan quyền bính giữa Giám Mục Rôma và các giám mục chánh toà trên thế giới như thế nào?

Trong tiếng Latinh, Đức Giáo Hoàng được gọi là Pontifex. Nguyên ngữ lấy từ pons, cây cầu và facere, có nghĩa là làm, là xây. Như vậy pontifex là người làm cầu. Từ Pontifex đã được dùng từ lâu đời trong đế quốc La Mã để chỉ vua chúa La Mã như là người xây cầu nối liền hai bờ sông, tức là người mang thống nhất, mang liên kết giữa những người dân trong lãnh thổ. Trong Do Thái Giáo, từ Pontifex dùng để chỉ các Thượng Tế như trong Marcô 15:11 hay như trong thư Thánh Phaolô gửi Do Thái, dùng để chỉ những tư tế đứng đầu trong Do Thái Giáo….

Khoảng thế kỷ thứ 4, sau biến cố trở lại của Constantino, Giáo Hội Công Giáo phát triển mạnh mẽ dưới sự điều hành của Giám Mục Rôma. Nên Ngài được gọi là Romanus Pontifex (Roman Pontiff) – Giáo Hoàng Rôma. Giáo luật cho chúng ta thấy tương quan giữa Giám Mục Rôma và các Giám Mục chính toà trên thế giới:

Ðiều 330: Cũng như, do Thiên Chúa đã thiết định, Thánh Phêrô và các Tông Ðồ khác đã tạo thành một tập đoàn, thì Ðức Thánh Cha, kế vị Phêrô, và các Giám Mục, kế vị các Tông Ðồ cũng liên kết lại với nhau cách tương tự như vậy.

Giáo Hoàng Rôma, hay Giám Mục Rôma cùng là một người, có chức thánh là GIám Mục và kế vị Thánh Phêrô, đứng đầu Giám Mục đoàn và lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ. Các Giám Mục chánh toà có chức thánh Giám Mục ngang hàng như Giám Mục Rôma và thay mặt Chúa Kitô lãnh đạo Giáo Hội địa phương trong sự hiệp thông với Giám Mục Rôma và Giám Mục đoàn. Cả Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục đều có chức Giám Mục ngang nhau. Vậy tại sao hôm 26.3.2014 Vatican dưới sự lãnh đạo của Đức Thánh cha Phanxicô  cách chức Đức Cha Franz-Peter Tebartz-van Elst địa phận Limburg bên Đức vì ngài tiêu đến 31 triệu Euro để xây một toà Giám Mục lộng lẫy?

Giáo luật trả lời: Ðiều 333: (1) Ðức Thánh Cha, do uy lực của nhiệm vụ, có quyền hành không những trên toàn thể Giáo Hội, mà còn có quyền tối thượng trên tất cả các Giáo Hội địa phương và các hợp đoàn Giáo Hội địa phương. Quyền tối thượng ấy tăng cường và bảo vệ quyền riêng biệt, thông thường và trực tiếp mà các Giám Mục nắm giữ trong các Giáo Hội địa phương được giao phó cho các Ngài coi sóc.

Nên trong trường hợp nói trên Đức Thánh Cha dùng quyền tối thượng dành cho Phêrô để hành xử quyền cầm buộc, tức kỷ luật trong Giáo Hội như được nói trong Phúc Âm: “Phêrô, con là đá, trên đá nầy Ta xây Giáo Hội Ta…. Điều gì con cầm buộc dưới đất trên trời cũng cầm buộc…. (Mat. 16:18). Đức Cha người Đức nói trên vẫn còn chức Giám Mục, nhưng không còn quyền Giám Mục, có thể Ngài về hưu hay làm một việc âm thầm và kém quan trọng hơn.

Cũng có những chuyện không rõ ràng trong từ ngữ như khi Một Giám Mục địa phương làm lễ đại trào thì gọi là Pontifical Mass – Theo cách dịch thông thường: Thánh lễ Giáo Hoàng. Không đúng! Vì không có Giáo Hoàng. Nên tiếng Việt gọi là lễ “đại trào”. Đại trào thì lại không có “hoàng” (Pontiff) trong đó. Thực sự khi gọi Pontifical Mass không có nghĩa là Đức Giáo Hoàng cử hành thánh lễ, nhưng Đức Giám Mục địa phương cử hành thánh lễ long trọng theo nghi thức thánh lễ của Tông Toà. Ở Roma, khi có lễ của Đức Giáo Hoàng dâng thì gọi là Papal Mass chứ không là Pontifical Mass.

…….. Làm tôi xét mình … …

Tôi lắng nghe và bắt chước thực hành những quyết tâm của Giám Mục Rôma:

  1. Đừng nói xấu;
    2. Đừng vất phần ăn dư của mình, phải ăn cho hết.
    3. Dành thời gian cho người khác.
    4. Chọn những món rẻ tiền hơn.
    5. Tiếp cận người nghèo bằng xương bằng thịt.
    6. Đừng lên án người khác.
    7. Làm bạn với những ai bất đồng với chúng ta.
    8. Thực hiện cam kết: như đời sống hôn nhân.
    9. Tạo thói quen: Kêu cầu đến Thiên Chúa.
    10. Là người vui tươi.

Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên