Hột Giống Gieo Trên Đất Lành | Chúa Nhật 15 năm A | Vô Hạ

618

vô hạ

1. Người Pháp có thành ngữ ngắn gọn và đầy ý nghĩa, mà những ai học văn chương đều biết: Le style, c’est l’homme: Văn tức là người. Người làm sao thì  tạo ra văn vẻ làm vậy. Rộng hơn, văn còn có nghĩa là mọi nét đẹp trong cuộc sống của mỗi người. Con người ngày trước hầu hết rất chân thật, nên thường có sao nói vậy, suy nghỉ và hành động chân chính, thật thà hơn con người hôm nay rất nhiều.

Trở lại Phụng Vụ Lời Chúa Thánh Lễ Chúa Nhật thường niên XV ngày 12/07/2020 nầy, Văn hay Lời Chúa tức là Chính Chúa. Từ khi mới tạo dựng trái đất và con người, Lời đã được gieo vãi  nhiều nơi qua mọi thời đại. Lời được sưu tập trong Cựu Ước rồi Tân Ước và được Giáo Hội Chúa tiếp tục tới hôm nay.

2. Trong bài đọc 1 (Is 55: 10-11). “Như mưa với tuyết từ trời rơi xuống và không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu, cây cối đâm chồi nẩy lộc, cho người gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn. Cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, và chưa làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác”.

3. Bài đọc 2 (Rm 8: 18-23):  Anh em thân mến, tôi nghĩ rằng những đau khổ ở đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta. Vì chưng các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn như vậy, nhưng vì Đấng đã bắt nó phải tùng phục với hy vọng là các tạo vật sẽ được giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa. Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta là những kẻ hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên siết trong khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử và ơn cứu độ thân xác chúng ta.

4. Bài Tin Mừng (Mt 13:1-23): Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói:

“Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi. Ai có tai thì hãy nghe”.

Các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp lại: “Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: Vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: ‘Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành’. Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe.

“Vậy, các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó, đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi”.

5. Vài suy niệm.

Hiểu theo nghĩa đen hay mặt chữ thì Thiên Chúa cho mưa thuận gió hoà, để mặt đất sinh ra mọi loài thảo mộc,  đơm hoa kết quả nuôi sống muôn loài mọi ngày.

6. Nhưng riêng con người không phải chỉ sống bằng cơm bánh mà Thiên Chúa còn gửi Lời của Người đến trần gian, qua những Sứ giả thời Cựu Ước để sinh hoa kết quả nơi tâm hồn những ai đón nhận Lời Ngài. (Hipri, Do Thái: 1:1)

7. Rồi vào thời kỳ đã định, chính Giêsu Kitô là Lời của Thiên Chúa, trực tiếp đến cõi trần, nói thẳng và cũng dùng dụ ngôn, để kích thích tính tò mò tìm hiểu của dân chúng, mà giảng dạy những điều cao siêu về Thiên Chúa và nuớc của người (Hr, 1:2; Mat. 4:4).

8. Bài Phúc Âm hôm nay, không mấy khó hiểu dù là dụ ngôn, nhờ Chúa giải thích tường tận phần cuối. Nhưng cái khó là làm sao con trở thành mảnh đất tốt để đón nhận hột giống Lời Chúa để gặt ít là 30 hột lúa mới từ mỗi hột giống gieo ra. Cách nào?

9. Ráng từng bước tự mình và cũng xin Chúa giúp dọn dẹp sỏi sạn, gai gốc bụị lùm là những tính hư tật xấu lớn nhỏ.  Thêm ý khác là khi trở nên người gieo giống mới cho người trong thời đại mình, dù hoàn cảnh thuận lợi cũng như bất lợi, Bằng lời Lành và cũng bằng cách sống chứng nhân của mình.

Những việc trên, cần Chúa Thánh Thần trợ lực từ mọi phía để mỗi hạt giống Lời Chúa thu lợi gấp 100, 60 hay ít nhất 30.

10. Trong đoạn thư gởi tín hữu Roma ở trên Thánh Phaolô gợi lên niềm hi vọng vinh quang hoàn hảo trong nước Thiên Chúa  dù hiện nay trong cuộc  đời nầy, con cái Chúa, kể cả mọi loài thụ tạo khác, còn phải vất vả vật lộn với nhiều thứ khổ đau, thí dụ như dịch cúm Corona hoành hành từ đầu năm 2020 tới nay. Phụ thêm, Văn hào Nguyễn Du (1765-1820) của Việt Nam cũng lập lại phần nào ý nghĩa đoạn thư trên qua hai câu Kiều: “Cảnh nào mà lại đeo sầu. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

11. Kết thúc, xin ghi lại lời dặn dò của Vị Giám Mục Giáo phận Long Xuyên, mà có lần bạn bè đã kể lại cho mình. Ngài dạy rằng: Một bài giảng hoặc bài chia sẻ lời Chúa hay nhất, là khi vị chủ tế hoặc vị hữu trách đọc lời Chúa xong, thì dựa vào Lời Chúa dạy trong đó, tự mình nói lên mình hiểu ra sao và trình bày lối sống của mình thế nào trước Chúa, nhân lúc có mặt giáo dân, để mọi người nghe thấy mà bắt chước. Chớ không phải là loại bài giảng hoặc chia sẻ: Anh chị em hãy làm theo lời tôi nói, nhưng đừng bắt chước việc tôi (Biệt Phái) làm. (Mt. 23). 

Rồi khi được ơn lành trọng đại trở thành người gieo giống Lời Chúa rồi, xin giúp con tìm ra ý Chúa hơn ý con. Không chế biến ý con ra ý Chúa. Không chất gánh nặng trên người khác mà chính con thì không dám mó tay vào. (id)

Sau hết, xin giúp con biết quí trọng Lời Chúa. Cố gắng đến với Chúa trong Thánh Kinh để đời con trở nên mảnh đất sinh hoa trái hữu ích cho con, cho người chung quanh và ít nhiều cho nước Chúa nữa.