Thông tin về tiến trình án tuyên thánh Cha PX. Trương Bửu Diệp | Đặc san “Như Thầy Yêu Thương” 6

2143

Thông tin lạc quan về tiến trình án tuyên thánh Cha PX. Trương Bửu Diệp

I. Giai đoạn cấp địa phận đã hoàn tất bằng nghi thức kết thúc, niêm phong hồ sơ và chuyển sang Rôma.

Lược qua chuyện cũ:

25.8.2011 Giám mục đương quyền địa phận Cần Thơ, Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên chấp nhận Linh mục Phêrô Trần Thế Tuyên làm Cáo Thỉnh viên. Thế là án Tuyên Thánh chính thức khai mở.

25.8.2011, Toà Giám mục Cần Thơ, bổ nhiệm Cáo Thỉnh viên và bắt đầu án tuyên thánh.
Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên tuyên thệ

5.1.2012 Toà án lo việc tuyên thánh cấp địa phận được thành lập và những thành viên, kể cả Đức Giám mục địa phận đã tuyên thệ thực hiện án tuyên thánh. Danh hiệu “đầy tớ Chúa” dành Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp đã chính thức ban hành trong toàn địa phận.

2012-2015 Các chuyên viên về lịch sử, chưởng lý, lục sự, chánh án… Cáo thỉnh viên… đã làm việc tích cực và đã điều tra 15 nhân chứng còn sống gọi là De Visu; 3 nhân chứng nghe biết (auditu) và công nhận đức hạnh của Đầy Tớ Chúa và rất nhiều nhân chứng nhận ơn lành, ơn lạ của Cha PX. Trương Bửu Diệp.

Hồ sơ đáng tin: Hồ sơ Chabalier, tức Đức Cha Chabalier, Giám mục Nam Vang, bao gồm cả Cần Thơ và khu Tây Nam bộ, tức Bạc Liêu, Cà Mau. Hồ sơ nầy do Cha Roland Jacques, tức Dương Hữu Nhân tìm thấy ở văn khố Hội Thừa Sai Paris. Hồ sơ được ghi lại dưới hình thức ngắn gọn theo kiểu nhật ký mục vụ. Đức Cha Chabalier viết: Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp là một linh mục thánh thiện, bị chém chết ngày 12.3.1946 vì ở lại với đàn chiên. Người chém: Anh lính người Nhật đào tẩu sau khi quân đội Nhật bị giải giáp năm 1945. (Hồ sơ Chabalier ở phần phụ trang) 

Nhân chứng sống có thế giá và rất đáng tin: (1) Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn, sinh năm 1934. Thân phụ mẫu là ông Sáu Hào và bà Sáu Quới. Chính Cha Diệp đến Hòa Thành, nhà bà Quới và bảo: “Cho thằng Mẫn học kinh giúp lễ và đi tu” (2) Lucia Huỳnh Thị Nghĩa đang sống ở San Jose, CA. USA.; (3) Maria Nguyễn Thị Nữ, nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng, đang hưu trí ở Cù Lao Giêng và (4) Carôla Võ Thị Ngọc Anh, hiện ở Sài Gòn… Đây là những đồng nhi hát, được Cha Diệp rửa tội và rất gần gũi với Cha… (5) Ba chị em: Trần Thị Hường, Trần Thị Phụng và Trần Thị Cảnh có mặt trong lẫm lúa, nơi Cha Diệp bị giam giữ… Hường, Phụng, Cảnh là con ông bà Trần Văn Năng. Ông bà Trần Văn Năng, mẹ ông Năng, anh Nghĩa và bé Cảnh, lúc đó 4 tuổi được rửa tội trước khi Cha ra đi lần cuối và bị chém chết.

Ông bà Trần Văn Năng, mẹ ông Năng, anh Nghĩa và bé Cảnh, lúc đó 4 tuổi được rửa tội trước khi Cha ra đi và bị giết.
Nhân chứng sống. Ba đồng nhi hát (từ trái qua): Bà Ngọc Anh, bà Nghĩa và Soeur Nữ
Ba chị em: Trần Thị Hường, Trần Thị Phụng và Trần Thị Cảnh có mặt trong lẫm lúa, nơi Cha Diệp bị giam giữ.

Yếu tố hy vọng được tuyên thánh: Cha PX. Trương Bửu Diệp hy vọng sẽ được tuyên thánh tử đạo vì ở lại và hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Rõ ràng là Cha Diệp giống như Chúa Kitô: Chết cho người khác sống! Ngài giống như Cha Maximilian Kolbe, dòng Phanxicô, người Ba Lan, chết thay cho ông Phanxicô năm 1941.

Kết thúc hồ sơ điều tra cấp giáo phận: Ngày 21.4.2017, Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên và 15 chuyên viên đặc trách thực hiện án tuyên thánh cấp giáo phận đã làm nghi thức kết thúc (Closing Ceremony), niêm phong hồ sơ đầy tớ Chúa, Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Hồ sơ tuyên thánh ngoài tiếng Việt, còn phải được dịch ra tiếng Anh và  tiếng Pháp… Giám mục địa phận, đóng ấn, niêm phong và trao cho sứ thần Toà Thánh, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli (Sứ thần Toà Thánh không thường trú cho Việt Nam từ 2011-2017) mang sang Bộ Tuyên Thánh ở Rôma ngày 30.5.2017.

Ơn Chúa: Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, một linh mục nhà quê ở miền Tây Nam bộ. Ngoài việc ký tên trên 10 quyển số rửa tội còn để lại (rửa tội 2000 người), Ngài không viết một trang sách nào, Ngài không nói điều gì cao siêu hay tri thức, người ta chỉ nhớ Ngài quả quyết là: Đàn chiên ở đâu, chủ chiên phải ở đó! Chỉ có vậy!… Nhưng đời sống đức hạnh cao độ và tinh thần truyền giáo không ai sánh bằng: Thường xuyên đến 8 họ lẻ dâng lễ Chúa nhật và sống thân tình, gần gủi với mọi người không phân biệt lương giáo. Không viết sách, không nói nhiều lại thành một lợi thế cho tiến trình… Bộ Tuyên thánh và các luật sư Toà Thánh, chưởng lý, lục sự của Toà Thánh không phải tốn công và mất giờ để phân tích thần học, tín lý trên văn bản để lại. Chúa thương kẻ hiền lành chất phác nhưng giàu lòng nhân ái từ tâm như Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp. Tạ ơn Chúa!

Nhà thờ Cồn Phước (hiện nay), quê hương Cha PX. Trương Bửu Diệp

Mời xem: Giai đoạn ở Rôma từ ngày 30.5.2017