Thánh Antôn Cả sửa lại câu chuyện những Dấu chân

489

Tri Khoan chuyển ngữ

https://lh5.googleusercontent.com/wa73kqwEiJ4lsgEuR3-mNFfZsPzUoeqI-dYyR5CuSm9kE4HMTVSqQouZEDC-v3cnv1hLgQwcv3blVGEqvMCFVfiXkg6ezV-euXyb-aK7fIZF_oS4OxF9F2Q1jfjMjq2aAuyUfhda=w640-h359
By Openfinal | Shutterstock

Tom Hoopes

17/01/22

Vị Ẩn tu Sa mạc vĩ đại đã có một ý tưởng khác về bài thơ nổi tiếng, từ thế kỷ thứ 3.

Thánh Antôn Cả không phải là Thánh Antôn mà chúng ta thường nghĩ đến. Ngài không phải là vị thánh người Ý được yêu mến, người tìm thấy những thứ bị mất và rao giảng cho các loài cá. Ngài là một ẩn sĩ Ai Cập vào thế kỷ thứ ba, người được coi là Cha đẻ của Đời sống Ẩn tu.

Nhưng có lẽ ngài có thể đưa ra một tuyên bố thậm chí còn được yêu mến hơn Thánh Antôn Padua. Có thể ngài là người đầu tiên truyền bá tình cảm mà chúng ta nghe thấy trong câu chuyện Những Dấu chân — phiên bản của ngài thậm chí còn mạnh mẽ hơn.

Bạn đã nhìn thấy những áp phích và thẻ ảnh Kitô giáo về “Những Dấu chân trên cát”.

Câu chuyện thay đổi theo các lần kể khác nhau, nhưng về cơ bản là như sau: Nếu bạn xem lại cuộc bộ hành của đời mình với Chúa Giêsu, được thể hiện bằng những dấu chân trên bãi biển, bạn sẽ rất vui khi thấy hai cặp dấu chân cạnh nhau: của Chúa Giêsu và của bạn. Nhưng rồi bạn có thể nhận thấy rằng vào những thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời, chỉ có một căp dấu chân duy nhất.

Bạn có thể đặt câu hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra? Thưa Chúa Giêsu, Người đã bỏ rơi con rồi sao?”

Trong một phiên bản nổi tiếng của bài thơ, Chúa Giêsu trả lời như sau: “Trong những lúc thử thách và đau khổ, / khi con chỉ nhìn thấy một cặp dấu chân, / chính lúc đó Ta đang bồng ẵm con.”

Phiên bản mà chúng ta biết có thể bắt nguồn từ những nhà thơ tôn giáo của thế kỷ 20, chẳng hạn Mary Stephenson hoặc Burrell Webb. Nhưng chi tiết truyền cảm này lâu đời hơn nhiều. Có thể là từ thời Thánh Antôn Cả.

Mọi chuyện bắt đầu khi một ngày nọ Thánh Antôn đi Lễ và nghe thấy trong Tin Mừng tiếng gọi của Đức Kitô hãy bỏ mọi thứ và đi theo Ngài.

Thánh Antôn đã áp dụng những lời đó cho bản thân, trao tặng tất cả những gì thánh nhân có cho người nghèo, và đi vào sa mạc để bắt đầu những cuộc chiến đấu đầy tính hùng ca với ma quỷ, ngài đã chiến đấu bằng cầu nguyện, ăn chay và bố thí.

Trong quyển sách Cuộc đời Thánh Antôn, Thánh Athanasius đã mô tả về vị siêu anh hùng đức tin này:

Thánh Antôn giữ cảnh giác đến mức ngài thường tiếp tục cả đêm không ngủ; và điều này không phải một lần mà là thường xuyên, trước sự kinh ngạc của những người khác. Mỗi ngày ngài ăn một bữa sau mặt trời lặn. … Lương thực của ngài chỉ là bánh mì và muối, thức uống của ngài chỉ là nước. … Một chiếc chiếu cói là thứ để ngài nằm ngủ trên đó, nhưng phần lớn ngài nằm trên mặt đất trống.

Những con quỷ không cho ngài nghỉ ngơi. “Thay đổi hình thức của sự dữ là dễ dàng đối với quỷ, vì thế trong đêm chúng đã làm một trận kinh hoàng đến nỗi cả chỗ đó dường như bị rung chuyển vì một trận động đất, và những con quỷ như thể phá vỡ bốn bức tường của nơi cư ngụ, dường như tiến vào xuyên qua những bức tường, tiến đến như những con dã thú và những thứ kinh dị,” Thánh Athanasius viết.

Cơn Cám dỗ của Thánh Antôn đã trở thành một chủ đề phổ biến trong nghệ thuật thời trung cổ, với một số kết quả kinh hoàng và kỳ lạ. Nhưng một điều mà Thánh Antôn luôn có thể cậy dựa vào là sự hiện diện của Chúa. Thánh Athanasius viết: “Thiên Chúa không quên cuộc chiến đấu của Thánh Antôn, nhưng luôn sẵn sàng trợ giúp ngài.”

Thánh Antôn thấy mình có thể trông cậy vào Chúa Giêsu. Cho đến khi thánh nhân phát hiện ra rằng ngài không thể.

Một đêm kia, Chúa Giêsu “vắng mặt” khi Thánh Antôn vật lộn với quỷ suốt đêm. Cuối cùng, sau nhiều giờ, Chúa Giêsu đã xuất hiện. “Những con quỷ đột nhiên biến mất và cơn đau trên thân thể thánh nhân ngay lập tức chấm dứt.”

Thánh Antôn hơi khó chịu. “Chúa đã ở đâu?” thánh nhân hỏi Chúa. “Tại sao Chúa không xuất hiện ngay từ đầu để làm cho cơn đau của con chấm dứt?”

Chúa Giêsu trả lời: “Antôn, Ta đã ở đây, nhưng Ta chờ xem cuộc chiến đấu của con. Ta sẽ luôn là một người trợ giúp cho con.”

Ở một khía cạnh nào đó, điều này ngược lại với câu chuyện Những Dấu chân.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói hãy nghĩ đến câu chuyện này của Thánh Antôn khi Chúa Giêsu dường như vắng mặt trong cuộc sống của bạn, và ghi nhớ.

Thiên Chúa luôn gần gũi. Có thể là khi đối mặt với sự buồn phiền hoặc một giai đoạn khó khăn, chúng ta nghĩ rằng chúng ta chỉ có một mình, ngay cả sau tất cả thời gian chúng ta ở cùng Chúa. Nhưng trong những giây phút đó, khi Người có thể không can thiệp ngay lập tức, Người đi bên cạnh chúng ta.

Nói cách khác, có thể câu chuyện là sai. Không phải Chúa Giêsu ở bên cạnh chúng ta, ngoại trừ trong những lúc khó khăn khi Ngài bồng ẵm chúng ta.

Trên thực tế, chỉ có một cặp dấu chân duy nhất trong suốt cuộc đời của chúng ta, vì Chúa Giêsu bồng ẵm chúng ta — qua các bí tích của Người, qua những người xung quanh chúng ta, và qua sự quan phòng mà Người phủ đầy trong cuộc sống của chúng ta.

Những lúc chúng ta nhìn thấy hai đôi dấu chân là những thời điểm khó khăn, khi Chúa Giêsu đặt chúng ta một mình trong một thời gian ngắn để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta rất cần Ngài.

Nhưng ngay cả trong những lúc đó, Ngài vẫn luôn luôn ở bên cạnh chúng ta.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/1/2022]