Vị lãnh đạo Công giáo Hy Lạp người Ukraine nêu chi tiết về phản ứng của Giáo hội đối với chiến tranh

549

Tri Khoan chuyển ngữ

https://lh3.googleusercontent.com/A8GNMOVpPXOEfqSvHdtIcRymNkorGprCrTmcUv415l5BJ6UkDl2-zQIQ5ehvzet1ou12j-q4vhraZzMMMw6MghBu27Zz62FWSwwM_1nVDNiE8EZIs0xaMa9k42Bt4HM6Me9cAKfd=w640-h359
Facebook I@kyivugcc

John Burger 

29/04/22 – updated on 04/29/22

Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk cho biết các linh mục và giám mục đã tìm cách cứu người ngay từ đầu cuộc xâm lược của Nga.

Vị đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine cho biết ngay từ đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Giáo hội Công giáo đã làm việc để cứu sống người dân ở những khu vực bị tấn công.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn New Voice of Ukraine của Ukraine, Đức Cha Sviatoslav Shevchuk, Tổng giám mục của Kyiv-Halych, đã trình bày chi tiết về những cách thức mà Giáo hội hỗ trợ người dân Ukraine trên khắp đất nước kể từ khi cuộc chiến bắt đầu ngày 24 tháng Hai.

Ngoài ra, Đức Tổng Giám mục Shevchuk đưa ra những nhận xét của ngài về khả năng của chuyến thăm Ukraine của Đức giáo hoàng, cảm nghĩ của ngài về quyết định đưa một người Ukraine và một người Nga cùng vác thánh giá trong Chặng đàng Thánh Giá thứ Sáu Tuần Thánh của Vatican, và con đường dẫn đến hòa giải.

“Khi những quả tên lửa đầu tiên rơi xuống Kyiv vào sáng ngày 24 tháng Hai, chị có biết chúng tôi ngay lập tức bắt tay làm việc gì không? Tất cả các giám mục, linh mục của chúng tôi, — dù ở Kyiv, Kharkiv, Chernihiv, Sumy, Odessa hay Zaporizhzhia — đều hối hả cứu sống con người”, Đức Cha Shevchuk nói với chị Natalia Rop, người phỏng vấn của NV. “Và mọi việc khác đều là thứ yếu trước mệnh lệnh này — cứu sống và thể hiện giá trị sự sống của con người.”

Đức Cha nói rằng Giáo hội đã xác định ba khu vực trong lãnh thổ Ukraine để giúp quyết định cách thức đáp ứng cho những nhu cầu của người dân trong các hoàn cảnh khác nhau: nơi có hoạt động thù địch, chẳng hạn như thủ đô Kyiv vào thời điểm đó; những nơi tiếp giáp với khu vực đang xảy ra giao tranh, và những khu vực yên bình hơn, chẳng hạn như miền trung và miền tây Ukraine.

Đức Cha nói, “Trong mỗi khu vực, chúng tôi có cách hành động khác nhau trong vai trò là Giáo hội. Trong khu vực chiến sự đang diễn ra, các giám mục và linh mục nhất trí quyết định ở lại với người dân của họ. Chúng tôi ở đó và giúp những người khác rời đi. Chúng tôi đã cố gắng thiết lập các hầm trú bom, cung cấp thức ăn cho người dân, cung cấp quần áo và hàng cứu trợ cần thiết”.

Đức Cha Shevchuk, người được cho là một trong số các nhà lãnh đạo Ukraine nằm trong “danh sách đối tượng thủ tiêu” của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã trải qua những tuần đầu tiên của cuộc chiến trong một ngôi nhà an toàn ở Kyiv, nhưng sau đó trở về nhà của ngài bên cạnh Nhà thờ Chánh tòa Phục sinh của Đức Kitô. Tầng hầm của nhà thờ được dùng làm nơi trú ẩn cho các gia đình trong khu vực.

Nhưng các nhân viên Giáo hội cũng giúp đỡ những người muốn rời khỏi khu vực họ sinh sống – với phương tiện vận chuyển, lời khuyên và những liên lạc – và sắp xếp việc vận chuyển hàng hóa nhân đạo đến các điểm nóng.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói: “Chúng tôi đã tạo ra các trung tâm hậu cần và trung tâm hỗ trợ người tị nạn trên đường.” Ngài nói rằng trong những tuần đầu của cuộc chiến, cách duy nhất để đi từ miền đông sang miền tây là theo một con đường quanh co cần 27 giờ lái xe từ Kyiv đến Lviv, thông thường là 5 hoặc 6 giờ lái xe. Tuy nhiên, ngài nói hàng triệu người đã thoát khỏi thủ đô và các khu vực khác theo tuyến đường này.

Đức Cha Shevchuk nói: “Hãy tưởng tượng lượng người khổng lồ trên tuyến đường suốt những ngày này. Và sau đó chúng tôi cố gắng giúp đổ xăng cho những chiếc xe, phát thức ăn cho những người đó, cung cấp quần áo ấm cho họ. Khi có người yêu cầu, chúng tôi tạo cơ hội để họ qua đêm”.

Đồng thời, Đức Cha cho biết, Giáo hội làm việc để vận chuyển hàng hóa nhân đạo từ miền tây sang miền đông. Ngài nói: “Đôi khi các tài xế không đủ can đảm để di chuyển sâu về phía đông. Họ đến các vùng phía nam Kyiv hoặc Zhytomyr hoặc Vinnytsia. Và sau đó cần phải chuyển hàng từ các xe tải lớn sang các xe nhỏ hơn và đưa chúng chạy theo những con đường nội đồng đến nơi đang cần đến chúng nhất.

“Đó là một công việc khổng lồ. Nhưng các trung tâm hậu cần như vậy đã hoạt động cho chúng tôi,” ngài nói. “Tôi đến thăm các trung tâm và rất ấn tượng trước sự khéo léo của các linh mục và tình nguyện viên của chúng tôi. Nếu không có các tình nguyện viên, và sự hưởng ứng tự phát của những người từ các giáo hội khác cùng tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội chúng ta, sẽ khó có thể thực hiện được tất cả những việc này”.

Trong khi đó, ở miền Tây Ukraine, đặc biệt là Lviv, các nhân viên Giáo hội đã giúp người tị nạn tìm được nơi trú ngụ và hỗ trợ cho cuộc sống hàng ngày.

Các cộng đoàn Công giáo dưới làn bom đạn

Đức Cha Shevchuk từ chối bình luận về tình hình của các cộng đoàn Công giáo Hy Lạp Ukraine trong những vùng lãnh thổ bị quân Nga chiếm đóng. Ngài nói, “Tốt hơn tôi không nên cho chị biết vì sự an toàn của những người đó. Nhưng tôi sẽ cho biết rằng chúng tôi cố gắng giữ liên lạc với tất cả các linh mục. Cảm tạ Chúa, mọi người đều còn sống. Chúng tôi đang tìm cách để giúp họ. Không ai rời khỏi nơi phục vụ của họ.

Đức Cha nói: “Tôi vô cùng đau lòng với Mariupol”, ngài đề cập đến thành phố cảng trên Biển Azov đã bị bao vây trong hai tháng và gần như đã bị phá hủy hoàn toàn. “Một linh mục của chúng tôi ở Mariupol là một trong những người cuối cùng rời đi theo hành lang nhân đạo. Và tuần trước, nhà Caritas của chúng tôi ở Mariupol đã bị bắn phá từ một chiếc xe tăng, và hai người đã chết. Nói cách khác, Caritas Ukraine, trong vai trò là một cơ quan viện trợ của Giáo hội, đã làm việc ở đó đến bước cuối cùng, ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt như vậy. Hiện tại, chúng tôi không có thông tin mới nhất. Tiền đồn của thừa tác vụ nhân đạo của Giáo hội có lẽ vẫn đang bị tê liệt. Nhưng chúng tôi cố gắng hết sức”.

Ngài nói về hai vùng lãnh thổ đã được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Nga, bao gồm Chernihiv, nơi các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế “sống liên tục dưới các cuộc oanh tạc cùng với người dân của chúng tôi,” và thành phố Slavutych, nơi một linh mục và vợ ông phải chịu đựng một sự thử thách vô cùng đau đớn, nhưng cuối cùng lại rất vui. Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói: “Tôi đã rất lo lắng cho vị linh mục, tôi cầu nguyện cho ngài. Có một thời điểm linh mục tìm cách đột phá đi từ Slavutych đến Kyiv cùng quân đội của chúng tôi để nhận viện trợ nhân đạo. Tôi đã thấy linh mục ở đây, trong Nhà thờ Chánh tòa Thượng phụ.

Đức Cha Shevchuk nói: “Linh mục nói rằng, thật không may ngài không còn khả năng nhanh chóng quay trở lại nữa, vì xe tăng Nga đã khóa chặt con đường mà linh mục đã đến. Vị linh mục đó được tháp tùng bởi một sĩ quan cấp cao, người mà tôi đã ngỏ lời, ‘Thưa sĩ quan, hãy cứu vị linh mục đó giúp tôi. Bởi vì chúng ta luôn có thể thay thế xe tăng và nhà cửa, nhưng tôi không bao giờ có thể thay thế một người như vậy.” Và sau đó bằng cách nào đó, họ đã quay trở lại và tiến vào thành phố bị bao vây. Người vợ đang mang thai của linh mục vẫn ở lại, trải qua thời gian đầu của cuộc chiếm đóng, và sau đó sinh đứa con thứ ba của họ trong một bệnh viện phụ sản tối tăm, lạnh lẽo dưới ánh sáng của nến. Nó giống như một mầu nhiệm Vượt qua. Có một thời điểm khi quân đội Nga vẫn đang tiến vào Slavutych. Tôi ngay lập tức gọi cho linh mục và hỏi, “Cha đang làm gì vậy?” Và linh mục nói: “Con đang đứng cùng với mọi người, cầm thánh giá đứng trước xe tăng của Nga.” Chị hãy thử tưởng tượng xem! Nước mắt tôi trào ra. Và Slavutych đã kiên trì”.

Phản ứng với tranh cãi

Đức Tổng Giám mục Shevchuk đã nói về quyết định gây tranh cãi của Vatican khi đưa một bài suy niệm do một phụ nữ người Ukraine và một phụ nữ Nga cùng viết trong buổi suy niệm Chặng đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh của Vatican. Đức Cha Shevchuk vào thời điểm đó đã chỉ trích chương trình, nói rằng các nhà lên chương trình đã không tính đến bối cảnh quân đội Nga tấn công Ukraine.

Ngài nói, “Chúng tôi đã truyền đạt ý tưởng đó [với Vatican] rất mạnh mẽ, để thay đổi điều gì đó. Một vài điều đã được thay đổi, những điều khác thì không.”

Hai người phụ nữ đã vác thánh giá trong đoàn rước Chặng đàng, nhưng bài suy niệm của họ không được đọc thành tiếng.

Phản ứng trước gợi ý cho rằng cử chỉ này là một nỗ lực thúc đẩy sự hòa giải giữa Nga và Ukraine, Đức Cha Shevchuk cho biết một số điều kiện phải được đáp ứng trước khi có thể tiến hành hòa giải. “Điều kiện đầu tiên là: anh phải ngừng việc giết hại chúng tôi,” ngài nói. “Chúng ta không thể nói về việc chữa lành vết thương trong khi kẻ thù vẫn đang liên tục làm bạn bị thương tổn. Để hòa giải, bạn phải còn sống. Đó là lý do tại sao tôi gọi ý tưởng này là ‘không đúng lúc’, không phải là xấu hay sai lầm, nhưng là không đúng lúc. Để đạt được sự hòa giải trong tương lai, tất cả chúng ta cần phải làm việc rất nhiều. Và cho đến khi điều này được thực hiện, thì vẫn chưa phải là lúc để thảo luận về các hành động hòa giải bằng lời nói hoặc được kịch hóa, đặc biệt là giữa người dân Ukraine và Nga.

Đức Tổng Giám mục tiếp tục: “Yếu tố thứ hai, nếu không có yếu tố này thì không thể bắt đầu tiến trình hòa giải, là lên án các hành vi tội ác, để tìm được công lý cho nạn nhân.

“Ví dụ, sự hòa giải giữa các dân tộc Ba Lan và Đức – được khởi xướng bởi các giám mục Công giáo vào những năm 1960 – sẽ không thể thực hiện được nếu các phiên tòa ở Nuremberg không diễn ra, và nếu hệ tư tưởng của chủ nghĩa Quốc xã không bị lên án. Trong hoàn cảnh của chúng tôi, bất kỳ cuộc đối thoại nào về sự hòa giải giữa người Ukraine và người Nga chỉ có thể diễn ra khi các phiên tòa Nuremberg được tiến hành đối với hệ tư tưởng giết người hiện nay, vốn đã được tuyên bố là trường hợp diệt chủng đối với người Ukraine bởi các ấn phẩm chính thức của Nga, bao gồm cả [hãng thông tấn nhà nước] RIA Novosti. Chúng ta không thể nói đến công lý nếu không có phiên tòa hình sự”.

Vị tổng giám mục cũng được đặt câu hỏi tại sao Đức Giáo hoàng Phanxicô dường như miễn cưỡng lên án Nga đích danh vì hành vi tấn công Ukraine.

Đức Cha Shevchuk lưu ý: “Khi chúng ta theo dõi những cách nói, ngôn ngữ và thuật ngữ riêng của Đức giáo hoàng từ khi bắt đầu cuộc chiến – thì đã có một sự tiến bộ nhất định. Và điều đó thật tốt. Tôi có thể nói rằng ngôn ngữ của ngài đã phát triển về phía Ukraine.”

Đức Cha giải thích rằng Tòa thánh đang “cố gắng duy trì vị thế đứng trên các bên xung đột, để sau đó có thể trở thành người trung gian hòa giải… Và ngày nay yếu tố này thường được sử dụng để cứu sống người Ukraine. Đặc biệt, khi có yêu cầu mở hành lang xanh cho cứu trợ nhân đạo”.

Đã có tin nói về một chuyến thăm Ukraine có thể có của Đức Giáo hoàng Phanxicô, người đã nói với các phóng viên trên chuyến bay từ Malta về Roma rằng ý tưởng này đang “ở trên bàn”.

Đức Cha Shevchuk nói: “Cả chúng tôi và chính phủ đều đang nỗ lực để chuyến thăm này diễn ra.”

Cuối cùng, Đức Cha đã trả lời câu hỏi của người phỏng vấn về tính hợp lệ của cảm giác thù hận và “khát khao trả thù” của người Ukraine đối với những gì nước Nga đã làm ở đất nước của họ, đặc biệt vì cả hai quốc gia đều có truyền thống mạnh mẽ của Chính thống giáo.

“Trong những trường hợp này, tôi đã trải qua một sự chuyển biến nhất định trong quan điểm của mình. Có lần, khi tôi là một giáo sư thần học luân lý và sống trong một thế giới của những ý tưởng đạo đức và tốt đẹp, tôi đã đánh giá một số điều theo cách khác,” ngài nói. “Có những nguyên tắc và chân lý là vĩnh cửu và không thể bị phủ nhận. Không có hoàn cảnh nào có thể lật ngược lại điều răn của Thiên Chúa, “Ngươi chớ giết người.”

“Tuy nhiên, khi tôi nhìn thấy Kyiv của chúng tôi bị đánh bom như thế nào, và sau đó đến thăm tất cả các thành phố và làng mạc khác được giải phóng thoát khỏi sự chiếm đóng, nó đã làm cho tôi khựng lại. Điều này thuộc về sự sống của những con người thật hơn là những ý tưởng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng con người là quan trọng hơn ý tưởng, và tuyên bố của ngài đã cho tôi sự can đảm. Tôi sẽ nói điều này: Phản ứng của một người đối với những trường hợp chiến tranh rõ ràng có thể là một sự tức giận.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng người Kitô giáo chúng ta có một nghĩa vụ đặc biệt (nhân tiện đây là một trong những quy tắc của chủ nghĩa khổ hạnh Kitô giáo): Biến cảm giác tức giận tự nhiên này trở thành lòng can đảm thông qua quyền năng của Thiên Chúa và lời cầu nguyện. Can đảm là một nhân đức lấy nguyên liệu thô của sự tức giận của chúng ta và biến đổi nó. Và tôi cầu nguyện cách thiết tha rằng trong niềm tin này của chúng ta, khi chứng kiến những tội ác này, chúng ta sẽ biến sự tức giận thuần túy của con người thành cơn thịnh nộ chính đáng, sẽ liên tục đánh động lương tâm của chúng ta, không cho phép chúng ta quên, không cho chúng ta quyền im lặng, không cho chúng ta quyền ngồi thụ động trong giây lát.

Ngài nói: “Chúng ta phải can đảm, kiên cường và tiến tới chiến thắng. Và tôi mong ước điều này cho tất cả chúng ta.”

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/5/2022]