Nhật báo Vatican tố cáo sự khai thác các nữ tu trong Giáo hội

1228

by phanxicovn

la-croix.com, Marie Malzac, 2018-03-02

Trong một bài báo dài đăng vào ngày thứ sáu 2 tháng 3-2018, báo L’Osservatore Romano lên tiếng cảnh cáo nạn làm việc “gần như không công” của các nữ tu phục vụ các giám mục và hồng y.

Trong một bài báo dài trên phụ trang dành cho phụ nữ tháng 3 của báo L’Osservatore Romano, nữ tu Cécile (tên giả) xác nhận: “Các nữ tu bị xem như những người tình nguyện làm việc bất cứ đâu họ được cắt cử, đúng là các hình thức lợi dụng quyền lực, nhất là từ cấp cao trong giáo hội”.

Một cách khác thường, “nhật báo Vatican” trực tiếp nói đến một vấn đề đang xảy ra ở một phần Giáo hội, tờ báo tố cáo “việc làm gần như không công” của rất nhiều nữ tu, họ “làm việc nhà trong tình trạng ít được công nhận”, họ phục vụ “các giám mục, các hồng y, làm việc ở nhà bếp các cơ sở tôn giáo hay trong việc dạy giáo lý, dạy học”. Họ không có giờ làm việc cố định, với tiền công tối thiểu, thậm chí còn không có.

Một chứng từ khác trong bài báo này là của nữ tu Maria, nữ tu lấy làm tiếc các nữ tu “rất hiếm khi được ngồi cùng bàn với những người họ phục vụ”.

Nữ tu Maria tự hỏi: “Một giáo sĩ có thể nào ngồi ăn mà để nữ tu phục vụ mình ngồi ăn một mình trong bếp không? Có bình thường khi một nam tu sĩ thánh hiến để cho một nữ tu sĩ thánh hiến phục vụ mình không?”

Xơ Maria ở Phi châu, xơ đến Rôma từ hơn hai mươi năm nay, xơ nhận xét: “Thêm nữa, các tu sĩ làm việc nhà thường là phụ nữ. Đời sống thánh hiến của chúng tôi có tương đương với đời sống thánh hiến của họ không?” 

Một trách nhiệm “cùng liên đới chịu”

Các nữ tu khẳng định, hậu quả về mặt tâm lý rất quan trọng: “Nổi loạn bên trong, bất mãn – có khi phải dùng thuốc – sợ phải nói ra”.

Với các nữ tu đến từ Phi châu, Á châu hay Châu Mỹ La Tinh, câu chuyện cá nhân của họ có thể rất “phức tạp”. Vì, các gia đình các xơ có thể hưởng được sự giúp đỡ của Dòng của họ: “Mẹ đau chi phí săn sóc được nhà Dòng trả, một người anh được đi du học Âu châu nhờ bề trên giúp”… Các xơ cảm thấy mình mắc nợ, mình liên hệ nên họ giữ thinh lặng”.

Bài báo viết tiếp, “trách nhiệm” trong những tình trạng như vậy thường không hẳn chỉ phía nam, nhưng thường ở cả phía bên kia. Nữ tu Maria kể câu chuyện của một viện trưởng viện đại học muốn một nữ tu theo học thần học vì xơ này rất xuất sắc, nhưng bị bề trên của xơ chống đối.

Theo nữ tu Véronique Margron, thuộc Dòng Đa Minh, nhà thần học về đạo đức, chủ tịch Hội đồng các tu sĩ nam nữ Pháp (Corref) thì các cách làm việc này “may thay không thịnh hành ở Pháp, nếu có thì cũng là một số bên lề”. Nhưng các nữ tu này sống ở nước ngoài và theo xơ thì đây là vết tích “của một thế giới đang tan rã”.

“Họ còn phân biệt đối xử”

Theo nữ tu Véronique Margron thì sự việc báo L’Osservatore Romano quyết định xử lý vấn đề này là “tích cực”: “Giáo hội tố cáo chính các việc của mình, đó là điều quan trọng”. Vì đây là dịp để hệ thống thứ trật nam giới trong Giáo hội suy tư về quyền lực trong Giáo hội. Nhưng thật “không đúng” khi các chứng nhân của bài báo này phải làm chứng với tư cách “ẩn danh”.

Cũng theo xơ Véronique Margron, xơ tỏ ra nghiêm khắc với các bề trên đã để cho tình trạng này xảy ra, như thế có nghĩa “các nữ tu sợ, và như thế họ ở trong một tình trạng tế nhị và cay đắng của áp lực, của đặc lợi…”.

Đối với xơ Margron, vấn đề vượt lên tương quan đàn ông-phụ nữ.  Xơ nhấn mạnh: “Có sự giảm phẩm giá của các nữ tu từ phía Nam thế giới đến trong vụ việc này. Họ còn phân biệt đối xử”. Trong khi đời sống tôn giáo lại đi ngược với vấn đề này vì đời sống tôn giáo thường được xây dựng trên “các tương quan hỗ tương,  bình đẳng: chúng ta tất cả là anh chị em với nhau”.

Ngược với các vị tiền nhiệm của mình, Đức Phanxicô ở Nhà Thánh Marta, một nhà được điều hành như một khách sạn, nhân viên làm việc ở đây có lương. Trong triều giáo hoàng của mình, Đức Gioan-Phaolô II có năm nữ tu người Ba Lan phục vụ cho ngài ở Dinh Tông Tòa. Còn Đức Bênêđictô XVI thì cũng có các nữ tu phục vụ cho ngài ở tu viện Mẹ Giáo hội.

Bài báo của L’Osservatore Romano không phải không có tiếng vang cho  một tác phẩm sắp xuất bản ở Tây Ban Nha, và được Đức Phanxicô viết lời tựa. Quyển sách có tựa Mười chuyện Đức Phanxicô đề nghị với phụ nữ (Dix choses que le pape François propose aux femmes), tác giả là bà Maria Teresa Compte, giám đốc lớp Cao học về giáo huấn xã hội của Giáo hội ở Đại học giáo hoàng Salamanque, bà đào sâu chủ đề vai trò phụ nữ trong Giáo hội và trong xã hội. Trong lời tựa, Đức Phanxicô khẳng định: “Tôi quan tâm đến việc làm thế nào, kể cả trong Giáo hội, để vai trò phục vụ mà mọi kitô hữu được kêu gọi, đôi khi lại trệch hướng trong trường hợp của phụ nữ, để phụ nữ có các vai trò được nâng cao, hơn là ở trong thân phận lệ thuộc nô lệ”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch