Người đăng: Giáo hội Công giáo News vào tháng 1 19, 2021
Meg Hunter-Kilmer 09/01/21
Những người nam và nữ này tìm được sự nên thánh ngay cả khi thế giới dường như đang sụp đổ xung quanh họ.
Sau một năm bấp bênh, sợ hãi và đau khổ trên phạm vi toàn cầu, nhiều người trong chúng ta đang đếm ngược từng tháng cho đến năm 2021 với hy vọng rằng năm dương lịch mới sẽ chấm dứt “những thời gian chưa từng có” mà chúng ta đã phải chịu đựng từ tháng Ba. Nhưng cuối năm 2020 đã không xóa được đại dịch, khôi phục nền kinh tế toàn cầu, hoặc giải quyết tình trạng hỗn loạn chính trị của bất kỳ quốc gia nào. May mắn thay, chúng ta biết rằng các vị thánh được rèn giũa trong những thời gian bất ổn, có lẽ còn sẵn sàng hơn cả trong thời gian ổn định. Khi chúng ta tìm cách nên thánh trong một thế giới đầy biến động, chúng ta hãy nhìn vào những vị đã đi trước, những người đã tìm thấy sự nên thánh ngay cả khi thế giới dường như đang sụp đổ xung quanh họ.
Chân phước Jacques Jules Bonnaud (1741-1792) sinh ra ở Haiti nhưng được gửi sang Pháp khi còn nhỏ để tránh những khó khăn mà làn da ngăm đen của ngài mang đến cho ngài khi còn là một cậu bé mang hai chủng tộc ở châu Mỹ. Tại Pháp, cậu được dạy bởi các tu sĩ Dòng Tên và sớm gia nhập Dòng. Khi cậu còn đang trong thời gian đào tạo, dòng Tên bị giải thể ở Pháp và Bonnaud buộc phải tìm một con đường khác để theo đuổi ơn gọi của mình trong một chủng viện của giáo phận. Sau khi được truyền chức, cha Bonnaud sống theo luật Dòng Tên hết mức có thể khi làm linh mục tại Tổng Giáo phận Paris; sau đó ngài trở thành tổng đại diện của Lyon trong ít năm, khi Cách mạng Pháp làm rung chuyển đất nước. Cuối cùng ngài chịu tử vì đạo vì từ chối thề trung thành với nhà nước.
Chân phước Catherine Jarrige (1754-1836) là một nông dân Pháp đã cố gắng đánh bại tính tinh nghịch của mình sau khi trở thành một thành viên dòng Ba Đa Minh. Tuy nhiên, khi cuộc Cách mạng nổ ra, chân phước phát hiện ra rằng Chúa đã khiến chân phước có tính cách đó là có chủ ý. Chân phước đã dành thời gian khủng hoảng để lén lút đưa các linh mục từ nơi này sang nơi khác, bảo đảm rằng không có em bé nào chưa được rửa tội và không ai chết khi không được lãnh các Bí tích. Chân phước đã trêu chọc và đánh lạc hướng những người cách mạng, sử dụng tài diễn xuất châm biếm và ứng biến để cứu những mạng sống. Sau Cách mạng, chân phước trở lại cuộc sống bình lặng hơn để đi xin ăn cho người nghèo, nhưng vẫn giữ được danh tiếng là anh hùng của người Công giáo địa phương.
Bậc Đáng kính Felix Varela y Morales (1788-1853) là một linh mục và chính khách người Cuba, một giáo sư chủng viện có những đóng góp tri thức cho Cuba quá lớn đến mức cha thường được gọi là “người đã dạy chúng tôi cách suy nghĩ”. Khi được cử làm đại diện đến Quốc hội Tây Ban Nha, Cha Varela đã nhân cơ hội đó để lên tiếng ủng hộ việc xóa bỏ chế độ nô lệ và tự do của các thuộc địa Tây Ban Nha. Cha nhận bản án tử hình vì rắc rối của mình, nhưng đã trốn đến New York. Ở đó, cha dành phần còn lại của cuộc sống lưu vong, phục vụ các cộng đồng nhập cư (đặc biệt là người Ireland) và làm việc để thành lập Giáo hội Công giáo ở Mỹ dẫn đầu trong việc hỗ trợ người nhập cư.
Thánh Zygmunt Szcesny Felinski (1822-1895) sinh trong một gia đình Ba Lan kiêu hãnh vào thời Ba Lan chưa có độc lập. Phụ thân mất khi cậu 11 tuổi; năm 18 tuổi, thân mẫu bị đày đến Siberia vì tình cảm thân Ba Lan. Bản thân Zygmunt đã tham gia vào một cuộc cách mạng thất bại trước khi trở thành linh mục giáo phận. Ngài được phong làm tổng giám mục của Warsaw trong khi thành phố bị người Nga bao vây, nhưng phục vụ ở Warsaw chỉ được 16 tháng trước khi bị đày đến Siberia suốt 20 năm. Ngài Tổng giám mục Felinski trải qua phần đời còn lại của mình sống lưu vong ở Ukraine hiện đại.
Thánh Rafael Guízar y Valencia (1878-1938) không biết về sự biến động đang chờ đợi ngài khi thụ phong linh mục ở Mexico năm 23 tuổi. Trong cuộc Cách mạng Mexico, ngài bị buộc phải ẩn náu, sống như một linh mục bí mật trước khi chạy trốn sang Hoa Kỳ, Guatemala và Cuba. Sau những năm sống lưu vong, ngài được phong làm giám mục Veracruz và trở về Mexico. Ngay cả khi đó, ngài vẫn không được an toàn, trải qua một nửa thời gian trong 18 năm làm giám mục của mình sống lưu vong hoặc ở ẩn náu.
Chân phước Natalia Tulasiewicz (1906-1945) là một nhà thơ, một nghệ sĩ vĩ cầm, một giáo viên trung học mắc bệnh lao và ước mơ có bằng Tiến sĩ. Nhưng khi Đức xâm lược Ba Lan, Natalia trở thành một thành viên của cuộc kháng chiến, bí mật dạy văn hóa Ba Lan trước khi lén đến một nhà máy của Đức để mang lại niềm tin và hy vọng cho những phụ nữ Ba Lan bị buộc phải làm việc ở đó. Đức Quốc xã cuối cùng đã bắt gặp luồng gió của các buổi cầu nguyện và tĩnh tâm mà Natalia đang điều khiển và đưa chân phước đến một trại tập trung, nơi chân phước tiếp tục hoạt động như một ngọn hải đăng của hy vọng và một tông đồ cho trại tập trung Ravensbrück cho đến khi chân phước bị giết trong một phòng hơi ngạt.
Bậc Đáng kính PX. Nguyễn Văn Thuận (1928-2002) được tấn phong Tổng giám mục Sài Gòn năm 47 tuổi — một tuần trước khi Sài Gòn thất thủ trước lực lượng cộng sản. Vài tháng sau, ngài bị bắt và bị đưa vào trại giam của cộng sản suốt 13 năm, trong đó 9 năm ngài bị biệt giam. Trong thời gian đó, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận đã rao giảng phúc âm cho những người gác tù, cử hành thánh lễ với bàn tay như một chén thánh, và lén truyền đi những thông điệp hy vọng cho giáo dân của ngài. Cuối cùng ngài được tự do nhưng phải lưu vong trong 11 năm cuối đời.
Tôi tớ Chúa Ragheed Aziz Ganni (1972-2007) là một linh mục trẻ nổi tiếng, người chơi bóng đá và thuyết trình tại các đại hội giới trẻ. Ông đã dành chức tư tế để lấy lại tinh thần cho người dân của ngài khi đứng trước các cuộc tấn công khủng bố liên tục nhằm vào các tín hữu Kitô giáo ở quê hương Mosul của ngài. Giáo xứ của cha Ganni đã bị tấn công ít nhất 10 lần, nhưng ngài không sống trong nỗi sợ hãi, nói rằng, “Không có Thánh Lễ Chúa nhật, chúng ta không thể sống.” Ngài đã bị quân khủng bố giết vì từ chối đóng cửa nhà thờ sau khi chúng đe dọa.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/1/2021]