Tuyên bố của tổ chức Bác ái Công giáo ACN Quốc tế về việc chuyển Hagia Sophia thành đền thờ Hồi giáo

728

‘ACN xem việc chuyển đổi Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi giáo với mối quan ngại sâu sắc’

Chủ tịch Điều hành ACN Quốc tế, Tiến sĩ Thomas Heine-Geldern.

24 tháng Bảy, 2020 16:00
ZENIT STAFF

Chủ tịch điều hành của ACN Quốc tế, Tiến sĩ Thomas Heine-Geldern, đã đưa ra tuyên bố dưới đây liên quan đến quyết định của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho phép đền Hagia Sophia ở Istanbul được sử dụng làm đền thờ Hồi giáo:

“ACN xem việc chuyển đổi Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi giáo với mối quan ngại sâu sắc. Một lần nữa, một vấn đề tôn giáo đang được khai thác cho mục đích củng cố quyền lực chính trị trong nước. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan rõ ràng đang cố gắng cải thiện danh tiếng cá nhân của mình bằng biện pháp này, là biện pháp vốn bị chỉ trích rộng rãi trên toàn thế giới, đồng thời chuyển hướng sự chú ý thoát khỏi các vấn đề nội bộ của đất nước.

ACN hoàn toàn hiểu được sự tổn thương mà biện pháp này đã khơi lên giữa những người Kitô hữu sống ở Thổ Nhĩ Kỳ và khắp Trung Đông. Nó chỉ làm tăng thêm sự yếu thế và bất lợi hiện nay của các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số khác trong toàn khu vực. Bất chấp những phản đối chống lại, và như vậy bất chấp các quy định rõ ràng của hiến pháp, các nhóm thiểu số này thường bị coi là công dân hạng hai và ngày càng bị ngấm ngầm phá hoại về cội nguồn và bản sắc của họ.

Đồng thời, ACN nhìn đến phản ứng tiêu cực của nhiều quốc gia và chính trị gia liên quan đến quyết định này với một chút hoài nghi. Mặc dù đã có làn sóng phẫn nộ lớn đối với việc tái chuyển đổi mục đích của một cơ sở thuộc tôn giáo, nhưng trong một số trường hợp, các hành vi bạo lực và phân biệt đối xử được nhà nước hậu thuẫn chống lại người Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số khác ở nhiều nước trên thế giới thường có rất ít hoặc không có phản ứng.

ACN một lần nữa nhắc lại rằng quyền tự do tôn giáo trọn vẹn của con người gắn liền với phẩm giá không thể tách rời của nhân vị, do đó, tổ chức kêu gọi tất cả các chính phủ quốc gia, và các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, tích cực bảo vệ quyền này.

ACN cũng lên án các hình thức chủ nghĩa dân tộc cực đoan ngày càng tăng mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, thường được thúc đẩy bởi các hệ tư tưởng tôn giáo nào đó. Từ đó dẫn đến kết quả là những thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số ở các quốc gia này thường bị coi là người xa lạ và như kẻ thù, ngay cả khi tổ tiên của họ đã sống ở những vùng đất này từ rất lâu trước khi những người hiện chiếm đa số nắm quyền trên của họ.

ACN đặc biệt kêu gọi các quốc gia phương Tây rút ra bài học từ lịch sử Trung Đông trong thế kỷ 20 và không giữ im lặng trước sự phá hủy quyền sống căn bản của các nhóm thiểu số, cho dù ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan hoặc những nơi khác. So với sự đàn áp đẫm máu thường xuyên này, việc tái chuyển đổi mục đích của cơ sở tôn giáo quan trọng này là một vấn đề tương đối nhỏ, những tác động cụ thể vẫn chưa được biết.”

*********

ACN là một tổ chức bác ái mục vụ Công giáo quốc tế và là tổ chức giáo hoàng, hỗ trợ các tín hữu ở bất cứ nơi nào bị bắt bớ, bị áp bức hoặc thiếu thốn. Hiện nay, tổ chức bác ái cung cấp sự hỗ trợ tại hơn 140 quốc gia, thông qua thông tin, cầu nguyện và các dự án hỗ trợ vật chất, bất cứ nơi nào Giáo hội Công giáo bị đàn áp hoặc thiếu các nguồn lực vật chất cho sứ mệnh mục vụ của mình.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/7/2020]