Những suy tư của hồng y Giorgio Marengo, giám quản Tông tòa Mông Cổ

156

Lời chứng của hồng y trẻ nhất thế giới nói về Giáo hội Công giáo ở một đất nước Phật giáo

Hồng y Giorgio Marengo (bên trái) và các giáo dân tập trung bên ngoài Phủ Tông tòa ở Quận Kahn Uul, thủ đô Mông Cổ để chào Đức Phanxicô. Trong thời gian ở Mông Cổ, Đức Phanxicô lưu trú ở đây.

fr.zenit.org, Ban biên tập, 2023-09-01

Hồng y Giorgio Marengo nói về các khía cạnh khác nhau của Giáo hội và mối quan hệ của Giáo hội với chính quyền và công việc của Giáo hội công giáo trong nước.

Đức Phanxicô đến thăm một đất nước có đa số người dân theo phật giáo, một lãnh thổ rộng lớn, nằm giữa biên giới hai nước Nga và Trung quốc. Một số người đã xem hai biên giới này là lý do thực sự để Đức Phanxicô đến thăm một trong những cộng đồng công giáo nhỏ nhất thế giới.

Nhưng Giáo hội công giáo sống ở Mông Cổ như thế nào? Hồng y Marengo giải thích.

Về mối quan hệ của Giáo hội với chính quyền, ngài nói: “Ngay từ đầu mối quan hệ này đã tốt và chúng tôi tiếp tục vun trồng qua đối thoại với chính quyền ở cấp địa phương và quốc gia, đặc biệt là khi phải giải thích Giáo hội công giáo là gì, để tránh một số đơn giản hóa nào đó, với một di sản của chủ nghĩa xã hội, vẫn còn một ngờ vực nào đó với tôn giáo. Mặt khác, chúng tôi muốn cho biết, chúng tôi là những người đối thoại đáng tin cậy của nhà nước chứ không phải là mối đe dọa. Chúng tôi dựa vào điều này dựa trên vẻ đẹp quá khứ của Mông Cổ: dù vào thời kỳ đế chế của hoàng đế Thành Cát Tư Hãn thành lập năm 1206, đã có một khoan dung nào đó với những người theo kitô giáo phái Nestôriô. Linh mục Dòng Phanxicô Giovanni da Pian del Carpine là người phương Tây đầu tiên đặt chân đến thủ đô Karakorum: một sự thật được biết đến trong thế giới văn hóa, được các nhà sử học và khảo cổ học biết đến, nhưng không ở mức độ “kiến thức phổ thông.

Hồng y Marengo không phải là người Mông Cổ, ngài là người Ý và ngài phục vụ người dân địa phương. Khi được hỏi điều gì làm cho ngài có ấn tượng với người Mông Cổ, ngài trả lời: “Họ là những người mang trong mình sự phong phú nhân bản,một văn hóa và một chiều sâu thiêng liêng. Tôi vô cùng ngưỡng mộ sự kiên cường của người Mông Cổ, họ đã quen việc chống chọi với nhiều thái cực, về khí hậu và địa lý: họ đã thấm nhuần khả năng này để chống chọi với những cú sốc của cuộc đời và đã có một minh triết cao cả, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và họ có một nhạy cảm rõ rệt với tôn giáo.”

Như chúng tôi đã nói, Mông Cổ là đất nước chỉ có hơn ba triệu dân, với đa số là phật tử, dù có nhiều người theo đạo saman. Và ngài nói về đời sống thiêng liêng của người Mông Cổ: “Được hình thành bởi đạo phật và saman, với một loạt biểu tượng, nghệ thuật tượng hình, một di sản âm nhạc mà bảy mươi năm chủ nghĩa cộng sản cứng nhắc đã không thể xóa được. Dù không bằng bạo lực: Mông Cổ là quốc gia phật giáo có số lượng người tử đạo lớn nhất, khoảng mười lăm ngàn tu sĩ đã bị tàn sát trong các cuộc thanh trừng khủng khiếp của xã hội chủ nghĩa. Nói chung, với người Mông Cổ, cuộc sống không thể chỉ được giải thích theo nghĩa “nhìn thấy được, sờ thấy được và tính toán được.”

Tập trung vào khuôn mặt của Giáo hội Mông Cổ, hồng y Marengo cho biết: “Vẻ đẹp của Mông Cổ là sự tươi mới của đức tin: giáo dân, dù thế hệ thứ nhất hay thứ hai, đều đón nhận Lời Chúa và chân thành tìm cách sống trong ánh sáng của Chúa. Đức Phanxicô khi nói chuyện với các giám mục Trung Á, ngài dùng hình ảnh ‘cây non trên thảo nguyên’. Một Giáo hội non trẻ đòi hỏi chúng ta, những nhà truyền giáo, phải quan tâm đặc biệt, phải có một dấn thân, một chiều sâu.”

Dù một cộng đồng công giáo nhỏ nhưng phải đối thoại với phật giáo. Ngài nói: “Có nhiều không gian cho cuộc đối thoại giữa người công giáo và phật tử. Giám mục Wenceslao Padilla đầu tiên của chúng tôi đã cam kết thực hiện điều này, và với các nhà truyền giáo chúng tôi, đối thoại là một trong những khía cạnh trọng tâm trong sự hiện diện của chúng tôi. Ngoài ra, trong những năm gần đây, tôi đã thấy có sự phát triển trong các mối quan hệ chính thức: ngày nay có một nhóm liên tôn giáo bao gồm người công giáo, tin lành, mormon, phật tử, hồi giáo, bà-hai và một đại diện của do thái giáo. Với phật giáo, đã có một đường hướng đặc quyền tiếp tục tồn tại, bằng chứng là chuyến đi chính thức của một đại diện Mông Cổ đến Vatican năm ngoái.”

Cuối cùng, về việc truyền giáo, hồng y giải thích: “70% hoạt động của Giáo hội là công tác xã hội, nhưng qua việc quan tâm đến người anh em theo tinh thần Tin Mừng, nghĩa là với lòng quảng đại, chúng tôi cố gắng nhập thể thông điệp của Chúa Giêsu, để mọi người nhận ra Ngài. Còn việc đưa thông điệp vào văn hóa địa phương, ngài nói, vếc-tơ đầu tiên là ngôn ngữ, được dùng trong các buổi lễ. Sau đó chúng tôi trải nghiệm qua các thời điểm quan trọng khác trong cuộc sống như ngày sinh, ngày chết, cố gắng gom các yếu tố truyền thống vào phụng vụ, với sự giúp đỡ của các tín hữu Mông Cổ. Chúng tôi cũng đang xem lại âm nhạc với các nhạc cụ địa phương. Và những ví dụ về sự cởi mở với văn hóa bản địa là rất nhiều.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch