Tiếp kiến chung: Điều Răn thứ Tư Thảo Kính Cha Mẹ

1584

‘Thảo kính cha mẹ: Các ngài đã cho chúng ta sự sống!’

19 tháng Chín, 2018 14:47
ZENIT STAFF

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 trong Quảng trường Thánh Phêrô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về Các Điều Răn, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về: Thảo kính cha mẹ (Trích Sách Thánh: Thư Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Ê-phê-sô, 6:1-4).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Trong hành trình đi qua Mười Điều Răn, hôm nay chúng ta đến với Điều Răn về Cha Mẹ. Nó nói về sự thảo kính đối với cha mẹ. Vậy “thảo kính” là gì? Tiếng Hê-brơ ngụ ý nói về sự kính trọng, về giá trị, theo nghĩa đen đó là “trọng lượng,” sự kiên định của một thực tại. Nó không phải là một vấn đề của các hình thức bên ngoài nhưng là của chân lý. Trong các sách Thánh, tôn vinh Thiên Chúa có nghĩa là chân nhận thực tại của Người, xem sự hiện diện của Người là vô cùng quan trọng. Điều này cũng được diễn tả qua những nghi thức, nhưng trên hết nó ngụ ý là đưa Thiên Chúa vào đúng vị trí trong cuộc sống của con người. Vì thế, thảo kính cha mẹ có nghĩa là chân nhận tầm quan trọng của các ngài cũng phải bằng những hành động cụ thể, những hành động bày tỏ sự dâng hiến, sự thương mến và chăm sóc. Tuy nhiên, cũng không phải chỉ có vậy.

Điều Răn thứ Tư có một ý nghĩa đặc biệt: Đó là Điều Răn dẫn đến một kết quả chung cuộc. Thật vậy, điều răn nói: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi” (Đnl 5:16). Thờ cha kính mẹ sẽ làm cho con người sống lâu hơn. Từ ngữ “hạnh phúc” trong Mười Điều Răn chỉ xuất hiện khi nói đến mối quan hệ với cha mẹ.

Sự thông thái rất xa xưa này đã nói đến những gì mà các môn khoa học của con người có thể nghiên cứu tỷ mỷ chỉ mới hơn một thế kỷ trước: Đó là những dấu vết in vào tuổi thơ sẽ tồn tại suốt đời. Thường có thể dễ dàng biết được một con người đã lớn lên trong một môi trường lành mạnh và ổn định, và tương tự như vậy chúng ta có thể nhận biết được một người đã phải trải qua những kinh nghiệm bị ruồng bỏ hoặc bạo lực. Tuổi thơ của chúng ta một phần nào đó giống như loại mực không thể tẩy xóa; nó được thể hiện qua những đặc điểm tâm lý, qua những cách sống, ngay cả đối với một số người cố tình che giấu những vết thương trong quá khứ của họ.

Nhưng Điều Răn thứ Tư nói còn mạnh hơn thế. Nó không nói đến sự tốt lành của cha mẹ; nó không đòi hỏi cha mẹ phải là người hoàn hảo. Nó nói đến hành động của con cái, bất kể phẩm hạnh của cha mẹ như thế nào, và nó nói đến một điều phi thường và sự tự do: Cho dù không phải tất cả mọi người cha mẹ đều là tốt lành và không phải tất cả mọi người con đều được bình yên, nhưng con cái có thể được hạnh phúc, vì một đời sống trọn vẹn và hạnh phúc tùy thuộc vào sự chân nhận đúng giá trị của những đấng bậc đã đem chúng ta vào thế giới này.

Chúng ta hãy nghĩ đến Lời Giáo huấn này đã giúp cho không biết bao nhiêu người trẻ với lịch sử đau thương của bản thân, và cho tất cả những người đã chịu đau khổ trong thời niên thiếu. Nhiều thánh nhân – và rất nhiều người Kitô hữu – đã sống cuộc đời tỏa sáng sau một tuổi thơ đau buồn. Nhờ Đức Giêsu Kitô, họ đã được hòa giải với cuộc sống. Chúng ta hãy nghĩ đến bạn trẻ Sulprizio, hôm nay còn là Chân Phước và tháng tới được tuyên phong Thánh, người đã kết thúc cuộc đời năm 19 tuổi và vui vẻ cam chịu nhiều sự đau khổ, rất nhiều điều, vì tâm hồn của Chân phước ngập tràn bình an và ngài không bao giờ từ bỏ cha mẹ của ngài. Chúng ta hãy nhớ đến Thánh Camillus of Lellis, ngài với một tuổi thơ đầy phong ba đã xây dựng một cuộc sống yêu thương và phục vụ; Thánh Josephine Bakhita, người đã lớn lên trong thân phận nô lệ rất tồi tệ; hoặc Chân phước Carlo Gnocchi, một đứa con mồ côi và nghèo hèn, và chính Đức Gioan Phaolo II, in dấu sự mất mát thân mẫu từ tuổi thơ.

Cho dù một người có thể mang dấu ấn lịch sử như thế nào đi nữa, qua Điều Răn này con người nhận được hướng chỉ dẫn về với Đức Kitô: Quả thật, Chúa Cha được tỏ lộ qua Người, Đấng giúp chúng ta “được tái sinh bởi ơn trên” (x. Ga 3:3-8). Những khốn khó trong cuộc sống của chúng ta trở nên sáng tỏ khi chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa luôn luôn chuẩn bị cho chúng ta một đời sống làm con cái của Người, một đời sống mà mỗi hành động đều mang một sứ mạng đón nhận từ nơi Người.

Những vết thương của chúng ta bắt đầu trở thành tiềm thể tính khi nhờ ơn sủng chúng ta khám phá ra rằng nỗi khốn khó thật sự khi đó không còn là “tại sao?” nhưng là chuyện này xảy đến với tôi “cho ai?” Thiên Chúa trui rèn tôi như thế nào qua lịch sử của tôi? Đến lúc này mọi chuyện sẽ đảo ngược, mọi việc sẽ trở nên giá trị; mọi việc đều mang tính xây dựng. Kinh nghiệm của tôi, cũng buồn bã và đau khổ, nhưng dưới ánh sáng của tình yêu, bằng cách nào để nó biến thành cho người khác, cho Đấng là nguồn mạch của ơn cứu độ? Rồi như thế chúng ta có thể thảo hiếu với cha mẹ bằng sự tự do và trưởng thành của người con và với sự chấp nhận những giới hạn của các ngài.[1]

Thảo kính cha mẹ: Các ngài đã cho chúng ta sự sống! Nếu anh chị em đã xa lánh cha mẹ, hãy cố gắng quay trở về, hãy quay trở về cùng các ngài, có thể họ đã già lắm rồi … Họ đã cho anh chị em sự sống. Và còn nữa, trong chúng ta có thói quen nói những điều rất tệ, kể cả sử dụng ngôn ngữ không đẹp … Xin đừng bao giờ, đừng bao giờ mắng nhiếc cha mẹ của người khác. Đừng bao giờ! Đừng bao giờ mắc nhiếc mẹ mình; đừng bao giờ mắng nhiếc cha mình. Xin đừng bao giờ! Đừng bao giờ! Từ hôm nay anh chị em hãy dứt khoát quyết định trong lòng: Từ nay trở đi tôi không bao giờ mắng nhiếc mẹ hoặc cha của người khác. Họ đã trao tặng sự sống cho người đó! Đừng nhiếc móc họ.

Sự sống tuyệt vời này được trao tặng cho chúng ta, không phải là áp đặt: được tái sinh trong Đức Kitô là một ơn sủng đón nhận một cách nhưng không (x. Ga 1:11-13), và đó là kho báu của Bí tích Rửa tội, mà nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, chúng ta chỉ có một Cha, Đấng ngự trên Trời (x. Mt 23:9; 1 Cr 8:6; Eph 4:6). Cảm ơn anh chị em!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

[1] Cf. St. Augustine, Discourse on Matthew, 72, A, 4: “Therefore, Christ teaches you to reject your parents and at the same time to love them. Well, ordinarily parents are loved with a spirit of faith when they are not preferred to God: Whoever loves — these are the Lord’s words — father and mother more than Me, is not worthy of Me. With these words it seems almost as though He admonishes one not to love them; rather, on the contrary, He admonishes one to love them. In fact, He could have said: Whoever loves father or mother is not worthy of Me.” But He did not say that, so as not to speak against the law given by Him, because it was He who gave, through his servant Moses, the law where it is written: honor your father and your mother. He did not promulgate a contrary law but confirmed it; He then showed one the order; He did not eliminate the duty of love for parents: Whoever loves father and mother but more than Me. Therefore, one must love them but not more than Me: God is God, man is man. Love parents, obey parents, honor parents, but if God calls one to a more important mission, in which affection for parents could be an impediment, keep the order, do not eliminate charity.”

[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/9/2018]