Giáo lý Phúc Âm Chúa Nhật Phục Sinh, C | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

315

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Sách Tông Đồ Công Vụ 10, 34, 37-43;
Thư Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Colossê 3,1-4
và Phúc Âm Gioan 20. 1-18

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng : theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. Sau đó, các môn đệ lại trở về nhà. Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà : “Này bà, sao bà khóc ?” Bà thưa : “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu !”  Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su nói với bà : “Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói : “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đức Giê-su gọi bà : “Ma-ri-a !” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri : “Ráp-bu-ni !” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). Đức Giê-su bảo : “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : ‘ Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em ‘.” Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ : “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. Ðó là lời Chúa.

Diễn ý: 

Ma-ri-a, ngày đầu tuần,
Ra thăm mộ Chúa, lòng thuần nhớ thương.
Tảng đá to lớn vô phương!
Lăn ra bên cạnh! phô trương điều gì?

Quay về thông báo tức thì:
“Người ta lấy xác Thầy đi mất rồi”
Phê-rô lòng dạ bồi hồi,
Rủ Gioan ra mộ xem coi thế nào?

Đến mộ, Phê-rô, bước vào:
Khăn liệm còn đó xác nào thấy đâu?
Gio-an đã tới trước lâu,
Vào thấy mồ trống, nhớ câu Thầy truyền:

“Thầy phải đau khổ buồn phiền,
Chết, chôn, sống lại! Nắm quyền Cứu Tinh”.
Sống là tin Chúa Phục Sinh,
Chết là tiếp nối phúc vinh thiên đàng. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

  • Chúa đã sống lại ngoài ức đoán của con người: Thấy mồ trống, Bà Maria Madalêna nghĩ là người ta trộm xác Chúa. Thấy Chúa Giêsu sống lại, bà nghĩ là người làm vườn.
  • Chúa  đã sống lại thật: Hiện tượng mồ trống: Khối đá lấp cửa mồ đã lăn sang một bên; Xác Chúa Giêsu không còn trong mộ, khăn liệm vải liệm xếp gọn ghẻ sang bên.
  • Chúa phục sinh hiện ra cho Maria Madalêna và bảo bà đi loan báo tin Chúa Phục Sinh cho các môn đệ Chúa.  

II. Diễn giải liên quan Phúc Âm:    

Chúa Giêsu ở trong mộ đá bao lâu? Không tìm thấy một thống nhất trong các tường thuật của Phúc Âm? 

Các Phúc Âm Matthêô 28, 1; Matcô 16, 2; Luca 24,1 và Gioan 20,1 đều thống nhất một diểm là: Việc khám phá mồ trống xảy ra vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, tức sáng sớm Chúa Nhật bây giờ. Cách hiểu thông thường: Chúa sống lại vào rạng sáng Chúa nhật.

Như  vậy Chúa Giêsu ở trong mồ độ chỉ dài chừng 36 tiếng đồng hồ tức chỉ có 1 ngày rưởi chứ nào có được ba ngày tức 72 tiếng đồng hồ như Chúa nói trong Matthêô 12:40 khi so sánh Chúa bị chôn trong mồ như Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm? Nếu tính đủ trọn ba ngày, tức 72 tiếng đồng hồ thì Chúa phải chết vào chiều ngày Thứ Tư, hay sáng sớm Thứ Năm chứ không thể chiều Thứ Sáu được.

Nếu chúng ta đọc các sách Tân Ước như Phúc Âm Matthêô 16:21; 17:23; 20:19; 26:61; 27:40, 64; Matcô 9:31; 10:34; 14:58; 15:29; Luca 9:22; 13:32; 18:33; 24:7, 21, 46; Gioan 2:19, 20; Tông Đồ Công Vụ 10:40; Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô gửi Côrintô 15:4. Chúng ta sẽ không thấy nói là: bị giết chết, chôn trong mồ trọn ba ngày rồi sống lại, nhưng tất cả đều nói là “Ngày Thứ Ba, Ngài sẽ sống lại”.

Như vậy Chúa sống lại đúng như lời Ngài tiên báo:

Chúa chết vào ba giờ chiều ngày Thứ Sáu, coi như  là ngày thứ nhất. Người ta vội vả chôn cất Chúa cho xong trước khi ngày Vượt Qua, tức ngày Sabbath bắt đầu lúc sáu giờ chiều.

Chúa trong mộ suốt ngày Thứ Bảy, coi như ngày thứ hai Chúa chết.

Ngày thứ nhất trong tuần, tức ngày Chúa Nhật, ngày thứ ba sau khi Chúa chết, Chúa đã sống lại vinh quang.

Cách giải thích khác.

Trong Matthêô 12:40 Chúa chỉ có ý so sánh Chúa  ở trong mồ, giống như Giôna trong bụng cá. Giôna là hình ảnh tiền trưng của Chúa Giêsu, để diễn tả việc Chúa chết, chôn trong mồ và sống lại. Chúa so sánh là so sánh sự kiện xảy ra, chứ không phải so sánh thời gian xảy ra của hai sự kiện. Hơn nữa chúng ta được cứu độ nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa. Chuyện Chúa Giêsu bị chôn trong mồ hai ngày, ba ngày hay 1 năm không là yếu tố quan trọng của ơn cứu độ.

Làm sao chứng minh Chúa đã sống lại cho người không tin hay kém tin?

Không khó lắm khi chứng minh cho người đã có đức tin hay có cảm tình với người có đạo về việc Chúa Phục Sinh. Với những người nầy, chúng ta chỉ cần minh chứng Chúa đã sống lại thật với hai lý do:

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, các phụ nữ khám phá ra mồ trống, khăn liệm và vải liệm xếp gọn ghẽ. Có hai thiên thần trong mộ và bảo là “Ngài không còn đây, Ngài đã sống lại”. Tất cả các Phúc âm đều có tường thuật Chúa Phục Sinh vào “ngày Thứ Nhất trong tuần” nầy.

Chúa Phục Sinh đã hiện ra cho các môn đệ và cho rất nhiều người. Các Phúc Âm đều tường thuật về Chúa Phục Sinh xuất hiện cho Bà Maria Mađalênna, cho hai môn đệ đi về làng Êmau, cho các tông trong căn phòng đóng kín cửa, lần đầu vắng Tôma, lần sau có Tôma, rồi trên bãi biển có cả bếp và than hồng để nướng cá. Đặc biệt, trong Thư Thứ I gửi Giáo Đoàn Côrintô 15:4-8 cũng như trong Tông Đồ Công Vụ 1:22, Phaolô xác tín là Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra cho Phêrô, cho các tông đồ và có lúc cho cả đám đông 500 người và cho cả chính bản thân Ông.

Hai viện dẫn trên đều đặt nền trên Kinh Thánh thuần tuý. Nhưng nếu có người yêu cầu bằng chứng từ lịch sử dân sự, chúng ta sẽ trả lời thế nào?

Có  một sử gia người Do Thái nổi tiếng thời bấy giờ tên Flavius Josephus,  sống sau Chúa Giêsu từ năm 37-100 có minh định trong Jewish Antiquities quyển 18 chương 3 rằng: Dưới thời hoàng đế Roma tên Cêsar, tổng trấn Phongxiô Philatô ở Do Thái, người Do Thái thù ghét một người khôn ngoan, nỗi tiếng trong dân mang tên Giêsu. Họ đã làm áp lực buộc Philatô hành hình, đóng đinh giết chết tên Giêsu. Sau đó Ông sống lại và hiện ra cho các môn đệ. Môn đệ Ông Giêsu đi khắp nơi rao truyền về tên Giêsu, đã chết và sống lại.

Thứ  đến là lời giảng dạy và làm chứng của các tồng đồ:

Các Tông Đồ giảng về Ông Giêsu đã chết và đã sống lại, Tông Đồ Công Vụ 2:41.

Phêrô  và Gioan làm phép lạ nhân danh Đức Giêsu đã chết và sống lại, Tông Đồ Công Vụ 3,11

Trong Tông Đồ Công Vụ 4:20 tường thuật việc các tông đồ không còn sợ giới cầm quyền Do Thái như  trước nữa. Các Ngài hiên ngang tuyên bố: phải nghe lời Thiên Chúa hơn là giới lãnh đạo Do Thái.

Tất cả các Tông Đồ bị bắt bớ và bị  giết chết vì đã rao giảng Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại. Nếu đó không là chuyện có thật, ai dám chết cho chuyện gian dối hay bịa  đặt? Nếu đó là chuyện gian dối hay bịa đặt, làm sao có thể giữ kín trong suốt hơn hai ngàn năm qua?

III. Thực hành Phúc Âm

Chúa Giêsu Phục Sinh vinh quang, Ngài chiến thắng kẻ thù.

Bàì hát tên “Từ trên ghềnh đá” (Philatô đặt Chúa trên bục đá cao được gọi là Gabbatha) cảm hứng từ phiên toà xử Chúa vào sáng Thứ Sáu trong sân dinh tổng trấn Philatô, có điệp khúc như sau:

Từ  trên nền đá. Chúa đã nhìn thấy. Nhìn thấy  đám dân kêu la. Chúa đã nhìn thấy. Nhìn thầy có con đàng xa. Và khi trông xuống chắc Chúa buồn lắm. Vì thấy đám dân vô ơn. Thế mà Chúa còn muốn thứ tha nhiều hơn.

Kẻ thù của Chúa là Satan, là tử thần, là những người đã âm mưu giết Chúa. Những người đã hò hét “tha Baraba cho chúng tôi! Đóng đinh nó vào thập giá! Đóng đinh nó vào thập giá!” Họ đã thành công, họ đã thở phào nhẹ nhõm, vì Chúa đã bị giết chết.

Nhưng Chúa Phục sinh chiến thắng vinh quang. Không vì Chúa sát phạt hay trả thù được kẻ giết mình. Nhưng vi “Chúa còn muốn thứ tha nhiều hơn!” Chúa chiến thắng vi Chúa không còn kẻ thù. Không ai chết cả nhưng tất cả đã được tha thứ và thành bạn của Chúa. Chúa thu phục cả thế giới thành một gia đình có Chúa là Cha và mọi người là anh em.

Thường người ta hiểu: Chiến thắng có nghĩa là đánh bại kẻ thù hay tiêu diệt kẻ thù. Không bao giờ thành công! Giết chết kẻ thù, nhưng còn bạn bè, dòng họ, con cháu của kẻ thù… Chúa đã chọn cách chiến thắng hay nhất: Biến thù thành bạn. Người ta có thề thù ghét mọi người trừ người thương mình.

Hãy sống như người chiến thắng: Làm bạn với tất cả mọi người hay giao tiếp được với tất cả mọi người. Cuộc đời thật ý nghĩa và thú vị khi có nhiều bè bạn.

Chứng nhân Phục Sinh: An vui

Tôi muốn nói đến niềm vui và sự bình an tâm hồn trong cuộc sống.

Trong lần tham dự Đại Hội Thánh Thể lần thứ  49 được tổ chức ở Québec tháng 6 năm 2008. Chúng tôi có dịp đi thăm những nữ tu ở các đan viện Cát Minh, tức dòng kín ở Danville và Dolbeau-Mistassini. Những nữ tu nầy không còn trẻ, tuổi đời tất cả đã khá cao. Họ đã sống âm thầm nhiều chục năm qua trong tu viện.

Chúng tôi, quen lối sống giao tế xã hội ngoài đời, nghĩ rằng: Những nữ tu nầy chắc buồn chết đi được. Cả ngày không thấy một bóng người qua lại. Những chuyện thường nhật thật buồn tẻ: kinh nguyện nhiều lần trong ngày, rồi thánh lễ, rồi phục vụ chăm sóc người già, người bệnh hay làm những thủ công như thêu đan, khâu vá…

Nhưng không ngờ khi gặp được những nữ tu nầy. Chúng tôi thấy các nữ tu còn yêu đời, vui vẻ, lanh lợi và bình an hơn chúng tôi nhiều. Lý do: Họ hoàn toàn phó thác cuộc đời trong tay Chúa quan phòng, không bon chen, không nói đến chuyện tiến bạc hay giàu nghèo, không tích góp tư lợi hay của cải vật chất… Thật hạnh phúc và bình an. Tôi đã nhận thấy rõ ràng điều đó nơi các nữ tu Cát Minh. Tôi đã cầu cho mình có được niềm vui và bình an như các nữ tu.

Làm sao để có đời sống thật vui vẻ và tâm hồn bình an? Chỉ cần làm những điều các nữ tu dòng kín đang làm:

  • Cầu nguyện nhiều hơn.
  • Trao tất cả vào tay Chúa quan phòng.
  • Dẹp bỏ những bon chen, giành giật hay tranh chấp quyền hành, ảnh hưởng và tiếng khen.
  • Sống yêu thương, bác ái với mọi người và với hy vọng ngày mai sẽ phục sinh.