Đức Thánh Cha nói về “Kinh Lạy Cha” trong Nhà thờ Chính tòa Cứu độ Chính thống giáo ở Bucharest

1106
https://lh5.googleusercontent.com/Q97EEtm3is97vJ8c9oj95I7uMzKDEsJA2V1Moyk7jw1qUyCdFYXOvO7wTgXyg3HvilyPSRmjBtPCoLapOdTvqAHJ5z1BcoMJUT56ONiB2E8bN8SBOosfE6WkK55ygOeBMj9e781f
Vatican Media Screenshot

Đức Thánh Cha nói về ‘Kinh Lạy Cha’ trong Nhà thờ Chính tòa Cứu độ Chính thống giáo ở Bucharest

‘Hôm nay bên cạnh nhau trong trung tâm của đất nước này, chúng ta dâng lên Lời Cầu nguyện của Chúa.’

31 tháng Năm, 2019 17:20
JIM FAIR

“Mỗi khi chúng ta đọc ‘Kinh Lạy Cha chúng con,’ chúng ta tuyên bố rằng chữ Cha không đứng riêng biệt một mình, tách ra khỏi chữ của chúng con. Được hiệp nhất trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, chúng ta cũng được hiệp nhất với trải nghiệm của tình yêu và sự can thiệp của Ngài, điều thúc giục chúng ta nói rằng: ‘Cha của tôi cũng là Cha của anh em, Thiên Chúa của tôi cũng là Thiên Chúa của anh em’ (x. Ga 20:17),” Đức Thánh Cha Phanxico công bố điều này ngày 31 tháng Năm, 2019, trong một nghi thức đặc biệt trong tân Nhà thờ Chính tòa Cứu độ Chính thống giáo của người Bucharest. “Hôm nay bên cạnh nhau trong trung tâm của đất nước này, chúng ta dâng lên Lời Cầu nguyện của Chúa.”

Sau bài diễn từ, những người trong nhà thờ đọc Kinh Lạy Cha bằng tiếng La-tinh và tiếng Romania, được ngắt quãng bởi phần thể hiện những bài hát Phục sinh Công giáo và các bài hát Phục sinh Chính thống giáo. Sau bài hát cuối cùng, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến nhiều nhà chức trách quốc gia. Đức Thánh Cha thực hiện chuyến tông du đến Romania từ 31 tháng Năm đến 2 tháng Sáu.

Ngày 22 tháng Năm, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico kết thúc loạt giáo lý trong những Buổi Tiếp Kiến Chung thứ Tư hàng tuần của ngài về “Kinh Lạy Cha.” Ngài xây dựng các chủ điểm của các bài giáo huấn trong phần diễn từ ở Bucharest:

  • Dâng lên Cha, Đấng ngự trên trời, một nước trời ôm lấy tất cả và từ đó Người làm cho mặt trời mọc lên soi sáng trên người tốt cũng như kẻ xấu, trên người công chính cũng như kẻ bất chính (x. Mt 5:45), chúng con khẩn xin được ơn hòa bình và hòa hợp ở đây trên trái đất này mà chúng con đã không duy trì được.
  • Cùng với họ, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, đưa điều này vào trung tâm của mọi việc chúng con làm. Lạy Chúa, xin cho danh Người, không phải danh của chúng con, trở thành điều thúc đẩy và làm chúng con tỉnh thức trong việc thực hành bác ái.
  • Chúng con chờ đợi trong niềm hy vọng nước Cha trị đến.
  • Xin ý Cha được thể hiện, không theo ý chúng con.
  • Hàng ngày chúng con cần Người, lương thực hàng ngày của chúng con. Người là bánh hằng sống (x. Ga 6:35.48) làm cho chúng con nhận biết rằng chúng con là những người con trai con gái được yêu thương, và làm cho chúng con cảm nhận mình không còn bị cô lập và mồ côi.
  • Mỗi khi chúng con cầu nguyện, chúng con xin rằng những lỗi phạm, những món nợ của chúng con, được tha.
  • Và khi sự dữ ẩn nấp ở cửa ngõ tâm hồn chúng con (x. St 4:7) làm cho chúng con muốn khóa chặt mình; khi chúng con cảm nhận mạnh mẽ cám dỗ muốn quay lưng lại với người khác, xin hãy lại giúp chúng con, lạy Cha, vì bản chất của tội là quay lưng lại với Người và với tha nhân.

***

Dưới đây là toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa Đức Thượng phụ hiền huynh, thưa anh chị em,

Tôi vô cùng cảm kích và xúc động được ở trong đền thánh này là nơi đưa chúng ta đến với nhau trong sự hiệp nhất. Chúa Giê-su kêu gọi anh em An-rê và Phê-rô bỏ lại lưới của họ và trở thành những ngư phủ chài lưới người (x. Mc 1:16- 17). Tiếng gọi một người anh em đã không trọn vẹn nếu không có tiếng gọi người kia. Hôm nay bên cạnh nhau trong trung tâm của đất nước này, chúng ta dâng lên Lời Cầu nguyện của Chúa. Lời cầu nguyện có chứa đựng lời hứa chắc chắn của Chúa Giê-su cho các môn đệ của Người: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14:18) và trao cho chúng ta sự vững tin để lãnh nhận và chào đón món quà của những người anh chị em của chúng ta. Vì vậy, tôi muốn chia sẻ một vài suy nghĩ chuẩn bị cho lời cầu nguyện này, trong đó tôi sẽ nói về hành trình huynh đệ của chúng ta và với ý cầu nguyện rằng Romania luôn có thể là ngôi nhà cho mọi người, là vùng đất của sự gặp gỡ, là khu vườn nơi sự hòa giải và hiệp nhất phát triển.

https://lh6.googleusercontent.com/nsNu0wG9EZiEy8ka1BzXIMpfWJvZOrPSFZlB3IWeJMNb8bofAuMMX9gY0SQ80KN6ddZ_hdmIZdJ0dyREO9F_mCGc3Ra_BkOhLscS7hrS5UQ1vIt2-f5TVe49Yi13KF1HhV1MLHUw

Mỗi khi chúng ta đọc “Kinh Lạy Cha chúng con,” chúng ta tuyên bố rằng chữ Cha không đứng riêng biệt một mình, tách ra khỏi chữ của chúng con. Được hiệp nhất trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, chúng ta cũng được hiệp nhất với trải nghiệm của tình yêu và sự can thiệp của Ngài, điều thúc giục chúng ta nói rằng: “Cha của tôi cũng là Cha của anh em, Thiên Chúa của tôi cũng là Thiên Chúa của anh em” (x. Ga 20:17). Chúng ta được mời gọi chuyển chữ của tôi thành của chúng tôi, và chữ của chúng tôi trở thành một lời cầu nguyện. Lạy Cha, xin giúp chúng con đón nhận đời sống của những người anh chị em chúng con một cách nghiêm túc, biến lịch sử của họ thành lịch sử của chúng con. Xin giúp chúng con không xét đoán anh em chị em của chúng con vì những hành động và giới hạn của họ, nhưng trên hết là chào đón họ như người con trai hoặc con gái của Chúa. Xin giúp chúng con vượt qua cám dỗ muốn hành động như người anh kia, là người quá quan tâm đến bản thân đến nỗi quên đi món quà của người khác (x. Lc 15:25-32).

Dâng lên Cha, Đấng ngự trên trời, một nước trời ôm lấy tất cả và từ đó Người làm cho mặt trời mọc lên soi sáng trên người tốt cũng như kẻ xấu, trên người công chính cũng như kẻ bất chính (x. Mt 5:45), chúng con khẩn xin được ơn hòa bình và hòa hợp ở đây trên trái đất này mà chúng con đã không duy trì được. Chúng con kêu xin điều này nhờ sự can thiệp của tất cả những người anh chị em trong đức tin của chúng con là những người cư ngụ trong Ngài ở trên thiên quốc sau khi đã tin tưởng, đã yêu thương và chịu đau khổ thật nhiều, thậm chí trong thời đại của chúng con hôm nay, chỉ đơn giản vì họ là người Ki-tô hữu.

Cùng với họ, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, đưa điều này vào trung tâm của mọi việc chúng con làm. Lạy Chúa, xin cho danh Người, không phải danh của chúng con, trở thành điều thúc đẩy và làm chúng con tỉnh thức trong việc thực hành bác ái. Không biết bao nhiêu lần cầu nguyện chúng con chỉ giới hạn mình trong việc xin những ơn và đưa ra những đòi hỏi, nhưng lại quên rằng điều đầu tiên chúng con phải làm là ca khen danh Người, tôn thờ Người, và sau đó là chân nhận một hình ảnh sống động của Người trong người anh em hoặc chị em mà Người đặt bên cạnh chúng con. Ở giữa tất cả những điều chóng qua đó mà chúng con bám chặt vào, lạy Cha, xin giúp chúng con biết tìm kiếm điều tồn tại thật sự: là sự hiện hữu của Người và của người anh chị em chúng con.

Chúng con chờ đợi trong niềm hy vọng nước Cha trị đến. Chúng con cầu xin điều này và chúng con mong mỏi nó vì chúng con thấy rằng những công cuộc của trần gian này không thực hiện vì nó, chúng được tổ chức xoay quanh đồng tiền, xoay quanh những ích lợi cá nhân, và quyền lực. Chúng con quá chìm đắm trong chủ nghĩa hưởng thụ quay cuồng cám dỗ chúng con bằng thực tại hào nhoáng nhưng chóng qua, lạy Cha, chúng con xin Người giúp chúng con tin tưởng vào những gì chúng con cầu xin: từ bỏ sự an toàn quyền lực, sự quyến rũ dối trá của trần gian, tính kiêu căng hão huyền về sự dư dật, thói giả hình chú trọng đến những hình thức bên ngoài. Bằng cách này, chúng con sẽ không xem nhẹ Vương quốc mà Người mời gọi chúng con.

Xin ý Cha được thể hiện, không theo ý chúng con. “Ý của Chúa là tất cả đều được giải thoát” (THÁNH GIOAN CASSIAN, Spiritual Conferences, IX, 20). Lạy Cha, chúng con cần mở rộng những chân trời vì sợ rằng chúng con đưa những giới hạn của chúng con vào trong ý định thương xót, cứu độ của Người mong muốn ôm lấy tất cả mọi người. Lạy Cha, xin giúp chúng con bằng cách gửi đến cho chúng con Thánh Thánh, như trong Lễ Ngũ tuần, là nguồn mạch của lòng can đảm và niềm vui, để thúc giục chúng con rao giảng tin vui của Tin mừng vượt ra ngoài phạm vi của những cộng đồng, những ngôn ngữ, văn hóa và dân tộc mà chúng con thuộc về.

Hàng ngày chúng con cần Người, lương thực hàng ngày của chúng con. Người là bánh hằng sống (x. Ga 6:35.48) làm cho chúng con nhận biết rằng chúng con là những người con trai con gái được yêu thương, và làm cho chúng con cảm nhận mình không còn bị cô lập và mồ côi. Người là bánh phục vụ, được bẻ ra để phục vụ chúng con, và về phần chúng con cũng được yêu cầu phải phục vụ nhau (x. Ga 13:14). Lạy Cha, như Người ban cho chúng con lương thực hàng ngày, xin hãy làm chúng con vững mạnh để bước ra và phục vụ anh chị em của chúng con. Và khi chúng con xin Người ban cho chúng con lương thực hàng ngày, chúng con cũng xin được lương thực ghi nhớ, ơn biết nuôi dưỡng những gốc rễ chung của bản sắc Ki-tô giáo của chúng con, tuyệt đối cần thiết trong một thời đại khi mà con người, và đặc biệt là người trẻ, có chiều hướng đánh mất cội rễ giữa những bấp bênh của cuộc sống, và không đủ khả năng để xây dựng đời sống của họ trên nền tảng vững chắc. Lương thực mà chúng con xin bắt đầu bằng một hạt giống phát triển dần dần thành một bông lúa, rồi sau đó được thu hoạch và cuối cùng được đem đến bàn ăn của chúng con. Ước mong rằng nó sẽ tạo cảm hứng cho chúng con để trở thành những người kiên trì gieo trồng sự hiệp nhất, không mệt mỏi trong việc gieo những hạt giống hiệp nhất, thúc đẩy thiện ích, làm việc miệt mài bên cạnh những người anh em chị em chúng con, không nghi ngờ hay e ngại, không gây áp lực hoặc bắt buộc đồng nhất, trong niềm vui huynh đệ của một sự đa dạng hòa hợp.

Lương thực mà chúng con xin hôm nay cũng là lương thực mà quá nhiều người ngày nay đang thiếu, trong khi một số ít người lại có quá nhiều hơn mức cần thiết. Lạy Cha, Kinh Lạy Cha là một lời cầu nguyện làm cho chúng con phải suy nghĩ và lên tiếng phản đối chống lại nạn đói tình yêu trong thời đại chúng con, chống lại cá nhân chủ nghĩa và sự thờ ơ xúc phạm đến danh Người. Xin giúp chúng con cảm thấy cái đói muốn cho đi một cách nhưng không bản thân mình. Khi chúng con cầu nguyện, xin nhắc chúng con nhớ rằng cuộc sống không phải là để giữ cho bản thân mình được tiện nghi ấm cúng, nhưng là để cho bản thân được bẻ ra; không phải là thu vén nhưng là chia sẻ; không phải là ăn thỏa mãn cái bụng nhưng là cho người khác ăn. Sự thịnh vượng là thịnh vượng chỉ khi nó ôm lấy tất cả mọi người.

Mỗi khi chúng con cầu nguyện, chúng con xin rằng những lỗi phạm, những món nợ của chúng con, được tha. Việc này đòi phải có lòng can đảm, vì nó có nghĩa rằng chúng con phải tha thứ những sự xúc phạm của người khác, những món nợ người khác đã mắc với chúng con. Chúng con phải tìm được sức mạnh để hết lòng tha thứ cho người anh em hoặc chị em của chúng con (x. Mt 18:35), lạy Cha, cũng như Người tha thứ cho những lỗi phạm của chúng con: xin giúp chúng con bỏ quá khứ lại đằng sau và cùng nhau ôm lấy hiện tại. Lạy Cha, xin giúp chúng con không đầu hàng trước nỗi sợ hãi, không nhìn thấy sự cởi mở như là một mối đe dọa, tìm được sức mạnh để tha thứ cho nhau và tiến tới, và lòng can đảm không an nhàn trong một đời sống tĩnh lặng nhưng là luôn tìm kiếm khuôn mặt của những người anh chị em của chúng con với sự minh bạch và chân thành.

Và khi sự dữ ẩn nấp ở cửa ngõ tâm hồn chúng con (x. St 4:7) làm cho chúng con muốn khóa chặt mình; khi chúng con cảm nhận mạnh mẽ cám dỗ muốn quay lưng lại với người khác, xin hãy lại giúp chúng con, lạy Cha, vì bản chất của tội là quay lưng lại với Người và với tha nhân. Xin giúp chúng con nhận ra nơi mỗi người anh chị em của chúng con một nguồn mạch hỗ trợ trên hành trình chung về với Người. Xin truyền cảm hứng cho chúng con có lòng can đảm để cùng nhau thưa lên: Lạy Cha chúng con. Amen.

Và giờ đây, chúng ta cùng đọc lời cầu nguyện Chúa đã dạy chúng ta.

[00954-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/6/2019]