Đức: Không có lòng thương xót cho Đức Bênêđíctô XVI

788

by Phanxicovn

Hình ảnh Đức Bênêđíctô XVI bị rung chuyển ở Đức | wikimedia commons Mario Becker CC-BY-SA-2.0

cath.ch, Maurice Page, 2022-02-10

Đây có phải là một động lực giải phóng hay đúng hơn là một cú giáng mới cho các nạn nhân của lạm dụng tình dục? Bức thư tuyên bố của giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã khơi dậy nhiều chỉ trích nhất là ở Đức. Các nạn nhân nói họ thất vọng và bị xúc phạm nặng.

Hãng tin Công giáo KNA ghi nhận: Tại Đức, thư của giáo hoàng danh dự Bênêđíctô liên quan đến báo cáo về lạm dụng tình dục ở Munich đã gây ra nhiều phản ứng rất đa dạng. Trong khi Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Đức giám mục Georg Bätzing và Hồng y Reinhard Marx bày tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng, thì những người khác tỏ ra nghi ngờ hơn.

Giám mục Franz-Josef Overbeck, giáo phận Essen, lo ngại những lời này “chẳng giúp ích được gì nhiều cho những người bị ảnh hưởng trong tiến trình tái xây dựng của họ. Họ thất vọng và đôi khi phẫn nộ”. Nhưng quan điểm của họ lại có “trọng lượng” trong việc làm sáng tỏ các vụ bê bối lạm dụng.

“Không đủ”

Bà Irme Stetter-Karp, chủ tịch Ủy ban Trung ương người Công giáo Đức (ZdK) cho rằng lời xin lỗi của Đức Bênêđíctô là chưa đủ. Nó vẫn còn “chung chung” và “thiếu đồng cảm với nạn nhân”.

Linh mục Dòng Tên Hans Zollner, chuyên gia bảo vệ trẻ vị thành niên của Vatican trả lời hãng tin KNA, theo linh mục thì quan điểm này chắc chắn là rất cá nhân, nhưng quá chung chung. Thay vì “đề cao tính cách thần học” trong các tuyên bố, ngài nên nói cụ thể về thời gian ngài là Tổng giám mục giáo phận Munich-Freising.

Ngoài ra, ngài hẳn đã chọn sai thứ trật người nhận: Nếu trước hết ngài bày tỏ lời thú nhận của mình với những người có liên quan và chỉ sau đó là lời cảm ơn đến các người bạn của ngài, bức thư của ngài chắc chắn sẽ được tiếp nhận nhiều hơn. Ở Ý, bức thư thường được đọc như lời nhận tội đầy ấn tượng, cuối cùng và trên hết vẫn là các nạn nhân, phải thấy họ đánh giá bức thư này như thế nào.

Sự phẫn nộ và thất vọng của các nạn nhân

Đa số các nạn nhân bị lạm dụng phản ứng thất vọng với bức thư này. Ông Richard Kick, phát ngôn viên của Hội đồng các nạn nhân của giáo phận Munich xem bức thư “thực sự không biết gọi là gì” và ít cảm thông. Theo ông, cựu giáo hoàng chỉ biết quan điểm riêng của ngài.

Bà Doris Reisinger, thần học gia và là nạn nhân của lạm dụng thiêng liêng và tình dục khi còn ở trong một dòng, đã xem bức thư là “sự nhạo báng không đáy đối với những người có liên quan”. Bà chỉ trích các thuật ngữ Đức Bênêđíctô XVI dùng để chỉ Chúa Giêsu là “bạn”, “anh em” và “người bênh vực”. Dưới tai của các nạn nhân, có vẻ như Chúa Giêsu “không đứng về phía họ, nhưng đứng về phía những người đã hành hạ, đã phớt lờ và làm tổn thương họ trong suốt nhiều thập kỷ qua.”

Tổ chức ‘Eckiger Tisch’ xem lời  tuyên bố là bằng chứng mới về “cách nói tương đối hóa thường xuyên của Giáo hội về các vụ lạm dụng”. Thay vì nhận mình chịu trách nhiệm, thì Giáo hội bắt các nạn nhân phải gánh chịu “nếu họ không thể đánh giá đúng những loại tuyên bố này”.

Các công thức thụ động

Các phản hồi của giới truyền thông Đức đa số chỉ trích. Đức Bênêđíctô XVI ẩn mình sau Giáo hội và đằng sau các cố vấn pháp lý của mình cho thấy có thể đọc được những chuyện khác. Ngoài ra, một lần nữa, ngài cho mình là nạn nhân của giới truyền thông trước khi nói đến các nạn nhân bị lạm dụng. Yêu cầu xin lỗi của ngài là “nửa vời” vì ngài vẫn rất mơ hồ về trách nhiệm cá nhân của ngài. Ngoài ra, chính yếu ngài đã chọn các công thức bị động, chẳng hạn như khi ngài viết, “bị kéo vào một lỗi rất lớn” hoặc các tội phạm và các lỗi lầm đã xảy ra.

Nhiều người muốn hủy con người và công trình của Đức Bênêđíctô XVI

Tại Rôma, giám mục Georg Gänswein bảo vệ Đức Bênêđíctô XVI: “Những ai biết ngài đều biết cáo buộc ngài nói dối là vô lý. Phải nhận ra sự khác biệt giữa sai lầm và nói dối.”

Giám mục nhấn mạnh tất cả những gì Đức Benedict XVI đã nói và làm về vấn đề ấu dâm. Ngài là giáo hoàng đầu tiên nhắm đến sự minh bạch trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, có những người muốn phá hủy con người và công trình của ngài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch